Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Chăm lo, giáo dục trẻ em là một trong những nhiệm vụ của công tác Dân vận hiện nay

03:05 26/05/2020

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu luôn luôn giành cho trẻ em sự chăm lo, săn sóc hết sức ân cần và chu đáo. Lòng yêu thương sâu sắc, bao la của Bác Hồ đối với trẻ em không gì có thể so sánh nổi. Đó vừa là tình cảm của một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất vừa là của một người Bác kính yêu vô cùng gần gũi, luôn luôn đồng cảm và chan hoà với các cháu.

Là một lãnh tụ vĩ đại, có tầm nhìn xa trông rộng, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu vai trò vô cùng to lớn của tuổi trẻ trong sự nghiệp cách mạng, trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, kiến thiết nước nhà. Để phát huy vai trò và sức mạnh của tuổi trẻ thì phải giáo dục trẻ em một cách toàn diện để trẻ em có đầy đủ hành trang bước vào tương lai. Hiểu sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề này, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm dìu dắt thế hệ trẻ.

Khi đất nước còn kẻ thù xâm lược, theo Bác thì dù chưa trưởng thành, các em vẫn phải thấy được trọng trách của mình với non sông, dân tộc. Tết Trung thu năm 1952, thư gửi các cháu thiếu niên nhi đồng, Bác Hồ viết:

“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tuỳ theo sức của mình

Để tham giá kháng chiến

Để giữ gìn hoà bình”

Tình yêu thương vô hạn của Bác Hồ đối với trẻ em chính là điểm xuất phát, là điểm cốt lõi và là lý do chính để Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra sự cần thiết phải giáo dục trẻ em. Trong hoàn cảnh nước nhà phải kháng chiến chống thực dân Pháp, Người rất mực lo lắng cho tương lai của các cháu. Trong Thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày 1/6/1950, Người viết: “Ở nước Việt Nam ta, thì vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến. Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cũng cố gắng làm cho các cháu đều được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”.

Như vậy Hồ Chí Minh đã cho ta thấy công cuộc xây dựng kiến thiết nước nhà, xây dựng phát triển dân tộc giàu mạnh, thì phải có bước chuẩn bị ngay từ đầu; đó là quan tâm chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ. Bác nhấn mạnh nền giáo dục mới mà chúng ta xây dựng sẽ phải hướng đến mục tiêu đào tạo thiếu niên, nhi đồng thành những công dân có ích cho xã hội trên tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Hướng đến mục tiêu giáo dục các em trở thành những người có đầy đủ tiêu chí:

“- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

- Học tập tốt, lao động tốt.

- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

- Giữ gìn vệ sinh thật tốt.

- Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.”

Để sau này các em có đủ đức, tài gánh vác trọng trách “Mai sau, các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Với tầm nhìn xa, trông rộng “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công chăm sóc, vun trồng thế hệ mầm non của đất nước, “Ngày nay, các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới”. Người đặt niềm tin tương lai đất nước vào các em: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Học tập và làm theo Bác về quan tâm, chăm lo, giáo dục trẻ em. Với phương chăm “Chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội”, ngày 5 tháng 11 năm 2012 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ: “Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước. Làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội”.

Để tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể và Nhân dân phải quán triệt và thực hiện tốt một số nhiệm vụ của tổ chức, ngành mình về trẻ em và thực hiện các quyền của trẻ em, Chỉ thị nêu: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng và tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo và thực hiện tốt các hoạt động thanh thiếu niên và nhi đồng. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; trong đó, gia đình có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em, cùng với nhà trường giáo dục hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em phát triển toàn diện. Tăng cường giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; phát hiện, ngăn chặn, lên án các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em”.

Qua đó cho thấy Đảng ta và Bác Hồ luôn quan tâm đến thế hệ trẻ, đặc biệt là quyền trẻ em. Trẻ em ngoài những quyền cơ bản luôn được bảo vệ như: quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự; quyền được chăm sóc sức khoẻ; quyền được học tập; quyền vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch…thì trẻ em còn được những quyền nâng cao như: quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội,… Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Chương II, Điều 20 có ghi: 1. Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin phù hợp với sự phát triển của trẻ em, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề mình quan tâm. 2. Trẻ em được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với nhu cầu và năng lực của mình.

Và để các quyền trẻ em được đảm bảo, Chương III, Điều 34 cũng qui định:

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm:

a) Tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành tốt pháp luật về trẻ em;

b) Vận động gia đình, xã hội thực hiện tốt việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;

c) Chăm lo, bảo vệ quyền lợi của trẻ em, giám sát việc chấp hành pháp luật về trẻ em, đưa ra những kiến nghị cần thiết đối với các cơ quan nhà nước hữu quan để thực hiện những nhiệm vụ đó; ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em.

2. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan để tổ chức, hướng dẫn việc nuôi con khoẻ, dạy con ngoan.

3. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn hoạt động của thiếu niên, nhi đồng; phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

Với tinh thần tất cả vì trẻ em, nhân dịp năm học mới sáng 09/9/2019, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trong khi gặp gỡ thân mật Đoàn 106 trẻ em vượt khó vươn lên trong học tập và cuộc sống, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thời gian qua trong việc chăm lo cho trẻ em, hỗ trợ ngày càng nhiều hơn cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng có tinh thần hiếu học, giúp các em tiếp tục đến trường và được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhấn mạnh việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em- thế hệ tương lai đất nước- là một trong những chính sách quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển, Phó Chủ tịch nước đã đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội, nhà trường tiếp tục quan tâm, chăm lo giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nói riêng, để tất cả trẻ em đều được đến trường, không ai bị bỏ lại phía sau.

Thực hiện Chỉ số 20-CT/TW của Bộ Chính trị Ban thường vụ Tỉnh uỷ An Giang cũng đã ra Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 29-5-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”. Với tinh thần tất cả hướng đến chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ. An Giang với nhiều phong trào, hoạt động chủ đề như: “Lắng nghe trẻ em nói”, “Thiếu nhi An Giang thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”, “Thiếu nhi An Giang - Học tập tốt, rèn luyện chăm”,…Với 05 khẩu hiệu: (1) Trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; (2) Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; (3) Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; (4) Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng; (5) Đầu tư cho trẻ em - Đầu tư cho tương lai đất nước. Qua đó, đã kịp thời phát hiện và nêu gương những cá nhân, đơn vị có thành tích tiêu biểu trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn. Từ đó việc chăm lo, giáo dục trẻ em ở An Giang đã đem lại nhiều kết quả đáng kể qua các mô hình hay đầy tính sáng tạo như: “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi An Giang”, “Xây dựng trường, lớp xanh, sạch đẹp, an toàn”, “Nghìn việc tốt”, “Nói lời hay - làm việc tốt”, “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, “Kế hoạch nhỏ”, “Em yêu lịch sử Việt Nam”, “Học từ thiên nhiên”, “Em yêu khoa học”, Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn”, phong trào “Nuôi heo đất khuyến học”, “Vòng tay bè bạn”, xây dựng quỹ “Vì bạn nghèo”, “Giúp bạn đến trường”, “Giúp bạn vượt khó”, “Ươm mầm thêm xanh”... đã được các cấp Đội triển khai, cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế địa phương, tạo môi trường giáo dục toàn diện, giúp các em thi đua học tập và rèn luyện với tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc, trung thực, sẵn sàng chia sẽ, giúp đỡ nhau để trở thành con ngoan, trò giỏi.

Các hội thi dành cho các em như: nghi thức Đội, chỉ huy Đội giỏi, em yêu Tổ quốc Việt Nam, chúng em kể chuyện Bác Hồ, tin học trẻ... tạo sân chơi trí tuệ, lành mạnh, hiệu quả trong việc thu hút và tập hợp đội viên, học sinh tham gia và tạo những phút thư giãn, thoải mái để các em học tập ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh các em còn được trang bị một số kiến thức về tác hại của các loại tệ nạn xã hội và cách phòng, chống. Đặc biệt, thông qua các lớp: “Học làm người có ích”, “Học kỳ trong quân đội”, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”… đã tạo không khí sôi động, vui tươi và mang tính giáo dục tâm lý, cách giao tiếp ứng xử, những thói quen đã và đang diễn ra từng ngày đối với các em.

Nhìn chung các phong trào, các cuộc vận động được cụ thể hóa, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng nơi, phát triển rộng khắp và có chiều sâu, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của trẻ em không chỉ trong trường học mà cả ở địa bàn dân cư; qua đó, thực hiện tốt chức năng chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng nhằm phát triển toàn diện cho các em.

Có thể nói công tác chăm lo, giáo dục trẻ em đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong công công tác dân vận của Hệ thống Chính trị An Giang thời gian qua.

Bên cạch những thành tựu thì cũng không trách khỏi một số hạn chế cần quan tâm như:

- Việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa rộng khắp, nhất là vùng nông thôn.

- Tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, bị lạm dụng, xâm hại...vẫn còn; việc hỗ trợ của các gia đình trong việc chăm nuôi đỡ đầu trẻ có hoàn cảnh đặc biệt chưa được phổ biến rộng rãi.

- Hiện tượng bạo lực trong trường học còn diễn ra, làm ảnh hưởng lớn đến sự nhận thức và phát triển sau này của trẻ khi tham gia hoạt động xã hội.

- Trẻ em lao động sớm, bỏ học giữa chừng để lao động phụ giúp gia đình vẫn còn. Làm ít nhiều ảnh hưởng đến tuổi thơ hồn nhiên của các em.

- Chưa có những sân chơi lành mạnh, miễn phí cho các em. Mô hình vui chơi, giải trí lành mạnh cho các con quá ít, còn nặng tính chất thương mại hoá.

- Vai trò phản biện xã hội của các tổ chức xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội chưa cao.

 Để trẻ em có đủ điều kiện phát triển toàn diện và có thể trở thành người chủ tương lai của đất nước; thì công tác quan tâm, chăm lo, giáo dục trẻ em cần tập trung vào một số nhiệm vụ có tính giải pháp sau:

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Phải xem việc chăm lo, giáo dục trẻ em là một nhiệm vụ của công tác dân vận. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

- Nâng cao nhận thức của người dân, các cấp chính quyền và toàn xã hội về chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ em. Cần có các chương trình hỗ trợ, huấn luyện hoặc trợ giúp cho các bậc làm cha, làm mẹ biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các gia đình, các cấp, các ngành và các thành viên trong xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

- Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, cần tăng cường huy động các nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức quốc tế cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đầu tư xây dựng sân chơi, mô hình vui chơi, giải trí lành mạnh, miễn phí để cho tất cả trẻ em không phân biệt điều kiện hoàn cảnh gia đình đều có thể tham gia.

- Từng bước mở rộng chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội nhằm tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục dưới các hình thức khác nhau, ưu tiên nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; củng cố và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ, chăm sóc trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em; nâng cao mức trợ cấp xã hội và mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo cơ hội để trẻ em phục hồi và hòa nhập cộng đồng.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” Quan tâm đầu tư cho trẻ em là sự quan tâm cho tương lai của đất nước. Vì vậy thời gian qua công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã được các cấp, ngành và xã hội đặc biệt quan tâm. Nhiều phần quà ý nghĩa,  công trình vui chơi, giải trí, công trình trường lớp học, nhiều hoạt động nhân đạo… đã và đang tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, giúp các em tự tin, có điều kiện học tập, vui chơi, có cuộc sống tốt đẹp hơn để vươn lên. Tuy nhiên đối với “thế hệ tương lai” thì việc quan tâm trên cần được nâng cao hơn nữa để trẻ em thật sự hạnh phúc khi sống trong một đất nước “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” từ đó tuổi thơ của các em có đầy đủ ý nghĩa như lời Bác Hồ dạy:

“Trẻ em như búp trên cành,

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.”

Tài liệu tham khảo

1. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ban hành 2004.

2. Luật Trẻ em ban hành năm 2016.

3. Hồ Chí Minh. Toàn tập, T 4, T 13. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000

4. Chỉ thị số: 20/CT-TW của BCT về việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.

5. Chỉ thị số 14-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”

6. Báo cáo công tác Đội của Hội đồng đội tỉnh An Giang 2019.

CN. Trần Vũ Minh - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

các tin khác