Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Vai trò người giảng viên Lý luận Chính trị ở các Trường Chính trị hiện nay

11:46 22/11/2019

Lịch sử loài người đã trải qua biết bao thăng trầm, con người từng chứng kiến những đổi thay của các chế độ xã hội. Sự thay đổi ấy chịu sự chi phối bởi những quy luật tất yếu, dẫn đến sự ra đời, tồn tại, phát triển và suy tàn để mở đầu cho một chế độ độ xã hội mới. Trong lĩnh vực xã hội, sự thay đổi dù mang tính khách quan nhưng nó không diễn ra một cách tự phát như trong tự nhiên mà phải qua hoạt động của chính con người. Như vậy, để một xã hội tồn tại và phát triển bên cạnh hoạt động sản xuất vật chất thì không thể thiếu hoạt động tinh thần và giáo dục lý luận chính trị là nhân tố quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, truyền bá hệ tư tưởng của một đảng đóng vai trò vô cùng quan trọng và nhất là khi hệ tư tưởng ấy là nền tảng, là kim chỉ nam cho hành động cách mạng.

Trong tác phẩm "Làm gì?" V.I.Lênin đã viết: "không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng"[5, Tr. 30] và “Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong” [5, Tr. 32] và muốn hệ tư tưởng đó ngấm sâu vào các trào lưu cách mạng đòi hỏi phải có quá trình làm cho hệ tư tưởng ấy thấm sâu vào đời sống tinh thần của đội ngũ cán bộ và nhân dân. Trong tác phẩm "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen" - Lời nói đầu Mác nói: "Cố nhiên là vũ khí phê phán không thể thay thế sự phê phán của vũ khí; lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh bại bằng lực lượng vật chất. Nhưng lý luận sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi thâm nhập vào quần chúng"[1, Tr. 580]. Do đó, người giảng viên lý luận chính trị có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm tòi những phương pháp giảng dạy sao cho người học dễ hiểu, dễ tiếp thu qua đó, người học sử dụng nền tảng lý luận này vào trong công tác và đời sống một cách hiệu quả nhất. Vậy, cần xác định vai trò chủ yếu của người giảng viên trong giai đoạn hiện nay để từ đó xác định được nhiệm vụ cốt lõi cần phải tập trung trong đào tạo, tự đào tạo đội ngũ làm công tác giảng dạy lý luận chính trị sao cho thiết thực, hiệu quả nhất.

Ở bất kỳ giai đoạn nào, trong công tác giáo dục nói chung vai trò người thầy không bao giờ được xem nhẹ, không có một người thầy giỏi, thì khó có thể có một thế hệ người học giỏi được. Ngày này, trong xã hội có nhiều quan niệm khác nhau về việc dạy - học, như: biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực của người học... điều này chẳng những không làm lu mờ đi vai trò của người thầy mà ngược lại, trách nhiệm của người thầy càng được nâng cao lên rất nhiều, nếu coi người học là trung tâm thì người dạy phải là trung tâm của trung tâm đó. Nhận thức không đầy đủ về vấn đề này có thể trở thành một bất cập lớn trong dạy và học, nó có nguy cơ lệch hướng trong giáo dục, làm cơ sở cho bệnh thành tích, bệnh cơ hội phát triển. Để phát huy vai trò người giảng viên lý luận chính trị, thiết nghĩ  cần quan tâm mấy vấn đề sau:

Một là, vấn đề đào tạo và tự đào tạo đội ngũ làm công tác giảng dạy lý luận chính trị:

Cần xác định rõ, giáo dục lý luận chính trị ở các Trường Chính trị có tính đặc thù riêng của nó, đó là đào tạo những cán bộ cho Đảng, Nhà nước; người đến học lý luận chính trị không chỉ để nắm kiến thức hàn lâm, để thuộc lào lào các nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà họ "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại" [3, Tr. 208]. Xác định đối tượng đào tạo từ đó ta xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo giảng viên, việc đào tạo giảng viên lý luận chính trị đòi hỏi phải có những yêu cầu cơ bản như: Nơi đào tạo, hình thức đào tạo,… điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, bởi vì, đối tượng người học đến trường họ không chỉ có nhu cầu được trang bị kiến thức lý luận chính trị một cách hàn lâm, lý thuyết mà cốt yếu là nghiên cứu, tìm hiểu tính logic, khoa học và tính thực tiễn của hệ thống lý luận nền tảng để từ đó người học vận dụng một cách có hiệu quả vào tổng kết, đánh giá thực tiễn, xử lý những vấn đề mà thực tiễn địa phương, ngành nơi cử đi đào tạo đặt ra. C. Mác từng nhận định: "Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới" [2, Tr. 12]. Do đó, yêu cầu chọn cơ sở đào tạo đối tượng này có phần khắc khe hơn - đó là những nơi chuyên đào tạo, huấn luyện lý luận chính trị chứ không dừng lại ở kiến thức chuyên môn. Vấn đề cốt lõi là vấn đề tự đào tạo của giảng viên, qua thời gian được đào tạo tại các cơ sở đào tạo nói trên, giảng viên được tiếp thu cái nền, cái phương pháp trong nghiên cứu và giảng dạy, để phát huy vai trò người giảng viên, buộc họ phải không ngừng tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đó là việc họ phải có ý thức tự học tập để nghiên cứu sâu về chuyên môn, phương pháp sư phạm và những kiến thức từ thực tiễn như việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách ở địa phương, trong nước cũng như quốc tế. Từ đó, gắn lý luận chính trị vào luận giải những vấn đề thực tiễn đã và đang đặt ra, nhận định, đánh giá đúng sai của hoạt động thực thực tiễn trên nền tảng lý luận. Làm được như vậy không chỉ thu hút được người học mà còn tạo nên tính hấp dẫn của khoa học chính trị, thôi thúc lòng ham muốn học hỏi của họ.

