Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Cách mạng là sáng tạo

01:37 20/05/2020

V.I. Lê-nin lãnh tụ thiên tài của nước Nga đã lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh V.I. Lê-nin (22/4/1870 - 22/4/2020) chúng ta ôn lại quá khứ hào hùng, sáng tạo trong lãnh đạo cách mạng của Người: Học tập tinh thần của V.I. Lê-nin: “Cách mạng là sáng tạo”. Cách mạng là sáng tạo, những chỉ dẫn của V.I. Lê-nin vẫn sống động bởi những giá trị sâu sắc, có tính định hướng đối với những người cộng sản ở Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trong tiến trình cách mạng của nước ta thời gian qua.

Dưới ánh sáng của Luận cương tháng Tư và sự chỉ đạo của V.I. Lê-nin, những người Bônsevic đã xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất là phải lôi cuốn đông đảo nhân dân lao động về phía cách mạng; thành lập lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị.

Những người Bônsevic Nga đã có một quá trình lâu dài chuẩn bị lực lượng về mọi mặt tổ chức, chính trị, quân sự, tư tưởng cho Cách mạng Tháng Mười 1917 thắng lợi. Dưới ánh sáng của Luận cương tháng Tư và sự chỉ đạo của V.I. Lê-nin, những người Bônsevic đã xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất là phải lôi cuốn đông đảo nhân dân lao động về phía cách mạng; thành lập lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị.

Lực lượng Cận vệ đỏ ra đời là một sáng tạo của V.I. Lê-nin, phát triển và hiện thực hóa những lý luận về chính quyền và giành chính quyền của giai cấp vô sản. Những đội Cận vệ đỏ được thành lập tại các nhà máy, khu phố ở 146 thành phố trên khắp nước Nga. Các chiến sỹ Cận vệ đỏ luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh ở thủ đô Petrograd (nay là Saint Peterburg) và các địa phương. Những hoạt động của họ gây được tiếng vang lớn. Khi tình thế cách mạng càng ngày càng nóng bỏng, các đội Cận vệ đỏ là lực lượng quân sự nòng cốt, đồng thời là lực lượng chính trị xung kích quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa ở Petrograd đã nổ ra và giành thắng lợi trong thời điểm những người cách mạng không thể hành động chậm trễ hơn kẻ thù. Nhưng đó là cuộc khởi nghĩa nổ ra trong tình thế đã chín muồi, hoàn toàn không phải là một cuộc khởi nghĩa non và thắng lợi nhờ may rủi.

Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ở Việt Nam là kết quả của đường lối đúng đắn kiên trì xây dựng lực lượng cách mạng, là kết quả sự kết hợp sức mạnh của lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, lực lượng lãnh đạo, lực lượng quần chúng. Cả dân tộc Việt Nam đã đứng dậy chớp thời cơ lịch sử để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Việt Nam học được bài học trực tiếp từ Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 và đã vận dụng đạt kết quả xuất sắc trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945.

Trong kháng chiến chống pháp chúng ta đã thực hiện tốt chủ trương trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, chiến dịch Điện Biên Phủ chúng ta đã chuyển từ đánh nhanh thắng nhanh sang phương án đánh chậm và chắc. Trong đại thắng mùa xuân 30/4/1975, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước chúng ta đã thực hiện tốt phương châm bí mật, thần tốc, bất ngờ.

 V.I. Lê-nin luôn đấu tranh không khoan nhượng với những yếu kém, khuyết điểm của bộ máy Nhà nước xô-viết. Với sự phân tích khoa học và đánh giá chính xác về thực trạng bộ máy của Bộ dân ủy thanh tra công nông, V.I. Lê-nin đã nhìn thấy những yếu kém của cả bộ máy Nhà nước xô-viết lúc đó. Đây là sự thừa nhận rất dũng cảm, rất cách mạng mà về sau chính những người cộng sản nhiều khi cũng không có được.

Lê-nin cho rằng: Cải tổ bộ máy Nhà nước “cần phải có thời gian” nhưng đồng thời lại phải “làm ngay từng bước”. Đây là công việc rất khó khăn nhưng không thể không làm. Bộ máy Nhà nước mạnh mẽ không phải do số lượng và quy mô mà chủ yếu do chất lượng hoạt động của nó. V.I. Lê-nin yêu cầu phải “vứt bỏ những tiêu chí chung về số lượng”. Nhân viên của bộ máy đó phải có chất lượng cao và thật sự gương mẫu. V.I. Lê-nin đã nêu phương châm cho những giải pháp cải tổ bộ máy nhà nước thật ngắn gọn mà sâu sắc: Thà ít mà tốt. V.I. Lê-nin cũng nhấn mạnh vai trò của công tác kiểm tra, thanh tra phải được coi là một nội dung cơ bản của công tác quản lý nhà nước.

Theo Lê-nin: Không được thỏa mãn, chủ quan với các quyết định mà phải thường xuyên kiểm tra lại tính đúng đắn của các quyết định đó. Cũng qua công tác thanh tra, kiểm tra có thể phát hiện những cái mới, cái tốt.

Phương châm “thà ít mà tốt” của V.I. Lê-nin vẫn mang ý nghĩa thời sự trong việc xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống bộ máy nhà nước và cả các tổ chức, các cơ quan khác trong hệ thống chính trị của nước ta hiện nay. Thực hiện chủ trương của Đảng về thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch, sát nhập các cơ quan tổ chức có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau. Ứng dụng tin học trong các dịch vụ công (An giang người dân sử dụng zalo để giao dịch) với bộ phận “một cửa”. Chúng ta tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính với đòi hỏi cao hơn về chất lượng và hiệu quả. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, các ngành và chính quyền các cấp trên tất cả các lĩnh vực của đất nước. Cùng với cải tiến cơ cấu tổ chức bộ máy là cải tiến chế độ công vụ, tiết kiệm chi tiêu công, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về phẩm chất và năng lực, thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch và xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm tăng cường kỷ cương, phép nước.

Năm 1921, giữa vô vàn khó khăn vì sự bao vây của các nước tư bản đế quốc, để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, V.I. Lê-nin đã đưa ra Chính sách kinh tế mới (NEP). Đây là một đột phá mạnh mẽ trong tư duy kinh tế - chính trị để xây dựng đất nước trong hòa bình, là bước phát triển quan trọng về lý luận xây dựng Chủ nghĩa xã hội (CNXH) trong hiện thực.

Nhìn từ thực tiễn và với quan điểm biện chứng, hiểu rõ những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra, V.I. Lê-nin thấy rõ những biểu hiện khủng hoảng trầm trọng có nguyên nhân do chính sách Cộng sản thời chiến trong giai đoạn trước. Từ những nhận định này, V.I. Lê-nin đã đưa ra những phương thức chuyển đổi một cách cơ bản những chính sách cũ không còn phù hợp bằng Chính sách kinh tế mới (NEP) với những luận điểm nổi bật mang tính cách mạng, bước ngoặt và đột phá trong tư duy. Trong NEP, những nội dung nổi bật được V.I. Lê-nin đốc thúc thực hiện cấp bách trong thực tiễn bằng những biện pháp quyết liệt là: Phát triển tối đa lực lượng sản xuất; tổ chức thị trường, chấn hưng thương nghiệp; sử dụng cơ cấu kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. NEP được đưa ra dựa trên sự nhìn nhận sửa chữa những sai lầm từ thực tiễn dẫn tới khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội sau nội chiến. Kết luận lớn nhất rút từ những sai lầm đó là không thể nóng vội thực hiện quá độ trực tiếp lên CNXH với một nước chủ nghĩa tư bản chưa phát triển cao như Nga. V.I. Lê-nin cho rằng “Thời kỳ quá độ (phải) là một loạt những bước quá độ” - phải qua những con đường gián tiếp chứ không phải “quá vội vàng, thẳng tuột, không được chuẩn bị”.

Hoàn cảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 80 có nhiều nét tương tự như bối cảnh Liên Xô những năm 20 của thế kỷ 20. Trong bối cảnh đó, nhiều đường nét của NEP đã được kế thừa thành công ở đổi mới của Việt Nam từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986). Điểm xuất phát của đổi mới ở Việt Nam trước hết là đổi mới tư duy trong lĩnh vực kinh tế: Bằng những biện pháp mạnh, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng; phát triển thương mại, từng bước thay đổi cơ chế quản lý kinh tế cũ bằng những cơ chế quản lý và thiết chế kinh tế mới phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đẩy mạnh xuất khẩu và kinh tế đối ngoại...từ đó đưa Việt nam từ một nước nhập lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực đứng thứ hai, thứ ba thế giới và các sản phẩm khác.

Thực hiện khoán sản trong nông nghiệp và khoán sản phẩm cuối cùng cho người lao động. Ở An Giang thực hiện chủ trương trả lại máy móc nông nghiệp cho chủ cũ, bồi thường thành quả lao động cho chủ sử dụng đất trong chủ trương xóa bỏ xâm canh từ đó tạo điều kiện khai phá tứ giác Long Xuyên, giải phóng và phát huy các nguồn lực trong xã hội trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở tỉnh nhà. Do đó đến năm 1993 An giang trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích năng xuất và sản lượng lương thực.

Trong những năm gần đây sự đổi mới sáng tạo của nước ta và tỉnh An giang lại càng thể hiện rõ nét hơn. Về mỗi địa phương có 1 sản phẩm đặc trưng, các địa phương xây dựng mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây có múi ở huyện Phú Tân; trồng Xoài xuất khẩu ở các xã cù lao của huyện Chợ Mới. Các xã vùng tứ giác Long Xuyên xây dựng mô hình cánh đồng Mẫu (cánh đồng Lớn) theo hình thức liên kêt bốn nhà.

Sự chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân đã giúp phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2010-2020 thu được những kết quả đáng tự hào. Theo đánh giá của UBND tỉnh, thông qua phong trào, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng mạnh mẽ vào sản xuất, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tính liên kết được nâng cao… Từ đó, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm.

Khi mới bắt tay xây dựng NTM, tỉnh An Giang có đến 108/119 xã (chiếm 90,8%) đạt dưới 5 tiêu chí. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, đến tháng 3/2020, An Giang đã có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM; trong đó có 1 huyện NTM (huyện Thoại Sơn), 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên) được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Đồng thời có 61/119 xã đạt chuẩn xã NTM (51,26%), tăng 48 xã so với giai đoạn (2011 – 2015) và hoàn thành sớm hơn 1 năm so với lộ trình; 6 xã đạt 15 – 18 tiêu chí; 48 xã đạt 10 – 14 tiêu chí, 4 xã đạt 9 tiêu chí; không còn xã dưới 9 tiêu chí. 

Tỉnh An Giang phấn đấu trong năm 2020 có 14 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu có thêm 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có thêm 2 huyện (huyện Chợ Mới và Châu Thành) đạt chuẩn nông thôn mới; có ít nhất 3 xã/huyện phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 75% các ấp trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn Bộ tiêu chí “Ấp nông thôn mới”. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã nông thôn mới đạt 65 triệu đồng/người/năm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 0,5%/năm; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 95%, nước hợp vệ sinh đạt 100%./. Công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Ðại hội VI đến nay là một công trình sáng tạo lớn. Trải qua hơn 33 năm phấn đấu bền bỉ, phải vượt qua biết bao khó khăn thử thách, công cuộc đổi mới đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Bộ mặt đất nước có sự thay đổi cơ bản và toàn diện.

Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; giai đoạn 1996 - 2000, mặc dù chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực (1997 - 1999), GDP vẫn duy trì bình quân tăng 7,6%/ năm; giai đoạn 2001 - 2005, GDP tăng bình quân 7,34%; giai đoạn 2006 - 2010, GDP đạt 7%/năm.

Trong các năm tiếp theo, do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng nợ công 2010, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 - 2015 của Việt Nam đã chậm lại nhưng vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới. Năm 2016, GDP tăng 6,21%. Trong giai đoạn hiện nay thế giới có nhiều bất ổn nhất là xung đột thương mại Mỹ Trung nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta các chỉ tiêu kinh tế vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra, GDP năm 2019 đạt trên 7,03%, Xuất khẩu đạt khoảng 300 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ đạt 80 tỷ USD… Chính trị ổn định, an ninh, quốc phòng được đảm bảo, vị thế của nước ta trên chính trường quốc tế ngày càng cao. Từ đầu năm đến nay Dịch Covid 19 gây tổn thất cho nhiều quốc gia trên thế giới về tính mạng con người và nền kinh tế. Nhưng với sự sáng tạo đoàn kết một lòng của chúng ta  nên đến hôm nay chưa có ca nào chết do dịch cúm Covid 19, theo báo cáo phiên họp tháng 3 của Chính Phủ vào ngày ) 01/4/2020 thì chúng ta vẫn chủ động ứng phó với đại dịch, sẵn sàng giảm một số chỉ tiêu kinh tế để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người dân, có 08 mặt hàng xuất khẩu trong Quí I đạt một tỷ USD trở lên, GDP 3,85%, cao nhất Đông Nam Á. Dự báo kinh tế nước ta GDP vẫn đạt 4,9 năm 2020, một số nước tăng trưởng âm, hoặc bằng không.

NEP không kéo dài sau khi V.I. Lê-nin qua đời (tháng 1/1924). Những “khúc quanh lịch sử” ở Liên Xô đã không cho phép phát huy những thắng lợi của NEP. Điều này không diễn ra ở Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam được khẳng định và đã có nhiều thành tựu.

Cách mạng là sáng tạo. V.I. Lê-nin đã để lại tấm gương lớn về tinh thần sáng tạo khi lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ cách mạng - khi tổ chức lực lượng và tận dụng thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền, trong xây dựng bộ máy nhà nước của nhân dân, trong thực hiện những nhiệm vụ khó khăn đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Trong bối cảnh mới, cách mạng Việt Nam vẫn luôn đòi hỏi những sự sáng tạo mới. Những bài học sáng tạo từ V.I. Lê-nin vẫn cần được vận dụng linh hoạt khi chúng ta muốn huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến trình hội nhập để xây dựng đất nước phồn thịnh trong hòa bình bền vững. Hơn 33 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng tạo của Đảng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh. Ðời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế mới và lực mới để đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp./.

Tài liệu tham khảo

1.  Nghị quyết Đại hội Đảng V, VI, VII, …XII.

2. Hồ Chí Minh toàn Tập, Tập IV, V, VI

3. Lê-toàn tập,

4. báo cáo xây dựng nông thôn mới và cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 của An Giang.

5. Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới

6. Tài liệu sách báo khác.

CN. Vũ Thanh Hải - Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

các tin khác