08:35 18/11/2019
Xét trên nhiều khía cạnh, với các căn cứ khác nhau, thì hiện nay có nhiều nhân tố là động lực để thúc đẩy giảng viên vận dụng phương pháp dạy học tích cực. Tuy nhiên, còn nhiều nhân tố đang là những e ngại, rào cản đối với đội ngũ giảng viên nói chung, giảng viên ở trường chính trị khi vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào thực tiễn.
1. Những e ngại của người dạy:
a) E ngại lớp đông, không áp dụng kịp: Đây là e ngại do hiểu chưa đúng về phương pháp giảng dạy tích cực. Thực tế, có nhiều phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp với các loại hình lớp học khác nhau. Trong trường hợp sĩ số lớp quá đông, giảng viên có thể áp dụng phương pháp hỏi – đáp, nêu ý kiến ghi lên bảng, hỏi chuyên gia, đóng vai, trực quan hóa, tình huống, tia chớp, sàng lọc… Điều này chứng tỏ sự thành công không chỉ phụ thuộc vào phương pháp mà còn phụ thuộc vào bản lĩnh và kỹ năng quản lý lớp của giảng viên.
b) E ngại học viên lười phát biểu, thụ động: Chỉ cần giảng viên có khả năng giao tiếp tốt và biết cách khuyến khích, cả lớp sẽ tham gia đóng góp ý kiến trong giờ học. Học viên ngại phát biểu đôi khi do giảng viên chưa tìm được cách khơi lên ngọn lửa học tập trong lòng của mỗi học viên.
c) Ngại tốn thời gian và tiền bạc: Các phương pháp giảng dạy tích cực không tốn nhiều thời gian và tiền bạc như nhiều người vẫn nghĩ. Có những phương pháp chỉ cần 5 - 10 phút cũng tạo ra sự sôi nổi trong lớp, giúp học viên thu nhận kiến thức dễ dàng hơn như: phương pháp tia chớp, hỏi - đáp, nêu ý kiến ghi lên bảng… Tiền bạc hay trang thiết bị hiện đại không phải là vấn đề cốt yếu của phương pháp giảng dạy tích cực. Ngoài bảng, phấn sẵn có, hầu hết các phương pháp ít đòi hỏi trang bị thêm phương tiện nào.
d) Sơ bị “cháy giáo án: Người giảng viên cần biết chọn lọc nội dung để thiết kế buổi giảng sao cho hiệu quả nhất. Không nhất thiết phải trình bày toàn bộ nội dung của tài liệu.
2. Những e ngại của người học:
a) Ngại làm việc, chỉ thích chép: Điều này xuất phát từ thói quen học theo kiểu đọc - chép. Tuy nhiên, khó khăn này sẽ được hóa giải khi học viên thấy được lợi ích từ việc học theo phương pháp giảng dạy tích cực. Theo kinh nghiệm của các giảng viên, chỉ sau một tiết học theo phương pháp giảng dạy tích cực đúng nghĩa, học viên sẽ cảm thấy hứng thú, tích cực hưởng ứng và hợp tác tốt với giảng viên.
b) Ngại tự học trước khi đến lớp: Ban đầu, hiếm có người học nào tự giác chuẩn bị bài học trước khi đến lớp. Để khắc phục điều này, giảng viên có thể hướng dẫn học viên cách tự học ở nhà bằng cách đặt những câu hỏi ngắn gọn và hấp dẫn, giúp học viên định hướng những gì họ cần chuẩn bị. Giảng viên cũng cần tìm những hình thức phù hợp nhằm khen thưởng, động viên những người thực hiện tốt việc chuẩn bị bài, ví dụ đặt câu hỏi để kiểm tra việc đọc sách tại nhà và có ghi vào sổ đầu bài biểu dương học viên tích cực.
c) Tự ti, chưa mạnh dạn phát biểu: Giảng viên có thể khắc phục trở ngại này bằng cách khuyến khích, động viên hay khen ngợi học viên nhằm tạo không khí hoạt động sôi nổi trong lớp. Thậm chí, cách chỉ định trực tiếp cũng là một cách hiệu quả để tạo cơ hội cho học viên thể hiện quan điểm bởi vì nhiều người không dám giơ tay nhưng vẫn muốn được phát biểu trước lớp.
d) Sợ giảng viên áp dụng phương pháp mới nhưng vẫn thi theo kiểu đề đóng: Đề thi nên khuyến khích khả năng tư duy, phản biện của học viên và mang tính ứng dụng cao để học viên được sáng tạo, phát huy hết khả năng sẵn có và tạo dấu ấn riêng.
e) Sợ kiến thức không được tổng hợp rõ ràng: Điều này xảy ra là do giảng viên áp dụng chưa đúng phương pháp giảng dạy tích cực làm người học không chốt được những kiến thức cần thiết. Ví dụ, với phương pháp làm việc nhóm, giảng viên cho học viên làm việc và phát biểu nhưng sau đó không chốt kiến thức lại làm học viên khó xác định được nội dung nào là đúng, nội dung nào là sai… Tuy rằng, phương pháp giảng dạy tích cực giúp giảng viên giảm bớt thời lượng độc thoại nhưng giảng viên cần lưu ý đảm bảo những phần quan trọng bao gồm phần chốt kiến thức cuối mỗi buổi học…
Giảng viên hiện nay không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là người hỗ trợ học viên hướng dẫn tìm chọn và xử lý thông tin. Vị trí của giáo viên không phải được xác định bằng sự độc quyền về thông tin và tri thức có tính đẳng cấp mà bằng trí tuệ và sự từng trải của mình trong quá trình dẫn dắt học viên tự học.
Để áp dụng phương pháp dạy học tích cực có hiệu quả đòi hỏi cơ sở vật chất, trang thiết bị phải đầy đủ và đáp ứng phù hợp với thực tiễn. Chương trình, nội dung đào tạo đổi mới phải đồng bộ với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị. Nhưng hiện nay kinh phí đầu tư còn hạn hẹp. Nhiều bài dạy giảng viên muốn có thêm một số phương tiện, vật dụng, đồ dùng khác thì gặp khó khăn, trong khi áp lực công việc tại trường ngày càng nhiều…Tất cả những lý do đó phần nào khiến chất lượng một bài giảng bị giảm đi và trở thành rào cản trong việc vận dụng phương pháp dạy học tích cực của giảng viên./.
Trần Kim Hoàng - Khoa Nhà nước và Pháp luật