Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân

05:31 11/10/2023

Giám sát và phản biện xã hội là quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Qua giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt hơn chức năng đại diện quyền làm chủ của Nhân dân. Trong những năm qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên trong thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không tránh khỏi những khó khăn nhứt định. Vì vậy việc phát huy hơn nữa quyền và trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp nhằm đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đang là vấn đề cấp bách được đặt ra hiện nay.

CN. Trần Vũ Minh

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Sau thống nhất đất nước, ta thực hiện cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, việc phát huy dân chủ trong Nhân dân chưa được cụ thể hoá; nhất là vai trò giám sát của Nhân dân chưa được chú trọng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lúc bấy giờ hoạt động mang tính hành chính hoá, đảng hóa và nhất là bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận có nhiều bất cập (phân công những cán bộ có trình độ, kỹ năng vận động hạn chế về Mặt trận; làm cho Mặt trận hoạt động kém hiệu quả, không phát huy được quyền và trách nhiệm của mình)

Trước tình hình đó, để phát huy tối ưu vai trò của Nhân dân vào xây dựng đất nước, vượt qua khó khăn, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đề ra: “Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để mặt trận và các đoàn thể Nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”1 . Đại hội X còn chỉ ra chức năng giám sát và phản biện xã hội của mặt trận tổ quốc đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, các quyết định lớn của Đảng. Đây là một vấn đề mới, là bước tiến quan trọng trong tiến trình đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng, đồng thời xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân.

Xuất phát từ quan điểm trên, ngày 3 và 4 tháng 7 năm 2006, Uỷ banTrung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội nghị quan trọng để thực hiện Nghị quyết của Đại hội X, lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo đề án giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Để thấy được vai trò phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ta cần hiểu một cách thống nhất phản biện, giám sát là gì?

Phản biện thường được hiểu là việc xem xét, đánh giá chất lượng một công trình khoa học trước một Hội đồng chấm thi, nghiệm thu đề tài (Từ điển tiếng Việt, Đại từ điển tiếng Việt). Phản biện xã hội là đưa ra các lập luận, phân tích nhằm phát hiện, chứng minh, khẳng định, bổ sung hoặc bác bỏ một đề án (phương án, dự án) xã hội đã được hình thành và công bố trước đó. Như vậy phản biện là đánh giá chất lượng của một dự án, có thể nói phản biện xã hội là đưa ra chính kiến của tổ chức, cá nhân phản biện về một dự án (chính sách pháp luật); nêu rõ những điểm đồng ý và chưa đồng ý (quan điểm, chủ trương, tính khả thi...) và đề xuất chính kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau... mang tính khoa học. Đó là một đặc điểm quan trọng của công tác phản biện xã hội. Với nội dung trên, “phản biện” hoàn toàn không đồng nghĩa với “phản bác” và trái ngược với “bài bác”.

Phản biện xã hội không có nghĩa chỉ có phản đối mà phải hiểu có đồng tình, có phản đối, có chấp nhận, có bổ sung. Phản biện xã hội trên tinh thần xây dựng, chứ không phải phản biện là chống lại tất cả. Đồng ý với những vấn đề đúng với nguyện vọng, lợi ích của Nhân dân, phản đối là không đồng tình với những chủ trương đi ngược lại lợi ích của Nhân dân, chấp nhận những điều tương đối tốt và bổ sung lại những điều chưa tốt. Chính những điều này thể hiện tinh thần xây dựng của phản biện.

Như vậy có thể nói phản biện xã hội là chỉ ra tính chất, mục đích của hoạt động phản biện; lập trường của bên phản biện và lực lượng có trách nhiệm tổ chức việc phản biện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong Nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền Nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhân dân, động viên Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước; chức năng trên nói lên nhiệm vụ phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc như sau:

Thứ nhất là phản biện trực tiếp, trong quy chế dân chủ gọi là dân chủ trực tiếp. Nhân dân khi phát hiện những việc làm sai như: Một đường đi xây dựng không đúng, dân có thể phản biện được; một ngôi nhà cán bộ xây dựng sai, hay một câu nói của cấp uỷ địa phương không chính xác, dân có thể phản biện được. Đó là tính quần chúng của phản biện xã hội. Thông thường việc phản biện đó của Nhân dân mang tính trực tiếp.

Thứ hai là dân chủ đại diện, thông qua dân chủ đại diện quần chúng có thể nói lên và bày tỏ ý nghĩ của mình, vì quần chúng không thể biết tất cả, nên phải thông qua người đại diện. Đảng ta là Đảng cầm quyền, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là người đại diện. Nhưng đại diện hợp pháp và hợp lý nhất, đó là Mặt trận Tổ quốc. Nếu Mặt trận Tổ quốc không làm đúng chức năng thì quyền dân chủ đại diện của Mặt trận chưa hoàn thành.

Bên cạnh phản biện, Mặt trận Tổ quốc còn có vai trò giám sát. Vấn đề giám sát đạo đức, lối sống cán bộ công chức đảng viên ở khu dân cư; giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chức trách của cán bộ, đảng viên ở địa phương hay ở cơ quan, đơn vị. Ngoài ra Mặt trận Tổ quốc còn thực hiện hình thức giám sát khác như tham gia đóng góp ý kiến cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác lãnh đạo, quản lý; công tác giới thiệu nhân sự và nhất là giám sát việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, giám sát bầu cử, ứng cử.

Như vậy vấn đề giám sát là giám sát cán bộ, công chức khi thi hành những chủ trương chính sách. Giám sát việc làm và giám sát người khi làm việc, là hai vấn đề có liên quan chặt chẽ với nhau. Giám sát việc là giám sát từ chủ trương đầu tư, xây dựng vì đây mới là vấn đề quan trọng. Về cơ chế giám sát những chủ trương, chính sách liên quan đến người dân, phải được thông báo công khai, minh bạch để Mặt trận Tổ quốc và toàn thể Nhân dân có thể giám sát được. Muốn vậy phải tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với dân, với Mặt trận, trong đó đề cao trách nhiệm giải trình của cá nhân, tổ chức được giám sát.

Mục đích phản biện, giám sát của mặt trận tổ quốc, các tổ chức thành viên và Nhân dân nhằm giúp cho cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy ước ở khu dân cư; phát hiện những nhân tố mới, khuyến khích mặt tích cực, kiến nghị biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt; giúp cấp ủy, chính quyền các cấp và tổ chức khác nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện mình quản lý về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, quan hệ với dân, trên cơ sở đó có hướng bồi dưỡng, sử dụng cán bộ tốt hơn; phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm với dân, kịp thời giáo dục, xử lý những cán bộ, công chức, đảng viên có sai phạm, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên; góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức, nhất là những tổ chức giải quyết những việc trực tiếp liên quan đến quyền lợi của Nhân dân. Mặt khác, thông qua hoạt động phản biện và giám sát mà nâng cao vai trò trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và Nhân dân trong việc tham gia quản lý xã hội, xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

An Giang thời gian qua, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên thực hiện tốt các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, với nội dung, phương thức ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân, như: quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các quy định của Đảng, nhà nước về giám sát, phản biện xã hội, nhất là Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Mặt trận Tổ quốc còn tăng cường phối hợp với các tổ chức thành viên và ngành chức năng trao đổi kinh nghiệm, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận. Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng chủ động, từ sớm, hướng về cơ sở, trọng tâm, trọng điểm; chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.

Nhiệm kỳ qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tích cực thực hiện công tác phản biện xã hội, tham gia góp ý các dự thảo chủ trương, chính sách, kế hoạch, dự án, đề án và văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành. Nhiều ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, quản lý, điều hành được sự đồng thuận cao của Nhân dân. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Đặc biệt, hoạt động của ban thanh tra Nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng (thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tại các địa phương trong tỉnh thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, góp phần thực hiện tốt việc nắm tình hình, thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến, phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở. Từ đó đã khắc phục được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo vượt cấp.

Thời gian qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng chủ động, từ sớm, hướng về cơ sở, trọng tâm, trọng điểm; chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Đồng thời, định kỳ tổ chức kiểm tra, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội tại các địa phương. với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân; tổ chức tốt công tác tiếp công dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn thuộc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Riêng đối với trách nhiệm giám sát năm 2023 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam An Giang đã tiến hành giám sát về: Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên cấp huyện; giải quyết ý kiến, kiến nghị của Nhân dân từ các sở, ngành, UBND các cấp; xây dựng các dự án, công trình đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025); thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện một số điều về Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015; thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp sẽ được thực hiện tập trung vào các dự thảo nghị quyết, quyết định, đề án, dự án, chính sách, kế hoạch, quy hoạch liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương được Nhân dân quan tâm…

Trong điều kiện cơ chế thị trường, thực hiện tốt giám sát, phản biện xã hội, phát huy dân chủ, chắc chắn sẽ tránh được quan liêu hóa trong Đảng, giúp Đảng đề ra đường lối, chủ trương sát, đúng với mong muốn chính đáng của Nhân dân. Phản biện xã hội tốt sẽ góp phần giải quyết vấn đề lớn hiện nay là xây dựng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, trong đó có mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng trong sạch vững mạnh.

