Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số vấn đề về xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa và hội nhập

04:06 08/10/2019

Mở đầu: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực đã trở thành phương hướng chiến lược trọng yếu về kinh tế của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.Sự chuyển đổi từ cơ chế kinh tế tập trung bao cấp, tự cấp tự túc sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa và hội nhập đương nhiên có những tác động mạnh mẽ tới quốc phòng - an ninh mà ta cần chủ động phân tích để vừa phát huy “tính năng động trở lại” của công cụ “thượng tầng kiến trúc” tới “hạ tầng cơ sở”, vừa phòng tránh những mặt tiêu cực mà “kinh tế thị trường” có thể đem lại cho công cuộc xây dựng nền quốc phòng - an ninh vững mạnh.

  1. Hai mặt tác động tới nền quốc phòng toàn dân của cơ chế thị trường định hướng XHCN, mở cửa và hội nhập.

Với nền kinh tế nước ta hiện nay, cơ chế thị trường định hướng XHCN đã góp phần đắc lực giải phóng các lực lượng sản xuất xã hội, thúc đẩy nền kinh tế hàng hoá làm ra sản phẩm ngày càng nhiều hơn, tốt hơn , với giá thành ngày một thấp hơn, vừa thoả mãn các nhu cầu vật chất, văn hoá ngày càng tăng của nhân dân vừa tạo nên sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường thế giới.

Kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa và hội nhập góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn có trình độ công nghệ và kỹ thuật hiện đại, qua đó mà khắc phục tình trạng kém phát triển của công nghệ và kỹ thuật trong nước mở rộng sản xuất, xoá đói giảm nghèo, tăng cường đồng thuận trong xã hội, tạo nền tảng kinh tế - xã hội. cơ sở chính trị và công nghệkỹ thuật ngày càng vững chắc cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Hội nhập nền kinh tế thế giới góp phần rút ngắn khoảng cách về sự phát triển mọi mặt giữa ta và các nước tiến tiến, đưa tới cho Việt Nam một thị trường bình đẳng có thể cung ứng các nhu cầu về vật liệu và thiết bị kỹ thuật cần thiết cho cả nền công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng, tạo bối cảnh thuận lợi cho Việt Nam trực tiếp tiếp xúc với nhiều đối tác, xúc tiến phương châm “thêm bạn bớt thù”, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, là nhân tố rất quan trọng cho cả xây dựng và bảo vệ.

Kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa và hội nhập góp phần mở mang dân trí, nâng cao đời sống vật chất. tinh thần. cho cả nhân dân và các lực lượng vũ trang. Kinh tế càng phát triển thì ngân sách nhà nước càng bảo đảm cân đối thu chi ngân sách quốc phòng - an ninh cũng không còn gặp nhiều khó khăn như trước những năm gần đây đã bước đầu mua sắm được những trang bị quý hiếm, bảo đảm huấn luyện và diễn tập hiệp đồng bình quân chủng ở trình độ ngày càng hiện đại...

Mặt tích cực của thị trường định hướng XHCN, mở cửa và hội nhập đối với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân là rất rõ nhưng mặt tiêu cực càng cần được nhận thức cho rõ ràng, đầy đủ:

Kinh tế thị trường xưa nay vốn có khả năng nổi bật là có thể biến mọi giá trị thành hàng hoá. Đã thành hàng hoá thì có thể dùng tiền mà mua được. Và việc ấy đã từng được các chính khách tư bản sử dụng có hiệu quả trong quá trình thúc đẩy sự tan rã của chế độ XHCN ở nhiều nước Đông Âu .

Đối với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, mở cửa và hội nhập theo cơ chế thị trường tạo điều kiện cho mọi loại đối tượng, không dễ phân biệt tốt xấu, thâm nhập vào nội địa, nắm bắt nội tình, đặtta vào thế trực tiếp tiếp xúc với các thế lực thù địch dấu mặt, thâm nhập dưới nhiều danh nghĩa. Chúng dễ bề tập hợp lực lượng, làm chỗ dựa cho bọn bất mãn và cơ hội hình thành tổ chức. kích động gây rối, nhen nhóm bạo loạn tạo cớ cho bên ngoài can thiệp.

Kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập đưa vào xã hội những luồng thông tin đa chiều rộng rãi, tốt xấu, lợi hại lẫn lộn, nhưng chắc chắn các thế lực thù địch sẽ triệt để lợi dụng chiêu bài “tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo” để nhen nhóm các đảng phái chống đối chế độ, đòi đa nguyên đa đảng đối lập, phủ định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi hoạt động đó đã và đang được tiến hành hàng chục năm nay, buộc quốc phòng - an ninh phải ra tay đối phó.

