Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số vấn đề cơ bản về bộ máy Nhà nước và quản lý Nhà nước

02:44 24/04/2023

Mỗi quốc gia thực hiện chức năng quản lý đều thông qua bộ máy nhà nước. Việc nghiên cứu “Một số vấn đề cơ bản về bộ máy nhà nước và quản lý nhà nước” ngoài việc nâng cao nhận thức pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị mà còn giúp người lãnh đạo, quản lý xác định rõ vị trí pháp lý của cơ quan mình trong hệ thống bộ máy nhà nước, từ đó thực hiện chức năng quản lý đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, thiết thực góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

ThS. Vũ Quang Hưng

Phó Trưởng Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu

 

Từ khóa: bộ máy nhà nước, hiến pháp năm 2013, nhà nước pháp quyền.

1. Một số vấn đề cơ bản về bộ máy nhà nước Việt Nam theo Hiến pháp

Bộ máy nhà nước là tổng thể các cơ quan Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, được tổ chức, hoạt động theo hiến pháp và pháp luật. Bộ máy nhà nước thực hiện hai chức năng cơ bản là chức năng đối nội và đối ngoại.

Chức năng đối nội là chức năng quản lý đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, quốc phòng và an ninh; chức năng đối ngoại là chức năng quản lý toàn diện các hoạt động của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Bộ máy nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước bao gồm các quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Bộ máy Nhà nước Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013 bao gồm: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Chính quyền địa phương.

Theo Hiến pháp 2013, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

1.1. Quốc hội

Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Nhiệm kỳ của Quốc hội là 5 năm, Quốc hội họp thường lệ 6 tháng/kỳ. Nội dung kỳ họp là thông qua các nghị quyết về những vấn đề quan trọng của quốc gia và thông qua các văn bản luật, góp phần xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân địa phương (tỉnh), được nhân dân địa phương (xã, phường, thị trấn) bầu trực tiếp bằng hình thức bỏ phiếu kín theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015.

1.2. Chủ tịch nước

Chủ tịch nước là một thiết chế khá đặc thù. Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội và chịu trách nhiệm, báo cáo công tác trước Quốc hội.

Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước.

1.3. Chính phủ

Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, Chính phủ là cơ quan hành pháp. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định.

Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.

Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công. Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, một Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.

1.4. Tòa án nhân dân

Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.

Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

1.5. Viện kiểm sát nhân dân

Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định.

Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

1.6. Chính quyền địa phương

Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, chính quyền địa phương là một bộ phận của bộ máy nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo lãnh thổ (tỉnh, huyện, xã) . Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các cấp đơn vị hành chính bao gồm: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Hiện nay, Việt Nam có 05 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 58 tỉnh.

Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.

- Hội đồng nhân dân

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

- Ủy ban nhân dân

Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.

2. Quản lý nhà nước

Các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện chức năng quản lý trên các lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính và văn bản chuyên môn kỹ thuật.

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 4 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: Hiến pháp; bộ luật, luật; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quyết định của Thủ tướng Chính phủ; nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh); quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp huyện); quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện; nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Hệ thống văn bản hành chính được quy định Phụ lục 1 của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP, ngày 05/3/2020 của Chính phủ, bao gồm 27 văn bản hành chính:

STT

Tên loại văn bản hành chính

Chữ viết tắt

1.

Nghị quyết (cá biệt)

NQ

2.

Quyết định (cá biệt)

3.

Chỉ thi

CT

4.

Quy chế

QC

5.

Quy định

QyĐ

6.

Thông cáo

TC

7.

Thông báo

TB

8.

Hướng dẫn

HD

9.

Chương trình

CTr

10.

Kế hoạch

KH

11.

Phương án

PA

12.

Đề án

ĐA

13.

Dự án

DA

14.

Báo cáo

BC

15.

Biên bản

BB

16.

Tờ trình

TTr

17.

Hợp đồng

18.

Công điện

19.

Bản ghi nhớ

BGN

20.

Bản thỏa thuận

BTT

21.

Giấy ủy quyền

GUQ

22.

Giấy mời

GM

23.

Giấy giới thiệu

GGT

24.

Giấy nghỉ phép

GNP

25.

Phiếu gửi

PG

26.

Phiếu chuyển

PC

27.

Phiếu báo

PB

 

            - Hệ thống văn bản chuyên môn kỹ thuật do bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước quy định.

Ví dụ: Bản vẽ thiết kế xây dựng (do ngành xây dựng quy định); bản cân đối tài khoản (do bộ tài chính quy định); mẫu thống kê báo cáo số liệu về dân số, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức,….do cơ quan quản lý nhà nước cấp trên quy định.

Các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện chức năng quản lý phải dựa vào các văn bản nêu trên.

Ví dụ: Cơ quan nhà nước muốn quản lý, kiểm tra về tiến độ, chất lượng công trình xây dựng do cơ quan, đơn vị mình quản lý phải dựa vào 3 loại văn bản sau:

a) Cần nắm các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước,…các nghị định và thông tư liên quan.

b) Biết rõ các văn bản hành chính liên quan: Quyết định giao đất, Quyết định phê duyệt đầu tư, Tờ trình, Công văn, Báo cáo,…có liên quan.

c) Quản lý đầy đủ các văn bản chuyên môn, kỹ thuật: Bản vẽ, sơ đồ, bản đồ định vị công trình, thiết kế xây dựng, bản vẽ hoàn công, các biểu mẫu thống kê số liệu,…

Dựa vào 3 loại văn bản nêu trên, cơ quan nhà nước mới có thể tiến hành kiểm tra, đánh giá việc xây dựng có đúng pháp luật, đúng tiến độ hay đúng kỹ thuật quy định hay không.

Tóm lại, việc nghiên cứu “Một số nội dung cơ bản về bộ máy nhà nước và quản lý nhà nước” ngoài việc nâng cao nhận thức pháp luật còn giúp người lãnh đạo, quản lý xác định rõ vị trí pháp lý của cơ quan mình trong hệ thống bộ máy nhà nước, từ đó thực hiện chức năng quản lý đúng thẩm quyền, đúng pháp luật trong mối quan hệ về quyền, nghĩa vụ với các cá nhân, tổ chức và công dân, góp phần “xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”[1]./.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB CTQG Sự thật. Hà Nội -2021,Tập I, tr. 174.

các tin khác