Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Góp phần tìm hiểu quan điểm của Khổng Tử về giáo dục

02:36 24/04/2023

ThS. Phạm Trúc Như

Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

1. Đôi nét về Khổng Tử
Khổng Phu Tử hay Khổng Tử (28 tháng 9 năm 551 TCN – 11 tháng 4 năm 479 TCN) tên là Khâu, tự là Trọng Ni, ông là nhà triết học, nhà chính trị và là nhà giáo dục nổi tiếng ở Trung Quốc cổ đại, sinh sống vào thời Xuân Thu, ông mất năm 479 TCN, thọ 72 tuổi. Theo truyền thống, ông được xem là nhà hiền triết Trung Quốc mẫu mực nhất. Những lời dạy và triết lý của Khổng Tử có sự ảnh hưởng đến việc hình thành nền tảng văn hóa Á Đông và ngày nay vẫn tiếp tục duy trì ảnh hưởng khắp Trung Quốc cũng như các quốc gia Đông Á khác.

Khổng Tử là người khai sinh ra Nho giáo (Khổng giáo) trong bối cảnh lịch sử, chính trị, triết học và văn hóa xã hội thời Xuân Thu Chiến Quốc - thời kỳ rối ren, loạn lạc trong lịch sử Trung Quốc cổ đại. Do bản chất là một triết thuyết đạo đức nên nét nổi bật trong tư tưởng của Khổng Tử là giáo dục. Nho học coi giáo dục loài người là đề cao vai trò của văn hoá giáo dục, coi giáo dục học vấn là con đường quan trọng để thúc đẩy xã hội phát triển và làm nên bản sắc con người. Mặc dù những quan điểm của Khổng Tử về mục đích, chủ trương, nội dung, phương pháp của giáo dục được đưa ra từ cách đây 25 thế kỷ nhưng đến nay nhiều nội dung vẫn mang ý nghĩa thời sự.

Những tư tưởng, quan điểm của ông về sau được học trò ghi chép, biên soạn lại thành một cuốn sách gọi là “Luận ngữ”. “Luận ngữ” là cuốn sách ghi chép những lời nói, những câu chuyện hàm nghĩa giáo huấn sâu xa của ông đối với các đệ tử, cùng với nhiều ý kiến trao đổi của ông với học trò và những người đương thời liên quan tới kinh tế, chính trị, đạo đức, văn học, triết học.

Hệ thống tư tưởng của Ông về thế giới, về xã hội, về con người có ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách con người, tâm lý dân tộc Trung Hoa và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của văn hóa phương Đông. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo từ rất sớm, ngày nay trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta có thể tiếp thu và vận dụng sáng tạo những quan niệm trong triết lý giáo dục của Khổng Tử vào công tác giáo dục nhân cách con người mới ở Việt Nam.

2. Những nội dung cơ bản trong quan điểm của Khổng Tử về giáo dục

Hạt nhân tư tưởng của Khổng Tử đề xướng và xuyên suốt truyền bá trong các lớp môn sinh là “nhân”, chữ nhân theo quan niệm của Ông mang một ý nghĩa rộng lớn, gắn bó chặt chẽ với đạo – đạo đức – lòng yêu thương con người, yêu thương vạn vật. Theo Khổng Tử, gốc của nhân là hiếu, đễ, lễ, nghĩa, trung thực vị tha, xã thân cứu người như chính Khổng Tử đã nói: “Theo ta, người có đức nhân là: Bản thân mình muốn đứng vững trong cuộc sống thì phải giúp người khác đứng vững trong cuộc sống. Mọi việc điều có thể từ mình mà nghĩ đến người khác, có thể nói đó là biện pháp thực hiện điều nhân”[1, tr.346]. Nhân theo Khổng Tử còn là: “kỷ sở bất dục, vi thi ư nhân”. Để thực hiện được Nhân, Khổng Tử cho rằng con người phải có lễ. Lễ là các quy phạm đạo đức hợp thành một hệ thống qui tắc xử thế. Trong suốt cuộc đời làm thầy của mình, bên cạnh dạy chữ, bao giờ Khổng Tử cũng chú trọng vào dạy người, ở đây đề cao thuyết đức trị.

Từ nội dung của học thuyết mà Khổng Tử đã áp dụng vào giáo dục mang tính nhập thế và tích cực. Ông đề xướng “thuyết tôn hiền”. Những tư tưởng ấy của Khổng Tử trong bối cảnh rối ren của xã hội đương thời rất khó thực hiện, song đó là những quan điểm có giá trị được thế hệ sau kế thừa, phát triển và đến nay vẫn còn đáng trân trọng về nội dung, chủ trương, nội dung và cả phương pháp giáo dục.

