10:05 27/07/2020
Sự thất bại của các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, không phải vì Nhân dân Việt Nam thiếu anh dũng, cũng không phải vì các lãnh tụ phong trào kém nhiệt huyết mà do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân thiếu đường lối cách mạng đúng đắn, phương pháp cách mạng không phù hợp với tình thế lúc bấy giờ.
Do nhận thức đúng về sự chuyển biến của thời đại, Hồ Chí Minh đã sớm đến với cánh tả của cách mạng Pháp, gặp được Luận cương của Lênin, tán thành Quốc tế III, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản, nghĩa là cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam phải gắn với cách mạng vô sản trên thế giới. Người viết: “Thời đại của chủ nghĩa tư bản lũng đoạn cũng là thời đại một nhóm nước lớn do bọn tư bản tài chính cầm đầu thống trị các nước phụ thuộc và nửa phụ thuộc, bởi vậy công cuộc giải phóng các nước và dân tộc bị áp bức là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản. Do đó mà trước hết nảy ra khả năng và sự cần thiết phải có liên minh chiến đấu chặt chẽ giữa các dân tộc thuộc địa với giai cấp vô sản của các nước đế quốc để thắng kẻ thù chung”.
Sau khi nắm được đặc điểm và hướng phát triển của thời đại mới, Bác đã hoạt động không mệt mỏi để gắn kết cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Người đã chỉ ra một trong những nguyên nhân gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là sự biệt lập. Người quan niệm rằng: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận cách mệnh trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân tộc An Nam cả”. và cần phải “làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”. Cũng có nhiều nguyên nhân, giai cấp công nhân ở phương Tây lúc đó chưa có hiểu biết đầy đủ và chính xác về vấn đề thuộc địa. Một số lãnh tụ cơ hội của Quốc tế II đã bênh vực chính sách thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Lênin đã kiên quyết đấu tranh chống lại quan điểm sai lầm này. Hồ Chí Minh đã bảo vệ và phát triển quan điểm của Lênin về khả năng to lớn và vai trò chiến lược của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và nửa thuộc địa đối với thắng lợi của cách mạng vô sản: cách mạng vô sản ở phương Tây muốn giành được thắng lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các thuộc địa và các nước bị nô dịch. Chính nhờ nắm bắt được đặc điểm và hướng phát triển của thời đại mà Bác đã xác định chính xác đường lối chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường của cách mạng vô sản. Bác khẳng định rằng: “Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, điều đó chứng minh rằng trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, ở một nước thuộc địa nhỏ, với sự lãnh đạo của giai cấp vô sản và đảng của nó, dựa vào quần chúng nhân dân rộng rãi trước hết là nông dân và đoàn kết được mọi tầng lớp Nhân dân yêu nước trong mặt trận thống nhất, với sự đồng tình và ủng hộ của phong trào cách mạng thế giới, trước hết là của phe xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, nhân dân nước đó nhất định thắng lợi”.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: phải kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Bác là nhà yêu nước chân chính, đã triệt để phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc; đồng thời là nhà quốc tế chủ nghĩa trong sáng. Người đã suốt đời đấu tranh để củng cố và tăng cường tình đoàn kết và hữu nghị giữa Việt Nam và các dân tộc khác đang đấu tranh cho mục tiêu chung: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng: Đảng lấy toàn bộ thực tiễn của mình để chứng minh rằng chủ nghĩa yêu nước triệt để không thể nào tách rời với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tinh thần yêu nước chân chính khác hoàn toàn với tinh thần “vị quốc” của bọn đế quốc phản động. Đó là một bộ phận của tinh thần quốc tế; kẻ thù của các dân tộc và cách mạng thế giới đều hiểu rõ sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Vì vậy, để áp đặt và duy trì được ách thống trị của chúng đối với các thuộc địa, chúng đã ra sức chia rẽ các dân tộc, truyền bá tư tưởng của chủ nghĩa chủng tộc, khuyến khích thói kỳ thị màu da, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan… Bác đã chứng kiến sự thối nát đó của chủ nghĩa thực dân khi còn ở trong nước, kể cả khi đi tìm đường cứu nước, Người cũng đã chứng kiến về sự chan hòa giữa các dân tộc, các chủng tộc khi đến Liên Xô năm 1923. Người rất phấn khởi, khi nhìn thấy ở Trường Đại học phương Đông hình ảnh đại đoàn kết giữa các dân tộc đủ màu da: Rằng đây bốn biển một nhà. Vàng, đen, trắng, đỏ đều là anh em. Bác có nhiều đóng góp lớn vào lý luận Mác-Lênin về kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Luận điểm coi chủ nghĩa đế quốc là “con đỉa hai vòi”, coi liên minh các dân tộc ở phương Đông là một trong những “cái cánh cách mạng vô sản”, khẳng định chủ nghĩa cộng sản có thể áp dụng được ở phương Đông, cách mạnh giải phóng dân tộc ở thuộc địa có thể thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc,… là sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Hồ Chí Minh. Đề cao sự giúp đỡ của quốc tế với cách mạng Việt Nam, Người cũng đã nhấn mạnh trách nhiệm của cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Khi phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có sự chia rẽ, Đảng ta và Bác đã hoạt động không mệt mỏi để góp phần khôi phục sự đoàn kết quốc tế trên cơ sở những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.
Như vậy, theo Người, từ đại đoàn kết dân tộc phải đi đến đại đoàn kết quốc tế; đại đoàn kết dân tộc đúng đắn là cơ sở cho việc thực hiện đoàn kết quốc tế trong sáng. Đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đoàn kết quốc tế cũng là một nhân tố hết sức quan trọng giúp cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản đòi hỏi phải đấu tranh chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, chủ nghĩa sô vanh và mọi thứ chủ nghĩa cơ hội khác. Chúng ta không chỉ chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước mình mà còn vì độc lập, tự do của các nước khác, không chỉ bảo vệ lợi ích sống còn của dân tộc mình mà còn vì những mục tiêu cao cả của thời đại: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Trong mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, Hồ Chí Minh cho rằng: phải dựa vào sức mình là chính, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ, đồng thời không quên nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình. Bác luôn quan tâm đến việc phát huy sức mạnh của dân tộc, coi nguồn lực nội sinh giữ vai trò quyết định, còn nguồn lực ngoại sinh chỉ phát huy được tác dụng thông qua nguồn lực nội sinh. Vì vậy, trong đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh luôn nêu cao khẩu hiệu: “tự lực cánh sinh, dựa vào sức mạnh là chính”, “muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã”. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập. “Tự giải phóng” là tư tưởng, quan điểm lớn, xuyên suốt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong lời kêu gọi gởi tới những người anh, em ở các thuộc địa, Người viết: Anh em phải làm thế nào để được giải phóng? Vận dụng công thức của Mác, chúng tôi xin nói với anh, em rằng, công cuộc giải phóng anh, em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của chính bản thân anh, em. Việc đánh giá cao sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc mà Người đã đưa ra luận điểm: Cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc mà trong điều kiện lịch sử nhất định, có thể và cần thiết phải chủ động tiến hành trước và bằng thắng lợi của cách mạng thuộc địa mà góp phần “giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”.
Hồ Chí Minh cho rằng, muốn tranh thủ được sức mạnh thời đại, ngoài sức mạnh cần thiết bên trong, còn phải có đường lối độc lập tự chủ đúng đắn mới tranh thủ được sức mạnh của thời đại mới. Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh lịch sử phức tạp, đó là sự chia rẽ của hệ thống xã hội chủ nghĩa, của phong trào cách mạng thế giới. Để tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới. Đảng ta và Bác đề ra đường lối kết hợp chặt chẽ mục tiêu của thời đại mới là hoàn bình, độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Nêu cao chủ nghĩa yêu nước kết hợp với chủ nghĩa quốc tế, tranh thủ cao nhất sự ủng hộ, giúp đỡ của loài người tiến bộ, Nhân dân ta cũng phải tích cực thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình. Bác đã nhiều lần nhắc nhở: phải coi cuộc đấu tranh của bạn cũng như cuộc đấu tranh của ta… “Người cùng một hội, một thuyền phải giúp đỡ nhau”. Trong kháng chiến chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, tư tưởng Hồ Chí Minh đã định hướng cho việc hình thành ba tầng Mặt trận: Mặt trận đại đoàn kết dân tộc; Mặt trận đoàn kết Việt Nam, Lào, Campuchia; Mặt trận Nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam chống đế quốc xâm lược. Đây thực sự là sự phát triển rực rỡ nhất và thắng lợi lớn nhất của tư tưởng đại đoàn kết của Bác. Nhờ có sự giúp đỡ của quốc tế, Việt Nam đã giành toàn thắng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, bằng việc đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam đã góp phần quan trọng làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc, từng bước hạn chế và làm thất bại âm mưu gây chiến tranh thế giới của chúng, góp phần cũng cố hòa bình và dân chủ trên thế giới, mở rộng và tăng cường lực lượng cho chủ nghĩa xã hội.
Trong quan hệ đối ngoại, Hồ Chí Minh yêu cầu là phải có quan hệ hữu nghị, hợp tác, sẵn sàng “làm bạn” với tất cả mọi nước dân chủ. Thực hiện quan điểm đối ngoại hòa bình, hữu nghị, Bác đã thể hiện là một nhà ngoại giao mẫu mực, vừa cứng rắn về nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược, “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Phong cách đối ngoại của Bác là phong cách ứng xử văn hóa, mà hạt nhân là ứng xử có lý, có tình. Bác chủ trương giương cao ngọn cờ hòa bình, đoàn kết quốc tế, luôn phân biệt rõ bạn, thù của cách mạng, tỉnh táo với mọi âm mưu xấu xa của các thế lực phản động quốc tế, trân trọng mọi sự giúp đỡ, hợp tác chân thành, nhưng cũng kiên quyết đấu tranh chống sự chia rẽ, xâm lược. Trong việc mở rộng quan hệ với nhân dân các nước, Bác đã ưu tiên cho mối quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Đối với Lào và Campuchia, những nước trên bán đảo Đông Dương, Bác luôn có sự quan tâm đặc biệt, ra sức xây dựng mối đoàn kết về mọi mặt nhằm hình thành liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung. Bác cũng hết sức coi trọng, thiết lập mối quan hệ hữu nghị, láng giềng với các nước khác trong khu vực, dù có chế độ chính trị khác nhau. Những hoạt động ngoại giao không mệt mỏi của Người đã nâng cao địa vị của Việt Nam trên trường quốc tế, trong khối xã hội chủ nghĩa, cũng như trong các nước thuộc thế giới thứ ba. Bác và Đảng ta đã có những đóng góp tích cực, chủ động vào cuộc đấu tranh bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tăng cường hữu nghị giữa các nước, các dân tộc.
Từ khi đất nước thống nhất đến nay, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong xu thế hiện nay là hội nhập quốc tế, hàng loạt vấn đề đặt ra mà chúng ta phải chú ý như sau:
Một là, khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh nội lực, phải xuất phát từ lợi ích của dân tộc, từ việc phát huy nội lực dân tộc mà mở rộng quan hệ hội nhập quốc tế, tranh thủ mọi khả năng có thể được để xây dựng, phát triển đất nước.
Hai là, trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để khơi dậy và phát huy tối đa nội lực, nâng cao ý chí tự cường của dân tộc, trong chính sách đại đoàn kết, phải chú ý phát huy tính năng động của mỗi người, mỗi bộ phận để mọi việc từ lãnh đạo, quản lý đến sản xuất kinh doanh, học tập và lao động đều có năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Đồng thời, phải khắc phục được những tiêu cực của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là tâm lý chạy theo đồng tiền, cạnh tranh không lành mạnh làm phai nhạt lý tưởng cộng sản, truyền thống đoàn kết, tình nghĩa tương thân, tương ái của dân tộc và của Đảng.
Ba là, điều quan trọng để phát huy nội lực dân tộc, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc hiện nay, phải xây dựng cho được hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phải chống các tệ nạn xã hội, nhất là tham nhũng, quan liêu, vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân, làm cho lòng dân không yên; phải tiếp tục đổi mới chính sách giai cấp, chính sách xã hội, đặc biệt là coi trọng việc xây dựng Mặt trận, đổi mới, hoàn thiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách đối với công nhân, với nông dân và tri thức, chính sách đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chính sách đối với các thành phần kinh tế, tập hợp rộng rãi mọi nhân tài, vật lực vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bốn là, trong điều kiện thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại trong xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa kinh tế ngày càng phát triển, đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực dân tộc, đòi hỏi phải củng cố sự đoàn kết với phong trào cách mạng của các nước, đồng thời phải nắm vững phương châm ngoại giao mềm dẻo, có nguyên tắc nhằm thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại hiện nay của Đảng và Nhà nước ta, đó là: Việt Nam muốn là bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong tình hình thế giới hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải có những chủ trương đúng đắn, sáng tạo để nắm bắt cơ hội, vượt qua thử thách, đẩy lùi nguy cơ, để vừa nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, vừa giữ vững bản sắc dân tộc, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để phát huy bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế, lợi ích dân tộc và nghĩa vụ quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải nhất quán coi trọng cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời cách mạng thế giới, tiếp tục đoàn kết, ủng hộ các phong trào cách mạng, các xu hướng và trào lưu tiến bộ của thời đại vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, Đảng, Nhà nước ta nêu cao nguyên tắc độc lập tự chủ, tự lực tự cường, phát huy mạnh mẽ sức mạnh dân tộc-sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh của người làm chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trên cơ sở sức mạnh bên trong mà tranh thủ, tận dụng sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của các lực lượng bên ngoài./.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016
3. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1995.
4. V.I.Lênin: Toàn tập, t.27, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2005.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002.
6. Sđd, t.1.
7. Sđd, t.2.
8. Sđd, t.9.
9. Sđd, t.11.
CN. Đỗ Tiến Khoa - giảng viên Khoa Xây dựng Đảng