Hai là, vai trò người giảng viên lý luận chính trị trong việc khai thác giáo trình, thông tin và xây dựng giáo án.

Thực tế cho thấy, cùng một giáo trình nhưng mỗi giảng viên lại có cách giảng khác nhau và như vậy hiệu quả ở từng người cũng khác nhau. Giáo trình trang bị những kiến thức cơ bản được biên soạn làm tài liệu chính thống để giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, vấn đề là việc khai thác giáo trình như thế nào? Phải chăng là lấy lại nguyên xi những gì giáo trình viết từ đó nói lại một cách rập khuôn, không phân biệt ý lớn, ý nhỏ, không phân biệt trọng tâm, cốt lõi với những nội dung không cơ bản? Nếu làm như vậy thì kết quả là người giảng chỉ làm nhiệm vụ đọc giùm cho người học tài liệu, thông tin đưa đến người học chỉ là một mớ thông tin hổn độn, mơ hồ, thiếu sức sống. Để làm tốt công tác này, trước hết người giảng phải đọc và làm chủ được tổng thể kiến thức bài giảng trong giáo trình, trong đó xác định trọng tâm bài giảng, tiết giảng, mục giảng nằm ở đâu? Ở mỗi mục giảng viên phải xác định mục tiêu là gì để từ đó, xây dựng khung đề cương chi tiết cho giáo án, chọn lọc những thông tin từ thực tiễn gắn vào để chứng minh theo trình tự logic của nó. Như vậy, người học sẽ không bị nhàm chán mà ngược lại còn có thể cuốn hút theo từng mục trong bài, tạo cảm giác hứng thú và nhất là tạo được niềm tin vào giá trị của lý luận đối với người học. Một điều cần quan tâm nữa chính là việc cập nhật những thông tin thực tiễn, không phải chúng ta đem nhiều thông tin thực tiễn vào bài giảng sẽ làm tăng giá trị mà là sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa lý thuyết và thực tiễn, nếu không sẽ đi đến một cực đoan khác đó là tuyên truyền kinh nghiệm.

Ba là, Vai trò người giảng viên lý luận chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đối với một chính đảng cầm quyền, việc lựa chọn một hệ thống lý luận làm nền tảng, làm kim chỉ nam cho hành động là một tất yếu. Hệ thống lý luận ấy chính là cơ sở nền móng để hoạch định nên các chủ trương, đường lối chính sách trong lãnh đạo, quản lý. Do đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi thủ đoạn nhằm xuyên tạc, bịa đặt, phản bác… làm dao động tư tưởng là không thể tránh khỏi. Do đó, "bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch" là nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với giảng viên lý luận chịnh trị. Bởi lẽ, giảng viên lý luận chính trị là người nghiên cứu, giảng dạy, truyền bá những lý luận cơ bản về nền tảng tư tưởng của Đảng, những chủ trưuơng, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với cán bộ đảng viên, vì vậy trong từng bài giảng giảng viên lồng ghép việc đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch làm cho người học nâng cao ý thức cảnh giác trước những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, tự đề kháng với những tư tưởng độc hại. Hơn nữa, giảng viên lý luận chính trị còn là lực lượng cơ bản trong nghiên cứu kha học ở các trường chính trị, do đó, trong quá rình nghiên cứu cần làm sáng tỏ những giá trị khoa học và thựuc tiễn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chứng minh được tính triệt để và hoàn bị của những nguyên lý phổ biến này, đồng thời làm rõ mục tiêu các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Thay lời kết, Rabindranath Tagore, đại thi hào Ấn Độ đã từng nói: “Đầu tư vào một người đàn ông ta được một người chồng tốt, đầu tư vào một người phụ nữ ta được một gia đình tốt, đầu tư vào một nhà giáo ta được một thế hệ tốt” và hơn thế nữa đầu tư vào một giảng viên lý luận chính trị làm cho họ có trình độ chuyên môn sâu, nghiệp vụ sư phạm tốt sẽ góp phần to lớn vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng chính là "bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước".

* Tài liệu tham khảo

1. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr.580.

2. C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.3. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.12.

3. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 208.

4. Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

5. V. I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 6, Nxb Tiến bộ, M. 1975, Tr.30.

Dương Xuân Dũng - Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

các tin khác