Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục và xây dựng đội ngũ giảng viên giai đoạn hiện nay

08:57 28/11/2022

Tóm tắt: Hồ Chí Minh là một nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục. Theo Hồ Chí Minh, giáo dục là yếu tố quyết định trực tiếp nâng cao trình độ học vấn, trình độ khoa học, giúp cho mọi người có một vốn liếng về lịch sử, văn hoá. Trong những năm qua, quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ giảng viên là kim chỉ nam soi sáng sự nghiệp giáo dục của đất nước Việt Nam. Đây là hệ thống những quan điểm toàn diện về vai trò, nhiệm vụ của giảng viên; quan điểm về phẩm chất chính trị, đạo đức; quan điểm về chuyên môn, phương pháp giảng dạy và biện pháp chủ yếu để xây dựng đội ngũ giảng viên.

ThS. Dương Thị Bích Thủy

Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

Từ khóa: Hồ Chí Minh, giáo dục, đội ngũ giảng viên, Việt Nam.

1. Giới thiệu

Hồ Chí Minh (1890 - 1969) được sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An [1]. Người là lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đồng thời là nhà giáo dục vĩ đại. Hồ Chí Minh hiện thân của một nhà giáo cách mạng, suốt đời vì nhân dân, vì đất nước, vì nền giáo dục nước nhà, đời tư trong sáng giản dị, nói đi đôi với làm và là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học. Người đã từng đứng trên bục giảng với tư cách là một nhà giáo, tự thiết kế nội dung chương trình, tổ chức lớp học, truyền đạt bằng phương pháp giảng dạy hiện đại.

Quan điểm về giáo dục của Hồ Chí Minh là một hệ thống những luận điểm khoa học toàn diện, nhất quán có vai trò hết sức to lớn chỉ đạo toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển của nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Trong các tác phẩm, các bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh đã nêu bật quan điểm về xây dựng đội ngũ giảng viên khá hoàn chỉnh về vai trò, nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức, chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta nghiên cứu quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ giảng viên có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn để có nhận thức đúng đắn và vận dụng vào việc xây dựng đội ngũ giảng viên ở Việt Nam.

2. Nội dung quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục và xây dựng đội ngũ giảng viên

2.1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của đội ngũ giảng viên

Nghiên cứu quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ giảng viên, chúng ta thấy trước hết người chỉ ra vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ giảng viên. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của đội ngũ giảng viên là sự tiếp tục và phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Có thể thấy, trong suốt cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, nghề dạy học và vị trí cao cả của người thầy luôn luôn được nhân dân tôn vinh và dành cho sự quan tâm đặc biệt. Hồ Chí Minh nhìn thấy sứ mệnh của giảng viên được thể hiện thông qua những vai trò chủ yếu sau:

Thứ nhất, giảng viên có vai trò đào tạo những lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc

Theo Hồ Chí Minh việc đào tạo những lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng, vừa có đức, vừa có tài, “vừa hồng”, “vừa chuyên” để tham gia xây dựng đất nước giàu mạnh và văn minh là sự nghiệp của toàn xã hội, trong đó vai trò chủ yếu, nòng cốt là nhà trường, người trực tiếp thực hiện là đội ngũ giảng viên. Hồ Chí Minh khẳng định: “Còn gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh” [7, tr.329-330].

Để hoàn thành vai trò của mình, giảng viên phải đem sự hiểu biết, năng lực và phẩm chất của bản thân truyền đạt cho người học, hướng dẫn, dìu dắt thế hệ trẻ chiếm lĩnh tri thức, làm cho người học phát huy được năng lực vốn có, phát triển các mặt đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục để trở thành người lao động chân chính, những công dân biết làm chủ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thứ hai, giảng viên là nhân tố quyết định quá trình vận hành của hệ thống giáo dục cũng như chất lượng giáo dục

Theo Hồ Chí Minh, quá trình giáo dục diễn ra như thế nào là phụ thuộc vào đội ngũ giảng viên. Người nhấn mạnh: “Nếu không có thày giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa” [6, tr.184]. Chính đội ngũ giảng viên thông qua hệ thống các phương pháp giáo dục, giảng dạy của mình cùng với các công cụ hỗ trợ khác để truyền tải nội dung giáo dục đã được xây dựng theo một cấu trúc nhất định tới đối tượng giáo dục là người học, theo những mục tiêu chung.

Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Cần đào tạo cán bộ cho mọi ngành hoạt động, cho nên cần có thầy giáo” [5, tr.72]. Điều này cho thấy, chỉ khi quá trình giáo dục được vận hành thì các ngành, các lĩnh vực khác trong xã hội mới có nguồn nhân lực để hoạt động, tức là có cơ sở tồn tại và phát triển.

2.2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về những phẩm chất cần có của đội ngũ giảng viên

Bên cạnh các yêu cầu về tri thức chuyên môn và kỹ năng giảng dạy, đội ngũ giảng viên còn cần có những phẩm chất và năng lực đặc thù để đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe và đa dạng, phong phú của thực tiễn quá trình giảng dạy trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng.

Đạo đức nhà giáo hay đạo đức nghề dạy học theo quan điểm của Hồ Chí Minh, có thể được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi ứng xử của nhà giáo trong đời sống và đạo đức nhà giáo có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục đào tạo. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?” [8, tr.331]. Đối với việc lựa chọn người giảng viên, Hồ Chí Minh cho rằng không phải ai cũng huấn luyện được nhất là người huấn luyện của Đoàn thể cần phải có trình độ hiểu biết chuyên sâu. Theo Hồ Chí Minh, người thầy phải có năng lực phẩm chất cao, phải có lòng yêu nghề, yêu trẻ, phải “làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc” [5, tr.46].

Hồ Chí Minh nhấn mạnh tài phải đi liền với đức. Đối với nhà giáo, phẩm chất đạo đức thương yêu học trò và yêu nghề có mối quan hệ mật thiết, tác động hỗ trợ nhau. Thương yêu học trò sẽ dẫn đến yêu nghề và ngược lại, yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu. Theo Người, người thầy giáo phải quan tâm, săn sóc học trò với tình cảm sâu nặng như ruột thịt, song cách thể hiện phải phù hợp với từng lứa tuổi và cấp học. Người nói: “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu” [9, tr.269]. Người thầy có ý thức về sự gương mẫu của mình tức là đang tự hoàn thiện mình. Người thầy dạy học trò về phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, thương yêu lẫn nhau; đoàn kết nội bộ; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Gương mẫu về lĩnh vực đó, nghĩa là người thầy đang trên con đường xây dựng đạo đức cho mình.

Ngoài ra, đạo đức cách mạng là một trong những tiêu chuẩn đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải không ngừng nâng cao để hoàn thiện mình. Đối với người giảng viên, đạo đức cách mạng đòi hỏi họ không chỉ là giảng viên khoa học, có nhiệm vụ giáo dục cho sinh viên các tri thức khoa học lý luận mà còn gọi là người tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hình thành niềm tin, hình thành lý tưởng, lẽ sống, chuẩn mực đạo đức cho thế hệ trẻ. Đạo đức cách mạng của người giảng viên được thể hiện ở hoạt động giảng dạy hàng ngày. Đó là niềm đam mê giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phấn đấu cho sự nghiệp trồng người, là sự phê bình và tự phê bình để không ngừng tiến bộ, là giản dị nhưng thể hiện đầy đủ phong cách mô phạm của một nhà giáo. Đạo đức cách mạng của người giảng viên còn chứa đựng cả trí tuệ khoa học, tình cảm cách mạng, đạo đức phẩm chất và nhân cách.

Do đó, xây dựng đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục đòi hỏi hướng tới hình thành một đội ngũ bảo đảm về số lượng, đáp ứng trình độ chuyên môn. Trong đó, đặc biệt chú ý bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho đội ngũ này.

