Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa

03:07 28/06/2022

Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên cơ sở hệ thống lại những vấn đề lý luận và thực tiễn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 mươi năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Câu hỏi được nêu ra: Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?, giải đáp cho câu hỏi trên cần làm rõ ba vấn đề:

ThS. Bùi Thị Kim Chung

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Thứ nhất, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng có giá trị cốt lõi tốt đẹp, thể hiện tính nhân văn sâu sắc dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội, hài hoà với lợi ích chính đáng của con người. Sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; nêu cao sự đoàn kết, nhân ái, tương trợ lẫn nhau; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân. Chính những ưu điểm này mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn và kiên định hoàn thành quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Ý nghĩa to lớn nằm ở chỗ chủ nghĩa xã hội không xuất phát từ lợi ích của giai cấp thống trị, hay thiểu số đối tượng giàu có trong xã hội, đây là xã hội khác hẳn về chất so với các xã hội trước đây. Vì vậy trong quá trình xây dựng chúng ta phải trải qua thời gian dài với nhiều khó khăn, thử thách, sự chống đối, phá hoại của các thế lực thù địch. 

Thứ hai, chủ nghĩa tư bản không phải và không thể là một xã hội cuối cùng của con người. Vấn đề được phân tích khá rõ trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay, nó đạt được nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất trên nền tảng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã làm cho năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế tư bản phát triển mạnh.

Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn không ngăn chặn, tránh được các cuộc khủng hoảng kinh tế gắn liền với bản chất của chủ nghĩa tư bản, với mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất với chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Đó là mâu thuẫn giữa tư bản và lao động làm thuê, giữa tư bản với tư bản, giữa các cường quốc tư bản với các nước nghèo, kém phát triển, đang phát triển.

Mâu thuẫn giữa các công ty, tập đoàn tư bản, các nước tư bản phát triển với nhau trong việc giành giật thị trường tiêu thụ, các nguồn nguyên liệu, năng lượng, các phát minh, sáng chế, thành tựu khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao... vẫn diễn ra rất gay gắt. Khủng hoảng kinh tế - tài chính, năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái,... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Tiềm ẩn nguy cơ xung đột sắc tộc, tôn giáo và chiến tranh cục bộ... Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa.

Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.

Như vậy, thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chế độ xã hội chủ nghĩa, một chế độ xã hội mới cao hơn, trên cơ sở kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được trong chủ nghĩa tư bản, đồng thời khắc phục, xóa bỏ được những mâu thuẫn, những giới hạn của chủ nghĩa tư bản cản trở sự phát triển của nhân loại theo hướng tiến bộ. Đây là tất yếu khách quan của lịch sử. 

Thứ ba, Công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thực sự đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp cho đất nước trong 35 năm qua.

Trước đổi mới năm 1986, Việt Nam vốn là một nước nghèo lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, để lại những hậu quả hết sức to lớn cả về người, về của và môi trường sinh thái. Sau chiến tranh, Mỹ và phương Tây đã áp đặt cấm vận kinh tế với Việt Nam trong suốt gần 20 năm, đời sống nhân dân khó khăn, khoảng 3/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ. Lương thực, hàng hóa nhu yếu phẩm hết sức khan hiếm.

Sau đổi mới, nhờ thực hiện đường lối đúng đắn, dựa trên sự thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới.

Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 1980 và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016. Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ôtô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại.

Việt Nam tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần ba lần.

Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Cũng nhờ kinh tế có bước phát triển nên chúng ta đã có điều kiện để chăm sóc tốt hơn những người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm lo cho phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc.

Đời sống văn hóa cũng được cải thiện đáng kể; sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng. Hiện, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.

Mặc dù nhân dân Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội từ điểm xuất phát thấp, một nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, hiện tại còn nhiều khó khăn cần giải quyết, nhưng việc thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích cực. Kinh tế phát triển; nghèo đói giảm nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố.

Như vậy, tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hệ thống lại các vấn đề lý luận và tổng kết từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong 35 năm đổi mới, những thành tựu đạt được là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam./.

 

Tài liệu tham khảo

1.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội 2022.

2. Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung Ương, Bản chất, đặc điểm, xu hướng vận động của chủ nghĩa tư bản hiện đại, hdll.vn.

các tin khác