08:13 02/12/2019
Chủ nhiệm lớp là người được Ban Giám hiệu giao trách nhiệm chính trong việc quản lý toàn diện lớp đào tạo, bồi dưỡng theo nội quy, quy chế của nhà trường; góp phần bảo đảm chất lượng giảng dạy, học tập; bảo đảm thực thi trên thực tế các quyền và nghĩa vụ của giảng viên, học viên và nhà trường theo quy định của pháp luật. Đây là kênh quan trọng để thực hiện dân chủ trong nhà trường.
Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với cán bộ, giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp ở các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG, ngày 02-5-2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cụ thể tiêu chuẩn, nhiệm vụ như sau:
- Quy định về giáo viên chủ nhiệm lớp:
+ Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
+ Có trình độ đại học trở lên.
+ Trình độ lý luận từ Trung cấp lý luận chính trị hoặc Trung cấp lý luận chính trị - hành chính trở lên.
+ Có thời gian công tác tại trường từ 02 năm trở lên, nắm vững chương trình đào tạo, quy chế, quy định về quản lý đào tạo, nội quy của nhà trường, chế độ chính sách đối với giảng viên, học viên.
- Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp:
+ Giúp Ban Giám hiệu, lãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học quản lý lớp học.
+ Chuẩn bị, quản lý hồ sơ lớp học, cùng Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học xây dựng kế hoạch hoạt động toàn khóa để Ban Giám hiệu phê duyệt;
+ Quản lý, điều hành quá trình học tập, rèn luyện của học viên theo đúng quy chế, quy định về quản lý đào tạo, chương trình kế hoạch toàn khóa; quản lý và thực hiện nội dung trong sổ theo dõi giảng dạy và học tập (mẫu số theo dõi giảng dạy và học tập quy định tại phụ lục kèm theo Quy chế này); tập hợp đơn xin nghỉ học của học viên để báo cáo ban giám hiệu.
+ Sau các phần học, kết thúc khóa học, báo cáo với Ban Giám hiệu (qua Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học) về tình hình mọi mặt của lớp, chuẩn bị hồ sơ học viên, nhận xét học viên, cung cấp tư liệu cho các Hội đồng và Hiệu trưởng để hiệu trưởng xem xét, quyết định việc khen thưởng, kỷ luật, công nhận và cấp bằng tốt nghiệp cho học viên.
Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng luôn xác định công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Chính vì vậy, ngoài nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ lớp học, Trường rất chú trọng về công tác chủ nhiệm, về phân công giáo viên chủ nhiệm lớp.
Thực tiễn kết quả học tập các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng thời gian qua đã thêm một lần nữa khẳng định công tác chủ nhiệm có vai trò quan trọng đóng góp cho sự thành công của lớp học. Các giáo viên chủ nhiệm đã thực hiện đúng quy chế chủ nhiệm lớp trong việc quản lý hồ sơ lớp, quản lý học viên, giành nhiều thời gian để nắm bắt tình hình của lớp; quan tâm, chia sẻ với học viên, đặc biệt đối với học viên là cán bộ cấp cơ sở còn nhiều khó khăn về điều kiện vật chất và khoảng cách khá xa về địa lý; khích lệ vai trò tự quản của Ban cán sự và tập thể lớp; phối hợp với các phòng, khoa chuyên môn trong việc quản lý và tổ chức lớp học. Giáo viên chủ nhiệm còn có vai trò lớn trong việc tổ chức và định hướng chủ đề cho học viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở, đơn vị nhằm gắn kết kiến thức lý luận với kiến thức thực tiễn sau khi kết thúc toàn bộ chương trình học. Tổ chức cho học viên tham gia cuộc thi “Học viên học giỏi lý luận chính trị”; tham gia các hoạt động ngoại khóa do nhà trường phát động chào mừng các ngày lễ lớn trong năm (văn nghệ, thể dục thể thao…); tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ các xã nông thôn mới. Sau khi kết thúc khóa học, giáo viên chủ nhiệm hoàn thiện hồ sơ học viên, cung cấp tư liệu cho Hội đồng và Ban Giám hiệu xem xét quyết định việc khen thưởng và kỷ luật.
Từ những kết quả công việc nêu trên, có thể thấy để duy trì một lớp học ổn định, có tổ chức, các giáo viên chủ nhiệm phải nỗ lực, cố gắng hết mình, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động này vẫn còn một số hạn chế cả từ phía chủ quan của các viên chức được phân công làm công tác chủ nhiệm và cả từ các yếu tố khách quan.
- Về chủ quan: Có lúc giáo viên chủ nhiệm chưa thật sự sâu sát để nắm chắc tình hình lớp học và học viên do mình phụ trách; còn có tình trạng giao phó vai trò giáo viên chủ nhiệm cho Ban cán sự lớp; còn có sự dễ dãi, nể nang trong đánh giá, nhận xét học viên; sự phối kết hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với các phòng, giảng viên trực tiếp giảng dạy và đồng chủ nhiệm tại các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị chưa chặt chẽ, nhịp nhàng…
- Về khách quan: Đối tượng học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính chiếm phần lớn là những người có trình độ và kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm công tác, nên cũng là một áp lực đối với giáo viên chủ nhiệm còn ít kinh nghiệm; Một số cơ quan cử cán bộ đi học nhưng không tạo điều kiện cho cán bộ được yên tâm học tập và đảm bảo tính chuyên cần khi tham gia học tập tại trường do bị chi phối từ công việc cơ quan…
Từ những hạn chế xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nêu trên đã ảnh hưởng tới chất lượng công tác chủ nhiệm và giảm thành tích của từng lớp học nói riêng và hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường nói chung. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm tại các lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường cần tiếp tục quan tâm tới công tác chủ nhiệm lớp, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ nhiệm lớp hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tổ chức có hiệu quả hội nghị chủ nhiệm lớp hàng năm trong đó cần đánh giá chính xác những điểm mạnh, điểm yếu của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm để kịp thời có các giải pháp điều chỉnh. Đồng thời, có hình thức khen thưởng và phê bình kịp thời để đưa công tác chủ nhiệm lớp vào nề nếp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong công tác đào tạo.
Thứ hai, về công tác phân công giáo viên chủ nhiệm. Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học tham mưu cho Ban Giám hiệu phân công giáo viên chủ nhiệm lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính trước hết phải đảm bảo các yêu cầu được quy định trong Quy chế giáo viên chủ nhiệm của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó phải xem xét đến các yếu tố khác như sự tâm huyết, nhiệt tình và thể hiện được vai trò cầu nối giữa nhà trường với học viên.
Thứ ba, ngay sau lễ khai giảng, giáo viên chủ nhiệm phải phổ biến đầy đủ các nội quy, quy chế của Trường tới học viên. Đề nghị các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những học viên vi phạm quy chế như nghỉ học không có lý do hoặc lý do không chính đáng; học viên tham gia học trên lớp không nghiêm túc…Thực hiện sự công bằng trong xét điều kiện thi hết môn, thi tốt nghiệp.
Thứ tư, giáo viên chủ nhiệm phải xây dựng Hồ sơ của lớp được phân công phụ trách để dễ dàng trong việc quản lý và theo sát các hoạt động của lớp, từng đối tượng học viên. Mạnh dạn tham mưu, đề xuất với Ban Giám hiệu những giải pháp xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn công tác để ngày một nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp.
Thứ năm, duy trì và nâng cao chất lượng giờ sinh hoạt lớp. Trước khi tổ chức sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm phải trao đổi với giảng viên trực tiếp giảng dạy, ban cán sự lớp để nhận xét một cách toàn diện về các ưu điểm cũng như hạn chế của lớp, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục kịp thời các hạn chế. Giờ sinh hoạt lớp phải được tổ chức nghiêm túc, đánh giá chi tiết tình hình lớp học, đồng thời phải ghi biên bản để lưu hồ sơ của lớp.
Thứ sáu, đề cao công tác phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với các phòng, khoa, giảng viên trực tiếp giảng dạy và giáo viên đồng chủ nhiệm (đối với các lớp Trung cấp LLCT-HC mở tại các huyện, thị, thành phố) để huy động mọi nguồn lực, mọi thành viên trong Trường và các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị vào công tác quản lý học viên.
Để học viên chấp hành và thực hiện tốt mọi nội quy, quy chế của Nhà trường, đòi hỏi rất nhiều từ kinh nghiệm và tâm huyết của giáo viên chủ nhiệm. Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu đào tạo của Trường đối với hệ Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, mỗi giáo viên chủ nhiệm phải tự mình trau dồi trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường công tác được phân công để nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm, góp phần vào thành tích chung của Trường./.
Lê Thị Thu Hồng - Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng