11:19 23/11/2020
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đều thành lập Ban thanh tra nhân dân (Ban TTND) nhằm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Thiết chế thanh tra nhân dân dù được quy định khá rõ ràng nhưng hiệu quả hoạt động lại thường không được đánh giá cao. Bài viết này làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban TTND và đề xuất một số suy nghĩ về hoạt động của Ban TTND trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.
Cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban TTND được quy định khá cụ thể trong Luật Thanh tra và Nghị định 159/2016/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Ngoài ra, Nghị định 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cũng đề cập đến thiết chế Thanh tra nhân dân. Theo đó, thông qua việc quy định thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải xem xét, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức và kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị; đồng thời thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức sẽ thực hiện được quyền giám sát, kiểm tra của mình.
Hiện nay, về mặt tổ chức, Ban TTND tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được bầu trong hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và được sự chỉ đạo trực tiếp từ Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.
Ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, Ban TTND có nhiệm vụ:
- Giám sát cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và cá nhân có trách nhiệm ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó;
- Xác minh những vụ việc do người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao;
- Tham gia việc thanh tra, kiểm tra tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp thông tin, tài liệu, cử người tham gia khi được yêu cầu;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do pháp luật quy định.
Tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, Ban TTND có các quyền hạn sau:
- Kiến nghị với người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước xử lý vi phạm theo thẩm quyền và khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua hoạt động giám sát, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;
- Kiến nghị Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước các hình thức động viên, biểu dương, khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát hiện sai phạm và có thành tích trong công tác;
- Tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân.
Có thể thấy, các quy định của pháp luật về thiết chế thanh tra nhân dân khá rõ ràng, tuy nhiên trong thực tiễn hoạt động của Ban TTND trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập lại mang tính hình thức, kém hiệu quả. Thể hiện ở mấy điểm sau:
Thứ nhất, mặc dù được thành lập theo đúng quy định thông qua bầu cử nhưng vai trò của Ban TTND lại phụ thuộc hoàn toàn vào thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Sự phụ thuộc thể hiện ở chỗ toàn bộ thành viên Ban TTND đều là nhân viên, là cấp dưới của thủ trưởng, chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi các quyết định của thủ trưởng. Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động của Ban TTND (nếu có) cũng phụ thuộc vào thủ trưởng. Trong trường hợp phát hiện sai phạm phải giám sát, kiến nghị đối với thủ trưởng thì tâm lý ngại ngần của thành viên Ban TTND là không tránh khỏi. Bởi vì khi chủ thể giám sát (Ban TTND) lại bị ràng buộc lợi ích, bị chi phối bởi đối tượng bị giám sát (thủ trưởng cơ quan, đơn vị) thì việc giám sát chắc chắn sẽ không khách quan và không mang lại hiệu quả. Như vậy, thiết chế Ban TTND trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập không đảm bảo yêu cầu có sự độc lập thì khó có thể thực hiện được đúng bản chất của hoạt động giám sát.
Thứ hai, thanh tra nhân dân có quyền giám sát nhưng lại không có quyền chế tài như các thiết chế kiểm tra, giám sát khác (Thanh tra Nhà nước, Ủy ban kiểm tra của Đảng) nên vô hình chung hiệu lực của những kiến nghị, đề xuất không mang tính bắt buộc để đối tượng bị giám sát phải thực hiện. Tuy nhiên, hạn chế này có thể khắc phục nếu thủ trưởng cơ quan, đơn vị quan tâm đến những yêu cầu, kiến nghị của Ban TTND và tổ chức thực thi những đề xuất đó.
Thứ ba, nhiều quy định về thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập bộc lộ sự bất cập so với thực tiễn nhưng lại thiếu những hướng dẫn cụ thể, thiếu sự phối hợp trong tổ chức tập huấn nghiệp vụ, việc cung cấp các tài liệu hướng dẫn về hoạt động thanh tra nhân dân cho cán bộ làm công tác này chưa được thường xuyên, đầy đủ. Gần như cơ quan Thanh tra nhà nước cấp trên chưa có sự phối hợp cùng với Liên đoàn Lao động các cấp tiến hành tổ chức tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ giám sát, nghiệp vụ thanh tra nhân dân cho Ban TTND theo quy định pháp luật mà hoạt động của Ban TTND chủ yếu dựa theo kinh nghiệm và tự tìm hiểu nên nghiệp vụ của các Ban TTND còn hạn chế.
