Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất của dân tộc Việt Nam

10:40 23/10/2019

          Đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân dân tộc Tày có truyền thống yêu nước và hiếu học tại làng Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên - nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Tên khai sinh là Hoàng Ngọc Thụ; lúc nhỏ là Hoàng Hảo Do, trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí mang nhiều bí danh như Lô Minh Hạ, Lý, Giáo, Vân…

          Khi còn nhỏ, cậu bé Hoàng Hảo Do đã nhận thức được tình cảnh lầm than của dân tộc trước sự đàn áp đô hộ của thực dân Pháp, song song đó là các phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi, đặc biệt là cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (1926) đã thôi thúc Hoàng Văn Thụ cùng nhóm học sinh yêu nước trong Trường Tiểu học Pháp - Việt tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; rồi sau đó tham gia rải truyền đơn ở thị xã Lạng Sơn. Hưởng ứng cuộc vận động cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri và một số học sinh ở trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn đã bí mật tiếp nhận, phân phát sách báo và tài liệu của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, vận động tổ chức Nhóm học sinh yêu nước tại trường, rồi tìm cách liên lạc với các cán bộ của Hội.

          Cuối năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/2/1930, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Chi bộ Đảng phân công phụ trách để phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cách mạng, ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Biết là cán bộ cao cấp của Đảng, Phủ Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho Sở mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt đồng chí Hoàng Văn Thụ khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình. Song vẫn không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ. Trong cơn đau thể xác do kẻ thù tra tấn, Đồng chí vẫn kiên cường bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng chí, động viên mọi người nhớ đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân.

          Bất lực trước ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ, ngày 21/12/1943, thực dân Pháp cho mở cái gọi là “Toà án đại hình” để xử tội đối với đồng chí. Tại phiên toà, chúng còn cho một số anh em tù chính trị của ta tới dự, hòng gây áp lực đánh vào tinh thần của các đồng chí của ta đang bị giam cầm tại nhà tù Hoả Lò, Hà Nội. Tuy nhiêm với tinh thần gan thép quả cảm của người chiến sĩ cách mạng, đồng chí đã dùng phiên tòa làm nơi luận tội kẻ thù, tuyên truyền đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, kêu gọi các đồng chí của mình nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ, tiêu diệt đế quốc, giải phóng đất nước. Trong phiên xử, căn cứ vào hồ sơ, tòa kết án 20 năm tù. Nhưng Tên E. Lanéc – Phó Chánh Sở Mật thám hằn học nói tại phiên tòa: “Hoàng Văn Thụ là một lãnh tụ cách mạng. Không xử tử hắn thì không thể đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam được”. Bản án tử hình đã được tòa án thực dân tuyên với đồng chí Hoàng Văn Thụ. 

          Với ý chí kiên cường và tâm hồn lạc quan của một người cộng sản, ngay trong những ngày trước khi lĩnh án tử hình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã làm những vần thơ đầy dũng khí cách mạng nhắn nhủ lại đồng chí, đồng bào của mình:

Việc nước xưa nay có bại thành

Miễn sao giữ trọn được thanh danh

Phục thù chí lớn không hề nản

Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.

Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm

Chí còn theo dõi buổi tung hoành

Bạn hỡi xa gần hăng chiến đấu

Trước, sau xin giữ tấm lòng thành”.

          Rạng sáng ngày 24/5/1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị giải ra pháp trường. Trước câu hỏi: “Anh có muốn nói gì nữa không?”, đồng chí dõng dạc tuyên bố: “Không cần nói gì nữa! Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những kẻ cướp nước, sự hi sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng, cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Viên giám mục hỏi: “Anh có muốn rửa tội không?”, đồng chí Hoàng Văn Thụ nói: “Cảm ơn ông. Tôi không có tội! Nếu yêu nước, cứu nước mà có tội, thì những người Pháp hiện giờ đang đấu tranh trên đất nước ông đều là có tội cả. Ông hãy về hỏi xem họ có tội không?”. Và, trong giờ phút vĩnh biệt đồng bào, đồng chí của mình, Đồng chí đã nêu cao khí phách của người chiến sĩ cộng sản, hiên ngang trước quân thù, hô vang:

- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!

- Việt Nam độc lập muôn năm!

          Mười lăm năm sau, vào tháng 5/1959, trong bài “Viếng mộ anh Hoàng Văn Thụ”, đồng chí Trường Chinh viết về đồng chí Hoàng Văn Thụ là “Người cộng sản anh hùng - Đã cảm tử cho Đảng quyết sinh”.

          Thời gian trôi qua, đất nước đã hòa bình, nhân dân đã được ấm no hạnh phúc, nhưng sâu thẳm trong mỗi con người Việt Nam đang sống, đang hưởng nền tự do hôm nay mãi nhớ đến sự hy sinh anh dũng và tinh thần quả cảm của những người chiến sĩ đã nằm xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc. Đối với anh hùng Hoàng Văn Thụ là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo về tinh thần yêu nước, giác ngộ lý tưởng cộng sản và kiên định lập trường giai cấp công nhân. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của anh trước pháp trường mãi mãi là bản anh hùng ca về khí tiết của người cộng sản trước quân thù và tình cảm nồng thắm, nhân văn với đồng bào, đồng chí. Thể hiện phẩm chất đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản luôn nêu cao ý thức chấp hành tổ chức, kỷ luật của người đảng viên cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; có tinh thần đứng mũi chịu sào, ý thức trách nhiệm cao với công việc. Giữ nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng, nhưng Đồng chí không màng danh lợi cho bản thân, sống bình dị, nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tụy phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng chí là một mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, luôn chăm lo đoàn kết đồng chí, đồng bào, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, đầu hàng, phản bội.

            Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 - 04/11/2019) - là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất của người con ưu tú của mảnh đất Xứ Lạng đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc. Đây cũng là dịp để tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối; qua đó khơi dậy ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Lê Châu Mỹ Hoa - Khoa Lý luận cơ sở

các tin khác