04:32 20/04/2020
Năm 1953, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò của lý luận đối với công tác đào tạo cán bộ của Đảng. Trong tác phẩm Thường thức về chính trị, Người nói: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” . Lênin nhắc đi nhắc lại rằng lý luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng; và lý luận không phải là cái gì cứng nhắc, nó đầy tính sáng tạo, lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ thực tiễn.
Xuất phát từ quan điểm “Học là để áp dụng vào việc làm”, Hồ Chí Minh cho rằng công tác đào tạo cán bộ phải “thiết thực, sao cho những người đến học, học rồi, về địa phương họ có thể thực hành ngay”. Trong quá trình giảng dạy, “cũng cần liên hệ với những vấn đề thực tế ở trong nước và trên thế giới, những vấn đề và nhiệm vụ cách mạng hiện nay đề ra cho Đảng ta, đem lý luận học được tìm xem đường lối và phương pháp giải quyết các vấn đề đó như thế nào cho đúng; hoặc phân tích các kinh nghiệm công tác đã qua của Đảng và tìm nguyên nhân của những thành công và thất bại của Đảng”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”.
Mục đích cuối cùng của quá trình đào tạo cán bộ lý luận chính trị là để cho học viên vận dụng lý luận vào thực tiễn, học phải đi đôi với hành, như Bác Hồ từng nói: “Học với hành phải đi đôi. Học không hành thì vô ích. Hành mà không học thì không trôi chảy”. Nếu như lý luận hướng dẫn cho người học biết cách vận động quần chúng, biết cách tổ chức sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, biết cách quản lý nhà nước cho tốt, đừng để cho xã hội mất trật tự, trị an, nhân dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ,…thì mỗi một vấn đề như vậy phải lấy thực tế chứng minh, soi rọi và kiểm nghiệm, từ đó đối chiếu với lý luận để rút ra những vấn đề đúng sai, chỗ mạnh, chỗ yếu để khắc phục, sửa chữa. Ở đây, cần nhận thức cho đúng vấn đề lý luận liên hệ với thực tiễn cốt để lý luận khỏi bị tách rời khỏi thực tiễn chứ không phải tường thuật lại câu chuyện theo dòng sự kiện, hoặc đi phê phán những việc làm sai của cán bộ, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội theo kiểu một chiều mà không thấy mặt được, mặt tiến bộ của nó.
Muốn làm được điều đó đòi hỏi người thầy phải là am hiểu cuộc sống, phải nắm vững lý luận, nắm vững chuyên môn để vận dụng vào công tác, liên hệ lý luận từ trong sách vở nhà trường với thực tế trong cuộc sống, giúp cho học viên lĩnh hội được toàn diện. Qua đó, học viên có thể đem những điều mình đã học để xây dựng phong trào, tổ chức vận động quần chúng thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Quán triệt chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, nhất là khi đưa đất nước bước sang thời kỳ đổi mới và tiến vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đòi hỏi Đảng phải chú trọng công tác đào tạo nhằm tạo ra một đội ngũ cán bộ có chất lượng mới. Sự nghiệp đổi mới đất nước trải qua nhiều chặng đường, đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, xuất phát từ yêu cầu của cách mạng và tầm quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở, Đảng ta đã có những quan điểm rõ ràng về vị trí, vai trò của cán bộ và công tác đào tạo cán bộ.
Trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng chỉ rõ: “Mục tiêu của công tác cán bộ là xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ có chất lượng mà nòng cốt là đội ngũ cán bộ chủ chốt các ngành các cấp và cơ sở”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng nhấn mạnh: “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ toàn diện cả về lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn”. Nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển của đất nước thời kỳ mới, cần phải: Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần nâng cao năng lực, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trường chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang đã trải qua hơn 70 năm giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với một bề dày truyền thống hình thành và phát triển. Trong thời gian qua, công tác giáo dục lý luận chính trị đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, vai trò và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được nâng lên. Ðội ngũ cán bộ, đảng viên có bước phát triển về nhận thức, trình độ, bản lĩnh chính trị và năng lực tư duy. Công tác học tập, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, vận dụng và phát triển lý luận đã và đang giải đáp nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra.
Việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ ở trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã được triển khai, thực hiện từ nhiều năm nay. Trong đó tập trung chủ yếu vào nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên; tổ chức đào tạo; đổi mới phương pháp giảng dạy nâng cao tính tự giác, tích cực, sáng tạo trong học tập của học viên theo phương châm “Gắn lý luận với thực tiễn”, “Học thật, thi thật, điểm thật”.
Quán triệt quan điểm của Lênin và Hồ Chí Minh, để việc dạy và học ngày càng có hiệu quả, chất lượng, yếu tố thực tiễn luôn được đưa vào bài giảng. Một bài giảng thật sự tạo được lôi cuốn, hấp dẫn đối với người học không chỉ nói đúng những nội dung, bản chất của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng mà còn phải thổi vào đó hơi thở của thực tế, tức là liên hệ thực tế vào bài giảng. Khi trình bày một vấn đề nào đó về lý luận, về đường lối, chính sách, người giảng cần liên hệ với thực tiễn.
Tuy nhiên, trong công tác đào tạo lý luận chính trị của trường những năm qua, cũng như thực tế ở các địa phương cho thấy vẫn còn tồn tại hiện tượng một số cán bộ, đảng viên có suy nghĩ và những biểu hiện không đúng với công tác học tập lý luận. Một số cán bộ, đảng viên cho rằng lý luận Mác - Lênin là những vấn đề chung, trừu tượng, xa rời công việc cụ thể ở địa phương, đơn vị. Do vậy, họ không nhiệt tình, chủ động tham gia lớp học lý luận chính trị, nếu được cử đi học thì xem như là “bị đi học”, do tổ chức phân công học để lấy bằng cấp đáp ứng việc “quy hoạch”, “bổ nhiệm”, chứ không xuất phát từ nhu cầu học lý luận nâng cao trình độ hiểu biết của mình để cống hiến cho công việc, phục vụ xã hội.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị ở trường Chính trị Tôn Đức Thắng trong thời gian tới với phương châm đào tạo lý luận gắn với thực tiễn, học phải đi đôi với hành, nhà trường đã đặt ra những mục tiêu cần đạt được trong công tác giáo dục lý luận chính trị:
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phản bác có hiệu quả, kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch. Bảo vệ của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay theo Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nhân cách trong sáng, tinh thần cách mạng triệt để tiến hành thành công sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hai là, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học lý luận chính trị lấy người học làm trung tâm. Khẳng định mạnh mẽ và cụ thể hóa những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn với thực tiễn của các địa phương, của tỉnh.
Ba là, nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ giảng viên theo lộ trình đạt chuẩn do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành.
Bốn là, tăng cường hoạt động nghiên cứu thực tế của cán bộ, giảng viên. Thực hiện đúng Hướng dẫn số 311-HD/HVCTQG ngày 12 tháng 6 năm 2019 về Hoạt động nghiên cứu thực tế của cán bộ, giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm củng cố, bổ sung kiến thức lý luận; nắm bắt, cập nhật tri thức thực tiễn cho giảng viên.
Tóm lại, thực hiện đúng nguyên tắc gắn lý luận liên hệ với thực tiễn, học đi đôi với hành sẽ làm cho việc dạy và học lý luận đạt được mục đích là đào tạo những cán bộ biết vận dụng lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết những vấn đề cách mạng cụ thể. Cán bộ là “gốc” của cách mạng, nhiệm vụ đào tạo con người là rất quan trọng, đào tạo cán bộ lãnh đạo lại càng quan trọng hơn, bởi họ chính là những “đầu tàu”, là những người lãnh đạo, hướng dẫn quần chúng thực hiện một cách sáng tạo những nhiệm vụ chính trị của Đảng. Do vậy, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm nặng nề của người làm công tác giáo dục lý luận chính trị hiện nay./.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, t.5, t.6, t.11.
ThS. Nguyễn Xuân Hằng - Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật