07:29 30/10/2020
An Giang là tỉnh nông nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên trên 3.536 km2; có gần 100 km đường biên giới giáp 02 tỉnh Kandal và Tàkeo - Vương quốc Campuchia với 02 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu quốc gia và nhiều cửa khẩu phụ. Dân số An Giang hiện có trên 1,9 triệu người, đứng thứ 08 cả nước và đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long .
Về mặt địa lý – kinh tế, An Giang được xem là trung tâm kinh tế thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và thành phố Phnom Penh (Campuchia) và là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, của các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia và các nước thành viên ASEAN. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú, lực lượng lao động dồi dào; An Giang có lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biên nông sản thực phẩm, thương mại biên giới.
Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương luôn có sự phát triển mạnh mẽ không ngừng, giai đoạn 2015 – 2020, dự ước tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,25%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,18 tỉ USD; hàng hóa xuất khẩu của Tỉnh đã có mặt trên thị trường 105 quốc gia và vùng lãnh thổ; thu hút được 340 dự án (09 dự án FDI, 331 dự án đầu tư trong nước), tổng vốn đăng ký 78.419 tỷ đồng...
Những kết quả đạt được của công tác xúc tiến thương mại và đầu tư.
Đạt được những kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của công tác xúc tiến thương mại và đầu tư trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Cụ thể:
Một là, công tác cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư có sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao uy tín và hình ảnh thân thiện, năng động của An Giang trong mắt nhà đầu tư, góp phần thu hút có hiệu quả nguồn lực xã hội đầu tư phát triển; trong 5 năm qua, thu hút được 340 dự án đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 78.419 tỷ đồng (gồm: 09 dự án FDI, 331 dự án đầu tư trong nước). Số lượng hội chợ được nâng lên về số lượng và chất lượng, quy mô và tầm cỡ khu vực và quốc tế. Ngành Du lịch đón khoảng 41,5 triệu lượt khách tham quan, du lịch, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn, nhà nghỉ, nhà trọ trên 02 triệu lượt, khách quốc tế ước đạt gần 600 nghìn lượt (tăng trưởng bình quân 23,4%/năm); tổng doanh thu du lịch (2015 – 2020) đạt gần 25 nghìn tỷ đồng. Hoạt động liên kết phát triển du lịch đi vào chiều sâu; công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh và con người An Giang được chú trọng.
Hai là, cùng với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, đã tăng cường và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tìm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các kỳ hội chợ và hội thảo kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh, phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Kết quả: Từ năm 2015 đến nay, đã tổ chức thành công 20 hội chợ thường niên theo chương trình xúc tiến thương mại nội địa và biên giới, thu hút 2.510 doanh nghiệp tham gia với quy mô 6.740 gian hàng, tổng lượng khách tham quan khoảng 2.957 triệu lượt, trong đó doanh nghiệp An Giang tham gia 523 lượt gian hàng của 335 doanh nghiệp. Điểm nổi bật trong giai đoạn 2015 - 2020 là nâng cấp Hội chợ Thương mại Quốc tế An Phú 2019 thành Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia, từ cấp địa phương trở thành hội chợ cấp quốc tế.
Từ năm 2016 đến nay đã tổ chức 04 Phiên chợ về nông thôn (huyện Chợ Mới, huyện Phú Tân, huyện Tri Tôn) với gần 250 gian hàng của các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và 13 Phiên chợ Hợp Nông vào thứ bảy hàng tuần. Qua các chương trình, người dân ở khu vực nông thôn đã tiếp cận được với các hàng hóa, sản phẩm do Việt Nam sản xuất có chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần nâng cao ý thức tiêu dùng, và bước đầu thay đổi nhận thức của người dân về hàng hóa Việt Nam.
Ba là, công tác xúc tiến nước ngoài ngày càng phát huy hiệu quả và nhận được sự phối hợp của doanh nghiệp xuất khẩu. Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã có mặt trên thị trường 105 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hoạt động xúc tiến xuất khẩu, định hướng thị trường cho doanh nghiệp được quan tâm. Phối hợp với các tổ chức xúc tiến, tham gia Chương trình Xúc tiến Thương mại Quốc gia, Hội chợ chuyên ngành và nghiên cứu khảo sát thị trường tại các quốc gia: Indonesia, Trung Quốc (năm 2015); Hàn Quốc, Thụy Điển (năm 2016); Malaysia (năm 2017); Myanmar (năm 2018); Lào, Campuchia (năm 2019)... giới thiệu kết nối xuất khẩu các mặt hàng lúa gạo, thủy sản, rau quả. Đặc biệt, tham mưu UBND tỉnh An Giang đại diện nước Việt Nam tham gia khu gian hàng triển lãm Thành phố đẹp tại Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần thứ 16 (CAEXPO 2019) tại tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc.
Bốn là, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin, mở rộng thị trường.
Thường xuyên phổ biến, cập nhật kiến thức về hội nhập, các hiệp định song phương và đa phương với các nước để các doanh nghiệp nắm khai thác lợi thế và tránh bất lợi trong quá trình thực hiện: Các thủ tục thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại Vương quốc Campuchia; Về thủ tục xuất – nhập khẩu hàng hóa sang thị trường Campuchia; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và thông tin về tình hình thị trường và nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp của các nước thông qua Cục Xúc tiến Thương mại, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương.
Tham gia thành viên và thường xuyên cập nhật từ hệ thống các trang mạng xã hội (oryza, cafef, vietgo...) để kết nối cho các doanh nghiệp tìm đầu ra cho các sản phẩm.
Nhằm giúp doanh nghiệp chủ động và có kế hoạch phát triển thị trường. Trung tâm Xúc tiến đã mua thông tin cơ hội giao thương cung cấp doanh nghiệp và Hợp tác xã xuất khẩu của tỉnh (trong năm 2016, 2018 đã cung cấp 371 đơn hàng, cơ hội giao thương xuất khẩu để liên hệ, chào giá mua bán).
Đẩy mạnh hoạt động trang Web và Fanpage Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Cổng thông tin điện tử các Sở, ngành,… đưa nhiều tin bài về chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại; thông tin doanh nghiệp và cơ hội kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác kinh doanh của doanh nghiệp An Giang.
Năm là, đối với hoạt động xúc tiến đầu tư.
Tổ chức đoàn gắn xúc tiến đầu tư với việc nghiên cứu thị trường, tham gia hội chợ và kết nối giao thương với đối tác có quan hệ hợp tác với Tỉnh như: Hàn Quốc, Thụy Điển, Malaysia... Tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang 2018 có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khoảng 500 đại biểu. Kết quả, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 26 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư trên 27.000 tỉ đồng. Đồng thời, kết nối cơ hội cho 5 đề xuất cam kết ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 35.500 tỷ đồng và 4 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 69.500 tỷ đồng.
Hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư:
Để cập nhật kịp thời thông tin gửi đến nhà đầu tư, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản chỉ đạo các Sở ban ngành cập nhật và biên soạn, chuẩn bị tái bản Ấn phẩm “An Giang: Kết nối cơ hội, hợp tác thành công”, tái bản (lần 1) video clip “An Giang – Tiềm năng và Cơ hội đầu tư”, lập báo cáo đề xuất chủ trương mời gọi đầu tư của danh mục 55 dự án để làm tài liệu xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Phối hợp với cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyên đề, tin, bài quảng bá hoạt động xúc tiến đầu tư, môi trường đầu tư vào các dự án trên địa tỉnh như: Báo Đầu tư, Báo Diễn đàn doanh nghiệp, Tạp Chí kinh tế và dự báo, Báo Nhân dân,…
Những mặt hạn chế của công tác xúc tiến thương mại và đầu tư thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của Tỉnh còn những hạn chế sau:
Một là, về thương mại nội địa: các sản phẩm sản xuất tại địa phương được sản xuất theo hướng hộ gia đình và các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Chất lượng chưa đồng đều và mẫu mã còn đơn giản và ít được chú trọng đầu tư. Các hộ kinh doanh và doanh nghiệp còn thụ động trong công tác tìm kiếm thị trường, mở rộng hệ thống phân phối, trong khi mức chi đầu tư cho phát triển kênh phân phối còn rất thấp. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối, bán lẻ của tỉnh tập trung ở các đô thị lớn, thị xã, thị trấn, chưa đi sâu vào các khu vực tập trung dân lao động đông như các khu cụm công nghiệp và khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế khó khăn chung nên các chương trình và hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại chưa được phong phú đa dạng. Mặt bằng tổ chức các sự kiện chưa được quy hoạch chuyên dùng nên khi tổ chức phải sử dụng tạm mượn. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa biết khai thác các chính sách và dịch vụ xúc tiến thương mại từ những chương trình xúc tiến thương mại đã và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Hai là, về ngoại thương: các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc đầu tư phát triển thị trường, tuy có, nhưng còn hạn chế do chi phí phát triển thị trường ở nước ngoài rất lớn. Mặc dù các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự chủ động và thành công hơn trong công tác quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, thị trường, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ, tham gia còn hạn chế. Việc tổ chức đoàn ra nghiên cứu thị trường trọng điểm, thị trường mục tiêu chưa được thường xuyên.
Hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện cho các mặt hàng chủ lực của tỉnh như nông sản, thủy sản, rau quả đông lạnh... cùng với cả nước chiếm lĩnh được nhiều thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,... góp phần tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong tỉnh, tạo thu nhập ổn định, thúc đẩy sản xuất và phát triển thương mại.
Ba là, cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến ở nước ngoài còn hạn chế. Điều này, khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể tham gia vào các chương trình. Đơn cử có thể đề cập: kinh phí hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến còn ít so với nhu cầu. Với đặc thù khi tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài, các doanh nghiệp phải đăng ký và thanh toán 100% chi phí trước từ 9 - 12 tháng trở lên để có được vị trí gian hàng tốt và chi phí thấp. Tuy nhiên, việc bố trí, phân bổ kinh phí định kỳ hàng năm đã ảnh hưởng lớn đến nội dung và chất lượng các chương trình xúc tiến ở nước ngoài, đặc biệt là các chương trình lớn, uy tín diễn ra và các tháng đầu năm; kinh phí tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn của Tỉnh chưa đến 50% quy định của Trung ương, nên công tác tổ chức còn hạn chế, chưa thề đẩy mạnh công tác quảng bá, thu hút người dân.
Bốn là, một số dự án kêu gọi đầu tư chưa có mục tiêu, nội dung chi tiết, rõ ràng, thiếu tính khả thi, chưa phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế của tỉnh, trong đó cơ chế chính sách chưa theo kịp xu hướng đầu tư hiện đại, quy mô lớn, đặc biệt là cơ chế, chính sách về đất đai, thuế.
Năm là, chưa chuẩn bị hoặc hình thành được nền tảng và điều kiện cơ bản về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội một cách vững chắc để đáp ứng các nhu cầu và đòi hỏi khi thu hút và triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn, nhất là điều kiện về hạ tầng về giao thông, vùng nguyên liệu, lực lượng lao động (cả lao động phổ thông, lao động có tay nghề và lao động chuyên môn sâu, chất lượng cao).
Sáu là, cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn. Thủ tục hành chính mặc dù đã được cải thiện đáng kể, điều kiện đầu tư kinh doanh được thông thoáng hơn, nhưng nhìn chung vẫn còn một số thủ tục rườm rà, bất hợp lý nên chưa thực sự tạo được môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng đúng nghĩa để hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư có năng lực.
Bảy là, xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa tự cân đối được nguồn lực, còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ Trung ương. Do đó ngoài việc xây dựng và áp dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi chung như các tỉnh theo quy định của Trung ương, tỉnh An Giang chưa xây dựng được chính sách hỗ trợ đầu tư riêng để bù đắp những bất lợi về vị trí địa lý và điều kiện hạ tầng.
Tám là, nguồn nhân lực làm công tác xúc tiến còn thiếu so với nhu cầu và hạn chế về năng lực. Trong đó, năng lực của cán bộ, viên chức làm công tác xúc tiến còn yếu, đặc biệt là ngoại ngữ. Nguyên nhân: Nguồn nhân lực làm công tác xúc tiến dù được thường xuyên cập nhật kiến thức, tuy nhiên vẫn còn hạn chế do các chương trình đào tạo thường ngắn hạn và chưa mang tính chuyên sâu. Đặc biệt, một số viên chức còn chưa chủ động trong việc nâng cao trình độ cho bản thân, ỷ lại; tư tưởng còn rập khuôn và mang tính hình thức.
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian tới.
Để hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang đạt hiệu quả hơn nữa, thiết nghĩ, trong thời gian tới cần thiết thực hiện các giải pháp sau:
Một là, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại.
Trong đó tiếp tục triển khai các hình thức xúc tiến thương mại truyền thống, chủ động nghiên cứu, áp dụng những hình thức mới, hiện đại, phù hợp để đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại trong tình hình mới; tăng cường mối quan hệ phối kết hợp với các cơ quan có liên quan trong hoạt động xúc tiến thương mại tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; tăng cường các hoạt động marketing, giới thiệu, quảng bá về các hoạt động xúc tiến thương mại trong tỉnh, trong nước và quốc tế; xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại chuyên ngành với từng mặt hàng, từng thị trường. Trung tâm Xúc tiến cần xây dựng các chương trình, đề án cho từng loại hàng hóa, nhất là các loại hàng hóa mới hoặc hàng hóa cần có sự hỗ trợ tìm thị trường.
Hai là, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư.
Trong đó tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) của tỉnh An Giang; các chương trình, kế hoạch về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân; tập trung nguồn lực địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các Tổ chức quốc tế để đầu tư và chuẩn bị tốt về điều kiện cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch, quy hoạch và tạo vùng nguyên liệu để hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư muốn đầu tư kinh doanh tại tỉnh An Giang; tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh; tăng cường công tác hợp tác với các Tham tán thương mại và đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan xúc tiến, cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam.
Ba là, chuẩn bị nguồn vốn, xây dựng cơ sở vật chất xúc tiến.
Tập trung xem xét, tham mưu các cấp, các ngành có liên quan kêu gọi đầu tư xã hội hóa xây dựng Trung tâm triển lãm, trưng bày và kinh doanh sản phẩm của các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đầu tư hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu cho các hoạt động xúc tiến thương mại; bố trí hỗ trợ kinh phí hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư theo giai đoạn từ ngân sách tỉnh phù hợp với yêu cầu và tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Bốn là, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương đối với đổi mới cơ chế, chính sách.
Tập trung tăng cường vai trò lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang trong công tác xúc tiến thương mại và đầu tư; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về xúc tiến, trong đó sớm ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang, trên cơ sở hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và đơn vị tổ chức đảm bảo bám sát quy định của Chính phủ và các Bộ, Ngành có liên quan; rà soát, điều chỉnh quy định về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, để khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Năm là, đổi mới về cơ cấu, tổ chức, nguồn nhân lực.
Quan tâm ổn định mô hình tổ chức của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang. Đây là cơ quan chuyên trách trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, có chức năng tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các chính sách phát triển về thương mại và đầu tư; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trên địa bàn tỉnh; thực hiện công tác hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tìm cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; tập trung tuyển dụng mới đội ngũ cán bộ, nhân viên có chuyên môn cao về xúc tiến để bổ sung vào nguồn nhân lực đang còn rất thiếu cho hoạt động này./.
* Tài liệu tham khảo
1. Luật Thương mại Việt Nam năm 2005.
2. Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư.
3. Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 về ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình Xúc tiến Thương mại quốc gia.
4. Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
5. Báo cáo tổng kết Chương trình Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015 và Chương trình Xúc tiến Đầu tư - Thương mại giai đoạn 2016 - 2020.
ThS. Lê Quang Vinh - Trưởng Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu