03:38 11/10/2019
1. Đặt vấn đề
Nguồn gốc, bản chất và chức năng của nhà nước là một vấn đề phức tạp. Trong lịch sử tư tưởng nhân loại đã xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về vấn đề này. Sở dĩ như vậy, một mặt, do vấn đề nhà nước là một vấn đề phức tạp hơn tất cả các vấn đề khác; mặt khác, quan điểm như thế nào về nguồn gốc, bản chất và chức năng của nhà nước sẽ đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của các giai cấp. Những học thuyết nhà nước xuất hiện trước khi chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời thường tuyên truyền tính chất thần bí, thần thánh và duy tâm về nhà nước.
Lý luận khoa học về nhà nước, nguồn gốc, bản chất và chức năng của nhà nước chỉ có thể có được khi vận dụng quan điểm duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu sự phát triển xã hội. Thấm nhuần tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước, Hồ Chí Minh luôn hiểu rõ bản chất giai cấp nhà nước và chức năng của nhà nước. Tư tưởng về nhà nước là một tài sản quý giá trong di sản cách mạng của Người, chứa đựng những giá trị to lớn cả về phương diện lý luận và thực tiễn đối với xây dựng nhà nước kiểu mới trong giai đoạn hiện nay.
2. Bản chất nhà nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Bản chất của nhà nước theo Hồ Chí Minh sẽ quyết định bản chất Hiến pháp, pháp luật. Do vậy, tính chất của nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến Pháp, pháp luật. Đây cũng chính là nội dung giai cấp của nhà nước. Việc trả lời cho câu hỏi nhà nước thuộc về ai và phục vụ quyền lợi của ai sẽ quy định bản chất giai cấp của nhà nước đó. Như vậy, trong tư tưởng của mình, Hồ Chí Minh là người quán triệt rất rõ bản chất giai cấp của nhà nước. Ngay khi đề cập đến Nhà nước của chúng ta - Nhà nước của dân, do dân và vì dân – đã thể hiện rõ bản chất đó là nhà nước của dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quan điểm, lập trường của Hồ Chí Minh về vấn đề này là rõ ràng, dứt khoát: “Tính chất nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Đó là vấn đề nội dung giai cấp của chính quyền. Chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai? Điều đó quyết định toàn bộ nội dung của Hiến pháp” (1; tr.156).
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước ta: “Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo” (6; tr. 370). Bản chất giai cấp công nhân được thể hiện ở chỗ: Trước hết, Nhà nước do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Hai là, Nhà nước bảo vệ, chăm lo lợi ích cho nhân dân lao động. Ba là, Nhà nước có nhiệm vụ điều hành, “phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, biến nền kinh tế lạc hậu thành nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến” (6; tr. 372). Bốn là, nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước là nguyên tắc tập trung dân chủ. Về vấn đề này, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ… Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Đồng thời phải tập trung đến cao độ để thống nhất nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội” (6; tr. 376). Nhưng bản chất giai cấp của Nhà nước ta không loại trừ tính nhân dân và tính dân tộc. Trong Nhà nước ta, theo Hồ Chí Minh, tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc thống nhất với nhau, không triệt tiêu nhau bởi Nhà nước ta đứng trên lập trường của giai cấp công nhân để bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc là hoàn toàn thống nhất nhau. Đây là cơ sở cho sự thống nhất giữa tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc của Nhà nước ta.
3. Chức năng của nhà nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong các bài viết, bài nói của mình, Hồ Chí Minh chưa bao giờ đề cập đến thuật ngữ “chức năng” của Nhà nước, nhưng trên thực tế Người chỉ ra rất rõ chức năng của Nhà nước trên tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin. Như chúng ta đều rõ, người ta có thể chia chức năng của Nhà nước ra nhiều loại khác nhau như: chức năng đối nội; chức năng đối ngoại; chức năng kinh tê; chức năng chính trị…;nhưng tựu trung lại Nhà nước có hai chức năng cơ bản là chức năng giai cấp và chức năng xã hội. Chức năng giai cấp là chức năng điều hòa các mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, bao gồm cả chức năng chuyên chính với kẻ thù, liên minh, đoàn kết với đồng minh, thực hiện chính sách đối ngoại với các nước khác… Chức năng xã hội là chức năng phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, giữ gìn phong tục, tập quán…
Mặc dù Hồ Chí Minh khẳng định rõ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta là nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao dân chủ, nhưng nếu cân, theo Người cũng phải chuyên chính, nghĩa là phải thực hiện chức năng giai cấp theo nghĩa hẹp. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chế độ nào cũng có chuyên chính. Vấn đề là ai chuyên chính với ai?... Như cái hòm đựng của cải thì phải có khóa. Nhà thì phải có cửa. Khoá và cửa cốt đề phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khoá, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khoá, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên có cửa phải có khoá, có nhà phải có cửa. Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ” (5; tr. 456-457). Hồ Chí Minh khẳng định, chuyên chính của Nhà nước ta ở đây là chuyên chính với kẻ thù nhân dân, kẻ thù đi ngược lại lợi ích của nhân dân, kẻ thù của Nhà nước của dân, do dân, vì dân, chứ không phải chuyên chính với nhân dân. Do vậy, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời đã phải đảm nhiệm nhiệm vụ lịch sử vĩ đại là tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc, bảo vệ nhân dân. Đồng thời, Nhà nước ta còn thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và kiến thiết, xây dựng đất nước. Khi giữ trọng trách là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, điều hành Nhà nước ta thực hành chức năng giai cấp xuất sắc, nhờ vậy thành quả cách mạng được giữ vững.
Cùng với thực hiện chức năng giai cấp, Hồ Chí Minh tuy không nói nhiều về chức năng xã hội của Nhà nước, nhưng bằng việc lãnh đạo, tổ chức nhà nước trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục… đã cho thấy người hiểu được tầm quan trọng của chức năng xã hội này như thế nào. Người nhiều lần khẳng định rằng nều dân đói, dân rét thì Đảng và Chính phủ có lỗi. Điều này không chỉ nói lên tâm tư, trách nhiệm, suy tư của Người rất thấu hiểu chức năng xã hội của Nhà nước - phải lo cho dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Để thực hiện được điều đó thì Nhà nước phải tổ chức, thực hiện tốt chức năng xã hội của mình. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều lần Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ “phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện dân chủ thật sự” (4; tr. 3). Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của chúng ta hiện nay là phát triển sản xuất, để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Muốn có chủ nghĩa xã hội thì không có cách nào khác là phải dốc lực lượng của mọi người ra để sản xuất. Sản xuất là mặt trận chính của chúng ta hiện nay... Tất cả chúng ta, bất kỳ ở cấp nào, ngành nào, đều phải góp sức làm cho sản xuất phát triển” (1; tr. 159).
Chính vì hiểu rõ chức năng của Nhà nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” (3; tr. 106) ; “Chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết như cải thiện đời sống của nhân dân, cứu tế thất nghiệp, sửa đổi chế độ xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa.v.v... Có như thế dân chúng mới đoàn kết chung quanh Chính phủ, vì quyền lợi thiết thân của mình mà hy sinh sống chết đánh giặc” (2; tr. 258-259). Điều này cũng nói lên mối quan hệ khăng khít giữa hai chức năng của nhà nước là chức năng giai cấp và chức năng xã hội, bởi đời sống của nhân dân có được nâng cao cả về vật chất và tinh thần thì nhân dân mới đoàn kết xung quanh Chính phủ. Sự đoàn kết của nhân dân xung quanh Chính phủ là biểu hiện rõ nhất của việc Chính phủ thực hiện chức năng xã hội của mình. Đồng thời, qua đó Chính phủ thực hiện chức năng giai cấp, vì đoàn kết mọi người dân xung quanh Chính phủ là biện pháp tốt nhất của chuyên chính, nghĩa là chuyên chính bằng hòa bình, bằng sức mạnh nhân dân.
Như vậy, Hồ Chí Minh không dùng thuật ngữ chức năng của Nhà nước nhưng trong bài nói, bài viết và trong hoạt động thực tiễn đã thể hiện và đề cập nhiều tới chức năng của Nhà nước trên tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính vì vậy, khi là người đứng đầu chính phủ, Hồ Chủ tịch đã thực hành xuất sắc hai chức năng của Nhà nước, góp phần thiết thực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc thành quả ccua3 cách mạng trước những kẻ thù bên trong và giặc ngoại xâm bên ngoài.
4. Kết thúc vấn đề
Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho sự ra đời của Nhà nước kiểu mới đầu tiên ở Đông Nam Á - Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và là người giữ cương vị đứng đầu Nhà nước ta trong 24 năm liền. Quá trình tìm tòi, sáng lập và lãnh đạo Nhà nước ta cũng là quá trình hình thành, phát triển và kiểm nghiệm tính đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước kiểu mới, đặc biêt về bản chất và chức năng của nhà nước. Hiện nay, nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước có ý nghĩa cấp thiết đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ở Việt Nam.
* Tài liệu tham khảo
1. PGS.TS. Trần Văn Phòng, PGS.TS. Hoàng Anh (2015), Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh-Một số vấn đề cơ bản (Sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4.
3. Hồ Chí Minh - Biên niên sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.6.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12.
Dương Thị Bích Thủy - Khoa Xây dựng Đảng