Khổng Tử đã để lại những quan điểm giáo dục có giá trị, được thế hệ sau kế thừa, phát triển; đó là những quan điểm về đối tượng, mục đích, nội dung và cả phương pháp giáo dục.

2.1. Về mục đích giáo dục

Khổng Tử cho rằng mục đích đầu tiên của việc học là để có nhân cách tốt. Theo ông bản tính con người khi mới sinh ra được trời phú là giống nhau, nhưng trong quá trình tiếp xúc, học tập, rèn luyện thì lại làm cho họ khác nhau, có người thiện, kẻ ác. Chính vì vậy cần giáo dục để cho con người gần nhau, tức là để con người có nhân cách tốt. Mục đích giáo dục thứ hai mà Khổng Tử đề cập tới là học để ứng dụng cho có ích với đời, với xã hội, chứ không phải để làm quan sang bổng lộc “học chí dĩ dụng”. Mục đích thứ ba mà Khổng Tử đề cập tới là học để tìm tòi đạo lý, có được cái đạo làm người. Ông đã định nghĩa “giáo dục là tu sửa cái đạo làm người”. Hơn nữa, mục đích giáo dục của Khổng Tử còn là đào tạo, bồi dưỡng người “nhân”, “quân tử” để làm quan, “khôi phục lễ nghĩa” trong xã hội đầy rối ren. Khổng Tử không chỉ quan tâm đến việc nuôi dân, dưỡng dân mà còn quan tâm đến việc giáo hóa dân. Ông đòi hỏi nhà cầm quyền chăm lo tới việc dạy dân ngang với việc nuôi dân.

Với những quan điểm trên, giáo dục góp phần làm nên bản chất xã hội của con người. Với mục đích giáo dục này, Khổng Tử đã thể hiện tư tưởng vượt thời đại, một xã hội muốn phát triển vững mạnh phải có con người đủ đức, đủ tài. Tuy nhiên, mục đích giáo dục của Khổng Tử là nhằm thực hiện mục đích chính trị của Nho gia, đó là đường lối đức trị, là thể hiện tư tưởng thân dân của nhà cầm quyền. Bởi vì người làm quan có giáo dục sẽ hiểu được chức phận của mình không làm điều hại dân; người dân có giáo dục sẽ hiểu được nghĩa vụ và quyền lợi của mình để thực hiện. Do vậy, đối tượng chủ yếu trong giáo dục của Nho giáo nói chung và Khổng Tử nói riêng là đào tạo những người thuộc giai cấp thống trị; đào tạo những người thuộc giai cấp khác nhưng có thể bổ sung cho giai cấp thống trị; đào tạo những người dân biết “đạo” (đạo lý).

Trong giáo dục, ông chủ trương đưa người học đến sự thăng tiến của tri thức, mà mục đích cao nhất là rèn luyện về nhân cách. “Người nhân, mình muốn tự lập thì cũng thành lập cho người; mình muốn thành công thì cũng giúp người thành công. Biết từ bụng ta suy ra bụng người, đó là phương pháp thực hành của người nhân” [1, tr.37].

2.2. Về đối tượng giáo dục

 Chủ trương giáo dục của Khổng Tử là bình dân giáo dục, đây là chủ trương tiến bộ trong bối cảnh lịch sử bấy giờ. Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử cho rằng giáo dục cần thiết cho mọi đối tượng, không phân biệt chủng loại (đẳng cấp, giàu nghèo, tốt xấu). Ông viết: “Hữu giáo, vô loại” [1, tr.85]. Bất cứ ai chỉ cần “đem cho Thầy một bó nem” là ông đều nhận làm học trò, không phân biệt giai cấp, quý tiện, sang hèn. Theo ông, học tập là phương tiện cần thiết duy nhất để mở mang sự hiểu biết, trau dồi đạo đức làm người. Từ quan điểm giáo dục có tính cách mạng đó ông đã dạy cho tất cả những ai có mong muốn và ý thức học, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, khôn ngu. Như vậy, tuy rất quan tâm đến giáo dục, mở rộng giáo dục đến cho tất cả mọi người, nhưng suy cho cùng thì các tư tưởng về giáo dục cũng là để thực hiện các mục tiêu chính trị. Việc coi trọng giáo dục cho đối tượng thứ dân trước hết không phải là vì quyền lợi hay sự tiến bộ của tầng lớp này mà vì mục tiêu củng cố, duy trì trật tự xã hội phong kiến. Song không phải vì thế mà phủ nhận công lao của ông đối với sự nghiệp giáo dục dân chúng. Nhờ sự đề xướng của ông mà giáo dục được mở mang, trình độ dân trí của quần chúng nhân dân được nâng lên rõ rệt, văn hiến nhờ vậy mà càng rực rỡ.

2.3. Về nội dung giáo dục

 Khổng Tử rất coi trọng giáo dục đạo đức, dùng đạo đức để thi hành chính sự. Theo Khổng Tử, học và thực hành đạo đức đầy đủ rồi mới học đến văn. Khổng Tử chủ trương giáo dục “đạo làm người” cho tất cả mọi người để xã hội trở về “hữu đạo”. Ông đã từng nói: “Thiên hạ hữu đạo, tắc chánh bất tại đại phu” (Nếu thiên hạ có đạo rồi thì việc chính trị không cần các đại phu nữa) [1, tr.119]. Đạo không phải tự có sẵn, sinh ra đã biết. Khổng Tử tinh thông đạo lý bởi ông không ngừng học tập từ khi còn trẻ tuổi. Muốn con người trở nên hữu đạo cần phải dạy bảo, khuyên răn gọi là giáo. “Đạo” nhờ có “giáo” mới vững vàng, sâu sắc, rộng khắp. “Giáo” không có mục đích nào cao quý hơn là làm cho mọi người hữu đạo. Trong quan hệ gia đình, Khổng Tử nói nhiều về đạo hiếu. Ông cho rằng giáo dục đạo hiếu rất quan trọng. Có thể nói đạo hiếu là gốc cơ bản của con người. Tuy nhiên hiếu đễ với cha mẹ không chỉ đơn thuần là nuôi cha mẹ mà còn phải thành kính với cha mẹ. Bên cạnh giáo dục đạo đức, chúng ta có thể suy thấy nội dung dạy học của ông chủ yếu dạy sáu ngành là: lễ, nhạc, xạ (bắn cung), ngự (đánh xe), thư (viết chữ), số (toán pháp) và tập trung vào 4 mặt: đạo đức, chính trị, ngôn ngữ và văn học.

Nội dung giáo dục của Khổng Tử rất chú trọng tới tri thức song tri thức đó chủ yếu xoay quanh các tri thức về văn học và chính trị. Ngoài ra, nội dung giáo dục của Khổng Tử còn thể hiện trong việc giáo hóa huấn luyện kỹ năng thực hành cho dân. Quan niệm này thể hiện ít nhiều quý trọng sinh mệnh con người, dù đó là tính mạng của tứ dân bách tính tầm thường. Tuy nhiên trong lĩnh vực huấn luyện kỹ năng thực hành cho dân, Khổng Tử không tránh khỏi những hạn chế xã hội Trung Hoa đó là: ông coi việc làm ruộng là của kẻ tiểu nhân, còn kẻ sỹ “hà tất phải học làm ruộng”. Như vậy, có thể khẳng định rằng nội dung giáo dục mà Khổng Tử đề xướng có rất nhiều điểm tiến bộ về giáo dục đạo đức, nhân, lễ, giáo dục các tri thức về văn học, chính trị. Song hạn chế lớn nhất trong nội dung giáo dục của ông là ở chỗ: định hướng phiến diện, hạn hẹp, hạn chế con người đến với các tri thức cần thiết cho cuộc sống xã hội như tri thức về tự nhiên, sản xuất, khoa học kỹ thuật; đánh giá thấp các hoạt động sản xuất vật chất; định hướng giá trị con người một chiều, thiên về cái tinh thần, xa rời việc chinh phục chiếm lĩnh các giá trị vật chất, cải tạo tự nhiên. Từ đó, tạo nên những con người ưa thích nghi, ít cạnh tranh, ít tinh thần cách mạng trong xã hội cũng như trong lao động sản xuất.

2.4. Về phương pháp giáo dục

Theo Khổng Tử người học phải có nhu cầu nhận thức, ham hiểu biết, khám phá cái mới; phải độc lập suy nghĩ và sáng tạo trong quá trình nhận thức. Học cần phải tự mình gắng sức, chủ động tìm hiểu. Người dạy không chỉ truyền đạt tri thức mà cái cơ bản là dạy năng lực sáng tạo, dạy phương pháp để người học tự tìm đến tri thức. Trong quá trình học, Khổng Tử bắt học trò phải đào sâu suy nghĩ, học không suy nghĩ thì vô ích; suy tư mà không học thì kết quả cũng chỉ bằng không. Khổng Tử nói: “Học mà không suy nghĩ thì mờ tối, suy nghĩ mà không học thì nguy hại” [1, tr198]. Khổng Tử còn cho rằng ngoài học thầy, học trong sách vở còn học cả trong cuộc sống “ba người cùng đi, tất có người làm thầy; lựa cái hay của người này mà học, xét cái quấy của người kia mà tự sửa mình”. Ông quan niệm: Người học phải luôn đặt câu hỏi, nêu thắc mắc để rồi tìm hiểu. Hơn nữa, học đòi hỏi phải biết khắc phục khó khăn, chuyên tâm, cần mẫn. Người học phải thành thật, khiêm tốn, thành thật thừa nhận điều mình không biết, khiêm tốn học tập người khác. Theo Khổng Tử “học không biết chán, dạy người không mệt” – thái độ dạy học ấy rất tiến bộ cả mọi thời đại. Khổng Tử nhấn mạnh: Giảng dạy phù hợp với đối tượng. Ông nắm bắt rất cụ thể đặc điểm của từng người học, vì thế trong quá trình dạy học Khổng Tử có thể cùng một vấn đề nhưng giảng giải mỗi người mỗi khác. Khổng Tử đòi hỏi khả năng phân tích, tổng hợp của người học để nắm những phần quan trọng nhất của các vấn đề đặt ra. Khổng Tử coi trọng phương pháp nêu gương. Ông quan niệm: Phải lấy bản thân mình làm gương sáng để cảm hoá học sinh. Để thực hiện nó, trong cuộc sống hàng ngày Khổng Tử rất chú trọng từ hành xử đến việc nghiên cứu học tập của bản thân.

Khổng Tử đòi hỏi sự kết hợp giữa học và hành, giữa tri thức và thực tiễn. Khổng Tử quan niệm: “Học nhi thời tập chi”, học lý thuyết đi đôi với rèn luyện kỹ năng. Khổng Tử còn đề cập đến phương pháp “ôn cố tri tân”- ôn cái cũ để biết cái mới. Ông nói: “Xem xét cái cũ để biết cái mới thì có thể làm thầy được” [1, tr.201]. Ông cũng nhấn mạnh phương pháp ôn tập thường xuyên, kiểm tra học tập, kiên trì nhẫn nại. Tất cả những phương pháp giáo dục của Khổng Tử vẫn còn giá trị tham khảo trong việc dạy và học ở nước ta hiện nay. Con người có thể học không chỉ trong sách vở, mà còn học ở lịch sử, ở kinh nghiệm người xưa, học trong cuộc sống… Học không thụ động mà cần biết suy nghĩ sâu sắc, tìm tòi cho sáng tỏ để nhằm đạt đến sự hiểu biết cuối cùng. “Đọc 300 thiên kinh thi, giao cho việc chính trị mà làm không nên; sai đi xứ 4 phương mà không biết ứng đối, như vậy đọc nhiều để làm gì?” [1, tr.214]. Do chịu sự chi phối của ý thức hệ phong kiến, nên dù phương pháp giáo dục có nhiều điều hợp lý, song nội dung hạn hẹp và được quy định khắt khe, cứng nhắc đã làm cho những tư tưởng giáo dục của Khổng Tử bộc lộ nhiều hạn chế. Sản phẩm của nền giáo dục này là đào tạo ra những con người “Nho giáo”, trở thành công cụ đắc lực để duy trì chế độ đẳng cấp cả khi nó hết vai trò lịch sử. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, những phương pháp giáo dục mà Khổng Tử nêu lên là cơ sở để các nhà giáo dục hiện đại kế thừa, vận dụng một cách hợp lý phục vụ cho sự nghiệp trồng người của mình.

3. Bài học suy ngẫm qua nghiên cứu những quan điểm về giáo dục của Khổng Tử

Bối cảnh sinh thành tư tưởng giáo dục của Khổng Tử đã cách chúng ta khoảng 2.500 năm. Khoảng cách ấy tất yếu đào thải nhiều quan niệm mà ông đề xuất. Tuy nhiên, vẫn có một số lời bàn của Khổng Tử về việc học, như: vì sao cần họchọc để làm gì, và học thế nào là những bài học có giá trị tham khảo cho việc giáo dục nhân văn hiện nay.

