10:19 07/11/2019
Ngành giáo dục Việt Nam từ lâu đã chịu nhiều ảnh hưởng của giáo dục Nho giáo. Là Người sáng lập Nho giáo, Khổng Tử có đề cập nhiều về Người thầy. Theo Ông nghề dạy học muốn đạt được sự thành công trước tiên “thầy phải ra thầy, trò phải ra trò” (thuyết chính danh). Thầy có vai trò của thầy, học trò có vai trò của học trò. Nhưng cả hai phải tu thân để có đạo đức. Ngoài việc truyền đạt tri thức cho trò, thầy phải có phẩm chất tốt để làm gương cho trò mới dạy được trò. Ngược lại, trò phải tôn kính thầy. Sự tôn kính đó biểu hiện trò trước tiên phải học và hành được lễ nghĩa, sau học và hành tri thức; như thế mới có thể hữu dụng cho bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
Theo Nho giáo để làm người thầy thì cần nhất là phải có tri thức và đạo đức. Trước khi đạt được vị thế người thầy phải có phẩm chất người tốt, công dân tốt. Là người tốt, phải hiểu đạo lý làm người, phải thông lễ nghĩa, phải cư xử với những người xung quanh theo đúng với đạo lý và lễ nghĩa. Là công dân tốt, trước tiên phải là người tốt đồng thời phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bổn phận của mình đối với gia đình, địa phương, xã hội và quốc gia. Người thầy phải luôn là tấm gương sáng cho người học. Thầy phải có hành động, phát ngôn và cách sống tốt để học trò noi theo. Từ đó trò đặt niềm tin vào thầy mà nghe thầy giảng đạo. Với những chuẩn mực trên nên xã hội luôn đòi hỏi “thầy phải ra thầy”
Bên cạnh đạo đức thì tri thức của người thầy phải cao. Để thực hiện tốt vai trò, thầy phải có kiến thức uyên thâm, nghiên cứu sâu rộng tri thức xã hội. Thầy phải luôn trao dồi kiến thức: “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ” (Ôn tập cái cũ để hiểu cái mới, có thể làm thầy được rồi)[1].
Đối với việc dạy học, người thầy khi truyền đạt kiến thức cho trò phải theo phương chăm:
1. Hướng đến nhu cầu người học:
Dạy học phải dựa vào sức và khả năng hiểu biết của từng trò, phải quan tâm những điều trò biết và những điều trò không biết, phải hiểu được mỗi học trò quan tâm đến điều gì. Từ đó, mới có thể đưa ra tri thức thích hợp, làm cho trò dễ hiểu dễ hành.
2. Dạy từ thấp đến cao.
Trước hết dạy điều mà mọi người có thể hiểu được, như luân thường đạo lý ở đời, rồi sau đó tính đến chuyện dạy những điều cao xa.
3. Kích thích tính chủ động của người học
Đó là phương pháp Khổng Tử sử dụng xuyên suốt trong cuộc đời dạy học của mình. Khổng Tử không hề viết sách để cho học trò đọc. Ông chỉ giảng những gì trò hỏi, và đặt câu hỏi kiểm tra sự hiểu biết của trò. Đôi khi, ông cũng dùng những câu hỏi gợi mở để trò hiểu vấn đề. Trò không chỉ học tiếp thu kiến thức một chiều từ thầy, trò có thể có ý kiến và lập luận những ý kiến của chính trò về vấn đề mà trò đang học. Nghĩa là, giữa thầy và trò phải có sự tương tác với nhau, tác động qua lại với nhau, mối quan hệ giữa thầy và trò phải có tính biện chứng. Phương pháp này rất tốt trong việc phát huy tính năng động, sáng tạo và khả năng tư duy của trò.
4. Thấu hiểu, chia sẻ với người trò.
Thầy cần thiết phải hiểu được trò. Thầy không những tìm hiểu kiến thức, khả năng mà còn quan tâm những tâm tư, hoàn cảnh của từng trò. Ngoài việc thầy chọn tri thức phù hợp cho trò, thầy còn dạy luân thường đạo lý ở đời, để cho trò sống theo đúng tâm của trò, đúng với hoàn cảnh thực của trò. Điều này rất hữu ích trong việc áp dụng phương pháp dạy học cá nhân hóa từng người học.
Tư tưởng Nho giáo đã góp phần hình thành nên nghề dạy học của người xưa, trong đó có nước ta. Thầy đồ trước đây với các phương chăm dạy học trên đã làm cho Người thầy rất quan trọng với người học. Trong xã hội lúc bấy giờ Thầy là người duy nhất truyền đạt kiến thức trực tiếp cho trò nên người học phụ thuộc hoàn toàn vào kiến thức của thầy; nếu thầy giỏi thì sẽ có trò giỏi. Nhờ có thầy dạy chữ mà học trò mới có thể thi đỗ ra làm quan có địa vị xã hội và có cuộc sống vinh hoa phú quý và mang lại vinh dự cho cả gia đình, dòng họ và cả quê hương. Do đó, những học sinh dù có đỗ đạt cao hơn thầy vẫn biết ơn và kính trọng thầy giáo cũ của mình. Hơn thế nữa mối quan hệ giữa thầy và trò trong xã hội xưa không bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực của xã hội mà chủ yếu xuất phát từ những triết lý giáo dục. Từ lời dạy, lễ nghĩa, cử chỉ, hành động của thầy đối với trò đều mang tính giáo dục. Đồng thời, sự trách phạt của thầy cũng mang hàm lượng giáo dục cao. Người thầy “đạo cao đức trọng” là người luôn giữ phẩm chất cao đẹp, trong sáng, không đòi hỏi hay ép buộc gia đình học trò phải cung phụng hay biếu xén bất cứ thứ gì, thầy luôn lấy giáo dục làm đầu và luôn coi sự thành đạt của trò là uy tín, tài năng đức độ của thầy.
Từ vị trí quan trọng của người thầy, ông cha ta đã đúc rút thành quan niệm và trở thành đạo lý từ ngàn đời “Lương Sư hưng Quốc”. Một xã hội muốn hưng thịnh, muốn phát triển thì phải coi trọng người thầy, coi trọng sự học. Đó là cái gốc để làm nên sự phát triển bền vững của một đất nước. Đạo lý đó được cha ông ta gửi gắm vào câu ca dao được truyền tụng từ bao đời nay:
“Muốn sang thì bắc cầu kiều.
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Việt Nam trên con đường phát triển nên việc học hiện nay luôn được đặt lên hàng đầu. Để các em khi lớn lên có đủ kiến thức lập thân, lập nghiệp thì giáo dục của nhà trường gần như là môi trường tốt nhất để tạo dựng nền tảng kiến thức cho các em. Ngày nay, xã hội phát triển cùng với sự tiến bộ của ngành giáo dục, thì quan niệm về sự học và mối quan hệ giữa thầy và trò cũng khác trước. Thầy cô giáo ngày nay bên cạnh trình độ được nâng cao, được đào tạo không chỉ về phương pháp giảng dạy mà còn được trang bị đầy đủ kiến thức về khoa học giáo dục. Với phương pháp giảng dạy tích cực thì, những ràng buộc của quan niệm truyền thống người thầy là người bề trên, giữa thầy và trò phải có khoảng cách nhất định trong quan hệ đã bị đẩy lùi và thay vào đó là mối quan hệ thầy - trò bình đẳng hơn, gần gũi hơn. Khi giáo dục Việt Nam hội nhập với giáo dục thế giới thì mối quan hệ thầy trò sẽ thay đổi, từ “teacher” (người dạy hay thầy, cô giáo) sẽ thay thế bằng từ “instructor” (người hướng dẫn). Người thầy sẽ là người trợ giúp cho học sinh lĩnh hội kiến thức và không còn là người “độc quyền” truyền đạt kiến thức cho học sinh nữa. Học sinh sẽ tự mình chủ động tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác như sách báo, Internet.
Các em sẽ có quyền đánh giá thầy và quyền chọn thầy cô hướng dẫn mình. Mối quan hệ thầy - trò sẽ bình đẳng hơn và tiêu cực trong giáo dục sẽ giảm thiểu do không còn môi trường để tồn tại.
Bên cạnh yếu tố tích cực đó thì sự tôn trọng của học trò, cha mẹ học trò và xã hội với thầy cô giáo cũng có nhiều thay đổi. Có những bậc cha mẹ của trò cho rằng trách nhiệm dạy bảo con em họ là do xã hội giao phó, người thầy phải thực hiện, họ trả học phí để thầy cô dạy. Hơn thế nữa do có một số thầy cô giảm sút đạo đức nhà giáo, không thực sự gương mẫu trong lối sống sa vào những tiêu cực như nhận hối lộ để nâng điểm, mở lớp dạy thêm để buộc học sinh đến nhà học thêm thu tiền, vòi vĩnh tiền của phụ huynh, tiêu cực trong thi cử và xét lên lớp...Cá biệt có thầy cô còn xúc phạm nhân phẩm, bạo lực với học sinh, bị dư luận lên án. Tất cả những điều đó đã làm xấu đi hình ảnh người thầy, người cô mẫu mực, mô phạm một thời của ngành giáo dục.
