Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Xây dựng tổ chức công đoàn Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

10:36 23/10/2019

Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giai cấp công nhân và hoạt động Công hội. Người nói: "Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới".

Qua hoạt động thực tiễn của phong trào công nhân Anh, Pháp, Người thấy rất rõ vai trò của Công hội các nước và chính bản thân Người đã trực tiếp tham gia và là thành viên của các tổ chức này. Năm 1914, Chủ tịch Hồ Chí Minh là thành viên của tổ chức "Lao động hải ngoại" - tổ chức của những người thợ thuyền thuộc địa sống trên đất Anh. Năm 1919, Người tham gia nghiệp đoàn của Công đoàn Kim khí quận 17 Paris (Pháp) thuộc lực lượng công đoàn vô chính phủ có xu hướng khuynh tả. Thời gian này, Bác đã chú ý đến việc tập hợp thợ thuyền người Việt sống và làm việc tại Pháp. Nhờ có sự giúp đỡ của Công hội thống nhất C.G.T.U, năm 1923, những cơ sở Công hội đỏ Việt Nam đã ra đời ngay trên đất Pháp dưới những tên gọi như: Hội ái hữu những người lao động chân tay Đông Dương, Hội tương tế Đông Dương. Trong bức thư gửi Trung ương Đảng Cộng sản Pháp (tháng 7/1923) Hồ Chí Minh đã yêu cầu “Tổ chức những nghiệp đoàn hoặc thành lập các nhóm tương tự ở các thuộc địa"..Để xúc tiến việc thành lập tổ chức công đoàn ở nước ta, trên báo Thanh niên cơ quan ngôn luận của Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1916, Hồ Chí Minh đã nêu cách thức tổ chức và hình thức hoạt động của công đoàn. Người viết: “Nước ta bị Pháp đè nén, nó cấm không cho tổ chức hội hè, cho nên muốn tổ chức hội gì cũng phải dùng cách bí mật mới được, công nhân nước ta có ba thứ: một là thủ công, hai là công xưởng, ba là bán công, mỗi thứ công nhân một khác nên tổ chức theo chức nghiệp và sản nghiệp. Chức nghiệp tổ chức là: nghề nghiệp nào tổ chức theo theo nghề nghiệp ấy... sản nghiệp tổ chức là không theo nghề nghiệp mà theo những người làm ở chỗ nào thì tổ chức chỗ ấy”. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra cách thức tổ chức Công đoàn ở nước ta là tập hợp công nhân theo ngành, nghề và theo địa phương mà ngày nay chúng ta đang kế thừa và phát triền.

Qua nghiên cứu học tập kinh nghiệm từ thực tiễn phong trào công đoàn thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của dân tộc, đặt nền móng cơ sở lý luận cho sự ra đời của tổ chức công đoàn cách mạng Việt Nam. Từ năm 1926, trong phong trào công nhân đã xuất hiện Hội tương tế. Trong những năm 1928 - 1929, dưới tác động của phong trào "Vô sản hóa" do Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội tổ chức hàng loạt "Công hội đỏ" ra đời ở khắp cả nước và khi các công hội phát triển mạnh mẽ dẫn đến thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ vào ngày 28/7/1929. Tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nhiệm vụ của Đảng đối với Công đoàn. Theo Người: "Nhiệm vụ chính của Đảng cộng sản trong việc vận động thợ thuyền là hành động để sáng lập những Công hội giai cấp theo nền tảng sản nghiệp, đồng thời hết sức lợi dụng các điều kiện thuận lợi để sáng lập các công hội công nhân". Bên cạnh đó, Người nhấn mạnh: "Mục đích của Công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân". Để hoàn thành mục đích đề ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra nhiệm vụ cụ thể cho Công đoàn nói chung và cán bộ công đoàn nói riêng. Cụ thể, Người yêu cầu Công đoàn không chỉ là người tuyên truyền, giới thiệu chính sách của Đảng, Nhà nước cho công nhân lao động, công đoàn cũng không chỉ là trường học về chính trị, kinh tế, đạo đức cách mạng cho giai cấp công nhân, nó còn là thành viên của hệ thống chuyên chính dân chủ nhân dân, Công đoàn phải tham gia quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước".

Ngày 18/7/1969, trong buổi làm việc cuối cùng với cán bộ tổng Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Công đoàn phải làm tốt công tác vận động, tổ chức và giáo dục quần chúng công nhân viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội". Đồng thời, Người khẳng định rằng: "đối tượng hoạt động của Công đoàn là công nhân, lao động, Công đoàn phải đảm bảo quyền dân chủ của công nhân viên chức, làm chủ thật sự, làm chủ rộng rãi, tránh lối hình thức chung chung".

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho việc ra đời tổ chức công đoàn, là người giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện và dìu dắt tổ chức công đoàn hoàn thành nhiệm vụ của mình qua từng thời kỳ cách mạng. Xây dựng tổ chức công đoàn Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cụ thể:

- Một là, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh cùng với việc chăm lo xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh.    

Giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn có mối liên hệ gắn bó, mật thiết với nhau. Công nhân là lực lượng để hình thành, tồn tại và phát triển tổ chức công đoàn; công đoàn tồn tại và phát triển mang tính quy luật vận động của giai cấp công nhân. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay thì tổ chức công đoàn ngày càng phát huy vai trò của mình trong việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp công đoàn viên trong các thành phần kinh tế, qua đó phát triển cả về số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động để từng bước xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.

- Hai là, thực hiện đồng bộ các chức năng của công đoàn

Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động của công đoàn ngày càng trở nên phong phú và đa dạng hơn. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với tổ chức công đoàn là không thể coi trọng chức năng này mà xem nhẹ chức năng khác. Vì vậy, bên cạnh việc bảo vệ lợi ích của người lao động là mục tiêu hàng đầu thì Công đoàn phải chăm lo bảo vệ lợi ích, cải thiện đời sống công nhân, nhưng trên cơ sở sản xuất và thực hành tiết kiệm "Sản xuất như nước, đời sống như thuyền, nước lên thì thuyền lên". Do đó, muốn bảo vệ tốt lợi ích của người lao động, Công đoàn phải tham gia quản lý, giáo dục nâng cao trình độ nhận thức văn hóa xã hội nhất là vấn đề về pháp luật cho người lao động nắm để người lao động an tâm sản xuất và bảo vệ được lợi ích hợp pháp của mình.

- Ba là, luôn luôn coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác công đoàn

"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc…bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công". Để có cán bộ tốt thì công tác đào tạo cán bộ được xem là quốc sách hàng đầu. Trước yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ công đoàn phải được coi trọng, bởi vì bên cạnh những cán bộ tốt, nhiệt tình, tâm huyết với Công đoàn vẫn còn những cá nhân chưa tích cực hoạt động. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng chưa khai thác hết khả năng của đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách và không chuyên trách hiện có. Để giải quyết vấn đề này, cần phải coi trọng công tác công đoàn, tích cực đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ công đoàn, có chế độ, chính sách bảo đảm cho cán bộ công đoàn hoạt động.

- Bốn là, đổi mới phương pháp hoạt động công đoàn

Tiếng nói của công đoàn là đại diện cho tiếng nói của công nhân lao động. Do đó,  Công đoàn muốn hoạt động hiệu quả, phát huy được vai trò của tổ chức trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích của người lao động thì vấn đề về đổi mới phương thức hoạt động công đoàn là nhiệm vụ quan trọng của công đoàn Việt Nam hiện nay.

Từ Đại hội IV-1978, yêu cầu tiếp tục hoàn thiện phương pháp chỉ đạo: “Phải nắm cơ sở, hiểu sản xuất, kinh doanh, hiểu đời sống, hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng; phải đi sâu bồi dưỡng lực lượng tích cực trong công nhân, viên chức làm hạt nhân vận động quần chúng; phải từ thực tiễn của phong trào công nhân, viên chức, từ phân tích những ý kiến chính đáng của công nhân, viên chức về sản xuất, kinh doanh và đời sống mà tham gia quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức; phải chú trọng tổng kết kinh nghiệm các mặt hoạt động của Công đoàn; phải thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, vừa đề cao trách nhiệm cá nhân phụ trách; chế độ thông tin, thông báo, báo cáo, thỉnh thị kịp thời trong hệ thống công đoàn”. Hoạt động công đoàn cần có sự linh hoạt: “Hình thức tổ chức và hoạt động của công đoàn linh hoạt, nhạy bén với những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, khắc phục bệnh quan liêu, giản đơn, hình thức trong tổ chức và sinh hoạt…”. Đồng thời phải thiết thực, hiệu quả: “Phải quán triệt phương châm hoạt động của công đoàn là cụ thể, thiết thực, có hiệu quả. Từng cấp công đoàn, từng cơ sở phải có chương trình hoạt động có mục tiêu; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, của từng người đối với từng việc cụ thể, quy định rõ thời gian hoàn thành, định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả, khen chê kịp thời; khắc phục tình trạng làm lướt, đánh trống bỏ dùi”. Nguyên tắc cơ bản là phát huy sự kiểm nghiệm của thực tiễn: “Kiên quyết thực hiện việc chỉ đạo điểm, việc làm thử để rút kinh nghiệm chỉ đạo điểm ở tất cả các cấp công đoàn. Tiến hành đúc kết kinh nghiệm hoạt động công đoàn phải từ thực tiễn ở cơ sở, từ sự chỉ đạo cụ thể mà đúc kết, qua đó nêu lên những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến để phổ biến, hướng dẫn các cơ sở hoạt động. Khi đã có điển hình phải kiên quyết chỉ đạo, bồi dưỡng, nhân điển hình, tạo nên phong trào rộng lớn học tập và làm theo điển hình”. (Đại hội V-1983). Đồng thời, cần xây dựng mạng lưới và lực lượng hoạt động phù hợp ở các cấp công đoàn: “Xây dựng các mạng lưới hoạt động ở cơ sở làm cho hoạt động của Công đoàn là hoạt động của đông đảo công nhân, lao động. Mở rộng đội ngũ cộng tác viên theo từng công việc giúp các Ban Chấp hành Công đoàn tham gia quản lý kinh tế”. (Đại hội VI-1988).

Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức Công đoàn là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đoàn viên công công đoàn nói riêng và của giai cấp công nhân, của người lao động Việt Nam nói chung. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường hiện nay thì Công đoàn cần giữ vững và phát huy hơn nữa tính chất chính trị tính chất xã hội.

* Tài liệu tham khảo

1. Xem tại: http://congdoanxaydungvn.org.vn/tin-tuc/t7691/doi-moi-phuong-thuc-hoat-dong-cong-doan.html

2. Hồ Chí Minh với công nhân và Công đoàn Việt Nam (1995), Nxb Lao động, HN.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2004, tập 5.

4. Hồ Chí Minh tuyển tập, Nxb Sự Thật, 1980, tập 2.

Lê Châu Mỹ Hoa - Khoa Lý luận cơ sở

các tin khác