Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Những nghiên cứu về Vương quốc Phù Nam và văn hóa Óc Eo

08:03 02/12/2019

Trong hơn một thế kỉ qua (cuối thế kỉ XIX đến nay), vấn đề lịch sử Vương quốc Phù Nam nói chung và lịch sử kinh tế, văn hóa, xã hội nói riêng trên nhiều góc cạnh, phương diện đã được đông đảo tập thể, cá nhân tiến hành nghiên cứu, biên soạn. Trong từng thời kì riêng biệt, vấn đề này được tổ chức nghiên cứu ở quy mô khác nhau, đạt được những kết quả khác nhau.

1. Giai đoạn cuối thế kỉ XIX đến 1903

Thật ra không phải cho đến những năm cuối thế kỉ XIX người ta mới biết đến cái tên Phù Nam. Cách đây khoảng hơn một thiên niên kỉ, Phù Nam đã được nhắc đến rất nhiều trong các bộ thư tịch cổ Trung Quốc. Có thể nêu ra đây một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu:

Thư tịch mang tầm vóc là quốc sử của cả một triều đại như: Tam quốc (222-280), Tiền Hán thư, Hậu Hán thư, Tấn thư, Tống thư của nhà Tiền Tống (420-478), Nam Tề thư (479-501), Lương thư (502-556), Tùy thư (589-618), Cựu Đường thư và Tân Đường thư (618-916),...

Ở tầm ghi chép cá nhân, nổi bật lên những dòng miêu tả của Khang Thái và Chu Ứng, hai sứ thần được thứ sử nhà Ngô ở Giao Châu cử đến Phù Nam vào năm 229. Rất tiếc do bị thất lạc nên ghi chép của hai ông chỉ được phản ánh một cách gián tiếp trong các bộ sách sau đó như: “Thủy Kinh chú” (chương “Phù Nam ký”, “Phù Nam truyện”), “Thái bình ngự lãm” với đầu đề “Phù Nam thổ tục” và “Nam Châu di vật chí”. Ngoài ra còn có ghi chép về Phù Nam của nhà sư Nghĩa Tĩnh (671-695) trong “Nam Hải ký quy nội pháp truyền”, “Đại Đường tây vực pháp tăng cao truyện”.

Những ghi chép trên đây đều có nguồn gốc Trung Hoa. Điều này làm nổi bật lên giá trị rất quan trọng của thư tịch cổ Trung Quốc đối với việc nghiên cứu lịch sử Vương quốc Phù Nam. Tuy nhiên, các tác phẩm trên hoặc giả nếu không là sự mô tả lịch sử Phù Nam một cách rời rạc thì cũng là ghi chép (sau khi quan sát thực tế) thể hiện qua lăng kính chủ quan của thiên triều Trung Quốc, của những cá nhân luôn tự xem mình ở vị trí cao hơn về mặt văn hóa so với cư dân Phù Nam. Vì vậy, ghi chép của họ trong một chừng mực nhất định có phần thiếu khách quan, thiếu chính xác, không thể xem như là sự nghiên cứu một cách nghiêm túc, khoa học về lịch sử Vương quốc Phù Nam được.

Những tác phẩm trên theo dòng chảy thời gian trở nên ít được biết đến do viết bằng chữ Hán. Trước yêu cầu nghiên cứu lịch sử Phù Nam, cuối thế kỉ XIX, hai tác giả Hervey de Saint Denys (1883) và De Basy (1886) đã cất công sưu tầm, dịch và giới thiệu thư tịch cổ Trung Quốc đến với thế giới hiện đại. Tuy hai dịch giả này chỉ  thực hiện công việc của mình đúng với ý nghĩa “dịch thuật” và chưa đưa ra ý kiến kết luận nhưng có thể xem bản dịch của hai ông như là sự mở đầu cho thời kì nghiên cứu lịch sử Vương quốc Phù Nam sau này mặc dù cả hai đều cho rằng những điều viết trong thư tịch cổ Trung Quốc có ý nghĩa không đáng kể trong việc xác định Phù Nam.

E.Agmomier không tán thành với hai dịch giả trên. Nhiều bài viết của ông thể hiện thái độ đó. Theo ông, những gì viết ra trong thư tịch cổ Trung Quốc là cơ sở rất quan trọng để nghiên cứu Phù Nam. Nó là nền tảng để ông đoán định Phù Nam chính là Chân Lạp cả về địa lí lẫn lịch sử. Quan điểm này được một nhà nghiên cứu khác-Schlegel đồng tình và chứng minh qua lập luận về nguồn gốc tên gọi “Phù Nam”. Chuyên gia nghiên cứu về bán đảo Đông Dương, L.P.Brigg (Mỹ) trong tác phẩm “Đế quốc Khmer và bán đảo Malay” (The Khmer Empire and the Malay peninsula-Corn.Univ) cũng không tránh được sự lẫn lộn trên. “Các sự đoán định đó đều bắt nguồn từ những ghi chép của thư tịch cổ, những thông báo thiếu rõ ràng, cụ thể, được dịch và giới thiệu thiếu hệ thống”.

 Năm 1903, P.Pelliot với thái độ không đồng tình với quan điểm trên đã ban hành tác phẩm “ Nước Phù Nam” trên BEFEO (Trường viễn đông bác cổ-Pháp). Đây là tác phẩm lớn nhất trong giai đoạn này, có vị trí quan trọng được coi như mốc mở đầu của việc nghiên cứu về nước Phù Nam. Tác phẩm này thể hiện giá trị cao cả về mặt khoa học và quan điểm nghiên cứu. Nó “không chỉ tổng kết tình hình nghiên cứu và những hiểu biết ở những năm cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX, đề xuất quan điểm mới của mình, đồng thời giới thiệu một cách hệ thống nguồn thư tịch, làm cơ sở đáng tin cậy, vừa làm nền cho ý kiến của ông, vừa mở ra khả năng tiếp tục tìm hiểu lịch sử Phù Nam”.

2. Giai đoạn 1903-1945

Năm 1928, G.Coedes đã viết một bài nghiên cứu chủ yếu bàn về kinh đô của nước Phù Nam. Theo ông, kinh đô được xây dựng trên núi Ba Phnom (Prâyven-Campuchia). Cũng theo nhà nghiên cứu này thì tên gọi vùng Ba Nam dưới chân núi là nguồn gốc của tên gọi “Phù Nam”. Cơ sở của kết luận trên là sự vận dụng chủ quan dựa theo lời kể về tên gọi và độ xa của kinh đô Phù Nam trong thư tịch cổ Trung Quốc. Sự vận dụng này của được ông trộn lẫn với “truyền thống Núi” của người Khmer.

Ý kiến của G.Coedes rất lí thú, song không đúng vì xây dựng trên cơ sở suy luận sai lầm tư liệu thư tịch cổ. Tuy nhiên, ý kiến trên vẫn được G.Coedes khăng khăng bảo vệ, thậm chí được ông củng cố trong một tác phẩm lớn mang tên “ Histoire ancience des Etats Hindouises” xuất bản năm 1944. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn ghi nhận sự đóng góp của G.Coedes trong việc nghiên cứu lịch sử Phù Nam cũng như việc ông dành nhiều thời gian và tâm trí để dịch, công bố 3 bản minh văn viết bằng chữ Sanskrit (niên đại: thế kỉ V) vào năm 1931, 1937.

Cùng thời gian với G.Coedes, P.Paris đã gợi suy nghĩ về một vùng lãnh thổ cư trú trù mật của dân cư cổ sau khi nghiên cứu và công bố không ảnh hệ thống kênh đào chụp được sau các chuyến đi thám sát vùng đất tây sông Hậu, vùng Phnom Tapa, Phnom Ăngkor Borei. Tuy nhiên, đóng góp của P.Paris chỉ dừng lại ở việc cung cấp thêm tư liệu và khơi gợi một hướng nghiên cứu mới khác với G.Coedes. Hướng nghiên cứu mới này chú tâm vào việc sử dụng các tài liệu khảo cổ hơn so với tài liệu thành văn. Mục đích nghiên cứu cũng thay đổi từ chỗ chứng minh sự đồng nhất giữa Phù Nam và Chân Lạp đến chỗ khẳng định sự khác biệt hoàn toàn của hai quốc gia này.

Việc nghiên cứu lịch sử Vương quốc Phù Nam sau đó diễn ra chậm chạp cho đến năm 1944. Trong năm này ra đời hai tác phẩm có kết luận khác nhau. Một là tác phẩm của G.Coedes mang tên “Histoire ancience des Etats Hindouises” đã được nêu ở trên. Tác phẩm còn lại là những báo cáo sơ giản của L.Malleret (nhà khảo cổ học người Pháp) trình bày trên BEFEO XLV (1945). Đây là các báo cáo thu hoạch và phân tích kết quả thu hoạch của nhiều đợt thám sát trên diện rộng vùng đất thuộc phạm vi lãnh thổ Phù Nam trước kia. Dù rằng chỉ dừng lại ở mức độ “sơ giản”, báo cáo của L.Malleret có giá trị hơn tác phẩm ra đời cùng năm ở chỗ nó dựa vào nguồn tài liệu mới-tài liệu khảo cổ học dẫn đến quan điểm, nội dung nghiên cứu chính xác hơn. Các báo cáo này được L.Marellet hệ thống lại trong giai đoạn sau đó.

            3. Giai đoạn 1945-1975

Năm 1951, nhân dịp kỉ niệm 50 năm nghiên cứu Đông Dương, L.Malleret nâng các báo cáo năm 1945 thành báo cáo sơ bộ. Các năm sau đó, bằng sự nỗ lực đáng khâm phục, trong vòng bốn năm (từ 1959 đến 1963) L.Marellet đã cho ra đời một công trình đồ sộ mang tên “Khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long” (L’Archeologie du Delta du Mékong) gồm 4 tập:

Tập 1  Sự khám phá khảo cổ học và những cuộc khai quật Óc Eo (L’Exploration archéologique et les fouilles d’Oc Eo) gồm 473 trang và 47 trang bản vẽ.

Tập 2  Nền văn minh vật chất Óc Eo (La civilisation matérielle) gồm 397 trang và 152 trang bản vẽ.

Tập 3  Nền văn hóa Phù Nam (La culture du Founam) gồm 500 trang và 101 trang bản vẽ.

Tập 4  Khảo cổ học bên này sông Bassac (Le Cisbassac).

Kì công của L.Marellet là dựa vào tài liệu khảo cổ học chứng minh chắc chắn có một nước Phù Nam phát triển cao trên địa bàn Miền Tây sông Hậu mở rộng sang đến sông Tiền và mở rộng quyền lực hơn nữa ra bên ngoài. Qua đó, tạo điều kiện cho việc hình dung được cơ sở vật chất và cơ sở văn hóa của một quốc gia cổ khá phát triển là nước Phù Nam. Công trình đồ sộ này xứng đáng là cột mốc quan trọng đứng giữa gần một thế kỉ nghiên cứu đã qua và mở đầu cho một giai đoạn lớn kể từ nửa sau thế kỉ XX. Tác phẩm của L.Marellet là điểm xuất phát bắt buộc của mọi nghiên cứu về các tỉnh Miền Nam Việt Nam thời cổ trung đại.

Ngoài L.Marellet, trong thời gian này trên phạm vi trong nước và thế giới việc nghiên cứu lịch sử Vương quốc Phù Nam diễn ra chậm chạp, không đạt được tiến triển gì đáng kể. Một trong những lí do quan trọng nhất là các tác giả thiếu quan sát thực tế (như L.Marellet từng làm) khi mà nhân dân Việt Nam nói riêng, nhân dân ba nước Đông Dương nói chung đang tiến hành cuộc đấu tranh chống can thiệp Mĩ và tay sai để giành độc lập dân tộc.

            4. Giai đoạn 1975-1995

Trong 15 năm đầu lần lượt xuất hiện những nghiên cứu của các sử gia trong nước bên cạnh các học giả thế giới. Tuy nhiên, các nghiên cứu này diễn ra lẻ tẻ, rời rạc và có số lượng không nhiều. Nhìn chung trong hơn 15 năm đầu, do hoàn cảnh lịch sử thời kì sau 1975, sự bó hẹp trong quan hệ đối ngoại cộng thêm suy thoái kinh tế đã chiếm lấy phần lớn thời gian, tâm trí của nhiều nhà nghiên cứu trong nước cũng như gây cản trở đối với các học giả nước ngoài. Việc nghiên cứu lịch sử nói chung, lịch sử Vương quốc Phù Nam nói riêng gần như bị lãng quên sau những bề bộn của cuộc sống mưu sinh thời bao cấp.

Đại hội VI của Đảng đã thổi một luồng sinh khí mới, mở ra con đường phát triển về mọi mặt trong đó có việc nghiên cứu lịch sử Vương quốc Phù Nam. Nhiều công trình nghiên cứu ra đời, nổi bật là tác phẩm “Văn hóa và cư dân Đồng bằng sông Cửu Long” (1990) của ba tác giả Nguyễn Công Bình-Lê Xuân Diệm-Mạc Đường. Mặc dù không phải là công trình nghiên cứu chuyên biệt về Phù Nam nhưng chương II “Văn hóa và cư dân cổ Óc Eo” đã trình bày một cách tổng thể lịch sử Óc Eo-Phù Nam.

