Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - một tầm cao tư tưởng và phương pháp lãnh đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

07:29 20/11/2020

Tóm tắt: Sau khi lựa chọn con đường cứu nước – con đường cách mạng vô sản cho dân tộc Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện “lộ trình”: “...đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, đ¬ưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(1). Trong những năm tháng đầy cam go, hiểm nguy, thử thách, với khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động khẩn trương, tích cực và đầy sáng tạo chuẩn bị những tiền đề về tư tưởng, chính trị, tổ chức để dẫn tới ra đời các tổ chức cộng sản ở Việt Nam – đẩy bánh xe lịch sử của cách mạng Việt Nam phù hợp với xu thế tiến bộ của lịch sử.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh chủ trì điều hành có giá trị và tầm vóc to lớn về tư tưởng chính trị và công tác xây dựng đảng của một Đại hội Đảng, là mốc son đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng Việt Nam, là bước ngoặc của lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong tác phẩm Sơ thảo Lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, Công bố năm 1933, tác giả Hồng Thất Công (Hà Huy Tập) trân trọng đánh giá cống hiến to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đối với cách mạng Đông Dương trong sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: “Công lao to lớn của đồng chí là đã tập hợp được các lực lượng cộng sản phân tán lại thành một khối, nhờ đó mà đã đưa lại cho những người lao động Đông Dương một đội tiền phong chiến đấu và tiên quyết cách mạng”(2).

Thành công của Hội Nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm sáng tỏ thêm tầm cao tư tưởng và phương pháp lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh:

Thứ nhất, với tinh thần chủ động, sáng tạo, Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời giải quyết yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam là thành lập đảng cộng sản; chấm dứt tình trạng “hai nhóm cộng sản sử dụng nhiều – nếu không nói là tất cả - nghị lực và thời gian trong cuộc đấu tranh nội bộ và bè phái”(3); xây dựng đội tiền phong thống nhất, tập trung của giai cấp công nhân để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Qua đó, Người cũng tạo dựng cơ sở và phương pháp đoàn kết, nhất trí trong Đảng.

Thứ hai, phương pháp hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam là cách lựa chọn tốt nhất trong tình hình lúc bấy giờ. Vì Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đều ra đời và hoạt động vì mục tiêu giải phóng dân tộc và nhân dân lao động, xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, đều mong muốn thống nhất thành một đảng, điều khác nhau là cách thống nhất và tổ chức nào đóng vai trò chủ thể quyết định quá trình đó. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chuyển nguyên khối các tổ chức đó vào Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ không giải thể rồi lựa chọn những phần tử ưu tú để kết nạp vào Đảng như điều kiện thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương do Quốc tế Công sản nêu ra.

Thứ ba, Nguyễn Ái Quốc, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng chính Người đã lãnh đạo Hội nghị hợp nhất các Tổ chức cộng sản vạch ra Cương lĩnh cách mạng, định hướng cho cách mạng Việt Nam đi từ cách mạng dân tộc dân chủ lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, nhiệm vụ giải phóng dân tộc giữ vị trí hàng đầu và được thực hiện bằng sự tập trung cao độ sức mạnh của dân tộc, của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân thiết tha với độc lập, tự do, chống ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và bè lũ tay sai. Nhiệm vụ dân chủ được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với việc thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, nói một cách khác là thực hiện cách mạng ruộng đất, đáp ứng nguyện vọng thiết tha nhất của giai cấp nông dân phải đảm bảo thúc đẩy sự phát triển của cách mạng giải phóng dân tộc đi tới thắng lợi và giữ vững khối đoàn kết dân tộc. Chủ trương đó của Nguyễn Ái Quốc là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn quan điểm dân tộc và quan điểm giai cấp trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam trên lập trường vô sản, chứ không phải “ lo việc phản đế, mà quên mất lợi ích giai cấp tranh đấu” (4).

Thứ tư, Đảng Cộng sản Việt Nam thu phục, đoàn kết giai cấp nông dân, tiểu tư sản và phú nông, tư sản, trung và tiểu địa chủ có tinh thần yêu nước, chống chế độ thuộc địa là dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá các giai cấp đó theo phương pháp khách quan, biện chứng mà Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành từ khi tiếp nhận chủ nghĩa Mác – Lênin và được trình bày trong các tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường Kách mệnh” và nhiều tác phẩm khác. Quan điểm của Người về vấn đề trên là phù hợp với tình hình cụ thể của nước Việt Nam bị đế quốc Pháp xâm lược và biến thành thuộc địa, quyền tự do của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân bị thủ tiêu, sự phát triển kinh tế, văn hóa của dân tộc Việt Nam bị cản trở. Chỉ trừ những phần tử cam tâm làm tay sai cho chính quyền thuộc địa, toàn thể dân tộc Việt Nam điều tha thiết đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và xây dựng đất nước giàu mạnh. Điểm tương đồng quan trọng đó là cơ sở tư tưởng chính trị để tạo lập khối đại đoàn kết dân tộc. Tư duy chính trị sắc sảo đó của Nguyễn Ái Quốc là nét vượt trội mà người đương thời chưa đạt tới. Cũng có thể nói thêm rằng, quan điểm trên của Nguyễn Ái Quốc là một yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc và giá trị cao cả của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc. Ở đây có sự khác biệt giữa quan điểm của Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế Cộng sản. Về vấn đề thái độ của Đảng đối với các giai cấp và tầng lớp xã hội như phú nông, địa chủ, tư sản, Nghị quyết về Đông Dương của Quốc tế Cộng sản cho rằng: với phú nông “không bao giờ liên hệ với họ”, phải đánh đổ địa chủ, “ tịch thu không bồi thường ruộng đất của địa chủ”, còn tư sản thì gắn với địa chủ chịu ảnh hưởng của tư sản phản cách mạng, một bộ phận hợp tác với đế quốc, một bộ phận cải lương, phản cách mạng, vì vậy không thể tranh thủ đoàn kết họ được (5)

          Như vậy, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện phê bình và tự phê bình một cách mẫu mực để thống nhất ý chí và hành động dẫn tới kết quả tốt đẹp của Hội nghị. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cũng là lúc Đảng xác định cương lĩnh cách mạng đầu tiên tạo nên cơ sở vững chắc về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự phát triển của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối và ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã kiểm nghiệm và xác nhận giá trị khoa học và cách mạng của những quan điểm, chủ trương trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, một trong những cơ sở quan trọng xây dựng nên đường lối cách mạng của Đảng ta về sau./.

Tài liệu tham khảo

(1)(2)(3)(4)(5). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr 192

(2). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 1998-2001, tr409

(3). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội, 1998-2001, tr21

ThS. Nguyễn Tấn Thời - Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

các tin khác