12:41 04/01/2021
Bộ luật Lao động là văn bản quy phạm pháp luật có tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người lao động nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng. Những nội dung thay đổi của Bộ Luật lao động năm 2019 thay thế cho Bộ luật lao động năm 2012 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, nhiều nội dung mới như hợp đồng lao, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ được tác giả nghiên cứu trình bày giúp người lao động có thể hiểu và tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định pháp luật.
1. Những quy định mới về hợp đồng lao động
Có 10 nội dung mới bổ sung trong Bộ luật lao động năm 2019 như sau:
- Một là, về dấu hiệu của một hợp đồng lao động: Đây là một quy định bổ sung mới, cần thiết để giải quyết tình trạng người sử dụng lao động tìm cách né tránh các quy định của pháp luật về lao động (lách luật), bằng cách dùng tên gọi khác trong quá trình giao kết thuê mướn lao động để né tránh nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ) đối với người lao động (NLĐ) về tiền lương, làm thêm giờ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tại Khoản 1 Điều 13 Bộ luật lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) đã bổ sung quy định mới: Mọi hợp đồng bất kể tên gọi là gì, đều được coi là hợp đồng lao động (HĐLĐ) nếu có đủ 3 dấu hiệu:
Làm việc trên cơ sở thỏa thuận;
Có trả công, trả lương;
Có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
- Hai là, về hình thức hợp đồng lao động: Bổ sung thêm hình thức HĐLĐ được giao kết thông qua phương tiện điện tử. Bên cạnh HĐLĐ bằng văn bản thì hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản. (Khoản 1 Điều 14 BLLĐ 2019)
- Ba là, chỉ còn 02 loại hợp đồng lao động kể từ ngày 01/01/2021. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. (Khoản 1 Điều 20 BLLD 2019)
Như vậy, so với quy định tại Bộ luật lao động 2012 thì sẽ không còn Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định.
- Bốn là, không áp dụng thử việc đối với hợp đồng lao động dưới 01 tháng: Theo quy định của BLLĐ 2012 thì chỉ các đối tượng ký HĐLĐ đều có thời gian thử việc, ngoại trừ HĐLD theo mùa vụ. Từ ngày 01/01/ 2021, BLLĐ 2019 quy định chỉ còn 02 loại hợp đồng và không áp dụng thử việc đối với HĐLĐ dưới 1 tháng. (Khoản 3 Điều 24 BLLĐ 2019)
- Năm là, bổ sung quy định về thời gian thử việc: Thời gian thử việc không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. (Khoản 1 Điều 25)
- Sáu là, bổ sung thêm trường hợp tạm hoãn HĐLĐ: Người lao động được tạm hoãn HĐLĐ trong các trường hợp sau đây:
Người lao động thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ. (Điểm a, Khoản 1 Điều 30 BLLĐ 2019)
Người LĐ được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác. (Điểm g, Khoản 1 Điều 30 BLLĐ 2019)
- Bảy là, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do, nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động
Bộ Luật lao động 2012 quy định: Người lao động có hợp đồng lao động xác định thời hạn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bắt buộc phải có 01 trong những lý do được nêu tại Khoản 1 Điều 37 BLLĐ 2012, đồng thời đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước.
Bộ Luật lao động 2019 quy định:
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần lý do, chỉ cần đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ. (Khoản 1 Điều 35 BLLĐ 2019)
- Tám là, bổ sung quy định về những trường hợp người lao động được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước. Các trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước cho người sử dụng lao động gồm: (Khoản 2 Điều 35 BLLĐ 2019)
Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐLĐ.
- Chín là, bổ sung thêm 02 trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần báo trước cho người lao động gồm:
Người lao động không có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ. (Điểm d, Khoản 1 Điều 36 BLLĐ)
Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên. (Điểm e, Khoản 1 Điều 36 BLLĐ 2019)
- Mười là, quy định hợp lý về thời gian giải quyết và trách nhiệm của 2 bên khi chấm dứt HĐLĐ
Bộ Luật lao động 2012: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Bộ Luật lao động 2019: Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày: (Khoản 1 Điều 48 BLLĐ 2019)
Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
2. Những quy định mới về vấn đề nghỉ hưu của người lao động
Có 03 nội dung mới bổ sung trong Bộ luật lao động năm 2019 như sau:
Một là, tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Từ 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ, cụ thể:
- Tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ trong điều kiện lao động bình thường;
(Khoản 2 Điều 169 BLLĐ 2019, xem Phụ lục)
Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì từ năm 2021 trở đi: Áp dụng theo nguyên tắc “Có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với người lao động làm việc ở điều kiện lao động bình thường”.
Đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao: Áp dụng theo nguyên tắc “Có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi (5 năm) so với người lao động làm việc ở điều kiện lao động bình thường”.
Hai là, thay đổi điều kiện hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2021.
