Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Quán triệt Nghị quyết 35-NQ/TW, suy nghĩ về nhiệm vụ của Khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng và những vấn đề đặt ra trong chuyên môn

09:29 11/02/2022

Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được ban hành, triển khai và đi vào cuộc sống, tác động tích cực trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Việc tìm hiểu nội dung, lực lượng tham gia thực hiện Nghị quyết, cũng như vai trò, nhiệm vụ của giảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng nói chung, của Khoa Xây dựng Đảng nói riêng là điều rất cần thiết.

ThS. Lê Thị Thu Hồng

Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

1. Tóm tắt Nghị quyết 35-NQ/TW, xác định vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

Ngày 22-10-2018, Bộ chính trị khóa XII ban hành nghị quyết 35-NQ-TW về “Tăng cường, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết xác định đây là nội dung cơ bản của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

 Theo tinh thần của Nghị quyết, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có lực lượng nòng cốt nhất là những người làm công tác giảng dạy Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đang trực tiếp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên mọi bình diện để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và bảo vệ chế độ xã hội Chủ nghĩa.

Trong trường chính trị, Khoa xây dựng Đảng là một trong những khoa chủ công trong vấn đề giảng dạy, đấu tranh góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ nòng cốt bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong công tác hiện nay.

Nhiệm vụ đầu tiên, là khẳng định giá trị cốt lõi, bổ sung phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã xác định: “Tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác là nền tảng tư tưởng kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần to lớn và quý báu của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”. Thông qua hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền, Khoa cùng nhà trường tiếp tục khẳng định những giá trị bền vững, đúng đắn của Chủ Nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ hai, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ chế độ.

Theo số liệu thống kê cuối năm 2019, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, sử dụng khoảng 50 đài phát thanh truyền hình, gần 400 tờ báo, tạp chí tiếng Việt (trong đó có 10 tờ nội dung rất phản động, 66 nhà xuất bản để tuyên truyền, chống phá cách mạng Việt Nam). Mục đích của chúng là chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, nhằm làm lung lạc niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Do đó, đội ngũ cán bộ tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có nhiệm vụ nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tổ chức đấu tranh phản bác để vạch trần âm mưu, thủ đoạn của chúng.

Thứ ba, tham gia tuyên truyền lan tỏa giá trị nền tảng tư tưởng của Đảng đối với toàn xã hội.

Thông qua hoạt động giáo dục, xã hội hóa các công trình nghiên cứu, bài viết, đội ngũ giảng viên của Khoa, của trường góp phần tích cực tuyên truyền lan tỏa giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp cho học viên, cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu được lý do tại sao suốt 90 năm nay, Đảng ta luôn kiên trì, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó nâng cao ý thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Với năng lực chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, người giảng viên Khoa xây dựng Đảng có thể dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giúp cho nhân dân có ý thức chính trị đúng đắn, vững vàng, có niềm tin vào Đảng, vào chế độ, có ý thức đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

2. Những vấn đề đặt ra đối với chuyên môn của Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

Kẻ thù luôn phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, quốc gia dân tộc, trong khi hiến định về vai trò lãnh đạo của Đảng đã ghi trong điều 4, Hiến pháp 2013 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam không những có vai trò mà còn chịu trách nhiệm về vai trò của mình; Các thế lực thù địch tập trung nói xấu lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hạ bệ thần tượng, phủ nhận con đường mà Bác và Đảng đã chọn là không đáng có, vòng vo, máu lửa; phủ nhận tính khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin về Đảng cầm quyền; Cổ xúy cho việc tách văn học nghệ thuật ra khỏỉ sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận thành tựu của nền văn học nghệ thuật dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, lôi kéo văn nghệ sĩ thiếu vững vàng và bản lĩnh về chính trị. Ngoài ra, chúng còn bóp méo sự thật về Đảng, xét lại các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, xét lại lịch sử, phủ nhận đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm phai mờ nền văn hóa tốt đẹp, truyền thống hào hùng ngàn năm dựng nước.

Đau lòng hơn là một số con cháu của những nhân vật lịch sử, những người có công với đất nước ngày trước, nay theo thế lực thù địch, viết sách, viết bài, phát biểu chống chế độ, chống Đảng, nhà nước ta (ví dụ con của cụ Bùi Bằng Đoàn là Bùi Tín, con của cụ Vũ Đình Huỳnh là Vũ Thư Hiên, con của cụ Cù Huy Cận là Cù Hà Huy Vũ). Bùi Tín có “Hoa xuyên tuyết”, “Mặt Thật”, Vũ Thư Hiên có “Đêm giữa ban ngày”, Dương Thu Hương với “Đỉnh cao chói lọi”… Gần đây, trưởng khoa Mác- Lênin Trường Chính trị Hà Tĩnh; trưởng bộ môn chủ nghĩa xã hội khoa học Trường Công binh - Bộ quốc phòng đã phát biểu sai trái, có lợi cho thế lực thù địch, đã bị kỷ luật. Huy Đức, phóng viên báo Tuổi trẻ, viết quyển “Bên thắng cuộc”, phương tây xuất bản và rất thích vì có lợi cho chúng.

 Từ thực tế đó, các giảng viên của Khoa Xây dựng Đảng thấy rằng nhất thiết phải cập nhật Nghị quyết 35-NQ/TW vào các bài giảng ở các học phần: học phần II (Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam), học phần IV (Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội), học phần V.2 (Công tác Đảng ở cơ sở). Khi giảng các bài về lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng, cần nghiên cứu vấn đề kỹ, sâu để phân tích những nội dung sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, qua đó phản tuyên truyền có hiệu quả, thuyết phục.

Như đã nói trên, khoa Xây dựng Đảng là một trong những khoa chủ công trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, nên giảng viên phải hết sức tích cực, chủ công đúng nghĩa trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, từng phần học, từng bài phải thể hiện tính chiến đấu, tuyên truyền, giáo dục theo tinh thần nghị quyết 35-NQ/TW. Để góp phần tham gia thực hiện có kết quả nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ chính trị, cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng nói chung và khoa Xây dựng Đảng nói riêng, cần phải tiến hành những công việc sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh học tập Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để không ngừng nâng cao ý, thức trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ hai, tăng cường tham gia các lớp bồi dưỡng cũng như tự bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ để nâng cao bản lĩnh chính trị, nhiệt huyết cách mạng cao, bổ sung kiến thức lý luận sâu rộng, thực tiễn phong phú, cập nhật, có phương pháp nghiên cứu tốt, nâng cao trình độ khai thác và sử dụng công nghệ thông tin mạng.

Thứ ba, phát huy tinh thần tự giác, tích cực sáng tạo của đội ngũ giảng viên, đội ngũ có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, giảng dạy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong cách thức tuyên truyền giảng dạy cho từng đối tượng, từng hoàn cảnh cụ thể. Thầy cô không những tác nghiệp trên lớp, trong giảng đường, mà còn phải tham gia trên các phương tiện thông tin đại chúng, viết bài, trả lời phỏng vấn trên báo đài, vận động tuyên truyền trong gia đình, họ hàng, thân tộc, trên địa bàn cư trú.

Thứ tư, tích cực bổ sung những kiến thức mới cho bản thân từ việc sưu tầm, nghiên cứu các nguồn tài liệu chính thống như báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Lý Luận chính trị của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh… để phục vụ cho công tác giảng dạy và quan trọng hơn là có cơ sở đúng đắn để phản tuyên truyền có hiệu quả luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Tóm lại, càng nghiên cứu Nghị quyết 35-NQ/TW, chúng ta càng thấy tâm đắc lời đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là việc riêng của Đảng mà còn là việc chung, là trách nhiệm chung của toàn đảng, toàn dân, toàn quân! Đúng vậy, trong công việc chung đó, có phần nhỏ của những người giảng viên của Trường Chính trị tôn Đức Thắng, của khoa Xây dựng Đảng, chúng ta tự hào và quyết tâm thực hiện tốt phần việc của mình./.

các tin khác