Thứ tư, ở nhiều cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thực sự quan tâm và tạo điều kiện cho các thành viên của Ban TTND tham dự các hoạt động của cơ quan liên quan đến nội dung giám sát theo quy định (ví dụ Ban TTND có quyền giám sát, kiểm tra việc sử dụng kinh phí hoạt động; việc chấp hành chế độ quản lý và sử dụng tài sản của cơ quan, đơn vị; việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến về quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị; việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai...). Do đó, kết quả, chất lượng hoạt động còn chưa đạt như kỳ vọng, việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị thông qua thiết chế thanh tra nhân dân còn mang tính hình thức, không thực chất.
Thứ năm, phần lớn thành viên của Ban TTND hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên quỹ thời gian dành cho hoạt động này rất hạn chế. Một số thành viên chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình hoạt động, vẫn còn tâm lý e dè, nể nang, ngại va chạm, chưa đi sâu, đi sát thực tế công việc cơ quan, trong đánh giá kết quả hoạt động còn chung chung không dám chỉ rõ những sai phạm, khuyết điểm.
Từ những hạn chế kể trên, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban TTND trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
Trước hết, đối với thủ trưởng cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập: Cần phải nhận thức được Ban TTND trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập là một thiết chế hỗ trợ rất hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành công việc, như là một cánh tay nối dài trong việc quản lý, điều hành công việc. Không nên nhìn nhận Ban TTND như là một lực lượng mâu thuẫn về lợi ích, chỉ chuyên xăm soi, bới móc những sai phạm trong quản lý điều hành của cơ quan, đơn vị. Ban TTND là công cụ giám sát có hiệu quả chính bản thân cơ quan, đơn vị, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị. Ban TTND như một chức năng cảnh báo sớm những sai phạm có thể xảy đến với các quyết định của người đứng đầu hoặc trong quá trình tổ chức triển khai công tác của cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần nhìn nhận đúng vai trò và vị trí của Ban TTND để từ đó có những ứng xử công vụ phù hợp, không gây cản trở hoạt động của Ban TTND, chỉ đạo các bộ phận liên quan hợp tác và phối hợp để Ban TTND hoàn thành nhiệm vụ, hoặc tạo điều kiện về thời gian, vật chất cho Ban TTND hoạt động hiệu quả.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động: Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cần nhận thức rằng Ban TTND chính là đại diện cho mình tham gia vào hoạt động giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của thủ trưởng cơ quan, của toàn đơn vị và đồng thời cũng là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Do đó, ngay từ lúc bình bầu thành viên tham gia Ban TTND mỗi người cần phải lựa chọn những đại biểu thực sự có tâm huyết và kĩ năng, năng lực thực hiện giám sát, cũng như phải có bản lĩnh giám đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng. Cần tránh tư tưởng coi thường vai trò của Ban TTND, cho rằng đó chỉ là hình thức rồi từ đó bỏ phiếu, giới thiệu và bầu ra những cá nhân không có năng lực, bản lĩnh trở thành đại diện của mình tham gia Ban TTND. Nếu nhận thức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về Ban TTND không đúng và có cái nhìn tiêu cực sẽ gián tiếp càng làm cho vai trò của Ban TTND lu mờ, hoạt động kém hiệu và mang nặng tính hình thức.
Đối với bản thân các thành viên của Ban TTND: Là người đại diện cho công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị các thành viên tham gia Ban TTND phải có bản lĩnh, không ngại va chạm, dẹp bỏ sự cả nể, xứng đáng với sự tín nhiệm của tập thể người lao động trong cơ quan, đơn vị. Phải ý thức đầy đủ về vị trí, vai trò và phải nắm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình được pháp luật quy định, có nghiệp vụ hoạt động, được tập huấn cơ bản; phải là những người gương mẫu trong cơ quan, đơn vị và tận tụy với công việc.
Tóm lại, thiết chế thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những phương thức thực hiện dân chủ ở cơ sở cần phải được củng cố và tăng cường hơn nữa. Hiểu rõ nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động của thanh tra nhân dân sẽ giúp cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức tùy vào vị trí công tác của mình có những đóng góp nhất định để công tác thanh tra nhân dân của cơ quan, đơn vị ngày càng hiệu quả./.
* Tài liệu tham khảo:
- Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 9/01/2015 của Chính phủ quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
- Luật Thanh tra năm 2010.
- Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 01/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.
- Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007.
ThS. Phan Thị Hoàng Mai - Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật