Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số quy định pháp luật liên quan đến tiền ảo

09:15 08/01/2020

 1. TIỀN ẢO LÀ GÌ?

          Theo Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tiền ảo là sự thể hiện giá trị dưới dạng điện tử mà giá trị này có thể giao dịch, mua bán, trao đổi bằng phương thức điện tử và có chức năng trung gian trao đổi, thước đo giá trị và tích luỹ giá trị nhưng không được công nhận là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp tại bất kỳ quốc gia nào.

Tiền ảo không được phát hành và đảm bảo bởi bất kỳ quốc gia nào và thực hiện các chức năng trên chỉ bằng thoả thuận trong nhóm cộng đồng người sử dụng tiền ảo.

Hệ thống tiền ảo được chia làm ba loại như sau:

  • Loại 1: hệ thống tiền ảo dùng trong game online
  • Loại 2: hệ thống tiền ảo có thể mua được những sản phẩm ảo, dịch vụ ảo mà không dùng để mua những sản phẩm thật hay dịch vụ thật.
  • Loại 3: hệ thống tiền ảo có thể mua được những sản phẩm dịch vụ thật và ảo.

Loại thứ 3 được coi là tiền ảo có khả năng chuyển đổi. Tiền ảo có khả năng chuyển đổi (tức là có thể đổi thành tiền thật) có thể phân thành 2 loại là tiền ảo tập trung và tiền ảo phi tập trung. Tiền ảo tập trung là đồng tiền có một tổ chức kiểm soát, quản lý duy nhất (gọi là bên trung gian thứ 3). Tổ chức này phát hành tiền ảo, thiết lập các quy định sử dụng tiền ảo, duy trì một sổ cái ghi chép giao dịch trung tâm và có quyền thu hồi lại tiền ảo. Những giao dịch của người chơi đều phải thông qua tổ chức quản lý này. Tỷ lệ quy đổi của tiền ảo loại này có thể dao động tuỳ theo cung - cầu đối với đồng tiền ảo đó hoặc được tổ chức quản lý hệ thống gắn chặt với một giá trị cố định quy theo tiền pháp định (USD, EUR) hoặc vật lưu trữ giá trị thực tế (như vàng). Hiện nay, phần lớn các giao dịch tiền ảo liên quan tới loại tiền ảo tập trung đều đã ngừng hoạt động.

Tiền ảo phi tập trung thì ngược lại việc giao dịch (mua – bán) tiền ảo không phụ thuộc vào trung tâm quản lý hay bên trung gian thứ 3 nào, tất cả các giao dịch của người chơi đều được diễn ra một cách tự động và trực tiếp giữa người chơi với nhau (trên sàn giao dịch phi tập trung). Nói cách khác, sàn giao dịch phi tập trung trao hoàn toàn quyền kiểm soát nguồn quỹ đầu tư và các giao dịch về tay người chơi và loại bỏ bên trung gian do đó việc đánh thuế hay kiểm soát nguồn tiền của các sàn giao dịch phi tập trung là rất khó. Hiện nay tiền ảo phi tập trung rất được ưa chuộng và rất phổ biến trên thế giới.

  1. MỘT SỐ LOẠI TIỀN ẢO TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Trên thị trường thế giới hiện tồn tại khoảng 3.000 loại tiền ảo. Chỉ một vài trong số đó đủ phổ biến như Bitcoin (nổi tiếng nhất), Ethereum, Litecoin, Monero, Dogecoin, Ripple... Trong đó, Liberty Reserve là một trong các loại tiền ảo thuộc loại 3, đã gây rung động thế giới trong thời gian qua với tội danh rửa tiền lớn nhất của nước Mỹ từ trước đến nay. Liberty Reserve thực chất là công cụ rửa tiền cho thế giới ngầm, trang web này hiện nay đã bị đánh sập. Ở Việt Nam thì có Bảo Kim, Ngân Lượng, Gamebank... từng bị lợi dụng là những công cụ trong giao dịch chuyển tiền để thực hiện các hành vi đánh bạc qua mạng (liên quan đến các vụ án đánh bạc và cá độ online). 

Hiện nay, Bitcoin là đồng tiền ảo nổi tiếng nhất. Và nó cũng có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp… Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định: “Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam” (trích Công văn số 5747/NHNN-PC ngày 21/07/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Do đó, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, có thể coi là trái pháp luật.

Gần đây (ngày 27/10/2017), sau khi báo chí đưa tin một trường Đại học trong nước (FPT) cho phép dùng tiền ảo để thanh toán học phí. Ngân hàng Nhà nước đã có công văn trả lời báo chí khẳng định căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành và hoạt động tiền tệ trên lĩnh vực ngân hàng, nếu Đại học FPT sử dụng Bitcoin như phương tiện thanh toán học phí công bố trên các phương tiện truyền thông thì đó là hành vi vi phạm quy định pháp luật hiện hành. Hành vi này có thể sẽ bị áp dụng chế tài xử phạt đối với các phương tiện thanh toán không hợp pháp (Khoản 6 Điều 27 Nghị định 96 của Chính phủ) với mức phạt từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Sau đó ngày 28/10/2017, đại diện Đại học FPT đã ra thông báo đính chính: thông tin trên chỉ để thử nghiệm và sử dụng tiền ảo Bitcoin như một công cụ phục vụ nghiên cứu!

