Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Giá trị lịch sử của Điều 4 Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

02:19 17/04/2019

     Ngày 1-9-1858 thuyền chiến của Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng đã mở đầu cho cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Kế hoạch của chúng là chiếm nhanh Đà Nẵng làm bàn đạp đánh kinh thành Huế, buộc triều đình đầu hàng. Nhưng kế hoạch đó không thực hiện được. Khi thực dân Pháp chuyển hướng vào Sài Gòn và xâm lược nước ta, chúng đã bị ngăn cản bởi các phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta. Các phong trào yêu nước liên tục nổ ra và lan rộn khắp nơi. Do nhiều nguyên nhân mà các cuộc đấu tranh chống Pháp đều thất bại nên ngày 6-6-1884 triều đình Huế buộc phải ký điều ước Patinốt. Đến đây nhà nước phong kiến mà đại diện là triều đại nhà Nguyễn đã đầu hàng hoàn toàn thực dân Pháp xâm lược.
 

     Ngay từ khi Pháp đặt chân lên nước ta, chúng đã gặp ngay sự kháng cự mạnh mẽ của nhân dân. Với lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân cả nước vùng lên chống thực dân Pháp xâm lược với các phong trào yêu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, tư tưởng dân chủ tư sản với hàng trăm cuộc đấu tranh của nhân dân nổ ra khắp nơi với nhiều quy mơ lớn nhỏ khác nhau. Với sự thất bại của các phong trào yêu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, hệ tư tưởng dân chủ tư sản đã đẩy cách mạng Việt Nam rơi vào khủng hoảng và bế tắc về đường lối cứu nước. Các phong trào tuy đều thất bại, song vẫn có một tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử to lớn. Nó mở đầu cho những phong trào đấu tranh có tổ chức, có lãnh đạo sau này, nó là bước đi trước và sự lựa chọn khắc khe về tư tưởng, thức tỉnh lòng yêu nước và cổ vũ tư tưởng tự do, dân chủ trong quản đại quần chúng, sơ bộ truyền bá sự ảnh hưởng của cách mạng Tháng Mười Nga, tư tưởng XHCN, tư tưởng tạm thời trong nhân dân nói chung, đặc biệt là tầng lớp trí thức tiểu tư sản tiến bộ. Nó tạo điều kiện cho cho các tổ chức chính đảng cách mạng tiến bộ hơn, nối tiếp nhau thành lập và có cơ sở để phát triển ngay trong và sau các phong trào này.
 

     Tháng 6-1925, Nguyễn Ai Quốc thành lập hội Việt Nam Cách Mạng thanh niên để truyền bá trực tiếp tư tưởng Mác-Lênin vào trong nước và cũng là sự chuẩn bị quan trọng về tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng của giai cấp vô sản ở Việt Nam. Hội Việt Nam Cách Mạng thanh niên là tổ chức tiền thân của Đảng. Tại Quảng Châu Nguyễn Ai Quốc đã mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ. Nhiều cán bộ đã được đào tạo huấn luyện trở về nước xây dựng và phát triển phong trào. Trong số các cán bộ được đào tạo ở Quảng Châu, có nhiều đồng chí được chọn đi học trường đại học Phương Đông của quốc tế cộng sản ở liên Xô như Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hà Huy Tập…một số đi học ở trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) Nguyễn Ai Quốc sáng lập tờ báo “Thanh niên” ngày 21-6-1925 là cơ quan tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách Mạng thanh niên.
 

    Đến năm 1929, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng nước ta, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh Niên không còn thích hợp và đủ sức lãnh đạo phong trào, cần thiết phải thành lập Đảng Cộng Sản. Việc thành lập Đảng là yêu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam, đồng thời hoàn cảnh lúc đó đã có đủ những điều kiện cần thiết về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Ngày 17-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội) Đông Dương Cộng Sản Đảng được thành lập thông qua Tuyên Ngôn, điều lệ và quyết định xuất bản báo “Búa kiềm”. Trước ảnh hưởng của Đông Dương cộng sản Đảng, kỳ bộ Nam kỳ quyết định thành lập An Nam cộng sản Đảng tháng 11 năm 1929 và xuất bản tờ báo “Đỏ” làm cơ quan ngôn luận. Ngày 1 tháng 1 năm 1930 những đảng viên tiên tiến của Tân Việt đã quyết định thành lập một tổ chức Cộng Sản lấy tên là Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn.
 

     Sự ra đởi của Đông Dương Cộng Sản Đảng,  An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn vào nửa sau 1929 là kết quả tất yếu  của nhu cầu lịch sử, cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp ở nước ta, một sản phẩm chín mùi của sự kết hợp của chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân, phong trào yêu nước ở Việt Nam trong thập kỷ 30, nhất là nửa sau thập kỷ, với những hoạt động chuẩn bị tích cực, toàn diện, có hiệu quả của Nguyễn Ai Quốc ở Quãng Châu (Trung Quốc). Theo chỉ thị của quốc tế Cộng Sản, đồng chí Nguyễn Ai Quốc chịu trách nhiệm thống nhất các tổ chức cộng Sản thành một Đảng duy nhất.  Từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930 tại Hương Cảng (Trung quốc) đã diễn ra hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng Sản ở Việt Nam dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc thành lập một tổ chức duy nhất lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam. Từ khi ra đời đến nay vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam được được khẳng định trong thực tiễn cách mạng Việt Nam như sau:
 

     - Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
 

    - Ðảng Cộng sản Việt Nam là Ðảng duy nhất lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, đưa sự nghiệp đó đến thắng lợi hoàn toàn.
 

     - Ðảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thành công sự nghiệp phát triển đất nước sau ngày 30-4-1975.
 

     Thật vậy, ngay từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 là bước ngoặt lịch sử trong cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối lãnh đạo dẫn đến thất bại nhiều cuộc khởi nghĩa yêu nước trước đó. Đảng ra đời đã mở một trang mới, các cuộc khởi nghĩa những năm đầu thế kỷ XX đã có ngọn cờ lãnh đạo đúng đắn. Sau 15 năm, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm cuộc cách mạng tháng 8.1945 thành công lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - nhà nước công nông đầu tiên ở đông nam châu Á. Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ và xây dựng đất nước non trẻ, với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Bằng chiến dịch mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử,  Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu to lớn đã đạt được trong thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng và hiện nay lãnh đạo đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Thực tế và khái quát sự ra đời, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam càng thấy ý nghĩa to lớn và chứng minh 84 năm qua. Chính vì vị trí, vai trò to lớn của Đảng, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần quy định trong Hiến Pháp về Đảng cộng sản Việt Nam thành một chương riêng và ghi rõ, cụ thể hơn. Do đó việc quy định về Đảng cộng sản Việt Nam tại Điều 4- Chương I là phù hợp với ý Đảng lòng dân.
 

     Đối với việc giảng dạy môn Lịch sử Đảng tôi có thể vận dụng nội dung giá trị lịch sử của điều 4 trong Hiến pháp vào các bài giảng vì Đảng từ khi ra đời đến nay đã lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bất cứ bài nào trong phần môn này cũng có đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng và cũng đều được thực tế lịch sử chứng minh năng lực và khả năng lãnh đạo của Đảng ta. Đảng luôn thể hiện vai trò là trung tâm đoàn kết, là một Đảng lương tâm nhất, trí tuệ nhất của dân tộc.
 

     Như vậy, điều 4 Hiến pháp là tối thượng thể hiện quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Viện Nam với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong thời gian tới, với sự tác động mạnh mẽ của tình hình khu vực và thế giới, ảnh hưởng lớn từ các vấn đề trong nước dự kiến tình hình kinh tế chính trị, xã hội của nước ta sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức mới. Các thế lực thù địch, phản động đang hàng ngày, hàng giờ thực hiện các âm mưu, chiến lược hoạt động “Diễn biến hòa bình”, tiến tới bạo loạn lật đổ, tác động từng bước chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta. Trong đó, mục tiêu hàng đầu của chúng là xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, từ đó lật đổ chế độ XHCN ở nước ta. Chính vì vậy, việc bảo vệ, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trên cả phương diện pháp lí và thực tiễn là rất quan trọng. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là tất yếu của lịch sử./.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Những vấn đề cơ bản về Đảng cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017.
2. PGS. TS. Lê Minh Thông (chủ biên): Cơ sở‎ lý‎ luận về tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.
3. PGS. TS. Trần Đình Hoan (chủ biên): Quan điểm và nguyên tắc đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam giai đoạn 2005 – 2020; Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.
4. Viện Chính trị học: Tập bài giảng Chính trị học (hệ cao cấp lý luận chính trị); Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2009.
5. PGS. TS. Lê Minh Quân (chủ biên): Nhà nước trong hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay; Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.
6. Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng – Lê Duẩn, NXB St, HN1975.
7. Bách khoa toàn thư mở wikipedia: vi.wikipedia.org
8. Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam: www.dangcongsan.vn
9. Bách khoa toàn thư Việt Nam: www.bachkhoatoanthu.gov.vn
10. Website lịch sử Việt Nam: www.lichsuvietnam.vn

ThS. Lê Thị Bích Chi -  Khoa Xây dựng Đảng

 

Responsive image
 

 

các tin khác