Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Những biểu hiện đạo đức của người giảng viên Trường Chính trị

03:13 14/06/2019

 Đạo đức của người giảng viên Trường chính trị là những biểu hiện cụ thể trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 129 ngày sinh nhật của Bác Hồ (19/5/1890-19/5/2019), tôi xin trao đổi một vài suy nghĩ, việc làm của bản thân, như một sự khắc ghi, một sự nhớ thương vô bờ bến kính dâng lên Bác Hồ kính yêu.

- Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nội dung vô cùng phong phú, rộng lớn, nhưng cũng rất cụ thể, dễ hiểu, gần gũi với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Bác thường dạy chúng ta: luôn coi đạo đức là cái gốc, là nền tảng của người cách mạng, "Sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"

Do vậy, dưới mái Trường chính trị chính trị Tôn Đức Thắng việc xây dựng và rèn luyện người cán bộ đảng viên, giảng viên có đạo đức cách mạng, năng lực công tác thực tiễn là một yêu cầu vô cùng quan trọng và cần thiết.

Chúng ta đã đọc, đã nghe nhiều bài tham luận về đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Nội dung các bài viết rất đa dạng, khai thác nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó có bàn về việc học tập tấm gương đạo đức của Bác. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin nêu lên một số suy nghĩ bước đầu về đạo đức của người giảng viên Trường chính trị và những việc làm cụ thể của bản thân trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu.

- Những biểu hiện đạo đức của người giảng viên Trường chính trị như thế nào để chống lại sự suy thoái đạo đức, lối sống?

Theo Bác: Người có đạo đức cách mạng cần thẳng thắn đấu tranh với mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.

Người gọi đó là các căn bệnh: Óc hẹp hòi, bệnh tham lam, bệnh kiêu ngạo. Có thể nói về mặt lý luận đã được nhiều tác giả tham gia làm rõ, nhưng có lẽ điều quan trọng nhất không nằm ở chỗ chúng ta nói về một mẫu người giảng viên hoàn hảo mà ở chỗ thực tế mỗi giảng viên cần có những biểu hiện đạo đức như thế nào trong các hoạt động của mình. Theo tôi, những biểu hiện đạo đức của người giảng viên Trường chính trị cần có là:

Thứ nhất, biểu hiện đạo đức trong giao tiếp

Giao tiếp là một nhu cầu thường xuyên, là dạng hoạt động xã hội. Ngoài việc trao đổi thông tin, giao tiếp còn thể hiện bản lĩnh, nhân cách của các bên tham gia vào quá trình giao tiếp. Biểu hiện thân thiện đầu tiên, người giảng viên cần thể hiện là nụ cười trên gương mặt của mình. Cười tự nhiên, niềm nỡ giúp cho buổi tiếp xúc dễ đi vào chiều sâu do sự vui vẻ, chân thành ngay từ đầu của các bên. Xin mời quý Thầy cô hãy cùng thực hành: nhìn vào người đối diện với nụ cười tự nhiên, thật tươi vui trên gương mặt của mình. Mời quý vị đại biểu, các anh chị học viên hãy chọn người giảng viên nào mà mình chưa thấy hoặc rất ít khi thấy nụ cười, hãy chào người Thầy cô đó với nụ cười đẹp nhất của mình.

Ngôn ngữ giao tiếp của giảng viên cần diễn đạt nội dung thông tin cho người đối thoại một cách thật rõ ràng, dễ hiểu. thái độ ôn hòa, kiên nhẫn lắng nghe, không nôn nóng cắt ngang khi người khác đang nói. Chúng ta hãy tự xem lại bản thân mình trong một tuần vừa qua đã có ai từng góp ý cho mình về cách nói chuyện khó nghe, khó hiểu hay không. Mình đã từng cắt ngang lời nói người khác trong cuộc họp, lúc giải lao hay trong gia đình, bên bàn nước trà,…. chúng ta có nhớ bao nhiêu lần không?

