Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Toạ đàm khoa học: “Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng hiện nay”

05:22 09/12/2021

Thực hiện Kế hoạch số 30-KH/TCTTĐT của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng về hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2021, chiều ngày 08 tháng 12 năm 2021, Khoa Nhà nước và Pháp luật tổ chức Toạ đàm khoa học cấp Trường với chủ đề: “Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng hiện nay”.

Đến tham dự buổi Tọa đàm có ThS. Nguyễn Thành Nhân - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng; ThS. Đỗ Thanh Nhàn - Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật; ThS. Nguyễn Sơn Hải - Trưởng Khoa Xây dựng Đảng; ThS. Lê Nhung - Trưởng Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học; các thầy, cô của Trường; giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật và đại diện học viên lớp TCLLCT - HC B145.

Ban Tổ chức nhận được 15 bài viết của tác giả, các nhà khoa học và Ban Tổ chức đã chọn 07 bài phát biểu tham luận và có 4 ý kiến thảo luận, trao đổi tại Hội thảo.

Đại biểu, các nhà khoa học tham dự Tọa đàm

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Theo Người, lý luận là sự khái quát kinh nghiệm thực tiễn, là sự tổng hợp các tri thức về tự nhiên, xã hội đã được tích lũy trong quá trình lịch sử, tiêu chuẩn của một lý luận khoa học là nó phản ánh đúng bản chất quy luật của đối tượng nhận thức và phải được khái quát thành một hệ thống bao gồm các khái niệm phạm trù nhất định. Lý luận giữ vai trò định hướng chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người để nhằm đạt được kết quả cao nhất. Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất có tính xã hội - lịch sử của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Thực tiễn có vai trò đặc biệt to lớn đối với lý luận, là cơ sở, điểm xuất phát, là động lực cho sự phát triển của lý luận, đồng thời là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý.

Chủ tọa Tọa đàm

Với vai trò quan trọng của hoạt động nghiên cứu thực tế, nhà Trường luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi nghiên cứu thực tế của giảng viên và học viên nhằm gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy và học tập. Thời gian trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Trường đã tổ chức được một số lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính đi nghiên cứu thực tế ở trong và ngoài tỉnh. Hoạt động nghiên cứu thực tế đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của học viên. Đối với hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên cũng được thực hiện hằng năm ở các địa phương, cơ sở trong tỉnh. Việc triển khai hoạt động nghiên cứu thực tế ở Trường trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ đó, góp phần đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên và học viên ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng trong giai đoạn sắp tới.

Phát biểu kết luận Toạ đàm, ThS. Đỗ Thanh Nhàn - Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật cho rằng: Để nâng cao chất lượng đi nghiên cứu thực tế của giảng viên và học viên trong thời gian tới, cần nâng cao nhận thức tầm quan trọng và đa dạng hóa hơn nữa các phương thức trong hoạt động nghiên cứu thực tế. Thay vì chỉ có một phương thức là nghe báo cáo nghiên cứu thực tế do các địa phương, cơ quan, đơn vị chuẩn bị, qua đó trao dồi làm rõ thêm các vấn đề quan tâm. Bên cạnh đó, giảng viên và học viên khi đi nghiên cứu thực tế có thể được tiến hành theo những phương thức khác nhau như: Nghiên cứu sâu các mô hình, điển hình, tìm hiểu các cách làm hay, làm mới của địa phương, cơ quan, đơn vị. Hay tham dự vào hoạt động chung của địa phương, cơ quan, đơn vị; hoạt động riêng của tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội; tham quan các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tham gia hoạt động văn hóa - xã hội. Đối với việc xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu thực tế các Phòng, Khoa, giảng viên và học viên các lớp phối hợp với Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học dự thảo kế hoạch tổ chức đi nghiên cứu thực tế, trình Ban Giám hiệu phê duyệt trước thời điểm đi nghiên cứu thực tế ít nhất 01 tháng. Kế hoạch xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, địa điểm đi nghiên cứu, công tác tổ chức; Tài chính - Hậu cần và các công tác khác có liên quan. Đối với các khoa chuyên môn, căn cứ vào kế hoạch đi nghiên cứu thực tế đã được phê duyệt, cần chủ động sắp xếp lịch giảng dạy và bố trí giảng viên cho phù hợp, vừa đảm bảo có giảng viên dự phòng cho giảng dạy, vừa có giảng viên đi nghiên cứu thực tế với lớp theo đúng quy định. Làm việc với các địa phương, cơ quan, đơn vị đến nghiên cứu thực tế trước để thống nhất thời gian, địa điểm, nội dung, phương thức và các điều kiện khác có liên quan trước khi giảng viên và học viên đến nghiên cứu thực tế. Trong phạm vi Tọa đàm và trên cơ sở các bài tham luận để nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế của giảng viên và học viên trong thời gian tới Trường cần sáng tạo, linh hoạt có sự đổi mới đa dạng về nội dung, hình thức và nâng cao nhận thức cho giảng viên và học viên nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu thực tế ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng trong thời gian tới. Đồng chí cám ơn các nhà khoa học, các Thầy, Cô và các đồng chí học viên đã dành thời gian quý báu viết bài và đến tham dự, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên và học viên ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng thời gian tới góp phần cho buổi Tọa đàm thành công tốt đẹp./.

các tin khác