Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Tạo không khí tích cực trong giờ học để có một bài giảng hiệu quả

08:43 25/10/2019

Muốn có một buổi dạy thành công người giảng viên cần phải có lòng yêu nghề, say mê, nhiệt huyết với công việc và trên hết đó là phải có năng lực giảng dạy dựa trên những phương pháp phù hợp với đối tượng người học. Xuất phát từ quan điểm “lấy người học làm trung tâm” các phương pháp giảng dạy hiện đại đều tập trung vào việc khuyến khích học viên tham gia tích cực vào bài giảng. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học từ cả hai phía giảng viên và học viên. Tuy nhiên, làm sao để học viên tham gia tích cực vào bài giảng là một việc không phải dễ thực hiện, nhất là đối với đối tượng người học ở trường chính trị đa số là những người lớn tuổi vốn đã quen với cách dạy học truyền thống trước đây. Lúc này, người học là trung tâm nhưng vai trò và vị thế của người giảng viên còn “trên cả trung tâm”, người giảng viên được ví như là một tổng đạo diễn để cho tiết học được diễn ra sinh động và cuốn hút mà những người tham gia trong đó chính là bản thân mỗi học viên.

Có thể nói, tạo không khí tích cực trong giờ học là một trong những nguyên tắc quan trọng khi áp dụng các phương pháp sư phạm hiện đại để khuyến khích người học chủ động tham gia vào bài học. Không ai có thể học được trong một thời gian dài nếu chỉ ngồi một chỗ và tiếp thu với tinh thần thụ động. Khi người học tìm thấy niềm vui trong học tập thì việc học sẽ trở nên dễ dàng hơn. Trách nhiệm của người dạy là hãy giúp người học cảm nhận được học là niềm vui. Để làm được điều đó, người dạy cần biết cách tạo không khí tích cực trong giờ giảng của mình. Có nhiều cách khác nhau để giúp giảng viên tạo nên không khí tích cực, vui vẻ trong lớp học như sau:

  • Một là: Khởi động tạo sự hào hứng

Bắt đầu một tiết giảng bằng một trò chơi sư phạm, một câu chuyện ngắn hoặc một câu đố liên quan đến chủ đề bài học có thể khích thích sự quan tâm của người học, tạo sự hào hứng bước đầu đối với bài giảng. Học là một công việc rất vất vả. Chơi là hoạt động giải trí đem lại niềm vui mà ai cũng thích thú. Học và chơi không đối nghịch nhau mà ngược lại có thể hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, giảng viên không nên quá sa đà vào bước này vì rất dễ lạc đề, tốn thời gian và làm ảnh hưởng đến nội dung của bài giảng. Đối với giảng viên chưa có nhiều kinh nghiệm thì không biết lựa chọn phương pháp khởi động nào cho phù hợp. Đối với những giảng viên lớn tuổi đôi khi giới thiệu quá nhiều về bản thân, từ câu chuyện ngắn lại thành câu chuyện dài.

  • Hai là: Tôn trọng và quan tâm đến người học

Tôn trọng người học có nghĩa là giảng viên không nên vội chê bai học viên khi họ trả lời sai các câu hỏi. Không nên phê phán ngay khi họ mắc lỗi trong những kiến thức cơ bản mà nên gợi ý “làm thế nào để tốt hơn?” hoặc “còn cách trả lời nào khác nữa không?”. Khi có sự tiến bộ của người học, khi họ trả lời đúng dù chỉ một ý trong câu hỏi cũng cần sự khen ngợi và khuyến khích kịp thời của giảng viên. Điều này sẽ giúp người học thấy mình được quan tâm, họ sẽ càng phát huy những tiềm năng bên trong của mình. Do đó, nguyên tắc thực hiện ở đây là: tăng khen, không chê, gợi ý thay đổi. Để làm được điều này giảng viên phải là người kiên nhẫn và độ lượng. Đặc biệt trong môi trường đào tạo hiện nay, các học viên lớn tuổi đến từ nhiều nơi khác nhau, có những nền tảng kinh tế - văn hóa - xã hội khác nhau. Không phải ai cũng là một quyển từ điển bách khoa toàn thư để hiểu biết tất cả các vấn đề. Hơn nữa, kiên nhẫn và độ lượng sẽ giúp giảng viên giảm thiểu những cản trở trong quá trình đào tạo về sau.  

