Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

09:40 31/10/2019

Ngày 22 tháng 10 năm 2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số: 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết ra đời không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà còn là một quy luật tất yếu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng là đơn vị được giao nhiệm vụ "làm bộ phận thường trực" trong việc xây dựng và tham mưu tổ chức thực hiện kế hoạch của Trường về việc thực hiện Nghị quyết Số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Khoa Lý luận cơ sở được thành lập trên cơ sở Quy định Số: 09-QĐi/TW ngày 13 tháng 11 năm 2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Khoa Lý luận cơ sở được giao chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tình hình nhiệm vụ địa phương. Với chức năng, nhiệm vụ này, đòi hỏi Khoa phải nghiên cứu, tìm tòi những giải pháp khả dụng nhằm không chỉ truyền đạt kiến thức lý luận hàn lâm đến người học mà còn phải tạo được sự hấp dẫn, cuốn hút nhằm phát huy mạnh mẽ sự ảnh hưởng của phần học này đối với học viên. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào tính tất yếu của việc xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta và Bác Hồ lựa chọn; làm cho tự mỗi người trở thành "pháo đài" trong công tác đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Khoá XII và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch. Làm được điều này đòi hỏi Khoa cần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chính sau đây:

1. Nhận thức về nền tảng tư tưởng của Đảng và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đây là nội dung then chốt có tính quyết định đến hiệu quả công tác đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước hết, mỗi giảng viên cần nhận thức rằng, công tác nghiên cứu, giảng dạy các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở trường chính trị có tính đặc thù của nó, tính đặc thù này thể hiện ở chức năng, nhiệm vụ đào tạo và đối tượng người học. Khác với đa số hệ thống đào tạo quốc dân khác, Trường Chính trị nói chung, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng nói riêng làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, người học đến đây không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức lý luận một cách thuần tuý, mà quan trọng nhất là nghiên cứu, học tập "nền tảng tư tưởng" của Đảng qua đó, làm "kim chỉ nam" định hướng cho việc lãnh đạo, quản lý ở đơn vị, địa phương nơi cử cán bộ đi đào tạo. Cán bộ đến Trường "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp, phụng sự nhân dân". Do vậy, đòi hỏi đối với người giảng phải nhận thức đầy đủ điều này để tiến hành quá trình nghiên cứu, giảng dạy phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Đối với người học, đây là quá trình "học đi đôi với hành", quá trình vận dụng những kiến thức nền tảng tư tưởng của Đảng để bước đầu từ trong ghế nhà trường tập làm quen với việc vận dụng lý luận vào tổng kết thực tiễn, nhận định, phân tích tình hình thực tiễn trên nền tảng của tri thức lý luận; lý giải nguồn gốc xuất hiện những vấn đề đang đặt ra, để từ đó xây dựng các biện pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo. Làm được điều này, sẽ khơi dậy được sự hứng thú đối với người học, làm cho người học nhận thức được giá trị của những tri thức khoa học và cách mạng mà chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mang lại; thấy được sức sống và giá trị trường tồn của những nguyên lý phổ biến mà Mác, Ăngghen, Lênin và Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Đó chính là thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng được vận dụng trong việc hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước ta.

Tiếp đến là công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước"[7]. Muốn làm được điều này, giảng viên của khoa Lý luận cơ sở cần hiểu rằng, việc nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải được thực hiện trên nền tảng khoa học và thực tiễn. Tính khoa học thể hiện ở chỗ, ngoài những luận cứ khoa học tự nhiên làm tiền đề, học thuyết của Các Mác, Ăng ghen, Lênin và Hồ Chí Minh còn là học thuyết về sự vận động và phát triển của thế giới khách quan và chính ngay bản thân học thuyết. Đương thời, các Ngài cũng xác định rằng, học thuyết này không phải là cái khuôn mẫu, khép kín, là chân lý tuyệt đích cuối cùng chúng ta chỉ việc làm theo, mà ngược lại, học thuyết này cần phải được bổ sung và phát triển trên nền tảng của khoa học và thực tiễn.  Trên tinh thần ấy mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần quan điểm học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là “phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta” [1, tr.497]. “học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm”[3, tr.292]. Đồng thời, Người cũng yêu cầu lý luận phải thường xuyên được “bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động” [1, tr.496]. Do đó, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi hỏi người giảng dạy không được rập khôn, máy móc, giáo điều mà phải không ngừng nghiên cứu thực tiễn, hướng dẫn người học liên hệ, vận dụng những nguyên lý này một cách sáng tạo vào tình hình thực tế đang diễn ra ở địa phương. Sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta biết làm cho nó sinh sôi, nảy nở dù bất cứ nơi đâu và thời gian nào. Như vậy, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở khoa Lý luận cơ sở chính là việc nghiên cứu, giảng dạy lý luận gắn với liên hệ việc hoạch định và triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước; gắn với thực tiễn xây dựng và thực hiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Đó là biện pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như V.I.Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”. [4, tr.232]

2. Đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập nhằm năng cao hiệu quả tuyên truyền và sự ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác giảng dạy và học tập lý luận chính trị và được triển khai, tổ chức thực hiện đem lại nhiều kết quả, nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh này càng đầy đủ hơn; cán bộ, đảng viên có bước phát triển về nhận thức lý luận, năng lực tư duy, bản lĩnh chính trị vững vàng. Song "chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa cao; tri thức kinh điển chưa được coi trọng đúng mức; một số quan điểm, học thuyết của các nhà kinh điển chậm được nghiên cứu, nhận thức một cách đầy đủ và chậm được bổ sung, phát triển để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới"[5]. Do vậy, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập là một trong những nhiệm vụ quan trọng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác giảng dạy và học tập của học viên. Thời gian qua, nhiều trường chính trị và các Học viện đã dành nhiều thời gian cho các buổi hội thảo bàn về việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập lý luận chính trị trong đó có chủ nghĩa Mác-lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiều tác giả đã có những bài viết hay, chia sẻ nhiều phương pháp thiết thực nhưng cơ bản nhất vẫn là hình thức giảng dạy lý luận gắn với thực tiễn đang diễn ra trong lịch sử và hiện tại, làm cho người học không bị áp lực, nhồi nhét bởi những kiến thức lý luận suông, không có sức sống. Vậy để đổi mới phương pháp dạy và học cần quan tâm một số vấn đề sau:

Đối với người giảng viên, để có thể tạo được niền tin đối với người học nhất thiết phải có được đội ngủ giảng viên chuyên môn, đó là những người có kiến thức chuyên môn về các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, am hiểu tốt về lĩnh vực nghiên cứu nên khi giảng dạy họ đủ tự tin để truyền đạt những kiến thức của mình đến với học viên. Bên cạnh kiến thức về lý luận, đòi hỏi người giảng viên phải trang bị cho mình những kiến thức thực tiễn ở các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị, quốc phòng - an ninh của địa phương, trong nước và thế giới để liên hệ, dẫn chứng cho người học hiểu được lý luận. Bên cạnh đó, đòi hỏi người giảng viên phải có đủ bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm những quy định về phát ngôn... có ý thức đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của của các thế lực thù địch, bảo vệ sự trong sáng của chủ nhĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như những chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước ta. Ngoài ra, giảng viên phải có phương pháp sư phạm tốt, có thể sử dụng nhuần nhuyễn nhiều phương pháp và xử lý tốt các tình huống trong giảng dạy.

Đối với người học, cần phải xác định được động cơ nghiên cứu học tập đúng đắn. Nếu không có động cơ, thái độ đúng đắn trong nghiên cứu, học tập thì dù có đổi mới phương pháp như thế nào thì kết học học cũng không cao. Ngoài ra, người học còn phải có phương pháp học tập phù hợp, phải siêng năng, cần cù, biết liên hệ vào thực tế công tác của mình qua những kiến thức lý luận được trang bị. Học viên phải biết khai thác, tận dụng tối đa các khoảng thời gian trong chương trình đào tạo để nghiên cứu, trao đổi thảo luận làm sáng tỏ vấn đề còn chưa rõ; phải biến quá trình đào tạo của nhà trường thành quá trình tự đào tạo của chính bản thân, để những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh thấm sâu vào trong tiềm thức mỗi người và thật sự trở thành nền tảng định hướng cho công tác và cuộc sống.

Tóm lại, vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng vừa là nhiệm vụ vừa là mục tiêu, yêu cầu có tính tất yếu nhằm bảo vệ đảng, chính quyền, nhân dân và mục tiêu, định hướng của một chính đảng cầm quyền. Nếu một đảng nào đó mà đội ngủ đảng viên phai nhạt lý tưởng chính trị sẽ có nguy cơ dẫn đến sự tồn vong của đảng. Là đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy các bộ môn nền tảng tư tưởng của Đảng, khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng không ngừng nghiên cứu, tìm tòi nhiều biện pháp nhằm tăng hiệu quả truyền đạt những nguyên lý cơ bản đến với người học, làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ảnh hưởng ngày càng sâu rộng không chỉ trong cán bộ, đảng viên mà còn với đông đảo quần chúng nhân dân; làm cho nó thật sự trở thành nền tảng tinh thần, là kim chỉ nam trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong mỗi giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam, góp phần vào việc "tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch" trong giai đoạn hiện nay.

* Tài liệu tham khảo

 

1. Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.8. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.497

2. Hồ Chí Minh. Sđd, Tập 6, tr. 208.

3. Hồ Chí Minh. Sđd, t.9, tr.292.

4. V.I.Lênin, toàn tập, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1976, t.4.

5. Nghị quyết Số: 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa mác - lênin, tư tưởng hồ chí minh trong tình hình mới".

6. Nghị quyết Trung ương 4, Khoá XII "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".

7. Nghị quyết Số: 35-NQ/TW, ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Bộ Chính trị  về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

8. Quy định Số: 09-QĐi/TW, ngày 13 tháng 11 năm 2018 của Ban Bí thư về "Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".

Dương Xuân Dũng - Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

 

các tin khác