Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Tìm hiểu quyền bình đẳng cho phụ nữ qua Di chúc của Bác

04:35 20/04/2020

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, phụ nữ luôn giữ vị trí quan trọng và có những cống hiến to lớn, góp phần xây dựng truyền thống vẻ vang của dân tộc, đồng thời cũng tạo nên truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.

 

Dưới chế độ phong kiến trãi qua hơn mấy ngàn năm ở Việt Nam đã kiềm hãm sức sáng tạo và khả năng của phụ nữ, làm cho họ không phát huy được vị thế của mình trong xã hội. Phụ nữ mang thân phận bị lệ thuộc vào đàn ông trong tất cả lĩnh vực. Chẳng hạn, Luật nhà Trần cho phép: đàn ông nếu có vợ ngoại tình thì được coi vợ như nô tỳ và được phép cầm bán. Nhà Hồ quy định: nếu binh sĩ ra trận mà nhút nhát thì vợ, con, điền sản phải xung công. Triều đình phong kiến nhà Lý có tục bắt cung nữ chết theo vua. Còn dưới chế độ thực dân phụ nữ luôn bị hành hạ, làm nhục và bị giết hại. Bọn thực dân luôn chửi mắng, đánh đập phụ nữ Việt Nam ở bất cứ chỗ nào muốn: “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi hành động bạo ngược của bọn người xâm lược”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có một cái nhìn và quan niệm rất nhân văn đối với phụ nữ. Có thể nói rằng Bác là người Việt Nam đầu tiên đánh giá đúng vai trò, vị trí của phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Người không chỉ tôn trọng và tin tưởng vào khả năng của phụ nữ mà còn biết phát huy khả năng của phụ nữ. Ngay từ năm 20 của thế kỷ XX, khi hoạt động ở nước ngoài, Người đã nói: “Muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước”, “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Và sau này, khi trở thành người đứng đầu đất nước, Hồ Chí Minh lại khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Nói về vị trí của phụ nữ trong xã hội cũng như trong sự nghiệp cách mạng nước ta, Hồ Chí Minh cho rằng phụ nữ giữ một vị trí quan trọng và là một lực lượng vô cùng to lớn trong sự nghiệp cách mạng chung. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn quan tâm đến việc thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ trong xã hội. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã bắt gặp lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và khẳng định: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Từ đó có thể suy ra chỉ có độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội thì mới có điều kiện để giải phóng và thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ. Trong Bài nói chuyện tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ”.

Trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, Người khẳng định:

Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Từ đó, Người chỉ rõ những nội dung để thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ. Đầu tiên là, phải giành cho được độc lập thống nhất nước nhà để đưa cả nước cùng tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Thứ hai là, “Đảng và Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”. Thứ ba là, “bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”.

Chỉ một đoạn ngắn trong văn kiện lịch sử vô giá mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhưng đã thể hiện tình cảm và định hướng chiến lược về công tác chăm lo cho phụ nữ. Tư tưởng, quan điểm đó được thể hiện trên hai nội dung:

Một là, nhận rõ vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đánh giá đúng khả năng và tôn vinh những đóng góp của phụ nữ trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc.

Hai là, động viên phụ nữ phải tự vận động để đáp ứng yêu cầu chung của cách mạng, góp phần thực hiện quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ.

Trên cơ sở quan niệm Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của phụ nữ. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của phụ nữ, ngay sau khi giành được độc lập năm 1945, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm và đặt nền móng cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Điều 9 trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 đã khẳng định quyền bình đẳng nam nữ. Trải qua nhiều lần sửa đổi Hiến pháp, song tư tưởng về bình đẳng giới luôn được bổ sung và hoàn thiện. Tất cả các Hiến pháp từ 1946, 1959, 1980, 1992 đều khẳng định: phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thực hiện Di chúc của Người, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến lực lượng phụ nữ, coi việc giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu quan trọng của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có tác động trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển của đất nước, thể hiện qua các Nghị quyết, Chỉ thị như: Chỉ thị số 44/CT-TW ngày 7-6-1984 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ nữ; Nghị quyết số 176a/HĐBT ngày 24-12-1984 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đề cập toàn diện các vấn đề về phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 12-4-1993 của Bộ Chính trị chỉ rõ sự cần thiết phải đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ; Chỉ thị số 37/CT-TW ngày 16-5-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới". Văn kiện các Đại hội Đảng đều nêu vấn đề thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ. Đại hội IX của Đảng nêu rõ: "Thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, có cơ chế, chính sách để đưa phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp; các ngành; chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em…".

Hiện nay, phụ nữ nước ta chiếm hơn nửa dân số, là nguồn lực lao động quan trọng của xã hội. Do đó, thực hiện bình đẳng giới, quan tâm phụ nữ còn mang ý nghĩa giải phóng sức lao động, phát triển đất nước. Điều cần nhận thức đầy đủ là phải tích cực hướng lao động nữ tham gia vào các ngành nghề mới phát triển, phù hợp với họ và với sự tiến bộ kinh tế theo hướng phát triển kinh tế tri thức. Vì vậy, bảo đảm cho phụ nữ có quyền bình đẳng, có việc làm như nam giới, đó là quyền cơ bản trước tiên của quyền con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng theo Di chúc của Bác Hồ. 50 năm qua kể từ ngày công bố bản Di chúc của Bác Hồ, điều mong muốn của Người là thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ. Cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ chỉ thực sự có hiệu quả khi bản thân phụ nữ tự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, thường xuyên tu dưỡng đạo đức, không ngừng học tập nâng cao năng lực về mọi mặt, phấn đấu trở thành "người phụ nữ Việt Nam yêu nước, có tri thức, có sức khỏe, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng" góp phần xứng đáng vào việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tập 2, tập 4, tập 8, tập 13, tập 14.

ThS. Nguyễn Xuân Mỹ - Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

các tin khác