09:53 28/08/2019
Jean Jacques Rousseau trải qua một cuộc đời đầy những khó khăn, khốn khổ. Sinh ra trong gia đình: Người cha mất địa vị, tính nết thất thường; người mẹ mất ngay sau khi sinh ông, Jean Jacques Rousseau thuở nhỏ học hành không đến nơi; lớn lên ông không có nghề nghiệp. Nhờ trí tuệ bẩm sinh, ông tự tích lũy tri thức bằng lòng say mê đọc sách. Năm 1741, ông lên Pari. Với kiến thức âm nhạc, ông được giới hào hoa của thủ đô Pari tiếp đón nhiệt tình, được nhận làm cộng tác viên của Bách khoa toàn thư Pari. Từ những vinh dự và lợi ích, Jean Jacques Rousseau về sống ẩn dật ở vùng quê. Đây là quãng đời rất phong phú của ông. Ông đã xuất bản một số ấn phẩm; đáng kể là diễn văn “Về nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa những con người” (1760).
Năm 1762, ông bị buộc phải rời Thụy Sĩ và sống lang thang trong cảnh khốn cùng. Nhóm Đại Bách khoa toàn thư Pari thù hằn, chống lại ông. Để trốn tránh, ông phải liên tục chuyển chỗ ở. Ông mất ngày 02 tháng 7 năm 1778.
Jean Jacques Rousseau hết sức tôn kính S.L. Montesquieu, nhưng lại không đồng ý với S.L. Montesquieu về quan niệm cũng như phương pháp. Theo ông, S.L. Montesquieu đã dừng lại giữa đường, bằng lòng với việc nghiên cứu pháp quyền thực chứng củng những chính phủ đã có. Rousseau muốn nói đến “cái phải là thế” chứ không nói “cái đã là thế”.
“Khế ước xã hội” là tác phẩm đem lại tên tuổi cho Rousseau. Đó là kết quả của những suy ngẫm từ trái tim của ông. Đó là một cuốn sách về pháp quyền sử dụng rộng rãi tất cả những điều ông đã đọc, đã suy ngẫm. Đó là một công trình lược khảo về pháp quyền chính trị được đặt trong một công trình văn học thực sự.
Rousseau quan niệm về các loại hình chính phủ như sau:
+ Về chính phủ dân chủ:
Rousseau cho rằng, về lý thuyết đó là chính phủ lý tưởng. Ở đây hành pháp gắn với lập pháp. “Người làm ra luật hiểu hơn bất cứ ai làm việc thế nào để luật đó được thi hành”.
Song, điều đó chỉ có thể được với giả định nhân dân phải là những “thiên thần”. Trong khi con người không phải có được những điều kiện như vậy. Hơn nữa, nhân dân không thể luôn tập hợp làm việc công cộng. Nếu nhân dân vừa là tác giả, vừa là nhân viên thi hành luật thì họ phải thường xuyên tập trung, thường trực. Mặt khác, khi đó lập pháp và hành pháp cũng là một tập thể nhân dân – tức là một “chính phủ không có chính phủ”.
Ngoài ra, nếu lập pháp và hành pháp đều do toàn dân thì khi đó nó dễ sa vào tiểu tiết, bỏ tầm nhìn chung.
+ Về chính phủ quân chủ:
Rousseau thừa nhận với điều kiện nền quân chủ phải được chấp nhận bởi toàn thể nhân dân, nghĩa là phải được dân bầu ra và cai trị bằng pháp luật. Ở đây, Rousseau nêu luận điểm có tính quy luật trong quan hệ giữa lập pháp và hành pháp.
Chính phủ luôn có xu hướng tự tăng cường, còn chủ quyền tối thượng (lập pháp – quốc hội) ngược lại có xu hướng tự nới lỏng. Điều đó bị quy định bởi quan hệ giữa quyền lực liên tục và quyền lực gián đoạn.
Ông cũng chỉ rõ rằng, nếu chính phủ quá tập trung quyền lực trong tay một người duy nhất thì có nguy cơ gặm nuốt quyền lập pháp và cuối cùng thủ tiêu dân chủ.
+ Về chính phủ quý tộc:
Rousseau tán thành dân chủ quý tộc tức là chính phủ chịu sự chi phối của quyền lực nhân dân do một số ít người.
Ông vạch rõ chính phủ đó cho phép phân biệt rõ lập pháp và hành pháp (cho những con người cụ thể); bảo đảm được sự tuyển lựa trong thực tế; công việc được thảo luận bạn bạc kỹ trước khi quyết định; kinh phí của nhà nước được giữ gìn và sử dụng tốt hơn.
Ông viết: “Khi những nhà thông thái nhất cai trị số đông, thì trật tự sẽ tốt hơn và tự nhiên hơn. Đương nhiên, việc lựa chọn được thực hiện bởi nhân dân và tất yếu là do sự lựa chọn khôn ngoan.
Có thể nói, về nội dung thực chất đây là thể chế chính trị khá phổ biến thời hiện đại dù rằng tên gọi có thể khác đi.
Đỗ Thanh Nhàn - Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật