Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Chơi hụi dưới góc nhìn pháp lý

07:35 17/07/2019

 Chơi hụi là một hình thức huy động vốn trong nhân dân đã tồn tại từ lâu đời ở nước ta. Ở mỗi vùng miền nó có tên gọi khác nhau (như: hụi, họ, biêu, phường) nhưng về cơ bản đó đều là hình thức góp vốn trong nội bộ một nhóm người, những người này sẽ thay phiên nhau để lãnh phần vốn đó và phải đóng lại phần của mình đến khi kết thúc theo quy định. Về hình thức, hụi chia thành 2 loại, hụi có lãi hoặc hụi không có lãi; trong đó việc trả hoa hồng ở hụi có lãi và hụi không có lãi là việc thành viên được lĩnh hụi (hốt hụi) phải trả một khoản tiền hoa hồng cho chủ hụi theo mức do những người tham gia dây hụi đã thỏa thuận.

Hình thức góp vốn này là một tập quán rất phổ biến trong các cộng đồng dân cư, vốn đã hình thành từ lâu đời trước khi các tổ chức tín dụng ra đời như ngày nay. Tuy nhiên, mãi đến khi Bô luật Dân sự năm 2005 ra đời thì chơi hụi mới chính thức được pháp luật thừa nhận (tại điều 479 BLDS 2005). Sau đó, ngày 27/11/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về hụi, họ, biêu, phường. Đây là những cơ sở pháp lý đầu tiên điều chỉnh hoạt động chơi hụi trong nhân dân.

Khi Bộ luật Dân sự 2015 ra đời thay thế cho Bộ luật Dân sự 2005 những quy định về hụi được tiếp tục ghi nhận tại điều 471 như sau:

“Điều 471. Họ, hụi, biêu, phường

1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.

4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật dân sự việc chơi hụi nhằm mục đích tương trợ cho nhau thì pháp luật không cấm nhưng nếu tổ chức chơi hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi thì đã vi phạm pháp luật.

Chơi hụi là một hình thức giao dịch dân sự, được xem như một dạng của hợp đồng cho vay tài sản. Căn cứ theo khoản 3 điều 471 BLDS 2015 đã nêu ở trên, đối với hụi có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự, tức là phải tuân theo quy định tại điều 468 về lãi suất trong hợp đồng cho vay.

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Như vậy, hoạt động chơi hụi bản thân nó không vi phạm pháp luật mà chỉ bị nghiêm cấm nếu người chơi lợi dụng nó để che giấu hoạt động cho vay nặng lãi (chơi hụi có lãi với lãi suất cao hơn 20%/năm), lừa đảo chiếm đoạt tài sản.... Trong trường hợp nếu việc chơi hụi nhằm mục đích tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, không vi phạm những điều cấm của pháp luật, thì hoạt động này pháp luật sẽ bảo vệ. Cho đến hiện nay chơi hụi vẫn là một kênh huy động vốn linh động, không chính thức, thỏa mãn nhu cầu của những người buôn bán nhỏ lẻ, khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng.

Đó là những quy định cơ bản trong Bộ luật Dân sự hiện hành về hụi, tuy nhiên trong thực tế tình hình chơi hụi trong nhân dân diễn biến ngày càng phức tạp, những biến tướng của hình thức này đã dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề như: hụi ma, bể hụi, giật hụi, vỡ hụi… gây bất ổn trong xã hội. Do đó, ngày 19/02/2019 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP về hụi, họ, biêu, phường (thay thế cho Nghị định 144). Theo đó, Nghị định số 19/2019/NĐ-CP đã quy định những vấn đề mới nhằm siết chặt quản lý của Nhà nước đối với hoạt động chơi hụi trong nhân dân có hiệu lực từ ngày 5/4/2019. Nghị định này sẽ giúp quản lý chặt chẽ hơn hình thức chơi hụi, nhằm giảm thiểu những biến tướng thành cho vay nặng lãi, tín dụng đen.

* Những quy định mới của Nghị định 19 so với Nghị định 144:

- Về nguyên tắc tổ chức chơi hụi: ngoài việc tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của một giao dịch dân sự, việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia và không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. (điều 3 NĐ 19)

- Thông báo về việc tổ chức chơi hụi: trước đây Nghị định 144 không quy định về việc người chơi hụi phải thông báo với chính quyền địa phương, đây chính là nguyên nhân dẫn đến những trường hợp hụi ma, giật hụi, bể hụi gây hậu quả lớn mà Nhà nước không thể can thiệp kịp thời. Do đó, Nghị định 19/2019/NĐ-CP đã quy định chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi dây hụi có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức từ hai dây hụi trở lên. Nội dung thông báo bao gồm: họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của chủ hụi; Thời gian bắt đầu và kết thúc dây hụi; Tổng giá trị các phần hụi tại kỳ mở hụi; Tổng số thành viên. Chủ hụi không thực hiện nghĩa vụ theo quy định này thì bị xử phạt vi phạm hành chính. (điều 14 NĐ 19)

Từ quy định này cho thấy Ủy ban nhân dân cấp xã hiện nay có thêm trách nhiệm tiếp nhận, thống kê thông tin về hụi trong địa bàn quản lý và phải kịp thời phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về hụi với cơ quan công an có thẩm quyền.

- Về lãi suất trong hụi có lãi (điều 21 NĐ 19): Lãi suất trong hụi có lãi do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được hốt hụi tại mỗi kỳ mở hụi nhưng không vượt quá 20%/năm (tương đương 1,666%/tháng) của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi. Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được hốt hụi vượt quá lãi suất giới hạn quy định như trên thì mức lãi suất vượt quá đó không có hiệu lực.

- Đối với những trường hợp chậm góp hoặc chậm giao phần hụi thì lãi suất được tính như sau: chủ hụi không giao hoặc giao không đầy đủ phần hụi, thành viên không góp hoặc góp không đầy đủ phần hụi thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm góp hoặc chậm giao phần hụi được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 19 của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả (tức là 1,666%/tháng), nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 19 của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả (tương đương 0,833%/tháng).

Có thể thấy những căn cứ pháp luật hiện nay đã quy định rất rõ về hoạt động chơi hụi (Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định 19/2019/NĐ-CP), là cơ sở pháp lý để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hụi. Tuy Bộ luật Dân sự có quy định rõ về mức lãi suất tối đa nhưng trên thực tế lãi suất chơi hụi trong nhân dân thường diễn ra tự do, không chú ý đến các quy định của pháp luật. Người chơi hụi do nhu cầu riêng nên đôi khi chấp nhận mức lãi suất vượt quá 1,666%/tháng mà không biết đã vi phạm pháp luật dân sự hoặc thậm chí vi phạm pháp luật hình sự. Cụ thể, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã được quy định tại điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”

Như vậy, mặc dù được coi như một loại giao dịch dân sự mang tính chất tự thỏa thuận nhưng nếu chơi hụi với mức lãi suất cao gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất 1,666%/tháng (nghĩa là trên 8,33%/tháng) thì việc chơi hụi không còn quan hệ dân sự bình thường mà đã vi phạm pháp luật hình sự về tội cho vay lãi nặng.

          Dưới góc nhìn pháp lý về hoạt động chơi hụi có thể thấy Nhà nước luôn khuyến khích những giao dịch hợp pháp để nhân dân có cơ hội tiếp cận vốn nhanh hoặc như một cách để dành đối với những nguồn vốn nhàn rỗi, tuy nhiên pháp luật chỉ thừa nhận và bảo vệ đối với các giao dịch hợp pháp, nghiêm trị đối với những hành vi biến tướng bất hợp pháp. Mọi người nên tìm hiểu những quy định trên để đảm bảo thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh. Riêng đối với những người là đảng viên còn có những quy định đặc thù của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và các văn bản khác của Đảng điều chỉnh về vấn đề này./.

Phan Thị Hoàng Mai - Khoa nhà nước và Pháp luật

 

 
 

 

các tin khác