Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Những đóng góp của Hồ Chí Minh về con đường cách mạng vô sản

08:37 12/11/2019

Trong toàn bộ tư tưởng cũng như trong quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao trùm lên trên hết là tư tưởng độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Chính những điều ấy đã thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước và đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và đó cũng là quan điểm cốt lõi chi phối sự nghiệp cách mạng của Người. Đến năm 1920 khi đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất Những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Hồ Chí Minh đã có lời giải cho con đường giải phóng dân tộc Việt Nam là phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Với tầm quan trọng của việc tìm ta đường lối cứu nước theo con đường cách mạng vô sản, Người đã đặt nền móng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đi đến những thắng lợi vẻ vang.

Chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng cách mạng vô sản là cuộc cách mạng do giai cấp vô sản tiến hành, đồng thời là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Bản chất của cách mạng là do bản chất công nhân của giai cấp đó quy định. Cách mạng vô sản có nguyên nhân sâu xa là do lực lượng sản xuất trong xã hội đã mang tính chất xã hội hóa cao độ không còn thích ứng với quan hệ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Giai cấp vô sản còn là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội đó. Đó là giai cấp lao động trong nền sản xuất đại công nghiệp cơ khí tư bản chủ nghĩa. Mâu thuẫn khi phát triển tới đỉnh cao đã chuyển hóa về mặt xã hội thành cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, đưa tới cuộc cách mạng vô sản, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, thực hiện lợi ích của giai cấp vô sản. Cách mạng vô sản khác hẳn với những cuộc cách mạng trước đó là những cuộc cách mạng chỉ thay thế chế độ sở hữu tư nhân, chế độ người bóc lột người này bằng một chế độ người bóc lột người khác, trong khi đó cách mạng vô sản nhờ thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất tạo ra cơ sở để giải phóng toàn thể xã hội, xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, biến tất cả những người lao động thành người chủ xã hội thật sự.

Bắt gặp học thuyết Mác - Lênin, từ đó về sau, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng Hồ Chí Minh đã coi Lênin như một người thầy về lý luận và hành động cách mạng của vô sản và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới nói chung, của các dân tộc phương Đông nói riêng, coi chủ nghĩa Mác-Lênin “không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng”. Từ thực tế cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ: chúng ta giành được thắng lợi là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng chúng ta giành được những thắng lợi đó “trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác-Lênin”. Có thể khẳng định rằng, học thuyết Mác - Lênin về giải phóng, trước hết là phương pháp luận Mácxít, phép biện chứng duy vật là nguồn gốc lý luận trực tiếp, là yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng ảnh hưởng quyết định đến tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, về con đường cách mạng vô sản.

Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng vô sản, Hồ Chí Minh đã có những đóng góp cho cách mạng Việt Nam được thể hiện qua những luận điểm sau:

Một là, cách mạng thuộc địa có vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vô sản. Đầu thế kỷ XX, khi lựa chọn con đường cứu nước theo chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã đặt cách mạng giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới được thực hiện bằng sức mạnh đoàn kết hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản ở chính quốc. Bởi vì Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa đế quốc là một con đỉa hai vòi, một vòi bám vào ở chính quốc, một vòi bám vào ở thuộc địa. Muốn đánh bại chủ nghĩa đế quốc phải đồng thời cắt cả hai cái vòi của nó đi, phải xem cách mạng ở thuộc địa như là “một trong những cái cánh” của cách mạng vô sản”. Các dân tộc thuộc địa cần đoàn kết lại, tao nên “một cái cánh” vững mạnh của cuộc cách mạng vô sản. Đánh giá cao sức mạnh của nhân dân các nước thuộc địa và vai trò của những người cộng sản trong việc tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh để giành độc lập dân tộc đúng như lời kêu gọi của Lênin: “Vô sản các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”, Hồ Chí Minh đã khởi đầu những hoạt động đấu tranh cách mạng của mình bằng việc tố cáo những tội ác man rợ của bọn thực dân đế quốc ở thuộc địa. Trên cơ sở phân tích đầy đủ và sâu sắc mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc với các dân tộc thuộc địa, giữa các nước đế quốc với nhau trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và khả năng cách mạng to lớn của nhân dân các nước thuộc địa, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến quan điểm tự lực cánh sinh, tinh thần chủ động tiến công của cách mạng thuộc địa: “Anh em phải làm thế nào để được giải phóng? Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nổ lực của bản thân anh em”.

Hai là, trên cơ sở xác định đối tượng và tính chất của cách mạng thuộc địa, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ phương hướng của cách mạng thuộc địa là đi theo con đường cách mạng vô sản, đó là dân tộc cách mạng. Năm 1924, trong “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ”, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ ở thuộc địa chỉ mâu thuẫn dân tộc là gay gắt và “cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra không giống như ở phương Tây” vì “sự xung đột về quyền lực của họ được giảm thiểu”. Dù là địa chủ hay tư sản thì họ cũng đều là những người dân mất nước, bị chèn ép, nên họ có tinh thần dân tộc. Với Đường Cách mệnh năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ các cuộc cách mạng trên thế giới. Người xác định kẻ thù số 1 của nhân dân các dân tộc thuộc địa là bọn cường quyền đế quốc thực dân và tính chất của cuộc cách mạng ở thuộc địa trước hết là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, bởi mất nước là mất tất cả và nhân dân lao động sẽ chẳng có bất cứ quyền lợi gì kể cả những quyền lợi tối thiểu. Tác phẩm đã nêu những nhân tố bảo đảm cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường của cách mạng vô sản đi tới thắng lợi, trước hết phải có Đảng, có chủ nghĩa, sau đó là đoàn kết sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế. Đường Cách mạng đánh giá đúng vai trò của phương pháp cách mạng là bạo lực chính trị của quần chúng. Tác phẩm được coi là một tác phẩm lý luận lớn của Hồ Chí Minh, lần đầu tiên vạch rõ cách mạng Việt Nam trãi qua hai giai đoạn: dân tộc cách mệnh (tức là cách mạng dân tộc dân chủ) và thế giới cách mệnh (cách mạng xã hội chủ nghĩa). Như vậy, con đường cách mạng vô sản diễn ra ở một nước thuộc địa như Việt Nam khác so với các nước tư bản phát triển ở Châu Âu trước hết phải giành lại độc lập cho dân tộc, sau tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ba là, sau khi xác định đúng con đường cho cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh từng bước hình thành và hoàn chỉnh đường lối cách mạng, về bước đi, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng giải phóng dân tộc. Tháng 2-1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam, Người đã trực tiếp soạn thảo các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Cương lĩnh đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản.

Đến đây, hệ thống luận điểm cách mạng làm nền móng cho con đường cách mạng đã được Hồ Chí Minh xác lập. Đó là: cách mạng Việt Nam vận động và phát triển theo quỹ đạo cách mạng vô sản, theo trào lưu phát triển của thời đại; cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, xóa bỏ sự áp bức giai cấp, áp bức dân tộc; cách mạng Việt Nam phải được tiến hành triệt để, đưa tới sự giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và xác lập vai trò làm chủ xã hội của nhân dân lao động. “Chúng ta đã hi sinh làm cách mạng, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cho cách mạng rồi quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hi sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Luận điểm đó xác định ranh giới phân biệt cách mạng vô sản với cách mạng tư sản và cũng khẳng định tầm cao giá trị nhân văn của cách mạng vô sản. Xét ở một phương diện khác, quyền tự do bình đẳng của nhân dân chỉ có thể được giành được bằng cách mạng, không có con đường nào khác. Đến những văn kiện đầu tiên soạn thảo khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, một lần nữa Người khẳng định: cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Mục tiêu của cách mạng là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Đó là một định hướng lớn quy định những vấn đề có tính chất chiến lược quan trọng của cách mạng vô sản ở Việt Nam. Định hướng đó đã được thể hiện cụ thể trong đường lối, cương lĩnh chính trị, những chủ trương, chính sách của Đảng ở từng giai đoạn cách mạng.

Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 là một minh chứng hùng hồn nhất cho quan điểm Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám đã lôi kéo hàng chục triệu nông dân - dù lúc bấy giờ chưa được chia lại ruộng đất của địa chủ - vẫn hăng hái tiến bước cùng giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất, giành lại nền độc lập cho dân tộc. Thắng lợi đó chứng minh tính khoa học đúng đắn, tính cách mạng sáng tạo của con đường cách mạng Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vạch ra trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ.

Như vậy, từ những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam để xác định con đường cách mạng nước ta. Người vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng vô sản, đặc biệt là phép biện chứng duy vật, coi đó là phương pháp luận cách mạng. Có thể nói, đưa cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản và ứng dụng con đường đó trong điều kiện cụ thể của Việt Nam là một sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh. Quan điểm có tính lý luận cơ bản và có tính thực tiễn phong phú này là “sự cống hiến của Hồ Chí Minh không chỉ đối với các nước thuộc địa và phụ thuộc mà chừng nào có thể còn là đối với các nước tư bản chủ nghĩa phát triển”.

* Tài liệu tham khảo:

1. GS. Song Thành (2009): Hồ Chí Minh nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.

2. TS. Nguyễn Đình Thuận (2002), Sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc (1911-1945), Nxb CTQG, Hà Nội.

3. Trịnh Nhu- Vũ Dương Ninh (1996), Con đường giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, Hà Nội.

 

 Phạm Văn Đồng (1998): Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh, Ncb CTQG, tr.18.

Nguyễn Xuân Mỹ - Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

các tin khác