Quốc phòng ở Việt Nam ngày nay đã xác định: “Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác, trong một số đối tác có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta” không thể mơ hồ, cứng nhắc trong nhận thức chủ trương và trong xử lý các tình huống cụ thể? Đó là “cách nhìn nhận” cần thiết mà Nghị quyết Trung ương tám, khoá IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đã chỉ rõ. Những đối tác còn có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta tất không thể bỏ qua những nhận thức còn khác nhau về chủ quyền lãnh thổ, có thể ổn định ở nơi này, lúc này nhưng lại phát sinh vấn đề ở nơi khác, lúc khác.

Hơn nữa, cứ theo tiêu chí “bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh” thì trong “nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, mở cửa và hội nhập” ngày nay, những kẻ có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam không chỉ có những đối tượng bên ngoài. Nhiều đối tượng nằm ngay bên trong đất nước, bên trong chế độ, nhân thời kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập” còn chống phá quyết liệt và gây tác hại nặng nề hơn các thế lực thù địch bên ngoài, “vì kẻ bên ngoài chống phá làm cho nội bộ bên trong thêm gắn bó, còn kẻ bên trong chống phá lại làm cho nhân dân mất lòng tin vào Đảng và Nhà nước, làm suy yếu khối đoàn kết toàn dân vốn là nền tảng vững chắc của quốc phòng”.Các hoạt động trên đây coi cơ chế thị trường, mở cửa và hội nhập là môi trường thuận lợi để phát triển, hy vọng tạo nên những thời cơ đột biến, sẽ dựng dậy ngọn cờ, kêu gọi sự can thiệp của các thế lực bên ngoài.

2. Những vấn đề đặt ra

- Thứ nhất, quốc phòng - an ninh phải góp phần điều chỉnh nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN

Là bộ phận của “thượng tầng kiến trúc”, quốc phòng - an ninh không thể thoát khỏi sự chi phối của “hạ tầng cơ sở” kinh tế. Nhưng “hạ tầng cơ sở” của chúng ta không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa mà là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Quốc phòng - an ninh với tính cách là công cụ năng động nhất của “thượng tầng kiến trúc XHCN” phải phát huy tác dụng tích cực chủ động trong việc đẩy lùi các yếu tố “phản dân chủ, phản nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy về nền chuyên chính dân chủ nhân dân. Nó phải tự giác tiến hành một cuộc “đấu tranh dân tộc gắn chặt với đấu tranh giai cấp” thực sự trong tư duy chiến lược và chiến thuật, chiến lược và sách lược nhạy bén tới từng chi tiết khi xem xét và ứng xử trong mọi tình huống. Là “cánh cửa có đóng khoá để gìn giữ căn nhà” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng hoạt động của quốc phòng - an ninh không thể là hoạt động vô thưởng, vô phạt: Có lợi cho ta thì bất lợi cho kẻ thù và ngược lại, không thể nào khác được!

Quốc phòng - an ninh là thứ không thể đem ra mặc cả. Nó phải góp phần điều chỉnh nền kinh tế thị trường chứ không thể để cho cơ chế thị trường chi phối. Nó chỉ có một lợi ích duy nhất: lợi ích của quốc gia, dân tộc, một chủ thể lãnh đạo, điều hành duy nhất: cơ quan “tham mưu chiến lược” của dân tộc, thể hiện thành tổ chức lãnh đạo, chỉ huy của Đảng và Nhà nước đã được công bố công khai, một đối tượng phục vụ duy nhất: Nhân dân, bao gồm mọi công dân lương thiện, kể cả công dân các nước khác đặt chân tới Việt Nam, tuân theo luật pháp Việt Nam.

Quốc phòng - an ninh ưu việt nhất là quốc phòng - an ninh không phải chấp nhận chiến tranh, không phải dùng đến vũ lực để đàn áp bạo loạn, mặc dù tiến hành chiến tranh, và trấn áp bạo loạn là chức năng phải rèn luyện suốt đời của nó. Hoà bình, ổn định hiện đang là thứ “gia sản” quý nhất mà các thế hệ đi trước đã tốn bao xương máu mới vun đắp nên, thứ “gia sản” mà các “siêu cường” đứng đầu thế giới vị tất đã tạo dựng nổi. Thứ gia sản quý hiếm đó đang nằm trong tay toàn dân tộc, lấy quốc phòng - an ninh làm người canh giữ chính. Giữ được hoà bình ổn định lâu dài thì mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mới có cơ trở thành hiện thực.

Trong thời mở cửa và hội nhập, quốc phòng - an ninh là những biểu tượng đầu tiên thể hiện “Quốc uy, Quốc thể” của đất nước và chế độ trước mọi khách thể ngoại lai nhưng phải là “Quốc uy, Quốc thể” mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam. Truyền thống ông cha ta xưa nay thường ca ngợi các bậc “văn võ song toàn” mà coi rẻ kiểu cách “võ biền”, “cùng binh độc vũ” “dùng binh” đến cùng, lấy vũ lực làm sức mạnh độc nhất. “Quốc phòng - an ninh” vốn không dung nạp kẻ cướp nước, kẻ gian tà, kẻ làm loạn, dù chúng ở cương vị nào cũng vậy nhưng quốc phòng - an ninh phải mực thước, vô tư không phân biệt đối xử với mọi đối tác, mọi công dân, mọi người lương thiện. Chính vì vậy mà mọi lực lượng của quốc phòng - an ninh phải tự nâng cao chất lượng về mọi mặt, nhưng lấy chất lượng chính trị làm cái gốc để chống lại âm mưu “phí chính trị hoá” các lực lượng vũ trang, bảo đảm vững vàng trước mọi kiểu “diễn biến”. Từ đó, bản lĩnh chính trị là phẩm chất hàng đầu của quốc phòng - an ninh trong thời kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập. Nó làm nền cho bản lĩnh về quân sự, chuyên môn, kỹ thuật.

Tóm lại, trong quá trình xây dựng và chỉ đạo, hoạt động, phải triệt để ngăn chặn những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường xâm nhập vào nội bộ các lực lượng quốc phòng - an ninh, phát huy tác dụng góp phần điều chỉnh nền kinh tế thị trường… theo đúng định hướng.

Hai là, mấy phương thức giữ nước, bảo vệ chế độ có hiệu lực trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN, mở cửa và hội nhập

Trong thời kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập, cần lấy giữ vững hoà bình ổn định để phát triển sản xuất làm lợi ích cao nhất của Tổ quốc, Quốc phòng an ninh ngày nay phải tận dụng được vị thế và sức mạnh tổng hợp về mọi mặt mà đất nước đã tạo dựng được vào sự nghiệp giữ nước và bảo vệ chế độ, không thể rập khuôn những kinh nghiệm đã rút được trong thời bao cấp.

Trước hết là vị thế hiện nay của Việt Nam trong vùng, trong khu vực và trên trường quốc tế là vị thế mà đất nước ta chưa bao giờ đạt được trong lịch sử dân tộc cũng như lịch sử cách mạng Việt Nam.

Ngày nay, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được liên kết các nước và tổ chức quốc tế công nhận về mặt ngoại giao, là thành viên quan trọng của nhiều tổ chức có vị trí trong vùng, trong khu vực và trên thế giới.

Để đạt tới sự đồng thuận trong nhân dân, ngoài những tồn tại khách quan về kinh tế - xã hội và chính trị - xã hội chưa dễ khắc phục ngay một lúc phải chỉ ra rằng ngày nay, chính các chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực thi sự lãnh đạo và quản lý đất nước đang quyết định sự mạnh yếu của thứ tiềm lực lớn nhất, phần sức mạnh chủ yếu nhất của quốc phòng - an ninh, đó là “sức mạnh toàn dân tộc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có công phát hiện và gây dựng, sức mạnh sản sinh ra bản thân các lực lượng vũ trang. Trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo và quản lý của ta ngày nay thì khâu chấp hành ở cơ sở còn là khâu khá yếu. “Trong ấm thì ngoài êm”, “đối nội quyết định đối ngoại” giữ vững bên trong trước khi đối phó với bên ngoài, đó là một phương thức giữ nước, bảo vệ chế độ có hiệu lực trong thời kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập.

Ba là, nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công, quy tụ đối tác, phân hoá đối tượng, cô lập kẻ hiếu chiến, thêm bạn bớt thù, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng khi đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Vừa cảnh giác đề phòng chiến tranh xâm lược, vừa thực sự chống “diễn biến hoà bình” đang diễn ra dưới mọi hình thức, quốc phòng - an ninh không thể chỉ thụ động phòng thủ mà phải luôn nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công. Ngày nay, ngoài việc chỉ đạo bọn phản động nội địa tập hợp lực lượng, kích động nhân dân chống lại sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, các thế lực thù địch bên ngoài đang xúc tiến một lộ trình tha hoá cán bộ, đảng viên và nhân viên Nhà nước, đề cao các giá trị của thế giới phương Tây, trước hết là các giá trị về “tự do, dân chủ, nhân quyền”, hạ thấp các giá trị của CNXH, tìm cách cuốn hút theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa càng nhiều người càng tốt, càng sớm càng tốt. Chúng thực sự đang tiến công bảng sức mạnh tổng lực: Kinh tế, chính trị, văn hoá tư tưởng, mức sống và lối sống... nhằm mục tiêu thúc đẩy sự rời bỏ lý tưởng XHCN, phủ định các giá trị và thành quả cách mạng, phi chính trị hoá các lực lượng vũ trang.