Trường Chính trị là một môi trường giáo dục đặc biệt. Đây là Nhà trường dành cho đối tượng học là những người đẫ trưởng thành cả hai mặt: Tuổi đời và sự nghiệp.
Việc giảng dạy ở các trường chính trị nói chung vốn không giống với môi trường giảng dạy khác. Là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ cho Đảng. Thông qua hoạt động của nhà trường góp phần quan trọng để bồi dưỡng, hình thành phát triển “đức, tài” của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, người giảng viên ở trường chính trị không chỉ đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, kiến thức sư phạm mà mặt khác còn đòi hỏi phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, phải có kiến thức thực tiễn, sâu sát cơ sở và sự gương mẫu trong lời nói cũng như việc làm.
Người giảng viên chính trị đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng về chính trị, tư tưởng, truyền thụ Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho học viên. Nên tiêu chuẩn đầu tiên của người thầy Trương Chính trị là phải có lý tưởng cách mạng tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng .
Bên cạnh kiến thức, kỹ năng được đào tạo, thì người thầy giảng dạy lý luận chính trị cần có vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn phong phú phải được tích luỹ từ quá trình thực hiện nhiệm vụ và việc đi thâm nhập thực tế ở cơ sở. Song song người thầy ở trường chính trị còn phải biết nắm bắt và xử lý kịp thời các thông tin phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy. Phải thường xuyên cập nhật thông tin từ chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra ở địa phương vào bài giảng của mình để tạo sự cuốn hút, mới mẻ người học. Có như vậy thì mỗi giờ giảng mới lôi cuốn được người học, giúp họ thấy được lý luận chính trị không phải là những lý thuyết suông, trừu tượng mà chính là sự tổng kết thực tiễn sâu sắc, là những thực tế với đời sống thường nhật của mỗi người chúng ta.
Bên cạnh vai trò chủ đạo của người thầy, thì không thể thiếu được vai trò chủ động của người học. Hiện nay trở ngại lớn nhất trong giảng dạy của người thầy ở các trường chính trị là thái độ đối phó trong học tập của một số học viên. Vẫn còn không ít học viên quan niệm rằng tấm bằng hay chứng chỉ mà nhà trường cấp chẳng qua là để trang bị thêm hành trang cho họ. Họ không quan tâm đến nội dung bài học. Họ đi muộn, về sớm, đưa cả việc cơ quan lên lớp để làm. Họ không hề quân tâm để có một buổi giảng tốt giáo viên đã dành nhiều thời gian và công sức để đầu tư cho tiết giảng. Bên cạnh những học viên thờ ơ với việc học trên lớp, thì một số học viên khác dù có tập trung lắng nghe, ghi chép nhưng ngại phát biểu, trả lời phát vấn của giáo viên, làm cho buổi học thiếu sinh động. Gây khó khăn cho giáo viên khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực. Bởi vì những phương pháp này đòi hỏi sự tham gia tích cực từ phía học viên. Có những trường hợp giáo viên nêu câu hỏi học viên không tự giác trả lời. Nếu chỉ định học viên đứng dậy trả lời họ chỉ nói rất ngắn gọn: "thưa, em nghiên cứu" hoặc “Không phải lĩnh vực công tác của em”...
Dù vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở, vẫn còn nhiều thử thách với nghề dạy học của giáo viên trường chính trị, nhưng hầu hết giáo viên trường chính trị đều yêu nghề, say sưa với bài giảng trong mỗi giờ lên lớp. Ngoài giờ lên lớp họ còn tham gia nhiều hoạt động chuyên môn khác như: nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tham gia các cuộc hội thảo...Tất cả đều ý thức được trách nhiệm của mình nhằm đồng hành với học viên trên con đường đưa lý luận sát với thực tiễn. Muốn vậy chúng tôi những giáo viên trường chính trị luôn kiêu gọi sự hợp tác tích cực từ phía người học, để bớt đi nỗi trăn trở của giáo viên sau mỗi giờ lên lớp.
Ở bất kỳ giai đoạn nào của sự phát triển xã hội, con người muốn trưởng thành phải được giáo dục tốt, mà trường học là môi trường giáo dục căn bản nhất. Người thầy với vai trò chủ đạo vẫn phải luôn là gương sáng cho người học và xã hội. Cho nên dù chụi sự tác động bởi điều kiện hoàn cảnh nào thì vị trí của người thầy trong lòng xã hội phải được giữ vững. Để có thể nói rằng “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống quí giá muôn đời của dân tộc Việt Nam ./.
* Tài liệu tham khảo: Luận ngữ – Khổng tử.
Trần Vũ Minh - Khoa Xây dựng Đảng