Trang phục của người giảng viên nơi công sở, khi lên lớp phải thể hiện sự tôn trọng tập thể, tôn trọng đồng nghiệp và người học. Tôi đã từng trang phục như thế nào khi đến trường, khi lên lớp? Có lẽ tôi cũng không nhớ rõ, nhưng tôi luôn chú ý sự trang nghiêm, sạch sẽ của quần áo, sự chững chạc của bước đi, cử chỉ. Bạn có thể không đồng ý, nhưng theo tôi trang phục thể hiện sự tôn trọng người khác, là một biểu hiện của đạo đức.

Thứ hai, chấp hành nội quy là sự biểu hiện của đạo đức

Nội quy thì có rất nhiều, tôi không thể nhớ hết và có lẽ rất ít người có thể nhớ hết, biết hết. Tuy nhiên, tuân thủ nội quy là yêu cầu bắt buộc. Cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nội quy trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ là người có đạo đức công vụ. Việc chấp hành nội quy ở đây, trước tiên là những quy định chung và quy định liên quan đến vị trí, việc làm của mỗi công chức, viên chức. Bản thân đề cập một vài nội dung có tính nguyên tắc như:

Thời gian làm việc

Chúng ta hãy dành ít thời gian thăm nơi làm việc của giảng viên sau khi có chuông báo làm việc 30 phút và ghé thăm lần thứ hai trước khi hết giờ làm việc 30 phút để thử tìm câu trả lời. Có thể quý Thầy cô không mong đợi lắm sự “ghé thăm" này và quý vị lãnh đạo, quản lý cũng không có nhiều thời gian để tìm hiểu. Vậy, ai sẽ đảm bảo thời gian làm việc theo quy chế? Giảng viên có cần phải làm việc theo giờ hành chính hay không? Nếu quý vị trả lời là không thì lãnh đạo Khoa phải biết giờ đó giảng viên đang làm gì, ở đâu (đây là thời gian mà nhà nước đang trả lương cho giảng viên); Nếu quý vị trả lời là có, vậy Thầy cô đã làm điều đó như thế nào? Đến Khoa để giải quyết những việc gì? Điều này thể hiện ý thức rèn luyện tự thân của mỗi cán bộ đảng viên: không cắt xén giờ giấc làm việc, không rút ngắn thời gian lên lớp là hành vi có đạo đức nghề nghiệp.

Hội nghị, họp là hình thức hoạt động thường xuyên trong nhà trường. Vấn đề biểu hiện đạo đức của người giảng viên (lãnh đạo, quản lý) là phải chuẩn bị tốt nội dung có liên quan (theo phân công hoặc tự chuẩn bị) đến dự họp đúng giờ và tốt nhất là đến trước giờ họp 10 phút để thực hiện giao tiếp nắm tình hình.

Chào cờ đã được lãnh đạo nhà trường duy trì thường xuyên đầu tuần. Hoạt động này vừa thể hiện tinh thần yêu nước, thể hiện sự biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Vai trò tham gia chào cờ của giảng viên vừa góp phần thể hiện sự tôn nghiêm: đúng giờ, xếp vào hàng ngay thẳng, hát Quốc ca. Về vấn đề này có hai biểu hiện giảng viên cần quan tâm: theo quy định của nhà trường, giảng viên phải mặc áo tay dài, không mang dép lê và phải đeo bảng tên; hát bài Quốc ca. Thời gian vừa qua việc chấp hành quy định này (không mặc áo tay ngắn, dép lê) chưa nghiêm, hát Quốc ca thì không nghe rõ được (hát nhỏ, hát theo miệng hay thậm chí không hát)

Sinh hoạt thời sự là một hoạt động cần thiết nâng cao nhận thức tình hình chính trị, thời sự trong, ngoài nước và diễn biến ở địa phương, góp phần chống những nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bác dạy: “Trong Đảng ta hiện nay còn có nhiều người chỉ biết vùi đầu suốt ngày vào công tác sự vụ, không nhận thấy sự quan trọng của lý luận, cho nên còn có hiện tượng xem thường học tập hoặc là không kiên quyết tìm biện pháp để điều hòa công tác và học tập”.