Ngay sau đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giao cho Viện Khảo cổ học trong 3 năm (1993, 1994, 1995) thực hiện chương trình nghiên cứu khảo cổ học Nam bộ mà thực chất là nghiên cứu Phù Nam. Chương trình này được gia hạn đến năm 2000. Dưới sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng các cấp, nhiều đợt khai quật khảo cổ được tiến hành với quy mô rầm rộ. Nhiều tác phẩm cũng từ đó mà ra đời như: “Văn hóa Óc Eo-những khám phá mới” của Lê Xuân Diệm-Đào Linh Côn-Võ Sĩ Khải, “Lịch sử Phù Nam” của Lương Ninh,... Hai công trình này là sự tổng hợp tư liệu đã có và trình bày những khám phá mới, nêu lên kết luận mới chủ yếu trên cơ sở nghiên cứu của L.Marellet. Ngoài ra chương trình nghiên cứu 1997-1998 do P.Y.Manguin và cộng sự thực hiện đã cung cấp cái nhìn tổng thể di tích cảng Óc Eo. Chương trình này thuộc khuôn khổ hợp tác Pháp-Việt về lịch sử. Nó vẫn được xúc tiến mạnh cho đến ngày nay.

Nhìn chung, những nghiên cứu nêu trên đã bước đầu phác họa về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam trên nhiều khía cạnh, từ lịch sử hình thành, phát triển, diệt vong đến những vấn đề cụ thể về kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, kiến trúc, tôn giáo,… Tuy nhiên, còn rất nhiều nhận định không giống nhau, có khi còn trái ngược. Nhiều vấn đề cơ bản của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam còn bị bỏ ngỏ, chưa nghiên cứu giải đáp thuyết phục. Các nghiên cứu  bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục lịch sử - văn hóa cho cư dân còn rất ít. Trong thời gian tới, việc nghiên cứu văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam cần được triển khai theo hướng:

Thứ nhất, nghiên cứu cơ bản về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam để ngày càng làm hiển lộ rõ hơn lịch sử và giá trị của văn hóa Óc Eo. Hướng nghiên cứu này trong thời gian qua đã được thực hiện nên có thuận lợi là trên cơ sở thành tựu đã có để triển khai sâu rộng hơn, mở mang thêm.

Thứ hai, nghiên cứu ứng dụng, tức là nghiên cứu việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và giáo dục lịch sử. Hướng này cần được đẩy mạnh bởi xét cho cùng mục đích hướng đến là bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đó là cách tốt nhất để hiểu về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam lâu dài.

--------------------

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường - Văn hóa và dân cư Đồng bằng sông Cửu Long, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh, 1990.

2. Đào Linh Côn – Phát hiện mộ táng văn hóa Óc Eo trong “Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1984”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1984.

3. Lê xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải - Văn hóa Óc Eo những khám phá mới, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985.

4. Lê Xuân Diệm – Khai quật khu di tích Ba Thê-Óc Eo trong “Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1983”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1983.

5. Nguyễn Xuân Hiển – Về những di tích thóc gạo ở di chỉ Óc Eo trong “Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1983”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1983.

6. Lương Ninh – “Nước Chí Tôn”, một quốc gia cổ ở Miền Tây sông Hậu, Tạp chí Khảo cổ học số 1, 1981.

7. Lương Ninh – Văn hóa cổ Đồng bằng sông Cửu Long trong “Văn hóa Óc Eo”, Sở Văn hóa-Thông tin An Giang, Long Xuyên, 1984.

8. Lương Ninh - Óc Eo và Phù Nam, Tạp chí Khảo cổ học số 1, 1987.

9. Lương Ninh – Văn hóa Óc Eo và văn hóa Phù Nam, Tạp chí Khảo cổ học số 3, 1992.

10. Phan Ngọc Liên (chủ biên) - Phương pháp luận sử học, Nhà xuất bản Đại học sư phạm, Hà Nội, 2003.

11. Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh - Một số vấn đề khoa học xã hội về Đồng bằng sông Cửu Long, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1982.

12. Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh - Văn hóa Óc Eo và các nền văn hóa cổ ở Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Văn hóa - Thông tin An Giang, An Giang, 1984.

13. Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh - Hội thảo khoa học về các nền văn hóa cổ ở Đồng bằng Nam bộ, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.

Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh - Những phát hiện mới về khảo cổ học ở Miền Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh, 1988.

Nguyễn Tấn Thời - Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

các tin khác