Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 - giá trị trường tồn soi sáng con đường Cách mạng Việt Nam

11:57 01/09/2020

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta. Sự kiện trọng đại lịch sử này gắn liền với sự ra đời của Tuyên ngôn Độc lập – Bản anh hùng ca bất hủ, là lời khẳng định đanh thép về nền độc lập, quyền tự do của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, đất nước đang ngày một đi lên, nền độc lập ngày càng được giữ vững, điều đó đã chứng minh lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bản Tuyên ngôn mang tầm vóc lịch sử và thời đại to lớn.

 

Tuyên ngôn Độc lập tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là sự tiếp nối, kế thừa truyền thống hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta đấu tranh dựng và giữ nước. Ngay từ thế kỷ XI (1077), trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Tống, Lý Thường Kiệt đã đọc bài thơ thần Nam quốc sơn hà:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận ở sách trời.
Cớ sao quân giặc sang xâm lược,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Đây được xem là Bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, khẳng định chủ quyền dân tộc là chân lý thiêng liêng, bất di bất dịch, là lời quyết chiến, quyết thắng kẻ t xâm lược. Đến thế kỷ XV, sau khi cuộc chiến tranh chống quân Minh kéo dài 10 năm kết thúc thắng lợi, Nguyễn Trãi đã viết nên Bình Ngô đại cáo nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam với truyền thống hàng ngàn năm văn hiến, có bờ cõi riêng, có phong tục riêng, có các triều đại sánh ngang với phương Bắc:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có...”.

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 một lần nữa nêu cao tinh thần bất khuất, quật cường của dân tộc, khẳng định chính quyền về tay nhân dân.

Nhìn lại lịch sử cho thấy, Tuyên ngôn Độc lập gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt. Trước sự kiện phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh, nhân dân cả nước ta đã nổi đậy giành chính quyền. Ngày 19/8/1945, Hà Nội giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 23/8/1945, tại Huế, Bảo Đại thoái vị. Ngày 25/8/1945, gần một triệu đồng bào Sài Gòn- Chợ Lớn quật khởi đứng lên giành chính quyền. Trong vòng 10 ngày, Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội, tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, ngày 28-8-1945, Người soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đọc Tuyên ngôn Độc lập trước hàng chục vạn đồng bào ta, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự do. Bản Tuyên ngôn độc lập không chỉ có ý nghĩa đối với nền độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn thể hiện rõ ý chí hòa bình và quyết tâm sắt đá của nhân dân ta trong công cuộc bảo về nền độc lập vừa mới giành được. Sự ra đời của Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của một quá trình trăn trở, suy ngẫm và từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế mà Tuyên ngôn Độc lập có giá trị lý luận cũng như thực tiễn lớn lao và sức sống mãnh liệt.

Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền con người và quyền dân tộc.

Quyền con người là giá trị chung của các dân tộc, là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại. Quyền con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn không chỉ thể hiện ở quyền cá nhân mà còn là quyền tự quyết của mỗi dân tộc, hai quyền này có sự thống nhất và làm tiền đề cho nhau tạo nên tính biện chứng sâu sắc. Bản Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng lời nói bất hủ của Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi; “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Ở đây cần nhìn nhận một cách sâu sắc rằng, quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc không chỉ là quyền của mỗi con người mà nó còn là quyền của cả dân tộc, một khi dân tộc không có bình đẳng, độc lập, tự do thì mỗi thành viên hợp thành dân tộc đó cũng không có bình đẳng, tự do.

Để tố cáo chính quyền thực dân Pháp với nhân dân thế giới và khẳng định quyền tự do của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra hàng loạt tội ác của thực dân đối với dân tộc ta: “chúng thi hành những pháp luật dã man. Lập ra nhà tù nhiều hơn trường học, với chính sách ngu dân, ràng buộc dư luận, với rượu cồn, thuốc phiện, hòng làm cho nòi giống Việt Nam suy nhược; tắm các cuộc khởi nghĩa trong bể máu, bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, đất nước xơ xác tiêu điều... tuy nhiên, với một lòng yêu nước, với ý chí kiên cường, quyết tâm giành độc lập tự do, nhân dân ta đã giành thắng lợi, đánh đổ được thực dân Pháp ra khỏi đất nước ta. Và rồi: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay..., dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!...”, đây chính là quyền dân tộc cơ bản bao gồm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, là sự thống nhất giữa quyền con người và quyền dân tộc.

Tuyên ngôn Độc lập khẳng định giá trị trường tồn.

Với Tuyên ngôn độc lập, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật, đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem toàn bộ tinh thần và sức lực, lực lượng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” là lời thề thể hiện ý chí quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, được thể hiện trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ 2 và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, giá trị to lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh và cũng chính là mục tiêu, nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và phát triển của dân tộc.

Hiện nay, trong bối cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa đang diễn ra với những biến động phức tạp, khó lường, các nước phương Tây vẫn không từ bỏ mục tiêu có bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Họ thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng nước ta. Vì vậy, giá trị quyền con người và quyền dân tộc; ý chí độc lập tự chủ trong Tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa to lớn, thể hiện sức sống trường tồn, là nguồn sức mạnh to lớn, động lực mạnh mẽ để chúng ta bảo đảm quyền con người, quyền dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

75 năm đã trôi qua, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thách thức, thực hiện lời thề ngày độc lập “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Với tinh thần đó, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng với một quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…. Tuyên ngôn Độc lập đã và đang khơi nguồn sáng tạo, soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ phát triển mới./.

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Ngọc Anh, Tuyên ngôn độc lập - Bản Tuyên ngôn về các giá trị làm người,http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/tuyen-ngon-doc-lap-ban-tuyen-ngon-ve-cac-gia-tri-lam-nguoi-9901.html, truy cập ngày 25/8/2020.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Văn Thị Thanh Mai - Ban Tuyên giáo Trung ương, http://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/gia-tri-truong-ton-cua-tuyen-ngon-doc-lap-124031, truy cập ngày 25/8/2020.

4. Jean - Jacques Rousseau (2013), Bàn về khế ước xã hội (Du Contract Social),Tái bản lần thứ hai, Hoàng Thanh Đạm Dịch và bình giải, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, tr.115.

5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Đào Thị Tùng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực III, Giá trị quyền con người trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh,

https://tcnn.vn/news/detail/37694/Gia_tri_quyen_con_nguoi_trong_Tuyen_ngon_doc_lap_nam_1945_cua_Chu_tich_Ho_Chi_Minhall.html, truy cập ngày 25/8/2020.

7. Vũ Thị Kim Yến – Nguyễn Văn Dương, Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2009, tr. 32.

ThS. Lê Hữu Lợi - giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

các tin khác