Về phía ta, nếu chỉ chủ trương phòng chống là thụ động. Những thành quả mà ta đã đạt được về nhiều mặt cùng vị thế mới trên trường quốc tế cho phép ta không chỉ chủ động phản công mà còn tiến công các thế lực thù địch: Trở thành uỷ viên không thường trực của Hội Đồng Bảo an Liên hiệp quốc, ta càng có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh đường lối đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, quy tụ đối tác ngày càng rộng rãi, nêu cao các giá trị về xoá đói giảm nghèo, bình đẳng dân tộc, hoà bình an ninh, hợp tác phát triển giữa các quốc gia công bằng trong quan hệ quốc tế... vạch trần bộ mặt thật của những kẻ “hiếu chiến phân biệt chủng tộc, theo đuổi chính sách siêu cường độc tôn, can thiệp thô bạo vào nội bộ các nước có chủ quyền, bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế, đơn phương áp đặt, chối bỏ cả nghĩa vụ về môi trường, sinh thái...” nhằm mục tiêu phân hoá kẻ thù, cô lập bọn cầm đầu, trung lập các thế lực trung gian, chuyển hoá giới cầm quyền, thu hẹp đối tượng, đẩy chúng vào thế phải bị động phòng thủ.

Trong nội bộ đất nước và chế độ, nắm chắc “nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, tăng cường quốc phòng giữ vững an ninh… là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng,Nhà nước và của toàn dân, toàn hệ thống chính trị”, kiên định định hướng XHCN trên mọi lĩnh vực, kịp thời phân rõ đúng sai, kiên quyết trừng trị tham nhũng, lãng phí quan liêu cảnh giác trước mọi thủ đoạn cài cắm và lôi kéo, làm sạch nội bộ Đảng và các cơ quan Nhà nước, đẩy lùi “diễn biến hoà bình”, loại bỏ nguy cơ “tự diễn biến” ở từng vị trí xung yếu.

Với tầm nhìn tới năm 2020 khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, quốc phòng chẳng những phải bắt kịp sự phát triển của “hạ tầng cơ sở” kinh tế mà còn phải chủ động đi trước một bước. Xét về mặt bảo vệ không thể chỉ chăm lo giữ gìn vùng đất, vùng biển, vùng trời mà phải chăm lo bảo vệ cả khoảng không vũ trụ do các vệ tinh địa tĩnh giữ quyền làm chủ. Kể cả quyền ưu tiên phát sóng trong khoảng không đó. Khoảng không vũ trụ bao gồm cả vùng “quyền chủ quyền” của Việt Nam không phải nhỏ, quyền bất khả xâm phạm của các đại sứ quán, lãnh sự quán, văn phòng đại diện mở ra ngày càng nhiều, của các phương tiện giao thông trên biển và trên không lưu hành khắp thế giới, quyền công dân và tự do cư trú của mấy triệu Việt kiều, tất cả phải được coi vừa là đối tượng quản lý và bảo vệ vừa là lực lượng của quốc phòng an ninh Việt Nam trên nhiều châu lục.

Tóm lại, Chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh thông tin, chiến tranh điện tử... đã trở thành hiện thực mà Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng, đối phó. Để không bị bất ngờ khi kẻ thù thay đổi phương thức tiến công, ta không thể chỉ chăm lo phòng tránh mà phải chủ động chuẩn bị các đòn phản kích, phù hợp với điều kiện trang bị vào lúc đó. Bởi vậy kinh tế càng phát triển, hội nhập càng rộng mở, Đảng và Nhà nước càng phải chăm lo những kinh phí cần thiết bảo đảm cho quốc phòng - an ninh mua sắm những vũ khí, trang bị không thể thiếu mà công nghiệp quốc phòng ta chưa sản xuất nổi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 8, khóa IX Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003

2. Nhiều tác giả, Tìm hiểu Học thuyết quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997.

3. Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.

4. Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI,VII, VIII, IX, X, XI, NXB Chính trị Quốc gia.

Đỗ Thanh Nhàn - Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật

các tin khác