Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Góp phần tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “ý chí tự lực tự cường”

03:19 25/11/2021

ThS. Nguyễn Xuân Mỹ

Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

1. Đặt vấn đề
Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. 

Năm 2021 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen, nhiều vấn đề chiến lược mới đặt ra cần phải giải quyết. Tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp. Đại hội đã thành công tốt đẹp. Sau Đại hội, cán bộ, đảng viên, nhân dân mong muốn và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để khơi thông mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiếp tục đà phát triển đất nước nhanh và bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 25/7/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng đã biên soạn, ban hành tài liệu chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh toàn khóa: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Trong phạm vi bài viết, tác giả xin trao đổi một vài nội dung nhằm góp phần tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “ý chí tự lực tự cường”.

2. Nội dung

Ý chí được hiểu “là quyết tâm sắt đá là nghị lực phi thường quyết làm bằng được, thực hiện bằng được mục đích đề ra”. Ý chí tự lực Là quyết tâm tự mình làm lấy, không dựa dẫm vào ai. Tự cường Quyết tâm tự mình làm mình mạnh lên, chứ không phải dựa vào sức mạnh của người khác. Ý chí tự lực tự cường: Là phương pháp tạo ra sức mạnh để hiện thực hóa khát vọng. Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng về quyền sống chân chỉnh của dân tộc đã bồi đắp tư tưởng, sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và lan tỏa trong mọi giai tầng xã hội Việt Nam. Nói cách khác, chính chủ nghĩa yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước “đàng hoàng”, “to đẹp” đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mảc-Lênin, đặt nền móng cho sự phát triển tư tưởng mácxít ở Việt Nam, tạo ra những điều kiện căn bản, tiên quyết đưa đến những thành công của cách mạng nước nhà.

Trước đòi hỏi mới của sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, có một con người, một yếu nhân lịch sử đã xuất hiện để đáp ứng yêu cầu lịch sử, đó là Nguyễn Tất Thành - người đã tận mắt chứng kiến sự bóc lột, cai trị hà khắc của chính quyền thực dân, phong kiến; chứng kiến các phong trào đấu tranh của nhân dân ta đã bị đàn áp dã man. Với lòng yêu nước, thương dân, mang trong mình truyền thống bất khuất của dân tộc, mặc dù rất khâm phục những người lãnh đạo, những người tham gia các phong trào đấu tranh chống xâm lược, nhưng Nguyễn Tất Thành không hoàn toàn tán thành cách làm của các vị tiền bối. Động cơ tìm đường cứu nước thoát khỏi ách nô lệ đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành đi ra ngoài, đến nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào, sẽ trở về giúp đồng bào ta.

Để thực hiện quyết tâm, hoài bão của mình, Nguyễn Tất Thành xin làm phục vụ trên con tàu mang tên Latutsơ Tơrêvin, (thuộc hãng tàu buôn của Pháp). Ngày 5-6-1911, con tàu nhổ neo từ bến cảng Sài Gòn hành trình đến thành phố cảng Mácxây - Cộng hòa Pháp. Hành trang mang theo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vốn tiếng Pháp ít ỏi và hai bàn tay trắng. Khi đó, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ được 21 tuổi. Nhờ đâu Người có được ý chí đó, chính là ở chủ nghĩa yêu nước, yêu nước thương dân. Quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước đúng đắn giải phóng dân tộc khỏi áp bức, bóc lột, mang đến cho nhân dân cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc thật sự.

30 năm bôn ba nước ngoài, để có chi phí tiếp tục hoạt động, Bác làm đủ thứ nghề: giao báo, quét tuyết, phụ bếp. Đi đến nhiều quốc gia, Bác tự mình làm giàu trí tuệ của mình. Bác tự học ngoại ngữ, Bác tự học làm báo, viết những bài báo dài rồi rút gọn lại thành bài báo ngắn. Bác học cách các lãnh tụ trên thế giới xây dựng và quản lý đất nước. Những người bạn Quốc tế khi tiếp xúc với Bác đều có chung 1 cảm nhận là ở Hồ Chí Minh toát lên một trí tuệ rộng lớn với vốn hiểu biết văn hóa và ứng xử của Người.

Ở đây, cần hiểu rõ tự lực tự cường không có nghĩa là không cần nhờ ai, tất nhiên trong cuộc sống chúng ta đều cần phải có sự giúp đỡ của người khác, nhưng theo quan điểm của Hồ Chí Minh thì: “trước khi người khác giúp mình thì mình phải tự giúp mình”, mình cần phải nổ lực. Thực tiễn cách mạng nước ta từ khi có Đảng, nhất là thực tiễn 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã thể hiện rõ ý nghĩa của nhận định ấy. Trong đó, yếu tố tự lực, tự cường, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc ta, đóng vai trò quyết định và chính nhờ có nó chúng ta mới nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế và cũng từ đó chúng ta mới có năng lực để biến sự giúp đỡ thành những giá trị cụ thể.