2.3. Quan điểm của Hồ Chí Minh về chuyên môn và phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên

Xuất phát từ mục tiêu, nội dung giáo dục, Hồ Chí Minh cho rằng, đội ngũ giáo viên phải giỏi chuyên môn và thuần thục về phương pháp giảng dạy. Về kiến thức chuyên môn, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đã là thầy giáo thì “phải hơn học trò cái đầu”. Do đó, người thầy giáo phải được đào tạo, bồi dưỡng về các mặt: Đạo đức cách mạng, lý luận, quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng, chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy. Theo Hồ Chí Minh, một nhà giáo giỏi không đòi hỏi phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu hết tri thức của nhân loại, nhưng do yêu cầu của nghề nghiệp nên nhà giáo phải không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thành thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp giáo dục đào tạo. Họ hoàn toàn không được bằng lòng với kiến thức đã có, thường xuyên tích luỹ kiến thức, tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu” [6, tr.126-127]. Trên tinh thần nắm vững quan điểm “bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình... Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nát” [4, tr.46].

Hồ Chí Minh đã từng dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” và lời dạy của V.I. Lênin: “Học, học nữa, học mãi” [10, tr.99], học phải đi đôi với hành, học để hành ngày càng tốt hơn nhằm nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự mãn cho mình giỏi rồi mà dừng việc học lại là lùi bước, là lạc hậu, là tự đào thải mình. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực sự là tấm gương sáng về học tập cho học sinh noi theo. Hồ Chí Minh viết: “Giảng viên cũng phải tiến bộ cho hợp thời đại thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội” [2, tr.45]. Bản thân Hồ Chí Minh là hiện thân của một nhà giáo cách mạng, suốt đời vì nước, vì dân, vì nền giáo dục nước nhà, đời tư trong sáng giản dị, nói đi đôi với làm và là một tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học. Người đã từng đứng trên bục giảng với tư cách là một nhà giáo, tự thiết kế nội dung chương trình, tổ chức lớp học, truyền đạt bằng phương pháp hiện đại.

Hồ Chí Minh cho rằng, do chức năng của mình, một đặc trưng, phẩm chất của người giảng viên là phải không ngừng học tập, người giảng viên phải có lòng đam mê, khiêm tốn học tập, không có thái độ kỳ thị, học thêm mãi, biết kết hợp và làm giàu trí tuệ của mình. Người giảng viên nào tự cho mình là đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nát nhất và người đó không thể làm công việc giảng dạy được. Người giảng viên phải thực hiện học không biết chán, dạy không biết mỏi. Nếu ngưng học tập thì kiến thức lý luận đó sẽ trở nên cũ, xơ cứng, nó không phản ánh thực tiễn sinh động nên làm cho việc dạy và học không có hiệu quả.

Một trong những nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, đó là phải đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Về yêu cầu đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học của đội ngũ giảng viên, Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc học tập lý luận chính trị không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí được tốt hơn, nghĩa là các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong cách mạng của chúng ta. Như thế học tập lý luận cốt để áp dụng vào thực tế” [3, tr.289]. Người cán bộ giảng dạy đòi hỏi phải có một nền tảng lý luận và vốn thực tiễn phong phú, để kiểm nghiệm lý luận và nâng cao nhận thức lý luận lên tầm cao mới. Có như thế người giảng viên mới có thể thực hiện mục tiêu giáo dục lý luận: “Mục đích học để vận dụng chứ không phải học vì lý luận” [3, tr.290]. Đối với đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục, Hồ Chí Minh yêu cầu phải bồi dưỡng cho họ.

2.4. Một số biện pháp chủ yếu xây dựng đội ngũ giảng viên theo tư tưởng của Hồ Chí Minh

Với tầm nhìn của nhà hoạch định chính sách, Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn một số biện pháp nhằm xây dựng ở nước ta đội ngũ giảng viên “đủ tâm, đủ tầm”. Bao gồm:

Trước hết, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đồng thời nêu cao tinh thần tự đào tạo, tự bồi dưỡng mỗi người. Với bất kỳ dạng lao động nào, người lao động phải có được những hiểu biết căn bản về nghề nghiệp của mình cũng như hình thành cho được những kỹ năng thực hành cần thiết và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp nhất định, phù hợp. Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong việc xây dựng những giảng viên tốt, thực sự xứng đáng thì việc đầu tiên, trước hết là phải đào tạo cho được đội ngũ giảng viên. Trình độ của giảng viên phải không ngừng được bồi dưỡng, nâng cao. Cùng với việc tham gia các lớp huấn luyện do đơn vị tổ chức, mỗi giảng viên phải chủ động cập nhật, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt. Đây là đòi hỏi tất yếu, là con đường để hoàn thiện bản thân của giảng viên, là việc phải làm thường xuyên trong suốt cả cuộc đời làm nghề của thầy, cô giáo.