- Điều kiện hưởng lương hưu đối với người LĐ tham gia BHXH bắt buộc
Trường hợp 1: Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 BLLĐ 2019
Trường hợp 2: Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 169 BLLĐ 2019 và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.
Trường hợp 3: Người LĐ có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người LĐ (xem Phụ lục). và có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
Trường hợp 4: Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trường hợp 5: Trường hợp lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu quy định như trên thì được hưởng lương hưu.
- Điều kiện hưởng lương hưu đối với người LĐ tham gia BHXH tự nguyện
Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì được tham gia BHXH tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Từ ngày 01/01/2021, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 BLLĐ 2019
Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
Ba là, quy định mới về chính sách hưởng lương hưu
Chính sách về thay đổi tỷ lệ hưởng lương hưu theo số năm đóng BHXH đối với lao động nam từ 2021:
Căn cứ quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nam nghỉ hưu từ năm ngày 01/01/2021 trở đi có mức lương hưu được tính như sau:
- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2021 thì mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (hoặc bằng 45% mức bình quân thu nhập đóng BHXH bắt buộc đối với người tham gia BHXH tự nguyện) tương ứng với 19 năm đóng BHXH; sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam, mức tối đa bằng 75%.
- Lao động nam nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi thì mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (hoặc bằng 45% mức bình quân thu nhập đóng BHXH bắt buộc đối với người tham gia BHXH tự nguyện) tương ứng với 20 năm đóng BHXH; sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam, mức tối đa bằng 75%.
(Theo Bộ luật lao đông 2012, lao động nam nghỉ hưu thì mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chỉ tương ứng với 18 năm đóng BHXH).
Chính sách về thay đổi điều kiện hưởng lương hưu từ 2021:
Bộ luật lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) quy định tăng tuổi nghỉ hưu của NLĐ theo lộ trình và bắt đầu thực hiện từ ngày 01/01/2021. Nên điều kiện hưởng lương hưu của NLĐ từ năm 2021 cũng sẽ có sự thay đổi, cụ thể:
- Người lao động trong điều kiện bình thường được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại Điều 54 Luật BHXH 2014 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 219 BLLĐ 2019.
- Người lao động bị suy giảm lao động sẽ được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại Điều 55 Luật BHXH 2014 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 1 Điều 219 BLLĐ 2019.
3. Quy định mới về làm thêm giờ, nghỉ Lễ Quốc Khánh và nghỉ việc riêng
- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng điện, điện tử, chế biến diêm nghiệp;
- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;
- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
- Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;
- Trường hợp khác do Chính phủ quy định.
Hai là, người LĐ sẽ có 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 02/9 (Điểm đ Khoản 1 Điều 112). Cụ thể, hàng năm, vào dịp lễ Quốc khánh 02/9, người LĐ sẽ được nghỉ hai ngày theo một trong hai phương án sau đây do Thủ tướng Chính phủ quyết định:
Phương án 1: Nghỉ 2 ngày vào ngày 02 tháng 9 dương lịch và ngày 03 tháng 9.
Phương án 2: Nghỉ 2 ngày vào ngày 01 tháng 9 và ngày 02 tháng 9.
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Như vậy, so với quy định BLLĐ 2012, Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì người LĐ được nghỉ 03 ngày và hưởng nguyên lương./.
PHỤ LỤC
Năm |
Tuổi nghỉ hưu (Khoản 2 Điều 169 BLLĐ 2019) |
|
Nam |
Nữ |
|
2021 |
Đủ 60 tuổi 3 tháng |
Đủ 55 tuổi 4 tháng |
2022 |
Đủ 60 tuổi 6 tháng |
Đủ 55 tuổi 8 tháng |
2023 |
Đủ 60 tuổi 9 tháng |
Đủ 56 tuổi |
2024 |
Đủ 61 tuổi |
Đủ 56 tuổi 4 tháng |
2025 |
Đủ 61 tuổi 3 tháng |
Đủ 56 tuổi 8 tháng |
2026 |
Đủ 61 tuổi 6 tháng |
Đủ 57 tuổi |
2027 |
Đủ 61 tuổi 9 tháng |
Đủ 57 tuổi 4 tháng |
2028 |
Đủ 62 tuổi |
Đủ 57 tuổi 8 tháng |
2029 |
Đủ 62 tuổi |
Đủ 58 tuổi |
2030 |
Đủ 62 tuổi |
Đủ 58 tuổi 4 tháng |
2031 |
Đủ 62 tuổi |
Đủ 58 tuổi 8 tháng |
2032 |
Đủ 62 tuổi |
Đủ 59 tuổi |
2033 |
Đủ 62 tuổi |
Đủ 59 tuổi 4 tháng |
2034 |
Đủ 62 tuổi |
Đủ 59 tuổi 8 tháng |
2035 trở đi |
Đủ 62 tuổi |
Đủ 60 tuổi |
ThS. Vũ Quang Hưng - giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật