Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số nội dung ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở huyện Thoại Sơn thời gian tới

09:52 18/10/2019

 Đảng và chính phủ luôn luôn nhận định rất rõ sự ảnh hưởng to lớn của công nghệ thông tin và truyền thông đối với các lĩnh vực đời sống xã hội ngày nay. Nhờ có tin học; công nghệ thông tin, truyền thông và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV hay công nghiệp 4.0 mà cách thức hoạt động của mọi lĩnh vực đời sống xã hội hiện nay đã có nhiều thay đổi đáng kể. Đồng thời từ đó, kéo theo kết quả, chất lượng và tầm ảnh hưởng của các hoạt động đó đối với việc phát triển kinh tế xã hội.

Theo Quyết Định số: 1980/QĐ-TTg, ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, nhằm giúp người dân vùng nông thôn, nhất là nông dân nhanh chóng tiếp cận thông tin; hỗ trợ cho nông dân định hướng kỹ thuật, phương tiện sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm và mở rộng thị trường; đồng thời nâng cao nhận thức trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, đây cũng là giải pháp góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị trong nhận thức. Bên cạnh đó, người dân vùng nông thôn, có cơ hội hưởng thụ những thành tựu khoa học công nghệ và tiện ích mà công nghệ thông tin, truyền thông và công nghiệp 4.0 mang lại để cải thiện sinh hoạt trong đời sống, cũng như trong sản xuất, kinh doanh của người dân vùng nông thôn. Trong những năm gần đây chúng ta, đã thấy được vai trò, lợi ích của việc ứng dụng những sản phẩm của công nghiệp 4.0 vào việc phát triển kinh tế xã hội nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng, những mô hình ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm công nghiệp 4.0 đạt những thành công nhất định, những giải pháp ứng dụng công nghệ cao, cũng như công nghiệp 4.0 tích cực đưa thông tin phục vụ cho người dân vùng nông thôn, những bài học thực tiễn trong tổ chức thực hiện và quản lý, điều hành các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao chất lượng đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu. Một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới là tiêu chí 8: Thông tin và Truyền thông, trong đó có các tiêu chí như: Xã có điểm phục vụ bưu chính; Xã có dịch vụ viễn thông, Internet; Xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn (các ấp) và Xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành nhằm cải cách thủ tục hành chính, đạt trình độ quản lý đơn giản, thuận lợi cho người dân chọn lựa phương tiện sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trườngvà nâng cao nhận thức trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội

Đối với Cách mạng công nghiệp lần thứ IV (còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0) là sự kết nối các hệ thống nhúng (đó là các hệ thống tích hợp cả phần cứng và phần mềm phục vụ các bài toán chuyên dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, tự động hoá điều khiển, quan trắc, truyền tin...) và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong. Với Cách mạng công nghiệp 1.0 là sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp 2.0 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Và cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Ngày nay, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang được phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Đây là sự phát triển đột phá của cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tuyến tính và sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.

Bên cạnh đó, công nghệ sinh học trong cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp: chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm; bảo vệ môi trường; năng lượng tái tạo; hóa học và vật liệu. Và những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 là trí tuệ nhân tạo; vạn vật kết nối và dữ liệu lớn. Đồng thời, lĩnh vực Vật lý là chế tạo ra robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ nano. Hiện nay Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu và một số nước ở châu Á. Bên cạnh những cơ hội mới, công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt.

Huyện Thoại Sơn đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin phục vụ mạng thông tin, khoa học công nghệ: công tác tuyên truyền tại địa phương cung cấp kịp thời các bản tin, bài viết cho các cơ quan truyền thông của Huyện và của Tỉnh; tỷ lệ phủ sóng truyền thanh trong Huyện đạt trên 80% so địa bàn dân cư. Huyện đã đầu tư nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực đời sồng xã hội, nhất là lĩnh vực phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên sâu có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư cho phát triển nông thôn mới; phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản xuất, chăn nuôi và chế biến sản phẩm, từng bước hình thành, phát triển nông sản hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, thúc đẩy tăng dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, mở ra một hướng đi mới cho nông dân, đó là mô hình nhà lưới ứng dựng công nghệ IoT (Internet of Things: Vạn vật kết nối với internet) sử dụng năng lượng mặt trời để kiểm soát tự động hóa canh tác; quy hoạch vùng chuyên canh với cây lúa chất lượng cao (như: vùng sản xuất lúa giống ở xã Vĩnh Khánh, nuôi tôm thuần đực xã Phú Thuận...), những loại cây trồng vật nuôi phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao (như: mô hình chăn nuôi bò, heo, dê, các giống gà, vịt cao sản, vịt lai tăng trọng nhanh, sản lượng trứng cao, tôm thẻ chân trắng, cá trình, cá tra, cá lóc) và một số loại thủy sản khác có giá trị kinh tế cao tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu giữa các ngành trong nông-lâm-thủy sản theo hướng phát triển ổn định bền vững. Vì vây, huyện Thoại Sơn có thêm 3 xã được công nhận danh hiệu xã nông thôn mới trong năm 2017; năm 2018 có 05 xã, dự kiến năm 2019 có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020, Thoại Sơn sẽ công bố huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở huyện Thoại Sơn thời gian qua, bên cạnh những mặt thuận lợi vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhất là thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, gây ít nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có việc thực hiện dự án cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao, thả nuôi tôm càng xanh. Kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn hạn chế, một số tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất chủ yếu đang triển khai dưới hình thức mô hình trình diễn, chưa được nhân rộng. Các sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm giá bán không cao nên chưa khuyến khích sản xuất phát triển; những cơ chế chính sách của nhà nước chưa thu hút được sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp. Đa phần các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn có tính chất quy mô vừa và nhỏ, chưa mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng. Từ đó, công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa hiện đại, dẫn đến khả năng cạnh tranh hàng hóa trên thị trường còn nhiều hạn chế.

Trong thời gian tới, huyện Thoại Sơn cần thực hiện một số nội dung để đưa công nghệ cao, nhất là những sản phẩm của công nghiệp 4.0 về nông thôn đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới:

Một là, Tiếp tục hoàn thiện kế hoạch ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp 4.0 trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó phải chú trọng đẩy mạnh nâng cao nhận thức và trình độ ứng dụng, sử dụng hệ thống trang thiết bị của công nghệ cao, những tiện ích và sản phẩm của công nghiệp 4.0 cho cán bộ lãnh đạo ở cấp cơ sở trong giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn tiếp theo để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy định cụ thể về trình độ ứng dụng công nghệ cao và những sản phẩm của công nghiệp 4.0 tối thiểu cho cán bộ, lãnh đạo ở cấp cơ sở và quy chế ứng dụng, sử dụng hệ thống trang thiết bị của công nghệ cao và sản phẩm công nghiệp 4.0 trong vùng nông thôn.

Hai là, Đẩy mạnh việc chuẩn bị nguồn lực đảm bảo cho việc triển khai ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm công nghiệp 4.0 để nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, mục đích đã đề ra. Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ về ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm công nghiệp 4.0 cho cán bộ, công chức và viên chức trực tiếp tham gia việc xây dựng nông thôn mới nâng cao thời gian tới, cùng với việc tiếp tục đào tạo, phổ cập kiến thức về ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm công nghiệp 4.0 cho người dân vùng nông thôn.

Ba là, cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống thông tin hay cơ sở dữ liệu theo tiêu chuẩn, qui định chung, thống nhất đồng bộ và trang thông tin điện tử phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghiệp góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thời gian tới. Bởi vì, đây sẽ là các diễn đàn để nông dân trao đổi, học tập kinh nghiệm, hỏi đáp và cập nhật những kinh nghiệm sản xuất để tăng sản lượng thu hoạch. Từ đó, người dân nông thôn nói chung, nông dân nói riêng, có thể giới thiệu sản phẩm của mình ra bên ngoài, trực tiếp thực hiện hợp đồng mua bán, tìm kiếm và mở rộng thị trường trên mạng Internet, đồng thời tiến tới phát triển những khu sản xuất nông nghiệp với công nghệ hiện đại, công nghệ cao theo tinh thần Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy đã đề ra.

Bốn là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của ứng dụng công nghệ cao và sử dụng những sản phẩm của công nghiệp 4.0 vào quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao thời giai tới. Vận động người dân nông thôn ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là những sản phẩm của công nghiệp 4.0 vào sản xuất để tăng năng suất, giảm chi phí, sản phẩm chất lượng, mở rộng thị trường và nâng sức cạnh tranh.

Năm là, Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình mẫu về ứng dụng công nghệ cao và việc sử dụng những sản phẩm của công nghiệp 4.0, phục vụ xây dựng và phát triển nông thôn mới trong thời gian tới theo hướng thân thiện, gần gũi, dễ sử dụng, chi phí thấp và bảo vệ tài nguyên, môi trường, phòng ngừa thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sáu là, Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý văn bản trên môi trường mạng. Vận hành phần mềm Văn phòng điện tử tiến tới văn phòng liên thông ở các cấp, văn bản được xử lý trên phần mềm đạt 90% trở lên; 100% cơ quan nhà nước được áp dụng chữ ký số. Hỗ trợ kịp thời các sự cố xảy ra trên phần mềm ở ngành và cơ sở, đảm bảo các phần mềm hoạt động hiệu quả. Tiếp tục triển khai các đề án, dự án nhằm bổ sung máy tính, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin tại Bộ phận một cửa của các xã, thị trấn. Phối hợp sở Thông tin Truyền thông, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch ứng dụng công nghệ thông tin thành lập trang web quảng bá du lịch Thoại Sơn và các loại hình tuyên truyền hiệu quả, gây được sự chú ý của du khách trong và ngoài địa phương. Không ngừng nâng cao chất lượng phát sóng của hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở. Tăng thời lượng phát sóng đối với các vấn đề bức xúc theo từng thời điểm, chú trọng đối với lĩnh vực phòng chống dịch bệnh trên người, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, an ninh trật tự và khí hậu thời tiết. Tiếp tục thực hiện nâng cấp sửa chữa hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn, phấn đấu tăng tỷ lệ phủ sóng từ 5-10% so năm trước.

Trên là một số nội dung để ứng dụng công nghệ cao và những sản phẩm công nghiệp 4.0 ở vùng nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới nâng cao thời gian tới đạt hiệu quả, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần xây dựng, phấn đấu trong những năm tiếp theo sớm đưa huyện Thoại Sơn trở thành trung tâm kinh tế tiềm năng, đầy năng động, phát triển của tỉnh nhà và của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo số: 329/KH-UBND về việc ước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 của Ủy ban nhân dân huyện Thoại Sơn.

2. Báo cáo số: 311/KH-UBND về tình hình thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện về phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng còn lại năm 2017 của Ủy ban nhân dân huyện Thoại Sơn.

3. Dự thảo Báo cáo số:______/BC-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Thoại Sơn, tháng 01 năm 2019 về Kết quả thực hiện Chương trình công tác năm 2018, xây dựng Chương trình công tác năm 2019 của huyện Thoại Sơn.

Đỗ Tiến Khoa - Khoa Xây dựng Đảng

các tin khác