Đây là quan điểm giải quyết mối quan hệ bên trong và bên ngoài đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta không thể nói chúng ta phát triển đất nước mà không có sự giúp đỡ của của quốc gia khác. Bác Hồ nói: “Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”.

Giữa ý chí và khát vọng có mối quan hệ với nhau. Có khát vọng là một điều, để biến khát vọng thành hiện thực thì phải có ý chí. Ý chí dẫn đường cho chúng ta đi, khiến chúng ta có sức mạnh đứng dậy khi bị vấp ngã. Ngược lại, có ý chí nhưng không biết khát vọng của mình là gì thì phí một đời người. Loay hoay mãi vẫn không thành công. Nhưng ý chí phải là ý chí tự lực tự cường. Tự mình thực hiện không dựa dẫm, ỷ lại vào bất cứ thế lực nào.

Trong lịch sử dân tộc: ông cha ta đã để lại cho thế hệ chúng ta bài học về tự lực tự cường. thể hiện ở ý thức và việc tiến hành xây dựng toàn diện đất nước phát triển của các quốc gia phong kiến Việt Nam bên cạnh một nước láng giềng có dân số và diện tích gấp chúng ta mấy lần.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, lập ra nhà Đinh, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đặt niên hiệu là Thái Bình, bỏ dùng niên hiệu của Hoàng đế Trung Hoa. Đây là biểu hiện của tinh thần tự cường dân tộc. Ý chí tự lực tự cường thể hiện thời Trần 3 lần chống quân Nguyên Mông xâm lược. Qua Bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của Lý Thường Kiệt, Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi và câu nói bất hủ của Nguyễn Huệ khi đem quân ra Bắc dẹp tan 20 vạn quân Thanh xâm lược: đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, kế thừa tư tưởng của ông cha ta trong lịch sử, Ý chí tự lực tự cường được Hồ Chí Minh phát huy trong lãnh đạo toàn dân làm cách mạng giành độc lập dân tộc và tiến tới xây dựng nước nhà. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Hồ Chủ tịch nói: “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Từ năm 1965, Mỹ đổ năm mươi vạn quân vào miền Nam, ném bom cực kỳ dữ dội ở miền Bắc. Lúc này dư luận thế giới ít ai tin rằng Việt Nam có thể duy trì cuộc chiến đấu lâu dài, đừng nói chi là chiến thắng. Tháng 7 năm 1968, Hồ Chủ tịch kêu gọi: “Chúng (đế quốc Mỹ) có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân, hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được ý chí sắc đá, quyết tâm chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng”.

Khi Việt Nam bị bao vây cấm vận sau chiến tranh, ý chí tự lực tự cường của dân tộc là nguồn lực nội sinh giúp chúng ta hồi sinh trong chiến tranh tàn phá nặng nề….Trong bối cảnh Liên Xô và các nước Đông Âu bị khủng hoảng dẫn đến sụp đổ mô hình xã hội chủ nghĩa thì Việt Nam vẫn kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là tự lực tự cường của ta. Từ một nước nghèo, kém phát triển sau năm 1975, chỉ hơn 40 xây dựng và phát triển, Việt Nam ngày nay trở thành một nước đang phát triển, được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá là một trong những nước đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc. Điều này đã được Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường bao gồm 5 vấn đề lớn:

+ Ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điếm độc lập trong quan hệ quốc tế

+ Ý chí tự lực, tự cường là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng

+ Ý chí tự lực, tự cường là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng

+ Ý chí tự lực, tự cường là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân

+ Ý chí tự lực, tự cường là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc

Trong thời gian tới, tình hình thế giới “tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường”. Đáng chú ý là vấn đề toàn càu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng cũng đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vấn đề cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt...lợi ích quốc gia, dân tộc là nhân tố quyết định để mỗi quốc gia dân tộc tham gia vào các mối quan hệ quốc tế, hội nhập quốc tế thành công. Ngoài tiềm lực kinh tế, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển của toàn dân tộc là chỗ dựa và điều kiện căn bản, cốt lõi để mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang có tác động mạnh mẽ đến Việt Nam càng đòi hỏi Việt Nam phải luôn giữ vững độc lập, tự chủ, tự cường, khát vọng phát triển để bảo vệ vững chắc môi trường hòa bình, tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức đối với độc lập, hòa bình và phát triển của dân tộc.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nghị quyết Đại hội khẳng định: “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.

Nghị quyết Đại hội cũng nhấn mạnh: Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ; cấp uỷ cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi có vấn đề phức tạp, có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Trên tinh thần đó, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ cách mạng trong các giai đoạn lịch sử.

3. Kết luận

Thực tiễn 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thể hiện một cách sinh động ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc ta. Những thành tựu của công cuộc đổi mới là nền tảng quan trọng giúp chúng ta củng cố niềm tin, sự quyết tâm, nỗ lực, tiếp tục thúc đẩy con đường đi lên của dân tộc. Hơn lúc nào hết, cần phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển của toàn dân tộc làm động lực cho sự phát triển trong giai đoạn phát triển mới./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

2. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (2021): Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc (tài liệu sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị toàn khóa.

các tin khác