  • Ba là: Mang đến nhiều nụ cười hơn

Bầu không khí của lớp học có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giảng dạy. Hiển nhiên là một bầu không khí vui vẻ sẽ làm cho việc học trở nên hứng khởi, nhẹ nhàng hơn và ngược lại cũng vậy. Mỗi giảng viên sẽ có phong cách riêng để tạo bầu không khí cho lớp học của mình. Đôi khi những câu chữ kinh điển, những kiến thức sách vở lại không kích thích người học bằng một hình ảnh biếm họa hay một câu chuyện gây cười do giảng viên dẫn dắt. Tuy nhiên để thực hiện được việc này cũng đòi hỏi phải có năng khiếu vì một câu chuyện cười rất dễ trở thành kệch cỡm, thô bỉ nếu không phù hợp nội dung. Một điểm lưu ý quan trọng trong thực hiện phương pháp này đó là giảng viên phải luôn nhớ mình là người thầy chứ không phải là diễn viên tấu hài. Do đó, phong cách của giảng viên phải khiến học viên thấy được mình tuy vui tươi nhưng cũng rất nghiêm chỉnh, chuẩn mực.       

  • Bốn là: Cử chỉ thân thiện, đặc biệt là ánh mắt

Thái độ thân thiện, cởi mở, biết lắng nghe của giảng viên sẽ luôn được người học trân trọng. Thính giác là một trong năm giác quan của con người nhưng lắng nghe là một nghệ thuật. Kỹ năng lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng giúp chúng ta phát triển mối quan hệ với mọi người. Trong môi trường sư phạm, kỹ năng lắng nghe không chỉ dừng lại ở việc nghe một cách thụ động mà cần lắng nghe tích cực. Bởi vì lắng nghe giúp cho người dạy và người học thấu hiểu nhau và sự tương tác đạt được hiệu quả (Lắng nghe = Thấu hiểu). Lắng nghe tích cực có nghĩa là giảng viên hãy để cho học viên có thể cảm nhận được sự chú ý của mình và thông qua đó đón nhận được những thông điệp một cách trọn vẹn. Để cho người khác thấy mình đang lắng nghe thì chúng ta cần sử dụng ngôn ngữ cơ thể như những động tác nhẹ nhàng gật đầu, mỉm cười, sử dụng các sắc thái trên khuôn mặt… để chuyển tải sự chú ý của mình. Ngoài lời nói và cử chỉ thì ánh mắt cũng là một phương tiện để giao tiếp hiệu quả. Do đó giảng viên nên nhìn thẳng, trực tiếp, bao quát lớp học, tránh không nên phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài, không nên có cách nhìn soi mói xoáy sâu vào người đối diện, không nên có ánh mắt vô cảm hoặc chỉ nhìn về một phía cố định.

  • Năm là: Linh hoạt thay đổi phương pháp giảng dạy để tạo sự sinh động

Có rất nhiều phương pháp sư phạm hiện đại để giảng viên đưa vào bài giảng của mình; ví dụ như: phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp tình huống, phương pháp hỏi đáp, phương pháp nêu ý kiến ghi lên bảng, phương pháp trực quan hóa, phương pháp chuyên gia, phương pháp bể cá, phương pháp sàng lọc, phương pháp công đoạn, phương pháp đóng vai… Tùy theo đặc điểm của học viên mỗi lớp mà giảng viên có thể lựa chọn áp dụng linh hoạt các phương pháp khác nhau để tạo sự sinh động, tránh tình trạng đối với bài giảng nào, lớp nào cũng chỉ áp dụng phương pháp hỏi đáp hoặc phương pháp thảo luận nhóm. Trong trường hợp giảng viên được phân công giảng nhiều bài nhưng bài nào cũng áp dụng thuyết trình + hỏi đáp hoặc thuyết trình + thảo luận nhóm cũng sẽ gây ra sự nhàm chán cho học viên. Như vậy, giảng viên dạy giỏi sẽ áp dụng phương pháp giảng dạy thích hợp với những hoàn cảnh khác nhau. Một nội dung nhất định được trình bày ở những đối tượng học viên khác nhau đòi hỏi phải được áp dụng những phương pháp cụ thể khác nhau.

Kết luận:

Trên đây là một vài gợi ý để các đồng nghiệp có thể quan tâm chia sẻ thêm các kinh nghiệm trong giảng dạy của mình. Hiện nay, sự đòi hỏi phải không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy luôn là một thử thách lớn đối với mỗi người giảng viên. Điều này đồng nghĩa với việc người giảng viên phải luôn cập nhật nội dung bài giảng, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học. Khi giảng viên áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong bài giảng, người học sẽ cảm thấy họ “được học” chứ không phải “bị ép học”. Mọi thứ sẽ trở nên chủ động và người học sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được học, được sáng tạo, được thể hiện, được thực hành. Chỉ khi người học chủ động tự khám phá kiến thức, tự học hỏi, tự thực hành và tự bổ sung hiểu biết cho nhau thì kiến thức họ học được mới trở thành tri thức của bản thân, mới chuyển thành hành động và thói quen hàng ngày của họ. Đây là một định hướng đúng đắn của nền giáo dục hiện đại ngày nay./.

Phan Thị Hoàng Mai - Khoa Nhà nước và Pháp luật

các tin khác