05:00 20/07/2023
ThS. Nguyễn Thành Nhân
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang
TS. Hồ Ngọc Trường - Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng bế mạc Hội thi
Trường chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy An Giang, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý. Do đó, chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường có ảnh hưởng, tác động lớn đến xã hội, đến đời sống Nhân dân.
Triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ An Giang đã ban hành Đề án số 04 ngày 22/12/2021 về xây dựng và phát triển Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt các tiêu chí trường chính trị chuẩn.
Ngày 18/01/2022, thực hiện Quy định 11 và Đề án 04, Đảng ủy Trường Chính trị Tôn Đức Thắng ra Nghị quyết số 04-NQ/TCTTĐT về xây dựng và phát triển Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt các tiêu chí trường chính trị chuẩn. Sau đó, ngày 14/6/2022, Ban Giám hiệu đã ban hành Kế hoạch số 31-KH/TCTTĐT về xây dựng và phát triển Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt các tiêu chí trường chính trị chuẩn, với các giải pháp cụ thể và phân công nhiệm vụ cụ thể các phòng, khoa và từng viên chức, giảng viên nhà trường. Trong đó, việc định kỳ tổ chức hội thi giảng viên dạy giỏi được xác định là cơ sở để Ban Giám hiệu đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên, chuẩn bị cho việc tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc; từ đó nắm sát tình hình, phát huy những ưu điểm, có giải pháp kịp thời khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém nhằm mục tiêu chuẩn về đội ngũ giảng viên, chuẩn về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn theo Quy định 11, góp phần xây dựng trường chính trị đạt chuẩn.
Với ý nghĩa đó, ngày 31/10/2022, Ban Giám hiệu đã ban hành Kế hoạch 41-KH/TCTTĐT hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường năm 2022. Hội thi được tổ chức qua 3 vòng gồm: Thi giáo án, thi viết và thi giảng (Quy chế Hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành theo Quyết định số 9085-QĐ/HVCTQG, ngày 11/5/2022 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Triển khai kế hoạch Hội thi, các khoa đã tổ chức thao giảng cấp khoa đối với 37 giảng viên và lựa chọn những giảng viên tham gia Hội thi cấp trường. Kết quả Hội thi năm 2022, nhà trường đã đánh giá và công nhận 6 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp trường. Các giảng viên đạt danh hiệu dạy giỏi được vinh danh và trao giấy khen, chứng nhận trong Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Trong năm 2023, Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường được xác định là một trong các hoạt động kỷ niệm 75 năm thành lập Trường Chính trị Tôn Đức Thắng (1948 - 2023), đồng thời tiếp tục là giải pháp thực hiện mục tiêu chuẩn về đội ngũ giảng viên, chuẩn về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn theo Quy định 11, nhằm xây dựng Trường chính trị Tôn Đức Thắng đạt chuẩn mức 1 trong năm 2023 (sớm hơn 2 năm so với mốc thời gian của Đề án Tỉnh uỷ).
Thực hiện Kế hoạch số 1544-KH/HVCTQG ngày 26/12/2022 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 24/3/2023, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã ban hành Kế hoạch số 23-KH/TCTTĐT hội thi giảng viên giỏi cấp trường năm 2023 với kế hoạch thời gian hoàn thành trước ngày 15/6/2023. Ban Giám hiệu đã triển khai quán triệt đến các khoa và giảng viên tham gia hội thi cần thực hiện tốt các mục đích, yêu cầu Hội thi.
Hội thi năm 2023 đã diễn ra từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 6. Có 10 giảng viên đạt loại giỏi qua thao giảng cấp khoa, tham gia Hội thi giảng viên giỏi cấp trường. Các giảng viên đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và phương pháp sư phạm thông qua 3 vòng thi.
Về phần thi giáo án, các giảng viên đã chọn và soạn giáo án một bài trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị. Hình thức giáo án theo đúng mẫu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Nội dung đúng, đủ và đầu tư khá công phu về liên hệ thực tiễn, hình ảnh, ví dụ minh hoạ.
Về phần thi viết, các giảng viên dự thi được định hướng 6 nội dung nghiên cứu gồm: (1) Quy định số 1066-QĐ/TU ngày 26/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của Trường chính trị Tôn Đức Thắng; (2) Đề án số 04 ngày 22/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang đạt các tiêu chí trường chính trị chuẩn; (3) Quy chế giảng viên của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; (4) Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; (5) Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/2/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; (6) Hướng dẫn số 02-HD/TW ngày 08/02/2018 của Ban Bí thư tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Giảng viên dự thi tự luận với 2 câu hỏi, trong thời gian 120 phút. Các giảng viên đã thể hiện sự hiểu biết về lý luận, tình hình, xác định trách nhiệm của bản thân và đề xuất với Nhà trường, Ban Giám hiệu nhiều kiến nghị, giải pháp rất thiết thực, khả thi về việc xây dựng trường chính trị đạt chuẩn mức 1 trong năm 2023 và việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Về phần thi giảng, các thí sinh thể hiện sự chuẩn bị khá chu đáo, tâm huyết và tự tin triển khai tiết giảng; thể hiện được phong cách sư phạm, tác phong nghiêm túc, mô phạm về thái độ ứng xử, ngôn ngữ, ngữ điệu, cử chỉ, cũng như trang phục; có sự đa dạng, sáng tạo về phương pháp giảng dạy và sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại trong quá trình thi giảng. Bài giảng thể hiện được các nội dung lý luận cơ bản, chuẩn mực, mang tính hệ thống, thực tiễn và cập nhật. Đặc biệt, đa số giảng viên đã cập nhật nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết Trung ương khoá XIII, văn bản mới của Đảng, Nhà nước, của tỉnh An Giang, và tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào bài giảng. Có sự liên hệ lý luận với tình hình thực tiễn của địa phương, đất nước, thế giới, qua đó vận dụng lý luận vào xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Hội thi giảng viên giỏi của Trường Chính Trị Tôn Đức Thắng năm 2023 đã thành công tốt đẹp, có 10 giảng viên được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp trường. Ban Giám hiệu vinh danh và khen thưởng các giảng viên giỏi trong Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm; chọn hai giảng viên có số điểm cao nhất và nhì cử tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VIII - năm 2023.
Qua kết quả các Hội thi giảng viên giỏi, Ban Giám hiệu đã đánh giá đội ngũ giảng viên, so với các tiêu chí, chỉ tiêu trường chuẩn mức 1, đề ra giải pháp và phân công nhiệm vụ cho từng tập thể, cá nhân thực hiện: phân công 10 giảng viên thực hiện 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở (nhằm đảm bảo tiêu chí trong 5 năm có ít nhất 15 đề tài cơ sở và tương đương). Bổ sung nhân sự, quy hoạch và nâng cao trình độ đội ngũ: 3 viên chức hành chính tham gia học thạc sỹ và chuyển sang ngạch giảng viên (nhằm đảm bảo chỉ tiêu ít nhất 90% giảng viên là thạc sĩ trở lên); 10 giảng viên (trong đó có 7 giảng viên mới tuyển) tham gia học Trung cấp lý luận chính trị; 11 giảng viên học lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; 8 giảng viên tham gia bồi dưỡng phương pháp giảng dạy. Đồng thời đề nghị Thường trực Tỉnh uỷ tổ chức Hội đồng thi nâng hạng giảng viên chính cho 10 giảng viên đã đủ thời gian giữ ngạch…
Nhìn chung, với thực trạng xây dựng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt chuẩn mức độ 1 hiện nay đã đạt 46/55 chỉ tiêu, chiếm 83,6%, cần phải tiếp tục tập trung vào các nội dung trọng tâm về đội ngũ viên chức, giảng viên, công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn thì đội ngũ giảng viên của trường giữ vai trò là lực lượng chủ yếu, rất quan trọng, quyết định đến kết quả xây dựng trường đạt chuẩn. Hội thi giảng viên giỏi những năm qua của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng giúp cho Ban Giám hiệu đánh giá, phân loại, qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phân công nhiệm vụ đối với đội ngũ giảng viên, nhất là việc chuyển ngạch, nâng hạng giảng viên, lựa chọn, phân công giảng viên tham gia học thạc sỹ, tiến sỹ và thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp cở sở… đáp ứng các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn mức độ 1 trong năm 2023 và hướng tới đạt trường chuẩn mức độ 2 trong thời gian tới./.