Trong lịch sử giáo dục phương Đông, Khổng Tử là người đầu tiên xây dựng một nội dung dạy học và phương pháp dạy học tương đối hệ thống, nhiều điều tiến bộ, đến nay vẫn còn giá trị. Tư tưởng của Khổng Tử là nền tảng cho các thế hệ học trò của ông kế thừa, phát triển để tạo nên một Nho giáo đồ sộ chi phối gần như toàn bộ nền giáo dục phương Đông. Bên cạnh đó việc thành lập tư học cũng là một cuộc cách mạng lớn trong giáo dục, lần đầu tiên đưa giáo dục đến cho mọi tầng lớp nhân dân. Nhờ những đóng góp to lớn đó Khổng Tử được tôn vinh là ông tổ của nền giáo dục phương Đông.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lịch sử, của tính giai cấp và còn có những điều chưa chặt chẽ trong lập luận nên các giai cấp thống trị đời sau thường lợi dụng quan điểm của ông, thêm thắt vào để lập luận, khai thác tính duy tâm, siêu hình, tính bắt buộc của lễ giáo... nhằm phục vụ cho quyền lợi của giai cấp thống trị. Vì thế nhiều người đời sau cho rằng tư tưởng của ông quá khắt khe và đối lập với quyền lợi của nhân dân lao động. Ngày nay, gạt bỏ những yếu tố duy tâm và tư tưởng phong kiến trong quan điểm của Khổng Tử, nhiều nhà giáo dục trên thế giới đã nghiên cứu và đánh giá cao những giá trị trường tồn trong quan điểm của ông. Những giá trị đó được vận dụng không chỉ trong lĩnh vực dạy học mà đặc biệt được đề cao trong giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Chúng ta có thể khẳng định rằng, không phải chỉ trong chế độ phong kiến mà cả trong hiện tại và tương lai, những quan điểm tiến bộ trong quan điểm của Khổng Tử vẫn cần được nghiên cứu, khẳng định và vận dụng cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nhân loại; đặc biệt là trong công tác giáo dục ở nước ta hiện nay.

Thực tiễn giáo dục hiện nay cho thấy những áp lực về cạnh tranh, xếp hạng, thành tích khiến các trường nên thực dụng hơn khi tập trung đào tạo kỹ năng và hướng đến việc đáp ứng tối ưu yêu cầu của thị trường lao động mà xao lãng những vấn đề liên quan đến giá trị đạo đức hay lợi ích cộng đồng. Vấn đề đặt ra là giáo dục không chỉ tạo ra con người biết làm việc, mà là đào tạo những con người cá nhân có mục tiêu sống, biết cách tạo ra giá trị cá nhân đồng thời có khả năng đóng góp cho cộng đồng như quan điểm của Khổng Tử đó là học để hiểu hơn về đạo.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã, đang có những chủ trương, chính sách nhằm phát triển con người, đổi mới giáo dục, đào tạo. Đảng ta khẳng định: “Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục - đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện tư duy sáng tạo của người học, nâng cao năng lực tự học của học sinh” [2, tr 29]. Những chủ trương, chính sách đó xây dựng trên cơ sở không chỉ là sự tiếp thu có chọn lọc những cái mới mà còn kế thừa, phát huy các giá trị tinh hoa trong lịch sử văn minh nhân loại, trong đó có tư tưởng giáo dục của Khổng Tử..

Trong những năm qua nền giáo dục chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua Internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”[3, tr.233].

Thực tiễn cho thấy, việc dạy, việc học ở nước ta hiện nay cũng cần phải có một cách nhìn, một hướng đi cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh việc ta tiếp thu những thành tựu giáo dục tiên tiến, việc kế thừa những kinh nghiệm giáo dục truyền thống là hết sức bổ ích. Tuy tư tưởng giáo dục của Khổng Tử có những hạn chế nhất định trong điều kiện lịch sử, lập trường giai cấp, nhưng nếu gạt bỏ những hạn chế, kế thừa một cách chọn lọc thì tư tưởng đó vẫn có những giá trị tích cực đối với công cuộc đổi mới giáo dục ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. Khổng Tử và Luận ngữ, Nguyễn Hiến Lê, Nhà xuất bản Văn học, 2003.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ II BCHTW khóa VIII, Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia, 1997.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXb Chính trị Quốc gia sự thật, 2021.

các tin khác