Xuất phát từ mục đích và chức năng của Mặt trận, thì phạm vi phản biện, giám sát cần tập trung vào một số chủ đề quan trọng, có ý nghĩa quốc kế, dân sinh, có liên quan đến đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng; pháp luật của Nhà nước; Chủ trương lớn của các cấp chính quyền.

Với yêu cầu nêu trên, cho thấy bên yêu cầu phản biện là cơ quan Đảng, là chính quyền. Bên được yêu cầu phản biện là Mặt trận, cụ thể là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Thời điểm thực hiện giám sát, phản biện đương nhiên phải trước, trong và sau thời điểm Đảng, nhà nước ra quyết định về đường lối, chủ trương, chính sách; pháp luật… Do đó phải đảm bảo điều kiện cho hoạt động phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc như:

- Trước hết phải được thống nhất nhận thức về phản biện xã hội (khái niệm, mục đích, yêu cầu, cơ chế tổ chức phản biện xã hội..., trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư).

- Đảng và Nhà nước ban hành các văn bản làm cơ sở chính trị và pháp lý cho việc thực hiện chủ trương phản biện xã hội (Mặt trận có trách nhiệm tham gia chuẩn bị các văn bản).

- Xác lập cơ chế phản biện xã hội: Thống nhất nội dung, phương thức phản biện giữa bên yêu cầu phản biện và bên được yêu cầu phản biện

- Xây dựng một đội ngũ chuyên gia có trình độ chính trị, chuyên môn, có chính kiến, có tư duy độc lập, thực sự có "tâm", nắm và hiểu được nguyện vọng chính đáng, hợp lý của dân và có đủ năng lực phản biện. (Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tập hợp, xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn, phản biện xã hội).

- Có biện pháp bảo đảm thực sự dân chủ trong phản biện xã hội, sự bình đẳng, việc đối thoại thẳng thắn giữa hai bên (yêu cầu phản biện và phản biện), không có bất kỳ áp lực nào.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cần quy định chế độ thông tin, báo cáo về giám sát và phản biện trong hệ thống, đồng thời xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc cung cấp thông tin, bảo đảm cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có đầy đủ thông tin kịp thời, chính xác làm căn cứ để giám sát và phản biện. Thường trực mặt trận tổ quốc các cấp cần tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý thông tin, thông qua báo cáo của mặt trận tổ quốc cấp dưới, của các tổ chức thành viên, thông tin từ các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cơ quan truyền thông đại chúng và các đơn thư, ý kiến phản ánh trực tiếp của các tầng lớp Nhân dân. Có cơ chế tạo điều kiện khuyến khích và bảo vệ người nói thẳng, nói thật. Xây dựng lực lượng nòng cốt để phản biện. Bắt nguồn từ nguyên lý cơ bản “Đường lối nào thì có tổ chức ấy, nhiệm vụ nào thì con người như thế nào cho phù hợp”. Để thực hiện được phản biện, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phải có những con người thật sự có đức tài, dám phản biện và biết phản biện, chứ không nhất thiết phải bao gồm những người chỉ biết thực hiện, tròn trịa không làm mất lòng ai.

Thực chất của vấn đề phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc là thực hiện quyền làm chủ của dân trong điều kiện một Đảng cầm quyền, để làm cho đường lối, chủ trương của Đảng được thể hiện một cách đúng đắn nhất, đầy đủ  nguyện vọng của quần chúng Nhân dân. Những vấn đề này được thể hiện thông qua một tổ chức duy nhất đại diện cho quần chúng Nhân dân, tổ chức đó là Mặt trận. Mặt trận Tổ quốc là tổ chức duy nhất có thể đoàn kết được các tầng lớp Nhân dân, mà không có tổ chức nào khác có thể đoàn kết được như vậy, trên nguyên tắc và phương châm là đại đoàn kết toàn dân./.

Chú thích: (1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006.

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội;

2. Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền;

3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021;

4. Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

5. Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

các tin khác