Hai là, tạo lập môi trường dân chủ, đoàn kết trong nhà trường. Hồ Chí Minh nói rõ: “Có công việc gì, ban phụ trách trường bàn bạc với anh em, làm cho tư tưởng mọi người thông suốt, động viên mọi người cùng làm, chứ không nên ban phụ trách định kế hoạch rồi bắt mọi người làm” [8, tr.436]. Thực tế cho thấy, phải phát huy dân chủ thì mới phát huy được năng lực sáng tạo và nhiệt huyết của đội ngũ giảng viên; nếu ngược lại thì giáo viên sẽ chán nản, u uất và trở thành “máy nói”, “thợ cày” theo định mức giao khoán của cấp trên.

Ba là, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến. Nói về vai trò nêu gương người tốt, việc tốt trong xây dựng đội ngũ giảng viên, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi người phải biết học nhiều người. Hơn nữa, cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt một người chỉ ăn một món thôi. Củng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp… Những gương người tốt muôn hình muôn vẻ là vật quý để các chú xây dựng con người” [9, tr.665].

Bốn là, luôn luôn chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ giảng viên. Trong tư duy của Hồ Chí Minh, đề cao vai trò của giảng viên đi liền với việc nêu cao ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với đội ngũ này. Ông chỉ ra rằng, từ chỗ hiểu giảng viên, phải quý trọng giảng viên, phải yêu mến vào cao nhất là phải giúp đỡ giảng viên, “phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt” [9, tr.508]. Trách nhiệm này thuộc về cả xã hội, trực tiếp là các ngành, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Không chỉ làm cho giảng viên có đạo đức tốt hơn, tri thức tốt hơn, phương pháp giảng dạy tốt hơn, có ý thức với nghề và tâm hồn với trẻ, mà còn phải làm cho đời sống giảng viên ngày càng một nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.

3. Kết luận

Vừa là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, vừa là một nhà giáo dục, Hồ Chí Minh đã đưa quan điểm về xây dựng đội ngũ giảng viên một cách có hệ thống. Người giảng viên trong quan điểm Hồ Chí Minh giữ vị trí trung tâm trong hệ thống giáo dục, quyết định đến sự vận hành của cả hệ thống giáo dục. Đề cao vai trò của đội ngũ giảng viên, nhưng Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh vai trò tích cực, chủ động của người học trong việc chiếm lĩnh tri thức. Người dạy và người học tác động tương hỗ qua lại tạo thanh một chỉnh thể trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh là người đầu tiên quan niệm người thầy giáo đồng thời là người chiến sĩ cách mạng. Nhiệm vụ người thầy giáo gắn liền với nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, đội ngũ giảng viên trong quan điểm của Hồ Chí Minh vừa mang bản chất cách mạng, vừa mang phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ giảng viên đại học hiện nay là sự kế thừa và phát triển tư tưởng đó trong thời điểm mới. Nhiệm vụ giáo dục đại học là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đội ngũ giảng viên là nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục, sản phẩm của dạy học là tương lai của dân tộc. Vì vậy, đội ngũ giảng viên đại học phải là người tiêu biểu về đạo đức, về trí tuệ của thời kỳ hội nhập và phát triển. Chuẩn mực đạo đức của người giảng viên là chuẩn mực đạo đức của xã hội. Năng lực trí tuệ của người giảng viên phải tiếp cận tri thức khoa học tiên tiến của thời đại và giải quyết được những vấn đề thực tiễn của đất nước./.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2020), Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 3 năm 2020.

2. Ngô Văn Hà (2013), Tư tưởng Hồ Chí Minh về người thầy và việc xây dựng đội ngũ giảng viên đại học hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 6, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, Tập 11, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội

8. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

9. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 15, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

10. Lý Việt Quang (2017), Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

các tin khác