Một loại tiền ảo khác cũng khá nổi tiếng ở Việt Nam là Onecoin. Kênh đầu tư tiền ảo Onecoin giai đoạn 2015-2016 làm mưa làm gió do được nhiều nhóm chơi giới thiệu, quảng bá khá rầm rộ. Lúc đầu, những người tham gia dùng tiền thật để đăng ký mở tài khoản dưới hình thức các khóa học (online) với mức thấp nhất là 100 euro đến 5.000 euro (do đồng tiền ảo này xuất hiện từ châu Âu nên được tính bằng euro)… Trong đó, lệ phí đăng ký là 30 euro. Người chơi sẽ được quy đổi tiền ra đơn vị token (chẳng hạn 1 euro = 1 token) và lựa chọn một số khóa học.

Như tiền ảo Bitcoin từng tung hoành ở Việt Nam, Onecoin cũng được xem như “mỏ vàng” với số lượng có hạn. Để đào được 1 Onecoin, nhà đầu tư phải có lượng token tương ứng và muốn có nhiều token thì phải tốn càng nhiều tiền thật để đăng ký các khóa học. Tuy nhiên, đây là hình thức kinh doanh tiền ảo với mô hình gần như đa cấp, giá trị ban đầu của đồng tiền ảo bị đẩy lên cao khi có nhiều người tham gia. Rủi ro nằm ở chỗ những giao dịch giữa nhà đầu tư và các thành viên của OneCoin đều là giao dịch miệng, không có giấy tờ công chứng hay được pháp luật bảo vệ. Về khía cạnh kinh tế, đồng vốn không đưa vào đầu tư, kinh doanh, mà tự dưng tăng lên gấp hàng trăm, hàng nghìn lần cũng giống như quả bóng phình to nhờ nhiều nhà đầu tư “thổi hơi”. Cũng giống như mô hình kinh doanh đa cấp, sẽ có một số người hưởng lãi thật, thậm chí là lãi lớn, để làm bằng chứng sống dẫn dụ những người khác, thật giả lẫn lộn, thấy lợi mà ham. Về khía cạnh luật pháp, vì không được thừa nhận, nên đầu tư vào OneCoin giống như tham gia trò chơi may rủi vắng bóng trọng tài.

Tóm lại, các loại tiền ảo không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính và vận hành trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng nên tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

  1. CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ TIỀN ẢO

          Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới các loại tiền ảo cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…) vì tiền ảo có tính ẩn danh, hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.

          Hiện nay các quy định của pháp luật Việt Nam lên quan đến tiền ảo có thể chỉ ra một số văn bản tiêu biểu sau đây:

          Nghị định số 80/2016/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP) về thanh toán không dùng tiền mặt, tại Khoản 6 và Khoản 7 Điều 1 có nêu:

"6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này."

Như vậy, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm Séc, Lệnh chi, Ủy nhiệm chi, Nhờ thu, Ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Căn cứ theo quy định này, Bitcoin và các loại tiền ảo khác sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp.

Ngoài ra, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng tại Điểm d Khoản 6 Điều 27 quy định các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150-200 triệu đồng; cụ thể: "Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả;

b) Làm giả chứng từ khi sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán;

c) Vi phạm quy định thanh toán bằng tiền mặt;

d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp."

Bên cạnh đó, theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tại Điểm h Khoản 1 Điều 206[1] về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, từ ngày 1/1/2018 (ngày Bộ luật Hình sự có hiệu lực), người nào thực hiện các hành vi trong đó có hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, ngày 21/07/2017 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gửi Công văn số 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo, trong đó có nêu: "tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư."

Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, thẩm quyền được giao chỉ đạo các Sở, ngành trực thuộc tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền của các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền ảo, đặc biệt là hoạt độg huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản và tuyên truyền, cảnh báo trên địa bàn để nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro, hệ lụy liên quan tới việc mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo.

Như vậy tại Việt Nam không công nhận đồng tiền ảo là một phương tiện thanh toán, nếu phát hành, tàng trữ, cung ứng sử dụng chúng như một phương tiện thanh toán thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên hiện tại pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào điều chỉnh về vấn đề coi đồng tiền ảo như một loại hàng hóa hay một đối tượng để trao đổi mua bán. Như vậy có thể hiểu: dùng tiền ảo để giao dịch, thanh toán thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu giá trị giao dịch trên 100 triệu) hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính (nếu giá trị giao dịch nhỏ hơn 100 triệu). Còn dùng tiền ảo không với mục đích giao dịch thanh toán (ví dụ mua chỉ để nghiên cứu, sưu tầm chơi mà không bán) thì pháp luật chưa quy định nên không vi phạm pháp luật./.

 


[1] Trích BLHS: Điều 206. Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;

b) Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;

c) Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng;

d) Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;

e) Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

g) Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng;

h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;

i) Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép;

k) Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Phan Thị Hoàng Mai - Khoa Nhà nước và Pháp luật

các tin khác