Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến giáo dục việt nam hiện nay

03:35 11/10/2019

 Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giáo dục Việt Nam tất yếu sẽ chịu ảnh hưởng ngày càng tăng của giáo dục quốc tế vốn phát triển mạnh mẽ. Làn sóng toàn cầu hoá mang lại cho giáo dục Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít những khó khăn và thách thức. Để thích ứng trước tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục Việt Nam cần có sự chuẩn bị những giải pháp đồng bộ trên nhiều mặt, nhiều nội dung để chủ động thích ứng với những yêu cầu của cuộc cách mạng này đặt ra.

Trong những năm gần đây, thuật ngữ “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” hay “Cách mạng công nghệ 4.0” (Fourth Industry Revolution - FIR) đã trở nên quen thuộc. Cho đến nay, nhân loại đã chứng kiến nhiều cuộc cách mạng lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới được bắt đầu ở nước Anh vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, mở đầu với sự cơ giới hóa ngành dệt may. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, gắn với sự ra đời của điện năng và các mô hình các dây chuyền sản xuất và lắp ráp. Đến những năm 60 của thế kỉ XX, loài người diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba gắn với những thành tựu như máy tính cá nhân, chất bán dẫn, Internet... Đến đầu thế kỉ XXI, những biến đồi to lớn gắn với thời đại bùng nổ của công nghệ “thông minh”, công nghệ “ảo” đã đưa tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới bước vào giai đoạn đầu của FIR.

Về khái niệm, Cách mạng công nghiệp 4.0 “là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo... là một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (IOT) và Internet của các dịch vụ (IOS)”.

Như vậy, FIR là cuộc cách mạng không giống với bất cứ điều gì nhân loại đã từng trải qua về quy mô, phạm vi và độ phức tạp của nó”, bởi sự xuất hiện của các đột phá kết hợp với sự phổ rộng của Internet như: AI (trí thông minh nhân tạo), IOT (mạng lưới vạn vật kết nối Internet), công nghệ in 3D, cộng nghệ nano, công nghệ sinh học, y học, vật lý, rô bốt, phương tiện không người lái...

Ở Việt Nam hiện nay, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng thực tế còn rất sơ khai. Việc chế tạo và sử dụng rô-bốt chủ yếu chỉ trong hoạt động giảng dạy của một số trường đại học, máy in 3D còn nhiều hạn chế, chưa có nhà máy thông minh, nông nghiệp sạch, công nghệ cao mới chỉ đang được triển khai thử nghiệm. Riêng ngành công nghệ thông tin là một điểm sáng của cả nước. Theo nhận định của các chuyên gia thì Việt Nam gần như đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp 1.0 và 2.0. Vài chục năm trở lại đây Việt Nam đã có bước hội nhập vào cuộc Cách mạng công nghiệp 3.0. Còn cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì chúng ta được đánh giá là “chớm nở”. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã xây dựng cho mình một nền tảng về viễn thông tốt để có thể triển khai các dịch vụ kết nối phục vụ cho điều hành và sản xuất.

Trong Cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục phải là ngành đi đầu vì để hội nhập và thực hiện thành công Cách mạng công nghiệp 4.0 thì phải có con người 4.0. Đây chính là vấn đề con người, nhân lực. Việc đào tạo nguồn nhân lực phải đáp ứng yêu cầu của xã hội cả về số lượng và chất lượng. Sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến giáo dục là một tất yếu khách quan bởi cuộc cách mạng này tác động một cách toàn diện và sâu sắc đến tất cả các ngành, các lĩnh vực. Do vậy, nó buộc các quốc gia phải xây dựng một nền giáo dục thông minh (Giáo dục 4.0). Đây có thể được xem là cơ hội cho các trường trong hệ thống giáo dục ngày càng phát triển và tăng sức cạnh tranh trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Để làm được điều đó, các trường phải thay đổi căn bản về mọi mặt theo hướng hiện đại, tăng cường kết nối giúp cho người dạy và người học có thêm nhiều cơ hội trong nghiên cứu và học tập.

Căn cứ vào các đặc tính của Cách mạng công nghiệp 4.0 chúng ta có thể thấy rằng giáo dục 4.0 yêu cầu rất cao trong khi nền giáo dục của chúng ta hiện nay còn rất hạn chế. Ở Việt Nam, đã có một số trường đã xây dựng được các nền tảng cơ bản để đáp ứng được yêu cầu của nền giáo dục thông minh. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục và đào tạo nước ta hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động kể cả trong nước cũng như quốc tế. Điều đó do nhiều yếu tố, ngoài vấn đề kiến thức lý thuyết, thực hành thì kỹ năng cũng là vấn đề hết sức quan trọng.

Theo đánh giá của chuyên gia thì sản phẩm của giáo dục của nước ta hiện nay còn thua kém về kỹ năng, tác phong làm việc, trình độ ngoại ngữ, tin học so với mặt bằng thế giới. Để có thể xây dựng một nền giáo dục thông minh chúng ta cần thực hiện đồng bộ các vấn đề như xây dựng chương trình đào tạo và phương thức đào tạo linh hoạt gắn với xây dựng các kỹ năng cần thiết; tạo động lực cần thiết để thúc đẩy người dạy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sáng tạo, khởi nghiệp; xây dựng mô hình lớp học thông minh; đối với trường đại học phải hướng tới việc kết nối địa phương, công nghiệp…

Thực trạng giáo dục hiện nay ở nước ta cho thấy về chương trình còn lạc hậu so với yêu cầu, về năng lực của đội ngũ ngành giáo dục vẫn còn hạn chế nhất là về tin học và ngoại ngữ, về cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu người học... Trong khi đó, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người học, người lao động phải năng động, tự lập, tự do, tự học, tự nghiên cứu và tự sáng tạo. Chính vì vậy, cần một chương trình giáo dục linh hoạt, phương pháp dạy phải gắn lý luận với thực hành. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục phải đáp ứng cao nhất cho việc dạy và học. Có thể thấy sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với giáo dục là rất lớn. Vì vậy, người thầy trong Cách mạng công nghiệp 4.0 cần trang bị cho những kỹ năng, kiến thức chuyên môn ngày càng cao để có thể tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng này.

Trước hết, người thầy phải xác định đúng vai trò của mình, phải là người hướng dẫn, định hướng cho người học trong học tập và nghiên cứu. Người thầy phải là những người giỏi, thành thục về chuyên môn, nghiệp vụ và chỉ có như vậy mới có thể tạo ra trò giỏi và dẽ không có trường hợp ngược lại.

Thứ hai, đổi mới cách truyền thụ kiến thức sang việc hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học. Đồng thời, trang bị cho người học vốn kiến thức kỹ năng cần thiết như: kĩ năng sử dụng ngoại ngữ; kĩ năng sử dụng tin học; kĩ năng tư duy; kĩ năng sáng tạo;… chuyển đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả số lượng, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là chú trọng giáo dục nhân cách gắn với phát huy tốt nhất tiềm năng cá nhân.

Thứ ba,, người thầy phải là tấm gương trong đổi mới và sáng tạo, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu. Để tạo ra được những con người như thế nhà giáo phải luôn có ý tưởng mới, đi trước thời đại, chỉ dẫn, khai sáng, thúc đẩy, tìm tòi và tạo điều kiện để người học phát huy khả năng tiềm ẩn của mình, tự do sáng tạo và phát triển.

Việc nghiên cứu vấn đề Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động của nó đến ngành giáo dục là cơ sở để chúng ta nhìn lại một cách toàn diện và đồng bộ nền giáo dục Việt Nam và vị trí vai trò của người giáo viên trong thế kỷ XXI. Đây cũng là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội nhằm đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt trước tác động mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

* Tài liệu tham khảo

1. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (2017), Tổng luận “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

2. Học viện chính trị khu vực II (2018), Tài liệu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, Tp. Hồ Chí Minh.

3. Trần Thị Vân Hoa (2018), Cách mạng công nghiệp 4.0: Vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Phan Xuân Dũng (2018), Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư - Cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

5. Klaus Schwab (2016), Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Đồng Bích Ngọc - Trần Thị Mỹ Anh dịch), Nxb. Lao động - Xã hội.

Dương Thị Bích Thủy - Khoa Xây dựng Đảng

các tin khác