Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Nâng cao văn hóa công vụ trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

03:54 10/01/2022

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước” là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.

ThS. Phan Thị Hoàng Mai

Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Theo đó, “vì nhân dân phục vụ” không phải là một cụm từ mới nhưng không bao giờ là cũ đối với mục đích hoạt động của Nhà nước Việt Nam. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn hiện nay không chỉ đặt ra yêu cầu bộ máy Nhà nước phải tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà còn phải nâng tầm những con người làm việc trong bộ máy ấy, để cho việc phục vụ Nhân dân trở thành ý thức tự nhiên và là tôn chỉ hành động của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước trong quá trình thực thi công vụ của mình. Do đó, nâng cao văn hóa công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính là để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Văn hóa công vụ hiểu một cách chung nhất là văn hóa của cán bộ công chức trong thực thi công vụ. Đó là hệ thống những chuẩn mực, giá trị hình thành trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức tạo nên tầm nhìn và tác động lên hành vi, thái độ, lề lối làm việc và cách sống của người thực thi công vụ, nó có khả năng lưu truyền và ảnh hưởng tới chất lượng công vụ cũng như môi trường công vụ. Việc xây dựng văn hóa công vụ thực chất là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có ý thức trách nhiệm và được làm việc trong một bộ máy Nhà nước có nền nếp văn hóa với những chuẩn mực giá trị cơ bản như tính liêm khiết, chính trực, công khai, trong sạch, dân chủ, văn minh, tôn trọng và bảo đảm các quyền con người đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và luật.

Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa công vụ và đạo đức công vụ luôn được đề cao như là những giá trị cốt lõi, cách ứng xử có đạo đức, có văn hóa của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ. Luật Cán bộ công chức năm 2008 có quy định rõ về đạo đức công vụ: “Cán bộ, công chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ” (điều 15 Luật CBCC); về văn hóa giao tiếp ở công sở: “1)Trong giao tiếp ở công sở, cán bộ, công chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc. 2)Cán bộ, công chức phải lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá; thực hiện dân chủ và đoàn kết nội bộ. 3)Khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức phải mang phù hiệu hoặc thẻ công chức; có tác phong lịch sự; giữ gìn uy tín, danh dự cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đồng nghiệp” (điều 16 Luật CBCC); về văn hóa giao tiếp với nhân dân: “1)Cán bộ, công chức phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc. 2)Cán bộ, công chức không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ” (điều 17 Luật CBCC). Đề án văn hóa công vụ của Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra những nội dung rất cụ thể về tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, chuẩn mực về đạo đức, lối sống, trang phục của cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở những quy định cơ bản đó, các cơ quan, đơn vị cần ban hành quy chế văn hóa công sở và quy tắc ứng xử cụ thể của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành nghề, đơn vị của mình.

Văn hóa công vụ trước tiên đòi hỏi một tiêu chuẩn bắt buộc ở mỗi cán bộ, công chức, viên chức đó là lòng trung thành với Tổ quốc; đức tính tận tâm, chu đáo, tận tụy trong quá trình phục vụ nhân dân. Các biểu hiện đó có thể kể ra cụ thể như: sự công tâm, công bằng, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, ý thức trách nhiệm, tinh thần làm việc đến nơi đến chốn; những gì dân chưa hiểu, chưa biết, chưa rõ và kể cả những gì người dân yêu cầu, đòi hỏi “vượt mức” thì phải biết lựa lời tuyên truyền, giải thích kỹ lưỡng, thấu đáo với thái độ thân thiện, hòa nhã, ân cần; không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân. Câu “thần chú” trong văn hóa công vụ mà tất cả cán bộ, công chức, viên chức phải luôn nhớ đó là thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Văn hóa công vụ còn đặt ra những quy định rất cụ thể để hạn chế một số đặc tính, thói quen xấu của người Việt như: không được nịnh bợ lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng, không được sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian làm việc và giờ nghỉ trưa, không mê tín dị đoan và có những hành vi phản cảm khi tham gia lễ hội, hút thuốc lá phải đúng nơi quy định, trang phục trong thực hiện nhiệm vụ là phải đi giày hoặc dép có quai hậu... Điều quan trọng nhất trong văn hóa công vụ là việc đòi hỏi cán bộ công chức phải luôn tôn trọng và đảm bảo thực thi các quyền con người và quyền tự do cơ bản của công dân. Nền văn hóa công vụ “phục vụ nhân dân”, vì lợi ích nhân dân chính là biểu hiện đặc trưng của một Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Cán bộ, công chức là người nhân danh, đại diện Nhà nước để phục vụ nhân dân. Chính vì vậy việc lạm quyền, hách dịch, quan liêu, nhũng nhiễu, làm việc qua loa, đại khái... đều là những biểu hiện đi ngược lại văn hóa vì nhân dân phục vụ.

Nâng cao văn hóa công vụ xét cho cùng là sự thay đổi trong nhận thức, hành vi, thái độ, lề lối thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Những giá trị, chuẩn mực của một nền công vụ chuyên nghiệp chưa được thấm nhuần trong hoạt động công vụ và trong từng hành vi công vụ của cán bộ công chức thì cải cách hành chính chưa thực sự triệt để và cải cách hành chính khó có thể trở thành đòn bẩy cho đổi mới đất nước và tăng trưởng kinh tế. Do đó, văn hóa công vụ là yếu tố thúc đẩy hoặc kìm hãm công cuộc cải cách hành chính, nếu như chủ thể không nhận thức được tầm quan trọng của nó và quyết tâm thực hiện cải cách. Muốn vậy, cán bộ công chức phải thực sự ý thức được những giá trị của văn hóa công vụ, phải quyết tâm đổi mới theo hướng xây dựng một nền hành chính phục vụ. Từ đó, xây dựng văn hóa công vụ sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả của công cuộc cải cách hành chính mà cán bộ công chức chính là chủ thể triển khai thực hiện. Văn hóa công vụ trong một Nhà nước pháp quyền XHCN chính là văn hóa vì nhân dân phục vụ, nhấn mạnh yếu tố “phục vụ” chứ không phải là yếu tố “cai trị” của Nhà nước. Thực hiện văn hóa công vụ là góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, phục vụ xã hội.

Người dân đánh giá nền công vụ như thế nào chính là thông qua phong cách, thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Người cán bộ có thực sự là công bộc của dân hay không sẽ được đánh giá qua những ứng xử hằng ngày của họ với dân. Ứng xử đó chính là thể hiện trình độ văn hóa công vụ. Một Nhà nước liêm chính, kiến tạo, phục vụ, hướng về người dân và doanh nghiệp chỉ thành hiện thực khi tạo ra được hệ thống bộ máy điều hành thông suốt, linh hoạt, sáng tạo, nói đi đôi với làm và dựa trên một nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và yêu cầu của thực tiễn nước ta đặt ra hiện nay đòi hỏi chúng ta phải mạnh mẽ cải cách, quyết tâm đổi mới. Nghị quyết của Đảng đã được đưa ra, Nhà nước có nhiệm vụ triển khai thực hiện trong thời gian tới; bản thân cán bộ, công chức, viên chức phải xây dựng cho mình một trình độ văn hóa công vụ chuyên nghiệp, thể hiện sự gương mẫu, liêm chính, tử tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay./.

Tài liệu tham khảo

1. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

2. Luật Cán bộ công chức năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức năm 2019.

3. Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án văn hóa công vụ.

các tin khác