Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số kết quả đảm bảo chính sách an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh An Giang trong thời gian qua

08:11 18/11/2019

 Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã được nhiều thành tựu hết sức to lớn. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, ở nhiều phương diện khác nhau, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Chính vì vậy, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã đề ra nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng đồng thời cũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để vừa giải quyết những tồn tại của vấn đề “tam nông”, vừa từng bước thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn nói riêng. Một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, là đảm bảo hệ thống an sinh xã hội hiện nay.

* Một số kết quả đảm bảo chính sách an sinh xã hội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh An Giang trong thời gian qua

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới đúng thực chất, không chạy theo thành tích, phong trào, khi thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí của Trung ương (19 tiêu chí và 39 chỉ tiêu), dựa vào tình hình thực tế ở địa phương, tỉnh đã bổ sung thêm 11 chỉ tiêu về ứng dụng khoa học công nghệ, một số chỉ tiêu về chất lượng nên bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới áp dụng trong toàn tỉnh gồm 19 tiêu chí và 50 chỉ tiêu. Và tỉnh An Giang được Trung ương chọn là 01 trong 05 tỉnh chỉ đạo điểm về xây dựng nông thôn mới.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2019 tại An Giang đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đạt được những thành tựu khá toàn diện. Nông nghiệp phát triển khá theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước gắn với nhu cầu thị trường; năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ngày càng mở rộng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp.

Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện; công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt được kết quả quan trọng; cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện. Nhiều địa phương đã tích cực, chủ động, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, tập trung huy động nhiều nguồn lực triển khai Chương trình. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng lên, dân chủ được phát huy; an ninh - chính trị, trật tự xã hội địa bàn nông thôn được giữ vững; niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy đảng, chính quyền được củng cố, nâng lên. Đặc biệt, hệ thống an sinh xã hội, một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở tỉnh An Giang đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể:

Thứ nhất, về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và tham gia thị trường lao động có thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn

Tỉnh tập trung huy động được nhiều nguồn lực từ Nhà nước và xã hội để chăm lo cho các đối tượng khó khăn với kinh phí năm sau cao hơn năm trước (tổng nguồn lực đầu tư năm 2017 trên 1.700 tỷ đồng). Hầu hết các địa phương, nhất là cấp xã tích cực tổ chức triển khai các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn đảm bảo kịp thời đưa chính sách đến người dân...; đa số thành viên trong tổ an sinh xã hội ở cấp xã đã tiếp cận được các chính sách và đề xuất nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương.Các địa phương chú trọng thực hiện chính sách giải quyết việc làm cho người lao động. Ngoài hỗ trợ đào tạo nghề, vốn giải quyết việc làm tại chỗ, nhiều địa phương đã gắn kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đưa lao động đi làm việc.

Kết quả giải quyết việc làm đều đạt và vượt chỉ tiêu hằng năm (bình quân giải quyết việc làm thường xuyên khoảng 35.000 người/năm). Từ năm 2000 đến cuối năm 2015 đã có trên 365 ngàn người được đào tạo nghề theo các cấp trình độ, đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 4,74% (năm 2000) lên 23% (năm 2010), đạt 36% vào năm 2015.

Mạng lưới cơ sở dạy nghề đã có bước phát triển khá nhanh, từ 07 cơ sở dạy nghề năm 2000, đến nay có 32 cơ sở đào tạo nghề tăng hơn 4 lần, trong đó có 01 trường Cao đẳng nghề, 05 trường trung cấp nghề, 10 trung tâm dạy nghề và 13 cơ sở khác có tham gia dạy nghề. Thời gian qua việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề cũng được quan tâm thực hiện thường xuyên để đáp ứng yêu cầu đào tạo và góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề. Đến nay toàn tỉnh có trên 590 giáo viên cơ hữu dạy nghề, tăng gấp 06 lần so với năm 2000, có gần 60 người có trình độ trên đại học (năm 2000 có 98 giáo viên dạy nghề, trong đó có 02 giáo viên có trình độ trên đại học). Ngoài ra, còn có trên 200 người là nghệ nhân ở các làng nghề, lao động có kinh nghiệm, có tay nghề lâu năm tham gia dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn.

Kết quả giảm nghèo bền vững: tỉnh đã tập trung phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các chính sách giảm nghèo bền vững. Phát động nhiều phong trào giúp nhau giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm khá mạnh qua các thời kỳ, giai đoạn 2011-2015: giảm từ 9,28% (năm 2011) xuống còn 3,65% (đầu năm 2015), bình quân mỗi năm giảm 1,40%. Đầu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,65% (với 19.840 hộ, giảm 7.105 hộ ), trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 14,55% (với 4.080 hộ, giảm 790 hộ); hộ cận nghèo 4,83% (với 26.270 hộ, giảm 5.506 hộ).

Thứ hai, sự tham gia của người dân vào các loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp

Hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp được triển khai đồng bộ. Phạm vi, đối tượng tham gia các hình thức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp ngày càng mở rộng. Đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 86.568 người, đạt trên 102% kế hoạch, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 7.126 người, đạt 109% kế hoạch, số người tham gia bảo hiểm y tế là 1.294.824 người (chiếm trên 60,02% dân số), số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp 73.912 người (đạt 102%); hằng năm, tỉnh đều dành nguồn ngân sách để chi hỗ trợ cho nhiều đối tượng tham gia các loại hình bảo hiểm nêu trên, tạo sự bình đẳng, khuyến khích các đối tượng, người lao động thụ hưởng các quyền lợi theo quy định.

Thứ ba, về trợ giúp xã hội thường xuyên, trợ giúp xã hội đột xuất

Tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trọng điểm, nhất là những chính sách quan trọng như: hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật theo Nghị định 62, 13, 06 và 28 của Chính phủ; Quyết định 167 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; Quyết định 268 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; Nghị định 74 của Chính phủ về miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên; tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo, cho học sinh - sinh viên… giúp các đối tượng tiếp cận khá đầy đủ, kịp thời các dịch vụ xã hội.

Đối tượng thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội ngày càng mở rộng, đa dạng về hình thức hỗ trợ và gia tăng về số lượng; nhiều đối tượng khó khăn bước đầu sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Tổ chức thực hiện các chính sách kịp thời, đặc biệt là công tác cứu trợ đột xuất cho các hộ gặp thiên tai, hỏa hoạn… Đến đầu năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 13.000 người đang hưởng chính sách người có công thường xuyên, trên 20.000 người có công hưởng trợ cấp 01 lần; trên 63.000 đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội (trong đó, có 43.000 người cao tuổi, 16.000 người khuyết tật).

Thứ tư, một số mô hình, điển hình về thực hiện chính sách an sinh xã hội trong thời gian qua trên địa bàn

Qua triển khai các chính sách an sinh xã hội đã xuất hiện một số mô hình hay theo phương châm nhà nước - người thụ hưởng và cộng đồng cùng đóng góp để chăm lo chính sách an sinh xã hội. Điển hình là việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tỉnh thống nhất kinh phí xây dựng tối thiểu là 20 triệu/căn, trong đó, nguồn hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ là 06 triệu đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 03 triệu đồng, người thụ hưởng được vay tín dụng ưu đãi 08 triệu đồng và nguồn từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân hảo tâm là 03 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương lồng ghép các chương trình, đề án, chính sách để phát huy hiệu quả các nguồn đầu tư, đảm bảo đưa chính sách đến tận tay đối tượng thụ hưởng. Phổ biến, nhân rộng các mô hình lồng ghép chính sách an sinh xã hội có hiệu quả, như: mô hình giảm nghèo bền vững; đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của các cơ sở doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương và các doanh nghiệp ngoài tỉnh...

* Một số giải pháp tăng cường an sinh xã hội ở nông thôn góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

An sinh xã hội bao gồm các hệ thống, chính sách và chương trình do Nhà nước, các đối tác xã hội và tư nhân thực hiện nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong quản lý và kiểm soát các rủi ro do mất việc làm, tuổi già, ốm đau, rủi ro do thiên tai, chuyển đổi cơ cấu, khủng hoảng kinh tế dẫn đến giảm hoặc bị mất thu nhập và giảm khả năng tiếp cận đến hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản.

An sinh xã hội gồm 4 cấu phần cơ bản: chính sách hỗ trợ người dân có việc làm, tạo thu nhập và tham gia thị trường lao động và giảm nghèo, chính sách BHXH; các chính sách trợ giúp xã hội, và đảm bảo tiếp cận dịch vụ cơ bản tối thiểu. Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra là tác động của cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển sang mô hình tăng trưởng mới và biến đổi khí hậu đối với rủi ro trong khu vực nông thôn, tình trạng nghèo tương đối và sự gia tăng bất bình đẳng của dân cư nông thôn so với thành thị; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, vấn đề di dân nông thôn - đô thị; mối liên hệ giữa nghèo đói, việc làm và phát triển nguồn thị trường lao động nông thôn.

Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần có các giải pháp nhằm tăng cường An sinh xã hội nông thôn gồm:

Một là, hỗ trợ lao động nghèo, người thất nghiệp và thiếu việc làm ở nông thôn, người có thu nhập ổn định và tham gia thị trường lao động: Tăng cường hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi các chương trình tín dụng ưu đãi dể phát triển ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ nong thôn. Mở rộng đối tượng vay vốn đối với kinh tế trang trại, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động thuộc hộ nghèo ở nông thôn; đầu tư phát triển mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm trong khu vực nông thôn; tăng cường chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, ưu tiên các cơ sở dạy nghề của các doanh nghiệp để thu hút lao động sau khi tốt nghiệp; tập trung vào các giải pháp gắn bó với đặc thù của các vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Hai là, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp: thí điểm các chính sách hỗ trợ, xây dựng chính sách hỗ trợ một phần phí tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, nông dân có mức thu nhập từ trung bình trở xuống; tiếp tục hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện để nâng cao khả năng tham gia của người dân nông thôn; từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội.

Mở rộng bảo hiểm y tế: tăng cường tuyên truyền, khuyến khích đối với 40% dân số nông thôn hiện nay chưa tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế; tập trung chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, các xã thuộc vùng khó khăn. Tổng kết mô hình tiến tới xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp: nhằm đảm bảo đời sống cho người dân tiếp tục duy trì và sản xuất.

Ba là, đối với chính sách trợ giúp xã hội cần mở rộng đối tượng gồm giảm dần tuổi hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên cho người già không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội; bổ sung nhóm đối tượng nghèo kinh niên, nâng cao mức hỗ trợ tối thiểu; xây dựng chính sách hỗ trợ tiền mặt thường xuyên đối với trẻ em nghèo trong độ tuổi đi học.

Bốn là, tổ chức các chương trình làm việc tạm thời: cho lao động bị thất nghiệp hoặc thiếu việc làm ở nông thôn, lao động thuộc các hộ nghèo hoặc cận nghèo. Nâng cao hiệu quả thực hiện giảm nghèo, tăng cường dịch vụ xã hội cơ bản: nâng cao chất lượng triểu khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ ở các xã vùng khó khăn, dự án hộ nghèo, tập trung các giải pháp đảm bảo chỗ ở ổn định cho dân cư các xã vùng khó khăn, vùng bị tác động bởi thiên tai, nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Năm là, khuyến khích phát triển các hình thức an sinh xã hội cộng đồng nhằm huy động nguồn lực, tăng cường năng lực tự an sinh của cộng đồng dân cư, tăng cường hợp tác công tư trong việc cung cấp dịch vụ an sinh xã hội.

Tóm lại, chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách an sinh xã hội đối với nông dân là sự cụ thể hóa đường lối của Đảng về quyền con người trong xã hội. Đó là công cụ góp phần thực hiện công bằng và ổn định xã hội, và đó cũng là một điều kiện đủ để phát triển xã hội một cách bền vững. Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bên cạnh những kết quả to lớn cũng đặt ra nhiều nội dung vấn đề liên quan tới an sinh xã hội. Đảng, Nhà nước ta chủ trương xây dựng chiến lược phát triển an sinh xã hội đối với nông dân, giúp họ có điều kiện sản xuất, sinh hoạt và hưởng thụ tốt hơn những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian tới, cần có những giải pháp cơ bản đảm bảo hệ thống an sinh xã hội góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho cả nước và An Giang nói riêng.

* Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2008), Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ngày 28 tháng 10 năm 2008.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội; tr.126.

3. TS. Phạm Đi (2016), Xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay (Nghiên cứu Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

4. PGS.TS. Vũ Văn Phúc (Chủ biên) (2012), Xây dựng nông thôn mới những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Thủ tướng Chính phủ (2010), Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, ngày 04 tháng 06 năm 2010.

6. Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, ngày 16 tháng 4 năm 2009.

7. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, ngày 17 tháng 10 năm 2016.

8. Tỉnh ủy An Giang (2016), Chương trình hành động số 04-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020, ngày 18 tháng 7 năm 2016.

Dương Thị Bích Thủy - Khoa Xây dựng Đảng

các tin khác