Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Áp dụng phương pháp sư phạm hiện đại trong giảng dạy lý luận chính trị tại các trường chính trị cấp tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp Huyện

09:51 31/10/2019

Giáo án điện tử (Powerpoint) là một công cụ hỗ trợ đặc biệt quan trọng cho sự thành công của giáo viên trong tiết giảng, là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phương pháp sư phạm hiện đại. Từ kinh nghiệm biên soạn giao án điện tử của bản thân, xin chia sẻ một nội dung sau:

1. Nhận thức chung về áp dụng phương pháp sư phạm hiện đại trong giảng dạy lý luận chính trị tại các trường chính trị cấp tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Việc áp dụng phương pháp sư phạm hiện đại trong giảng dạy lý luận chính trị là nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, do vậy dù giảng viên áp dụng phương pháp nào (phương pháp dạy học truyền thống hay phương pháp dạy học hiện đại) cũng cần đáp ứng các yêu cầu và nguyên tắc cơ bản sau:

1.1. Yêu cầu trong việc giảng dạy

- Dù giảng theo phương pháp nào, giảng viên cũng phải truyền tải cho được nội dung chính của bài giảng. Bài giảng luôn có trọng tâm trọng điểm, không nên dàn đều. Kiến thức trọng tâm của mỗi bài chính là nội dung “chốt kiến thức” ở bước 4 trong Kế hoạch bài giảng đã được thông qua tập thể Khoa và lãnh đạo phê duyệt.

- Bài giảng lý luận chính trị phải luôn thể hiện rõ các quan điểm, lý luận mới nhất của Đảng về vấn đề, nội đang giảng dạy. Do vậy, trách nhiệm của giảng viên phải không ngừng học tập lý luận chính trị và cập nhật những văn kiện, nghị quyết, tài liệu mới nhất thể hiện quan điểm của Đảng trên từng lĩnh vực hay nội dung cụ thể. Trong đó, văn bản cơ bản then chốt là Văn kiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc.

- Bài giảng phải thể hiện được tính pháp quyền, cập nhật các văn bản pháp luật mới nhất về vấn đề, nội dung đang giảng dạy. Đây là một yêu cầu quan trọng vì trên thực tế Giáo trình chỉ có tính định hướng, nêu những văn bản pháp luật đang có hiệu lực. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng thì hệ thống pháp luật đã vận động thay đổi, giáo viên phải là người chịu trách nhiệm cập nhật cho người học tiếp cận những quy định mới nhất đó.

- Yêu cầu về tính thực tiễn của bài giảng: Đối tượng người học các lớp Trung cấp lý luận chính trị là những cán bộ, công chức, viên chức đương chức và dự nguồn trong hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở, họ là những người có thâm niên công tác, có thực tiễn phong phú. Do vậy, nếu bài giảng chỉ là những nhận thức, lý luận suông thì không có sức hấp dẫn, lý luận đó phải được minh họa dẫn chứng qua thực tiễn, bằng thực tiễn, có như vậy tiết giảng mới thật sự sinh động, người học mới cảm nhận được cái mà họ đang cần. Qua đó, giáo viên cũng sẽ được học thêm rất nhiều kiến thức thực tiễn từ các ý kiến phát biểu của học viên.

1.1.2. Đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc giao tiếp trong giảng dạy

- Giảng dạy là một quá trình giao tiếp giữa người dạy và người học. Quá trình này cần tuân thủ các nguyên tắc giao tiếp cơ bản như:

    + Chào hỏi: Khi lên lớp, trong giảng dạy và khi ra về.

    + Tôn trọng: về danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích của nhau.

    + Chia sẻ: Kiến thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn liên quan bài giảng.

- Luôn đảm bảo sự tham gia nhiều nhất từ phía người học. Đây là một nguyên tắc quan trọng thể hiện sự tương tác hai chiều giữa người dạy và người học, biến quá trình dạy học thành quá trình tự học của học viên và của cả giáo viên.

2. Một số kinh nghiệm cụ thể trong biên soạn và thực hiện giáo án điện tử các lớp Trung cấp lý luận chính trị và lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên.

Thứ nhất, Giáo án điện tử là công cụ truyền dẫn nội dung cơ bản, cố lõi của bài giảng

- Chúng ta cần xác định giáo án điện tử chỉ là công cụ truyền tải kiến thức, không thể xem giáo án điện tử là sự sao chép, chiếu lại nội dung của bài giảng, điều này nếu không làm rõ, chúng ta sẽ làm cho người học mệt mõi vì các trang trình chiếu dày đặc nội dung, nhìn rất mõi mắt, chép rất mõi tay mà người học không tập trung nghe giảng từ giảng viên.

- Giáo án điện tử chỉ nên nêu ý chính (key words), một số nội dung cơ bản, cốt lõi của bài giảng kết hợp với sự giảng dạy, mở rộng thêm của giáo viên. Do vậy, mỗi slide chỉ nên trình chiếu 1 đến 3 ý chính dưới dạng cụm từ, hình ảnh, biểu đồ để khắc sâu ghi nhớ cho người học về kiến thức bài giảng, cỡ chữ nên to vừa phải khoảng 40-60.

              - Giáo án điện tử là công cụ trực quan sinh động, tuy nhiên giáo viên không nên dùng quá nhiều hình ảnh động (nhấp nháy), không dùng quá 2 màu sắc trên cùng 1 slide sẽ làm lóa mắt của người xem và làm loãng nội dung muốn truyền đạt.

Thứ hai, về bố cục giáo án điện tử cần rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm.

Nội dung, bố cục của giáo án điện tử cần rõ ràng, hướng đến làm rõ từng nội dung bài giảng. Thực tế, bản thân thường bố cục giáo án điện tử thành 3 phần:

Phần mở đầu. Giới thiệu khái quát về chủ đề bài giảng

Đây là phần giao tiếp giữa người học và người dạy, từ kiến thức của bài học trước, giáo viên định hướng đưa người học vào nội dung bài học mới, giới thiệu nội dung chính sẽ nghiên cứu và các tài liệu bắt buộc tìm đọc. Trong mỗi phần học, ở bài giảng đầu tiên thì phần mở đầu nên có 1 đến 2 slide giới thiệu về trường, về Khoa giảng dạy như:

               Phần nội dung.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà giáo viên sử dụng giáo án điện tử cần truyền đạt đến người học những kiến thức cơ bản, quan trọng nhất của bài giảng. Như đã nêu ở phần trên, giáo án điện tử không trình bày dàn đều giữa các phần mà cần tập trung làm rõ nội dung chính của bài giảng. Nội dung này được nêu rõ trong Kế hoạch bài giảng ở bước 4. Kiến thức trọng tâm.

Ví dụ, kiến thức trọng tâm của bài “Thực hiện pháp luật và tăng cường pháp chế” là 4 hình thức thực hiện pháp luật và các giải pháp tăng cường pháp chế XHCN. Do vậy, khi soạn giáo án điện tử đến phần nội dung trọng tâm này, giáo viên nên áp dụng thêm một trong các phương pháp sư phạm hiện đại như: làm việc nhóm, sàng lọc hay phương pháp tình huống để chuyển tải nội dung kiến thức đến người học một cách nhẹ nhàng nhất.

Phần kết luận gồm nội dung neo chốt kiến thức, hướng dẫn câu hỏi ôn tập, câu hỏi thảo luận và tài liệu phục vụ học tập. Ở phần này, slide chốt kiến thức trọng tâm cần thể hiện rõ các nội dung quan trọng của bài, giúp người học có thể nhớ ngay nội dung chính, tạo thuận lợi trong việc soạn đề cương thảo luận, các tài liệu tham khảo phục vụ học tập để người học đọc thêm, mở rộng kiến thức và ôn tập môn học đạt kết quả thi tốt nhất.Thứ ba, khi soạn bài trình chiếu Powerpoint ngoài slide chào hỏi và slide kết thúc thì các slides còn lại chỉ nên thống nhất một mẫu.

Thứ tư, khi trình chiếu các slides nên sử dụng hiệu ứng phù hợp và có thay đổi hiệu ứng cho mỗi slide, những câu, cụm từ trong một slie, nhất là các nội dung phần trọng tâm nên có hiệu ứng cho từ câu, từng cụm từ hay ý chính, các slide còn lại có thể dùng chung một hiệu ứng. Toàn bài không nên dùng quá 4 hiệu ứng, trong một slide không nên dùng quá 3 hiệu ứng.

Thứ năm, để thống nhất mẫu slide trong một bài giảng giáo viên có 2 cách:  - Cách thứ nhất:

Sử dụng ngay slide mẫu ngay trong phần mềm powerpoint như sau:

    + Mở phần mềm Powerpoint

    + Từ menu View, bạn chọn Master và kích vào Slide Master

 - Cách thứ hai:

    Từ slide mới soạn bạn copy thành slide tiếp theo, như vậy sẽ thống nhất được mẫu trong toàn bài giảng.

Bạn chỉ cần thay đổi nội dung, thay đổi hiệu ứng, việc soạn các slide sẽ nhanh hơn thống nhất mẫu các slides. Sau phần hướng dẫn câu hỏi nghiên cứu thảo luận, giáo viên nên có slide kết thúc bài, chào người học.

Trên đây là một số kinh nghiệm thực tế của bản thân trong quá trình soạn giáo án điện tử (Powerpoint) phục vụ công tác giảng day, xin chia sẽ cùng quý đồng nghiệp và anh, chị học viên, bản thân rất muốn nghe thêm các chia sẽ khác về vấn đề này để bản thân hoàn thiện thêm bài giảng có chất lượng, thu hút người học, tạo sôi nổi trong tiết giảng, nâng cao chất lượng dạy và học.

 

Vũ Quang Hưng - Khoa Nhà nước và Pháp luật

các tin khác