Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Quan điểm, chủ trương của đảng về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc qua các thời kỳ

07:24 17/11/2020

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với khoảng hơn 14 triệu người (chiếm 14,7% dân số cả nước), cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải Miền Trung. Trong 53 DTTS có 5 dân tộc trên 1 triệu người, 16 dân tộc dưới 10.000 người, trong đó có 5 dân tộc dưới 1.000 người .

Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Dựa trên những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, Đảng ta đã đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc, với những nội dung cơ bản là: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển”.

Vấn đề dân tộc là biểu hiện tập trung của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên cơ sở đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc. Nội dung cốt lõi cũng là khát vọng của vấn đề dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Để thực hiện được vấn đề đó, theo người cần phải đoàn kết, bình đẳng, giúp nhau và các dân tộc cùng nhau làm chủ đất nước. Chỉ có đại đoàn kết dân tộc mới giành và giữ nền độc lập của Tổ quốc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Kinh nghiệm về việc giải quyết vấn đề dân tộc, công tác dân tộc từ lịch sử nước ta, thực tiễn tình hình qua các thời kỳ cách mạng, gồm có một số nội dung sau:

Một là, quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc trong thời kỳ trước đổi mới (từ năm 1935 đến năm 1986).

Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt Đảng đã chỉ rõ: “Cách mạng Việt Nam có nhiệm vụ đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công – nông binh… chủ trương thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết rộng rãi của toàn dân tộc chống đế quốc… tập hợp quần chúng công nông chuẩn bị thổ địa cách mạng và lật đổ bọn địa chủ và phong kiến… Trong cuộc cách mạng này, Đảng phải đoàn kết đại bộ phận giai cấp công nhân, nông dân và phải dựa vào hạng dân cày nghèo, lãnh đạo họ làm cách mạng ruộng đất”.

Tháng 8/1952, Bộ Chính trị có Nghị quyết về “Chính sách dân tộc thiểu số của Đảng hiện nay”. Ngày 22/6/1953, Chính phủ ban hành chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam, trong đó khẳng định đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để kháng chiến, kiến quốc, giúp nhau tiến bộ về mọi mặt.

Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975). Đại hội lần thứ III (1960) đã đề ra chủ trương tiến hành đồng thời 2 chiến lược cách mạng là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, trên cơ sở: “Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng XHCN ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Trong giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước sau khi giành độc lập thống nhất tổ quốc (1975-1985). Đại hội lần thứ IV (1976) chủ trương: “Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam… chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa dân tộc ít người và dân tộc đông người; đưa miền núi tiến kịp miền xuôi… đoàn kêt giúp nhau tiến bộ, cùng làm chủ tập thể Tổ quốc Việt Nam XHCN”. Tiếp đến, ngày 15/11/1977, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 23-CT/TW về công tác dân tộc ít người ở các tỉnh phía Nam để các cáp ủy Đảng, các ngành nắm vững và thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ của công tác dân tộc ở miền Nam trong tình hình mới.

Hai là, quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc sau đổi mới (từ năm 1986 đến nay).

Thời kỳ đổi mới vấn đề dân tộc ở nước ta cùng với các vấn đề về đoàn kết các dân tộc và công tác dân tộc ngày càng được Ðảng ta xác định, bổ sung và khẳng định toàn diện, đầy đủ hơn và thể hiện trong từng văn kiện của Đảng, nhằm định hướng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Đại hội lần thứ VI với quan điểm “lấy dân làm gốc”, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, vấn đề dân tộc, công tác dân tộc được Đảng ta chủ trương: “Phát triển mối quan hệ tốt đẹp gắn bó giữa các dân tộc trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng làm chủ tập thể; kết hợp phát triển kinh tế và phát triển xã hội”. Trong đó, coi sự phát triển mọi mặt của từng dân tộc đi liền với sự củng cố, phát triển của cộng đồng các dân tộc trên đất nước ta. Đảng ban hành Nghị quyết 22 - NQ/TW (27/11/1989) về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Chính phủ ra Quyết định 72- QĐ/HĐBT ngày 13/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) Về phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đại hội lần thứ VII (1991): “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc; tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh, tiến bộ; gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Đại hội lần thứ VIII (1996): “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…”. Nghị quyết TW 5 (VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá VN tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

ĐH lần thứ IX (2001): “Thực hiện tốt chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất hàng hóa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, xóa bỏ nghèo, mở mang dân trí, giữ gìn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, thực hiện công bằng xã hội giữa các dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi, đặc biệt quan tâm vùng gặp khó khăn, vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến. Tích cực thực hiện chính sách ưu tiên trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các tộc người thiểu số. Động viên và phát huy vai trò của những người tiêu biểu, có uy tín trong dân tộc và ở địa phương. Chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc”. Hội nghị lần thứ 7 (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc đã đề cập một số vấn đề: vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài, cấp bách; Các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp nhau cùng phát triển; phát triển toàn diện chính trị kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng; Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

ĐH lần thứ X (2006): “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ… chống các biểu hiện kì thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc”.

Tại Đại hội lần thứ XI, Đảng ta kế thừa các quan điểm, đường lối của các Đại hội trước đó, tiếp tục thể hiện tư tưởng kiên trì, nhất quán; “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng DTTS. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã tiếp tục bổ sung, phát triển chủ trương đường lối về dân tộc và chính sách dân tộc: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào DTTS, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.

Quan điểm Đại hội XII về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc là sự kế thừa và phát triển chính sách dân tộc của Đảng đã đề ra cùng với sự ra đời và trưởng thành của Đảng; là sự vận động sáng tạo các quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc. Đó chính là tiền đề, là điều kiện quan trọng nhất để giải quyết thành công vấn đề dân tộc, công tác dân tộc ở nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế.

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 57-KL/TW ngày 03/4/2009 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về công tác dân tộc. Tại phiên họp ngày 17/10/2019 của Ban Chấp hành Trung ưởng Đảng khóa XII, sau khi nghe Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã kết luận: “Qua hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết, công tác dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước” . Theo đó, ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Với những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng qua các nghị quyết, các kỳ đại hội, vấn đề dân tộc, công tác dân tộc được tập trung vào những vấn đề cơ bản sau: Một là, quan tâm phát triển bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số. Hai là, phát triển giáo dục, y tế, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc thống nhất. Ba là, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc; đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước. Bốn là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở vùng dân tộc thiểu số. Năm là, vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, nhằm mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Những nội dung, hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc đã mang tính toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn vùng dân tộc, miền núi. Trong đó, quan điểm, chủ trương, đường lối được sửa đổi, bổ sung thường xuyên để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thực hiện công tác dân tộc đối với các vùng, miền hoặc các đối tượng cụ thể. Nhiều chính sách đối với đồng bào các dân tộc đã thể hiện rõ quan điểm, tư duy đổi mới như coi trọng tính công khai, minh bạch, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; chú trọng vai trò chủ thể thực hiện chính sách của người dân.

Tóm lại, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã chú trọng thực hiện công tác dân tộc và các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào DTTS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các tỉnh vùng DTTS và miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, bước đầu hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, như: cà phê, chè, cao su, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ,... Kết cấu hạ tầng vùng DTTS và miền núi từng bước hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt nhất là về phát triển kinh tế, an sinh xã hội được đảm bảo; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc được quan tâm; an ninh quốc phòng vùng DTTS được giữ vững; niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước được nâng lên. Có được những kết quả trên là nhờ sự tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc, đã tạo được sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước./.

Tài liệu tham khảo

[1] Chính phủ: Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (trình Quốc hội khóa XIV).

[2] Ban nghiên cứu Lịch sử Trung ương (1979), Năm mươi năm hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr. 29.

[3] Nguyễn Trọng Phúc: Các Đại hội Đại biểu toàn quốc và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 2006), H.: Chính trị quốc gia, 2006, tr. 183-195.

[4] Nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, http://www.cena.gov.vn.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.97-98.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, NXB Sự thật, Hà Nội, 1990, tr.16.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.125-126.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.127.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.145.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.244-245.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.123-124.

[12] Ban chấp hành Trung ương (Khóa XII), Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Hà Nội, 2019.

ThS. Huỳnh Thị Việt Hoa - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

các tin khác