07:37 18/08/2023
TS. Hồ Ngọc Trường
Tỉnh uỷ viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng;
ThS. Nguyễn Thành Nhân
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
Tự hào tiếp nối truyền thống
Trường chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy An Giang, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị cấp tỉnh là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường có ảnh hưởng, tác động lớn đến xã hội, đến đời sống Nhân dân.
Cách nay 75 năm, vào giữa năm 1948, Tỉnh ủy Long Châu Hậu quyết định thành lập Trường Văn-Chánh tỉnh Long Châu Hậu. Đây là tên gọi đầu tiên của Trường chính trị Tôn Đức Thắng ngày nay. Từ năm 1948 đến nay, Trường đã qua 8 lần đổi tên và mỗi tên gọi của Trường đều gắn với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng; thể hiện được vị trí, vai trò, ý nghĩa, sự đóng góp của Trường vào thành tựu phát triển chung của tỉnh. Từ tên gọi Trường Văn-Chánh tỉnh Long Châu Hậu (năm 1948), đến trường Phan Đăng Lưu tỉnh Long Châu Hà (năm 1950), trường Đảng tỉnh An Giang (năm 1958), trường Trần Phú tỉnh An Giang (năm 1961), trường Đảng tỉnh Long Châu Hà (năm 1974), trường Chánh trị tỉnh An Giang (năm 1976), trường Đảng tỉnh An Giang (năm 1980), trường Đảng Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang (năm 1985) và từ năm 1995 cho đến nay là trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang. Lịch sử phát triển của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng là lịch sử “trồng người” của những chiến sĩ cộng sản chiến đấu trên mặt trận lý luận chính trị, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh An Giang.
Trãi qua 75 năm hình thành và phát triển, tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất của Trường ngày càng hoàn thiện, khang trang. Nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên và học viên đã cùng nhau vượt qua khó khăn thử thách, đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong công tác mở lớp, giảng dạy, học tập. Chức năng, nhiệm vụ của Trường được mở rộng hơn, bản chất trường Đảng luôn được giữ vững, tăng cường và phát huy, xứng đáng là Trường chính trị mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng- Người Cộng sản mẫu mực, sáng ngời đạo đức cách mạng, hết lòng vì Đảng, vì dân.
(Quang cảnh Tòa nhà thư viện và hội trường 5 tầng)
Nỗ lực phát triển xứng tầm
Để xứng đáng với truyền thống lịch sử 75 năm hình thành và phát triển, xứng tầm với ngôi trường chính trị mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng- Người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự đầu tư và kỳ vọng của Đảng bộ và Nhân dân đối với ngôi trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp tỉnh duy nhất và là trung tâm nghiên cứu khoa học chính trị của tỉnh, thời gian qua, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã có rất nhiều đổi mới, phát triển.
Cơ sở vật chất khang trang. Khuôn viên trường được chỉnh trang ngày càng xanh, sạch, đẹp. Trang thiết bị hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Trường đã và đang được đầu tư cải tạo, xây dựng mới nhiều hạng mục, công trình lớn, xứng tầm với ngôi trường mang tên Bác Tôn như: Giảng đường lớn, ký túc xá 2 tầng, ký túc xá 3 tầng, ký túc xá- nhà khách 5 tầng, tòa nhà hội trường-thư viện 5 tầng, quy hoạch cải tạo khuông viên nhà trường… Có thể nói, với những công trình đã và đang được đầu tư, xây dựng cho trường hôm nay, thì mong ước của nhiều thế hệ thầy cô và học viên của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã dần trở thành hiện thực.
Bộ máy nhà trường được tinh gọn gồm 2 phòng (Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu; Phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học), 3 khoa (Khoa Lý luận cơ sở, Khoa Xây dựng Đảng, Khoa Nhà nước và Pháp luật) với 43 viên chức (34 giảng viên; 9 viên chức hành chính) và Ban Giám hiệu (Hiệu trưởng, 2 Phó Hiệu trưởng). Trình độ, năng lực của viên chức, giảng viên ngày càng được nâng lên, từng bước ngang tầm với nhiệm vụ (về trình độ chuyên môn có 3 tiến sỹ, 29 thạc sỹ, 11 cử nhân, 01 trung cấp; về trình độ chính trị có 02 cử nhân; 20 cao cấp; 8 trung cấp; 5 sơ cấp).
Trường đảm nhận thực hiện đầy đủ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh qui định. Hằng năm, luôn hoàn thành và vượt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức do Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao, với hiệu quả, chất lượng ngày càng được nâng lên. Nghiên cứu khoa học có bước phát triển khá, với nhiều công trình nghiên cứu, hội thảo, toạ đàm cấp bộ, tỉnh, cơ sở và nhiều giáo trình, bản tin, sách lịch sử, sách tham khảo… được biên soạn, biên tập, phát hành, góp phần tham mưu chính sách cho Đảng bộ, chính quyền các cấp và phục vụ tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy và học của Trường.
Với truyền thống Trường Chính trị mang tên Bác Tôn kính yêu, Trường đã biên soạn giáo trình, giảng dạy cho học viên về truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh và những tấm gương đạo đức của Bác Tôn như: yêu nước, thương dân, một lòng một dạ hy sinh vì nước, vì dân; kiên cường, tuyệt đối trung thành, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị; tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo; thực hành tiêu biểu chính sách đại đoàn kết dân tộc… Với mong muốn cán bộ sau khi học tập tại trường sẽ noi gương Bác Tôn, sống và cống hiến hết mình cho cách mạng, hết lòng vì Đảng, vì dân.
Quyết tâm xây dựng trường đạt chuẩn
Nhằm chuẩn hoá, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các hoạt động khác của trường chính trị, ngày 19 tháng 5 năm 2021, Ban Bí thư ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn. Triển khai thực hiện Quy định 11, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Đề án số 04 ngày 22-12-2021 về xây dựng và phát triển Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt các tiêu chí trường chính trị chuẩn. Sau đó UBND tỉnh đã cho chủ trương sẽ tiếp tục dự án đầu tư xây dựng trường giai đoạn 2 với những các hạng mục chủ yếu như: khu hiệu bộ 3 tầng, các khu thể dục thể thao…
Thực hiện Đề án 04, Trường đã tập trung tất cả nhân lực, vật lực, tài lực vào thực hiện nhằm đạt các tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1. Với sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Học Viện Chính trị Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các sơ ban ngành, địa phương, nhiều tiêu chí, chỉ tiêu trường đạt thấp, còn gặp nhiều khó khăn đã được tháo gỡ, giải quyết, nâng chất. Đến nay, Trường đạt 49/55 chỉ tiêu trường chuẩn mức 1 (chiếm 89%), vượt so với lộ trình của Đề án 04.
Tự hào tiếp nối truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển, nỗ lực xứng tầm với ngôi trường mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2023), 75 năm thành lập Trường (1948-2023), với khát vọng phát triển và quyết tâm cao, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng xác định thực hiện mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn mức độ 1 vào cuối năm 2023 (sớm hơn 2 năm so với mốc thời gian của Đề án 04 Tỉnh uỷ)./.