08:28 12/11/2019
Quản lý nhà nước về kinh tế là sự tác động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào hoạt động của nền kinh tế nhằm đạt được những mục tiêu nhất định. Trong xu thế hiện nay, nước ta đang tập trung phát triển kinh tế theo định hướng kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên tình hình chung theo đánh giá của Nghị quyết đại hội XII của Ban chấp hành trung ương, kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều khó khăn thách thức, tiềm lực phát triển còn chậm, tăng trưởng GDP thấp,…Do đó nội dung quản lý nhà nước về kinh tế hiện nay là vấn đề đáng quan tâm với những nội dung trọng tâm như sau.
Một là, Về xây dựng thể chế kinh tế
Hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế được thể hiện trước hết ở hoạt động xây dựng thể chế kinh tế. Xây dựng thể chế kinh tế góp phần đảm bảo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng và minh bạch, để các chủ thể kinh tế thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình. Hệ thống pháp luật về kinh tế có thể chia làm 2 nhóm. Thứ nhất, các nhóm văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp, dành riêng cho các chủ thể kinh tế, gồm các quy định về thành lập, đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư và quản trị doanh nghiệp, hợp đồng kinh tế, về tổ chức lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp, cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, giải quyết tranh chấp kinh tế,…Thứ hai, nhóm các văn bản pháp luật dùng chung cho mọi cá nhân, tổ chức mà khi chủ thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ có liên quan phải được thực hiện.
Hai là, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế quốc dân làm cơ sở định hướng cho sự vận động của thị trường.
Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế; Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế theo ngành và lãnh thổ; Kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn, ngắn hạn hàng năm; Các dự án cụ thể về đầu tư kinh tế.
Ba là, Về tổ chức xây dựng kết cấu hạ tầng cho hoạt động kinh tế
Tổ chức quy hoạch, xây dựng các dự án tổng thể, phát triển kết cấu kinh tế hạ tầng; Trực tiếp đầu tư, xây dựng những công trình trọng điểm trong hệ thống kết cấu hạ tầng; Tổ chức đấu thầu, xây dựng những công trình mà nhà nước không cần hoặc không có điều kiện để đầu tư phát triển.
Bốn là, Giám sát, kiểm tra mọi hoạt động kinh tế thị trường
Giám sát kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về kinh tế; Giám sát kiểm tra việc thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước trong quá trình quản lý nhà nước về kinh tế; Giám sát, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các đơn vị kinh tế. Giám sát, kiểm tra việc sử dụng các nguồn lực quốc gia; Giám sát, kiểm tra việc xử lý chất thải và bảo vệ môi trường của các đơn vụ kinh tế.
Năm là. Thực hiện quyền lợi của Nhà nước về kinh tế
Bao gồm sự toàn vẹn về giá trị sử dụng tài sản công và các nguồn thu của ngân sách nhà nước từ các hoạt động kinh tế. Các quyền của nhà nước về kinh tế được thực hiện thông qua: Việc tổ chức bảo vệ tài sản công, chống mọi nguy cơ tổn thất như thiên tai, dịch họa, tham nhũng, lãng phí, tội phạm,...; Định ra các khoản thu cho ngân sách nhà nước, tổ chức thu đủ, kịp thời các khoản thu theo luật định gồm thu thuế, lệ phí, các khoản lợi ích khác,…
Sáu là. Bảo vệ tính bền vững và tích cực của các cân đối kinh tế vĩ mô, hạn chế các rủi ro và tác động của kinh tế thị trường
Đảm bảo kinh tế vĩ mô là 1 chức năng quan trọng của nhà nước trong vai trò quản lý kinh tế thị trường. Các loại cân đối kinh tế vĩ mô quan trọng nhất là cân đối trong hệ thống tài khoản quốc gia, cân đối ngân sách, cân đối tiền tệ, nhà nước bằng các công cụ điều tiết cần ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, đảm bảo tính bền vững của các cân đối, tạo ra xu hướng phát triển tích cực, hạn chế rủi ro và tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường để khuyến khích kinh tế phát triển.
Về thực tiễn trong giai đoạn 2016-2020 UBND huyện Chợ Mới đã thực hiện tốt các nội dung quản lý nhà nước về kinh tế như: Xây dựng thể chế kinh tế, xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế quốc dân làm cơ sở định hướng cho phát triển kinh tế thị trường. Tổ chức xây dựng kết cấu hạ tầng cho hoạt động kinh tế. Tăng cường kiểm tra giám sát mọi hành động kinh tế thị trường. Thực hiện các quyền lợi của Nhà nước về kinh tế: bảo đảm tính bền vững và tích cực của kinh tế vĩ mô hạn chế rủi ro và tác động tiêu cực của cơ chế thị trường trên địa bàn huyện Chợ mới. Quan tâm phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, đặc thù của địa phương như: cơ sở sản xuất đồ gỗ ở Long điền A, Mỹ luông, vẽ tranh trên kiếng ( Long Giang, Long Điền B), du lịch sinh thái các xã cù lao, du lịch làng nghề và các di tích lịch sử văn hóa,... Xây dựng hội quán nông dân ở ngã 3 Cù Hội để giới thiệu các sản phẩm của huyện. Từ đó huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực như sau. Về kết quả phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020: Người dân Chợ Mới vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, kiên cường buất khuất chống giặc ngoại xâm. Là nơi thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh An Giang. Tiếp bước truyền thống của cha ông và những thế hệ đi trước, thế hệ hôm nay của huyện chợ mới tiếp tục phấn đấu rèn luyện trong lao động sản xuất và học tập, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh và quản lý đã đem lại nhiều thành tựu mới cho huyện nhà. Song song với quá trình trên là phát triển các làng nghề truyền thống ở địa phương trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ như: nghề Mộc, Chạm ở (Chợ Thủ- Long điền A, Mỹ Luông) vẽ tranh trên kiếng ( Long Giang, Long Điền B), đóng nghe xuồng ( Mỹ Hiệp), đan lát ( Long Giang, Kiến Thành), Keo dây Mỹ Hội Đông.
Năm 2018, tình hình kinh tế xã hội huyện nhà tiếp tục phát triển ổn định và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 5 năm của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện và cũng là năm kinh tế - xã hội của huyện có nhiều thời cơ thuận lợi và những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Chợ mới đã chung sức, chung lòng, tập trung mọi nguồn lực thực hiện hoàn thành nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.Về sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng cả năm là 66.076 héc-ta, đạt 102,76% kế hoạch năm. Trong đó, cây lúa là 40,817 héc-ta, đạt 98,59% kế hoạch (do chuyển sang trồng cây ăn quả và rau màu dài ngày); cây màu các loại là 25.259 héc-ta, đạt 110,3% kế hoạch. Riêng diện tích cây ăn quả toàn huyện là hơn 6.474,5 héc-ta, diện tích trồng xoài là 5.707 ha chiếm 88,1%, trong đó có 127,3 ha xoài đạt chứng nhận VietGAP tại 03 xã Tấn Mỹ, hiệp và Bình Phước Xuân. Viện cây ăn quả Miền nam tổ chức tập huấn được 20 lớp cho730 hộ nông dân về sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, đến Quí II/2019 hoàn thành chứng nhận 500ha VietGAP và đã xuất khẩu được 64,6 tấn xoài vào thị trường Hàn Quốc và Úc. Thí điểm mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn tại 02 xã Mỹ An, An Thạnh Trung với diện tích 2,9 héc-ta; thực hiện 02 mô hình nhà lưới giá rẻ diện tích 0,1 héc-ta trồng rau màu và các loại hoa kiểng. Huyện duy trì và phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất rau màu đã ký kết hợp đồng với diện tích 84,6 héc-ta, mô hình cánh đồng lớn 4.582 héc-ta; tổ chức 32 lớp tập huấn, 01 điểm trình diễn mô hình “3 giảm 3 tăng” thuộc dự án “chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tính đến nay, toàn huyện đã đạt 15/19 tiêu chí, 45/49 chỉ tiêu theo Quyết định số 558 của Thủ tướng Chính Phủ. Các xã đạt bình quân 13/19 tiêu chí và 42/50 chỉ tiêu theo Quyết định 2361 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó, xã Bình Phước Xuân 19/19 tiêu chí và 50/50 chỉ tiêu, đang phúc tra đề nghị để công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Hiện nay huyện đã có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Về nhiệm vụ giải pháp đặt ra trong thời gian tới trên một số lĩnh vực cụ thể để góp phần tăng hiệu quả phát triển kinh tế xã hội ở địa bàn huyện Chợ mới.
Về kinh tế: Triển khai và thực hiện hiệu quả các mô hình kinh tế, ứng dụng công nghệ vào sản xuất trên địa bàn, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá thành sản phẩm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về hiệu quả thực và chất lượng thương hiệu, không chạy theo lợi nhuận kinh tế làm mất lòng tin đối với sản phẩm đầu ra.
Hỗ trợ phát triển các làng nghề, thế mạnh của các mô hình kinh tế, tạo uy tín vươn xa ra thị trường cả nước và quốc tế.
