Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, từ thực tiễn tỉnh An Giang

07:44 04/06/2020

Tóm tắt: Thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã là chủ trương đổi mới quan trọng của Đảng và Nhà nước ta về yêu cầu cải cách, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở nước ta trong những năm vừa qua. Ở tỉnh An Giang hiện nay về cơ bản đã thực hiện triệt để mô hình này với nhiều kết quả đạt được rất quan trọng. Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện mô hình đã đặt ra một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu về tính đồng bộ giữa thể chế của Đảng và Nhà nước.

Từ khóa: Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, tỉnh An Giang

1. Khái quát chủ trương của Đảng và quá trình thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

Chủ trương của Đảng về "Việc bố trí bí thư đảng ủy đồng thời làm chủ tịch hội đồng nhân dân hay chủ tịch ủy ban nhân dân tùy theo tình hình cụ thể ở từng nơi." lần đầu tiên được ghi nhận tại Mục II, điểm 2 của Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18 tháng 03 năm 2002 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

Chấp hành chủ trương này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24/6/2002 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Trong đó nêu rõ: “Từng bước thực hiện chủ trương bố trí đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn theo hướng: Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND và một PBí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Bí thư phụ trách công tác mặt trận, đoàn thể.”

Không chỉ riêng tỉnh An Giang mà các tỉnh, thành trong cả nước cũng từng bước tổ chức thực hiện cho phù hợp với hoàn cảnh điều kiện cụ thể của địa phương.

Đến năm 2008, Đảng tiếp tục khẳng định: “Thực hiện thí điểm chủ trương nhất thể hóa hai chức danh cán bộ chủ chốt ở cơ sở.”. Qua hơn 11 năm thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã (sau đây viết tắt là mô hình) từ năm 2002 đến 2013, BCH TW Đảng kết luận: “Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở cấp xã, cấp huyện đối với những nơi có đủ điều kiện.”.

Chủ trương của Đảng đã từng bước hoàn thiện, bổ sung từ việc “thực hiện thí điểm” ở cơ sở (năm 2008) đến chủ trương: “Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện.”. Quá trình thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã ở tỉnh An Giang (2002 – 2020) có thể khái quát như sau:

Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp là một cá nhân đồng thời đảm nhận chức vụ Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND cùng cấp, được thực hiện ở những nơi có đủ điều kiện, nhằm tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả thực thi quyền lực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trên địa bàn.

Từ năm 2002 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang đã chủ trương: “Từng bước thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp xã.” Đến tháng 03/2020 tỉnh An Giang đã cơ bản thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp ở 4/11 đơn vị cấp huyện (huyện, thị, thành) và 145/156 đơn vị cấp xã (xã, phường, thị trấn). Quá trình thực hiện mô hình này ở tỉnh An Giang có thể khái quát như sau:

Giai đoạn 2002 - 2009 toàn tỉnh An Giang có 25 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã. Tuy nhiên, việc duy trì mô hình thí điểm ở các xã, phường, thị trấn đều gặp nhiều khó khăn về cơ chế quản lý điều hành, chính sách tiền lương, phụ cấp trách nhiệm và nguồn cán bộ thiếu ổn định nên đến cuối năm 2009 chỉ còn lại 5 xã thực hiện mô hình. Giai đoạn 2010 - 2013: Việc thí điểm vẫn tiếp tục được duy trì và đến đầu năm 2013 tăng lên 16/156 đơn vị cấp xã thực hiện mô hình này.

Giai đoạn 2014 - 2016: Từ việc rút kinh nghiệm thí điểm trong các năm trước, cùng với việc trao đổi học tập kinh nghiệm với các tỉnh bạn, đặc biệt là giữa tỉnh An Giang và tỉnh Quảng Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ An Giang đã ban hành Kế hoạch số 07-KH/TU, ngày 20/6/2016 về xây dựng Đề án của Tỉnh uỷ về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mục tiêu cụ thể là nhân rộng mô hình nhất thể hoá chức danh Bí thư cấp uỷ kiêm Chủ tịch UBND cấp xã; thực hiện thí điểm nhất thể hoá chức danh Bí cấp uỷ kiêm Chủ tịch UBND cấp huyện ở một số địa phương. Kế hoạch này đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với việc thực hiện mô hình Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ở tỉnh An Giang. Sự thay đổi chủ trương của Tỉnh ủy từ “thí điểm” sang “nhân rộng” là một quyết định thể hiện quyết tâm chính trị cao của tập thể Đảng bộ tỉnh An Giang trong việc quán triệt thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày  28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI).

Giai đoạn 2017-2020: Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 07-KH/TU, ngày 20/6/2016 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ An Giang, đến tháng 3 năm 2017 số lượng cấp xã thực hiện mô hình tăng lên 27/156 xã, phường, thị trấn. Cuối năm 2017 có 44/156 đơn vị cấp xã thực hiện mô hình, trong đó huyện Châu Phú có 13/13 đơn vị cấp xã (100%) thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã.

Trong quá trình thực hiện, vai trò chủ động, linh hoạt của các huyện, thị, thành ủy là vô cùng quan trọng, có tính quyết định đến việc thực hiện thành công mô hình. Trong đó, hai đơn vị cấp huyện có 100% các xã thực hiện mô hình này là huyện Châu Phú (cuối năm 2017) và Thành phố Long Xuyên (năm 2018)

Bước sang năm 2018, Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo thực hiện và rút kinh nghiệm ở những địa phương thực hiện có hiệu quả để nhân rộng mô hình nên số đơn vị thực hiện mô hình này tăng gần gấp đôi so với năm 2017, từ 44/156 đơn vị lên 82/156 đơn vị cấp xã. Hiện nay (đến tháng 03 năm 2020), tỉnh An Giang đã thực hiện mô hình Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp ở 4/11 đơn vị cấp huyện (tỷ lệ 36,4%) và 145/156 đơn vị cấp xã (tỷ lệ 92,95%).

Bảng tổng hợp 145/156 UBND cấp xã thực hiện mô hình “Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã” ở tỉnh An Giang tính đến tháng 3/2020

TT

Đơn vị

Tổng số đơn vị hành chính

Đơn vị thực hiện

Số lượng

Tỷ lệ

1

Long Xuyên

13

13

100.00%

2

Châu Đốc

7

6

85,71%

3

Tân Châu

14

14

100.00%

4

Tịnh Biên

14

12

92,30%

5

Tri Tôn

15

13

86,66%

6

Chợ Mới

18

18

100%

7

Thoại Sơn

17

14

82,35%

8

Châu Thành

13

13

69.23%

9

Châu Phú

13

13

100.00%

10

Phú Tân

18

18

100%

11

An Phú

14

11

78.57%

 

TỔNG CỘNG

156

145

92,95%

 

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tỉnh Ủy An Giang đã ban hành Chương trình hành động số 19-Ctr/TU ngày 19/4/2018 phấn đấu cuối năm 2020 có 100% đơn vị cấp xã thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã và phấn đấu đạt 50% đơn vị cấp huyện thực hiện mô hình này.

2. Ưu điểm, hạn chế và kinh nghiệm thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã từ thực tiễn tỉnh An Giang

2.1. Ưu điểm

Mô hình này giúp tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương ở cơ sở, phù hợp với xu thế, yêu cầu cải cách bộ máy hành chính nhà nước và cải cách hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay. Vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy được phát huy và thể hiện rõ, nhất là vai trò của người đứng đầu cấp ủy. Tăng cường tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và UBND ở địa phương. Giảm các cuộc họp ở xã giữa cấp ủy và UBND xã do bí thư, chủ tịch xã là người trực tiếp tiếp thu các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cấp trên; đồng thời, cũng là người trực tiếp chỉ đạo việc triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương.

2.2. Một số tồn tại, hạn chế

Hạn chế của mô hình bí thư, chủ tịch xã là người đứng đầu chính quyền địa phương ở xã nắm toàn bộ quyền lực nhà nước và quyền lực chính trị, là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có toàn quyền quyết định về công tác đảng, công tác chính quyền ở địa phương nên dễ nảy sinh sự lạm quyền, lộng quyền, độc đoán, mất dân chủ. Cơ chế kiểm tra, giám sát khi bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã trong thực tế rất khó thực hiện. Cụ thể như: Theo thực tế phân công hiện nay, Phó Bí thư xã giữ chức vụ Chủ tịch Hội Đồng nhân dân là người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, có quyền giám sát hoạt động của Bí thư, Chủ tịch UBND xã; người này còn kiêm nhiệm công tác đảng, phụ trách Ủy ban kiểm tra Đảng ủy có quyền kiểm tra hoạt động của đảng viên theo chỉ đạo của bí thư xã.

Như vậy, người Phó bí thư này vừa đóng vai là người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương giám sát hoạt động của Chủ tịch UBND xã, vừa đóng vai cán bộ Ủy ban kiểm tra giúp bí thư xã công tác kiểm tra chấp hành của đảng viên (vừa là cấp trên của chủ tịch UBND xã, vừa là cấp dưới của bí thư xã) cho nên rất khó mạnh dạng đấu tranh phê bình bí thư, chủ tịch UBND xã. Đối với Phó Bí thư còn lại được giao phụ trách khối vận, kiêm Chủ tịch UBMT Tổ quốc xã, lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội ở xã. Người này có quyền giám sát, phản biện hoạt động của đảng, nhà nước ở địa phương, giám sát việc thực hành pháp luật về dân chủ và lãnh đạo công tác vận động nhân dân ở cơ sở, người này là cấp dưới của bí thư, chủ tịch UBND xã, thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo và phân công của bí thư, chủ tịch UBND xã nên Phó bí thư rất khó có đủ bản lĩnh giám sát, phê bình bí thư, chủ tịch UBND xã. Do vậy, tuy Mặt trận tổ quốc, Hội đồng nhân dân có chức năng giám sát, nhưng hoạt động này chỉ mang tính giám sát nhân dân, chưa thật sự có hiệu quả trên thực tế, việc giám sát của HĐND và UBMT Tổ quốc xã đối với bí thư, chủ tịch UBND xã còn nhiều  hạn chế. 

Áp lực công việc cao do khối lượng công việc chính quyền nhiều, đa dạng, cụ thể, phức tạp đòi hỏi bí thư, chủ tịch UBND xã phải tập trung nhiều thời gian cho công tác chính quyền, nên thời gian để chỉ đạo và chăm lo công tác xây dựng đảng chưa đảm bảo toàn diện. Hoạt động quản lý nhà nước ở cơ sở cần người chủ tịch UBND phải phải thật sự có kiến thức pháp luật cơ bản toàn diện trên các lĩnh vực, có năng lực thực tiễn, có sức khỏe mới có thể làm tốt được vai trò, trách nhiệm của mình. Mặt khác, bí thư, chủ tịch UBND xã còn mất khá nhiều thời gian đi họp (giảm các cuộc họp ở xã nhưng tăng số lượng cuộc họp cấp huyện), ít có thời gian kiểm tra, giám sát công việc, ít thời gian đi cơ sở so với khi chưa đảm nhận bí thư, chủ tịch xã. Điều này dễ dẫn đến tình trạng quan liêu hay chuyên quyền độc đoán.

Chính sách, chế độ đãi ngộ chưa động viên, khuyến khích được cán bộ. Chế độ, chính sách đối Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã chưa thật sự tương xứng với trách nhiệm được giao, chưa là nguồn động lực cho người được phân công bí thư, chủ tịch xã. Trước đây, bí thư xã (không kiêm nhiệm Chủ tịch UBND xã) được hưởng phụ cấp trách nhiệm là 20% của hệ số 2,35; phụ cấp trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã (không đồng thời là Bí thư xã) là 20% của hệ số 2,15. Sau khi thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã thì bí thư, chủ tịch xã cũng chỉ được hưởng phụ cấp trách nhiệm 20% của hệ số 2,35, trách nhiệm tăng nhưng phụ cấp không tăng. Theo quy định hiện hành thì bí thư, chủ tịch UBND xã được hưởng 50% của hệ số 2,35 với điều kiện “giảm được 01 người trong số lượng quy định tối đa”, điều kiện này bắt buộc số lượng cán bộ, công chức cấp xã loại 1 phải nhỏ hơn 23 người; xã loại 2 phải ít hơn 21 người. Thực tế trên 90% các xã ở tỉnh An Giang chưa thể làm được. Do vậy, dù có quy định phụ cấp bí thư, chủ tịch được tăng lên 50% so trước đây là 20% nhưng đa số các xã đều không thực hiện được.

2.3. Bài học kinh nghiệm gợi mở cho các địa phương từ mô hình thực tiễn của tỉnh An Giang

- Thống nhất về nhận thức, xây dựng quyết tâm chính trị thực hiện chủ trương của Đảng

Để có nhận thức đúng, mỗi cán bộ đảng viên, nhất là đảng viên lãnh đạo, người đứng đầu phải nắm rõ, nắm vững chủ trương của Đảng trong từng văn kiện, nghị quyết. Quyết tâm chính trị và sự nhạy bén là yếu tố quan trọng giúp mang lại hiệu quả trong quá trình thực hiện, từ việc làm thí điểm đến việc nhân rộng mô hình luôn đầy rẫy những khó khăn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thẳng thắn nhìn nhận từ thực tế khách quan cả ưu điểm và hạn chế, từ đó tìm ra giải giải pháp khắc phục, kiên trì, cố gắng sẽ mang lại thành công.

- Một bài học kinh nghiệm hết sức quan trọng về công tác cán bộ

An Giang là một tỉnh có địa hình đa dạng: có đồng bằng, có sông, núi, có đường biên giới, có cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu quốc tế, có vùng dân tộc thiểu số. Do vậy, với đặc điểm này, việc xây dựng, bố trí nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị của từng nơi có khác nhau, có tính đến các yếu tố đặc thù nêu trên. Trong đó, đặc biệt là vai trò của người Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ngoài các yêu cầu cơ bản về lập trường tư tưởng, phẩm chất chính trị, trình độ lý luận chính trị, còn phải có năng lực công tác chỉ đạo chuyên môn về quản lý nhà nước đúng pháp luật, đúng thẩm quyền. Đối với các xã vùng dân tộc phải chú ý cơ cấu người dân tộc thiểu số tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước. Đồng thời người lãnh đạo phải là người có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, thực hiện tốt công tác vận động đoàn kết nhân dân ở địa phương ủng hộ, làm theo chính quyền một cách hiệu quả nhất.

- Bài học kinh nghiệm về nguồn nhân lực và việc sử dụng cán bộ

Trong những năm gần đây, thực hiện chiến lược về công tác cán bộ 2016 - 2020 của các địa phương, kết hợp với thực hiện xã nông thôn mới. Trong tiêu chí về hệ thống chính trị (Tiêu chí 18) có quy định: cán bộ, công chức xã đạt chuẩn (Chỉ tiêu 18.1), lãnh đạo địa phương đều thực hiện tốt tiêu chí này, đã góp phần thúc đẩy nhanh việc chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức xã. Tuy nhiên một đặc điểm về vấn đề này cần chú ý đó là nguồn cán bộ và cách sử dụng bố trí cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị nói chung và cán bộ giữ chức vụ Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp nói riêng.

Về nguồn cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cấp xã cần đáp ứng yêu cẩu đổi mới: đủ trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, tuổi đời,…Trong khi đó, yêu cầu của việc tinh gọn bộ máy, công tác thi tuyển công chức hằng năm của tỉnh, huyện khống chế về số lượng,…Điều này dẫn đến việc “lão hóa” dần số lượng cán bộ, công chức xã hiện có mà nguồn bổ sung lại rất hạn chế. Thực tế cho thấy để lựa chọn, bố trí một người giữa cương vị lãnh đạo cấp xã (bí thư đồng thời là chủ tịch UBND) là một việc không hề đơn giản, một bài toán khó đang đặt ra cho cấp ủy cấp trên, đặc biệt là Ban thường vụ huyện ủy các địa phương.

Tuy nhiên, trên thực tế việc sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức dẫn đến sự hoán đổi vị trí công tác giữa cán bộ, công chức cho nhau gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình tiếp cận công việc, triển khai thực hiện nhiệm vụ của các chủ thể này trên thực tiễn của tỉnh An Giang những năm qua.

Với cách sử dụng cán bộ, công chức như vậy khó có thể đảm bảo tính chuyên nghiệp, chưa quen công việc, chưa quen địa bàn, lãnh đạo có khi nặng về chuyên môn quản lý nhà nước (nếu là công chức chuyên môn cấp huyện được bổ nhiệm về làm cán bộ lãnh đạo xã) mà nhẹ về công tác lãnh đạo chính trị tư tưởng, công tác vận động quần chúng và có lúc thì ngược lại: nặng về công tác tư tưởng chính trị (nếu là cán bộ lãnh đạo xã được điều động làm công chức chuyên môn cấp huyện) mà nhẹ về nhà nước pháp quyền. Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển còn có tâm lý chưa an tâm, chưa thật sự toàn tâm, toàn sức để làm tốt nhiệm vụ, vị trí mới được phân công của mình vì những thay đổi tiếp theo.

3. Một số giải pháp đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, từ thực tiễn tỉnh An Giang

3.1. Về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp

Về mặt lý luận, tuy có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về vấn đề này, nhưng cũng chỉ là sự lắp ghép giữa 2 quy định (quy định của Đảng về bí thư và quy định của pháp luật về chủ tịch UBND). Theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện nay vẫn chưa có văn bản nào của Đảng, Nhà nước làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã. Do vậy, một yêu cầu cấp bách trong tình hình mới hiện nay là xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của UBND cấp xã. Để có thể thực hiện cơ bản mô hình này trong cả nước cần có sự phù hợp giữa các quy định của Đảng và pháp luật nhà nước.

Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cần được tiếp tục bổ sung, sửa đổi theo hướng làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bí thư, chủ tịch UBND xã cho phù hợp với thực tế có nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã và đang thực hiện mô hình này. Trong đó cần quy định rõ bí thư, chủ tịch UBND xã là người đứng đầu cơ quan hành chính cấp xã, có toàn quyền quyết định các vấn đề về công tác đảng, công tác nhà nước của chính quyền địa phương cấp xã.

Chính phủ cần xem xét sửa đổi quy định chế độ phụ cấp kiêm nhiệm của bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã theo hướng bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã được hưởng 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức danh kiêm nhiệm khi số lượng cán bộ, công chức cấp xã không vượt quy định tối đa 23 người đối với xã loại 1, không quá 21 người đối với xã loại 2 (quy định hiện hành tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019, bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm 50% phải có số lượng cán bộ, công chức cấp xã nhỏ hơn quy định tối đa).

Việc tổ chức cho nhân dân trực tiếp bầu người đứng đầu cấp xã, Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XII đã nêu chủ trương: “Thực hiện thí điểm nhân dân trực tiếp bầu một số chức danh ở cơ sở và ở cấp huyện”. Tuy nhiên, bí thư cấp ủy là đảng viên do tổ chức Đảng, Đại hội đảng viên bầu. Do vậy, việc tổ chức cho nhân dân (cử tri) trực tiếp bầu bí thư, chủ tịch xã cần có Đề án với lộ trình phù hợp, đủ thời gian bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng, Quy chế bầu cử trong Đảng làm cơ sở, định hướng cho việc sửa đổi nội dung các văn bản luật tương ứng như Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật bầu cử Đại biểu HĐND các cấp. Trong đó quy định rõ: Chủ tịch UBND xã do nhân dân (cử tri) trực tiếp bầu theo nguyên tắc bình đẳng, phổ thông, bỏ phiếu kín. Quy định rõ các nội dung, nguyên tắc mà bí thư, chủ tịch xã được quyền vận động tranh cử và không được vận động tranh cử. Thời gian cần thiết để thực hiện các nội dung này cần sớm xây dựng Đề án kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc Khóa XIII.

3.2. Yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực

Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp là người có đầy đủ quyền lực ở địa phương, người này nắm cả quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước. Do vậy, cơ chế kiểm soát quyền lực cần được nghiên cứu từ góc độ cơ sở nền tảng, kết hợp những giải pháp cụ thể sát hợp với từng địa phương, vùng miền, phong tục tập quán, dân tộc, tôn giáo, vị trí địa chính trị của từng nơi khác nhau. Mô hình này vẫn đang cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện. Để kiểm soát quyền lực của bí thư, chủ tịch UBND xã chúng ta cần quan tâm các vấn đề sau:

Kiểm soát đầu vào của người sẽ được giao nắm giữ quyền lực, đó là làm thật tốt công tác cán bộ (Quy hoạch, đào tạo, phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực công tác thực tiễn). Xây dựng hệ thống thể chế về công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ và công chức rõ ràng, tách bạch, không chồng chéo, có tính chuyên nghiệp cao, hạn chế đên mức thấp nhất điều động qua lại lẫn nhau giữa cán bộ và công chức.

Hoàn thiện Quy chế hoạt động của cấp ủy theo mô hình mới (bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cùng cấp) thống nhất cơ bản theo hướng dẫn của Trung ương, có vận dụng theo thực tế của địa phương. Từng bước hoàn thiện pháp luật về chính quyền địa phương (Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính quyền địa phương theo hướng ghi nhận mô hình mới), làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp.

Kiểm soát thực thi quyền lực, sử dụng đồng bộ, hiệu quả các công cụ kiểm soát thực thi quyền lực: công cụ của Đảng, công cụ của Nhà nước, công cụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân. Công cụ của Đảng: Cương lĩnh, nghị quyết, điều lệ, quy chế, quy định. Công cụ của Nhà nước: Pháp quyền XHCN, cơ chế, chính sách, pháp luật, thanh tra, kiểm tra.

Công cụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân giữa vai trò quan trọng và mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền vững mạnh. Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân theo hướng chủ động xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra, giám sát, phản biện hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và hoạt động của bí thư cấp ủy nói riêng. Kiên quyết loại bỏ tư tưởng trông chờ, hoạt động còn có tính rập khuôn, máy móc, mạnh dạng chỉ ra những mặt còn hạn chế của Đảng, chính quyền địa phương.

3.3. Xây dựng cơ chế xử lý vi phạm quyền lực

Thống nhất, tập trung quyền lực, quản lý nhà nước và quyền lực chính trị của Đảng là yêu cầu cần thiết mang bản chất của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Tuy vậy, việc phân định rõ phạm vi quyền lực chính trị, cơ chế kiểm soát giữa các thiết chế trong hệ thống chính trị cũng đặc biệt quan trọng ở nước ta hiện nay. Đây là một vấn đề quan trọng, cần được thực hiện nghiêm từ Trung ương đến địa phương. Việc thực hiện xử lý đối với người nắm giữ quyền lực (Bí thư cấp ủy) sẽ có liên quan nhiều người, nhiều vấn đề,…Trước tiên cần hoàn thiện chế định vi Hiến đã được nêu trong Văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng Khóa XII, các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, quy định về người lãnh đạo (Bí thư cấp ủy) không phải là người địa phương.

4. Kết luận

Việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tại các địa phương là yêu cầu tất yếu, phụ thuộc vào nhận thức, quyết tâm chính trị của các địa phương. Quá trình đó đã chuyển hóa các lý luận chính trị, pháp lý vào thực tiễn và được thực thực tiễn kiểm chứng đầy đủ. Bài viết phản ánh thực trạng thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh An Giang với nhiều kết quả tích cực, mức độ, phạm vi thực hiện đã cơ bản và những vấn đề từ thực tiễn đặt ra, góp thêm cơ sở thực tiễn để Đảng và Nhà nước nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế về các mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp ở nước ta trong thời gian tới đây./.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) - Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18 tháng 03 năm 2002 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

2. Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) - Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02/02/2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

3. Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) - Kết luận số 64-KL/TW ngày 28 tháng 05 năm 2013 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.

4. Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII) - Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 Khóa XII, Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

5. Ban Tổ chức Trung ương - Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện 5 năm thí điểm mô hình “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã” ở nước ta.

6. Tỉnh Ủy An Giang - Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24/6/2002 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

7. Tỉnh Ủy An Giang - Chương trình hành động số 19-Ctr/TU ngày 19/4/2018 thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương.

8. ThS. Phan Thị Tuyết Minh - Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Giải pháp đẩy nhanh thực hiện mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ở tỉnh An Giang" năm 2019.

TS. Nguyễn Văn Đại - Giảng viên Trường Đại học Vinh

CN. Vũ Quang Hưng - Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

các tin khác