Tuy nhiên, đôi khi vô tình hay cố ý vẫn còn một số người khi nghe thời sự, khi họp, hội thảo vẫn còn tranh thủ làm việc riêng: đọc báo, lướt web, nói chuyện riêng và điều đáng quan tâm là có một số người không ghi chép lại những thông tin mới, bổ ích, hay nói cách khác đi nghe cho có lệ, không nhớ, không tiếp thu được bao nhiêu thì làm sao có thể thực hiện, vận dụng gì vào nghiên cứu, học tập hay công tác.

Thứ ba, Công tác chuyên môn của giảng viên được thể hiện qua nhiều hoạt động như: Giảng dạy, thảo luận, chấm thi, tiểu luận,….Vậy biểu hiện như thế nào là hành vi đạo đức của giảng viên?

Nếu như hoạt động giáo dục đào tạo trước đây chỉ chú trọng truyền đạt (người dạy) và tiếp thu (người học) những tri thức mới, thì hiện nay theo tinh thần nội dung Nghị quyết số: 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 Hội nghị BCH-TW8 Khóa XI, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì trách nhiệm của người dạy và người học phải đạt 3 yêu cầu trong quá trình đào tạo là:

- Tiếp thu kiến thức mới;

- Nâng cao năng lực công tác thực tiễn;

- Rèn luyện phẩm chất đạo đức.

Vậy, người giảng viên cần làm những gì để giúp người học rèn luyện được phẩm chất đạo đức trong quá trình đào tạo nếu bản thân người dạy chưa thật sự là tấm gương đạo đức? Vấn đề này xin được nghe thêm ý kiến trao đổi, tranh luận của quý vị đại biểu tham dự hội thảo.

Thứ tư, biểu hiện đạo đức của giảng viên trong công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế

Theo quy chế giảng viên và các quy định khác liên quan đến vị trí, việc làm thì các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của giảng viên bao gồm:

- Viết bài và tham gia Hội thảo cấp khoa;

- Hội thảo cấp trường;

- Sinh hoạt chuyên đề khoa học cấp khoa;

- Nghiên cứu thực tế;

- Viết bài đăng cổng thông tin điện tử,

- Bài đăng Tập san Thông tin lý luận và thực tiễn;

- Nghiên cứu tổng kết thực tiễn, tham gia đề tài khoa học cấp khoa, cấp trường, cấp tỉnh và cấp Trung ương. Trong tất cả các hoạt động nêu trên, biểu hiện đạo đức của người giảng viên cần thể hiện qua:

Thái độ, tinh thần trách nhiệm trong công việc;

Tính tiết kiệm, hiệu quả của việc nghiên cứu khoa học mang lại;

Chủ động phát hiện cái mới, cái tiến bộ; chỉ ra nhựng hạn chế yếu kém đang còn tồn tại, vai trò tham mưu, đề xuất chủ trương, giải pháp.

Tóm lại, Chúng ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là học từ những việc làm cụ thể, đơn giản nhất trong công việc hằng ngày của bản thân. Những việc làm đó phải hướng đến sự tôn trọng và phục vụ nhân dân, phải thể hiện tính “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” và không ngừng học tập vững vàng về lý luận chính trị, giỏi về chuyên môn để đáp ứng theo kịp yêu phát triển đất nước bền vững trong tiến trình đổi mới./.

          * Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H 2000, tập 5

2. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

3. Nghị quyết số: 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 Hội nghị BCH-TW8 Khóa XI, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

4. Ban Tuyên giáo Trung ương, tài liệu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh_Nhà xuất bản chính trị Quốc gia sự thật 2017

5. Ban tuyên giáo tỉnh ủy An Giang_chuyên đề năm 2017: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách hồ chí minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

6. Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2016 của Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Vũ Quang Hưng - Khoa Nhà nước và Pháp luật

các tin khác