Ưu tiên cung ứng vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và cơ sở như giao thông, công trình thủy lợi, kinh tế vùng, du lịch, tập trung phát triển các mặt hàng có tiềm năng kinh tế.
Tăng cường công tác hợp tác với các quốc gia phát triển kinh tế vùng miền phù hợp với thế mạnh của địa phương.
Về văn hóa xã hội: Tìm mọi giải pháp khắc phục và hạn chế sơ sót trong lĩnh vực văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục, y tế phục vụ tốt nhất cho người dân nâng cao dân trí, có điều kiện học tập, chăm sóc tốt để nâng cao tầm vóc và năng lực học tập của người dân. Phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức trong từng hộ dân từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, từ đó đào tạo càng nhiều nguồn lực có chất lượng cao cho xã hội.
Về các lĩnh vực khác: Trên các lĩnh vực giao thông, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội,…Chú ý nâng chất và thực hiện tốt chăm lo đời sống cho người dân về mọi mặt.
Tiếp tục xây dựng thể và hoàn thiện các chế kinh tế xây dựng thể chế kinh tế góp phần đảm bảo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng và minh bạch, để các chủ thể kinh tế thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình và thực hiện các quyền và nghĩa vụ có liên quan phải được thực hiện; Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế quốc dân làm cơ sở định hướng cho sự vận động của thị trường. Tổ chức xây dựng kết cấu hạ tầng cho hoạt động kinh tế; Giám sát, kiểm tra mọi hoạt động kinh tế thị trường; Thực hiện quyền lợi của Nhà nước về kinh tế; Bảo vệ tính bền vững và tích cực của các cân đối kinh tế vĩ mô, hạn chế các rủi ro và tác động của kinh tế thị trường. Đặc biệt thực hiện tốt qui trình lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với các bước sau.
Bước 1. Nhận thức cơ hội: Nắm bắt và đánh giá được nguồn lực hiện có của địa phương nhằm xem xét những khả năng, hướng phát triển nào có thể được đẩy mạnh và đưa vào kế hoạch phát triển dựa vào: Tài liệu báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của những thời kỳ trước (theo năm, quý, tháng…). Vận dụng kỹ năng dự báo.
Bước 2. Xác lập mục tiêu: Chú ý tính ưu tiên giữa các mục tiêu (tránh cào bằng các mục tiêu mà đánh mất lợi thế về nguồn lực). Xác định thời gian cho các mục tiêu (các mục tiêu cần phải được xác định là ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn).
Bước 3. Kế thừa các tiền đề: Việc đánh giá các yếu tố tiền đề có giá trị nền tảng cho việc đưa ra những định hướng mới cho sự phát triển kình tế - xã hội.
Bước 4. Xây dựng các phương án: Phương án chính, Phương án phụ (dự phòng).
Bước 5. Đánh giá các phương án: Cán bộ quản lý đánh giá các ưu điểm, hạn chế của phương án. Chọn một hoặc những phương án có tính khả thi cao nhất trên cơ sở phân tích các điểm mạnh, điểm yếu của nguồn lực hiện tại và mức độ của các mục tiêu đã đề ra.
Bước 6. Lựa chọn phương án: cán bộ quản lý thường dựa vào các phương pháp cơ bản: kinh nghiệm, thực nghiệm, nghiên cứu phân tích... để lựa chọn được phương án tối ưu.
Bước 7. Xây dựng các kế hoạch bổ trợ: Xây dựng kế hoạch phụ để bổ trợ hoặc thay thế trong trường hợp kế hoạch chính không hiệu quả… Tùy từng tổ chức với mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cụ thể mà có những kế hoạch bổ trợ thích ứng.
Bước 8. Lượng hóa kế hoạch dưới dạng ngân quỹ: Đây là bước cuối cùng trong quy trình xây dựng một kế hoạch và thường gắn với nguồn ngân quỹ được sử dụng cho kế hoạch.
Tóm lại: Quản lý nhà nước về kinh tế là vấn đề rất cần thiết và luôn là tâm điểm thực hiện của các cơ quan nhà nước hiện nay từ trung ương đến địa phương, vì kinh tế có phát triển thì các vấn đề khác như: Quốc phòng, giáo dục, văn hóa xã hội,… đều phát triển theo. Quản lý tốt kinh tế sẽ tạo điều kiện cho địa phương, và đất nước ngày càng phát triển nhằm đạt các mục tiêu của đảng và nhà nước đề ra./.
* Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng;
2. Báo cáo tổng kêt kinh tế-xã hội của huyện Chợ Mới giai đoạn 2016 – 2020;
3. Giáo trình TCLLCT- HC phần III.2.
Vũ Thanh Hải - Khoa Nhà nước và Pháp luật