Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Khai thác giá trị văn hóa của người Khmer Tri Tôn vào hoạt động du lịch

09:26 16/06/2020

An Giang là tỉnh duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long có núi giữa đồng bằng. Địa hình đồi núi nằm trong dãy Thất Sơn hùng vĩ thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Huyện Tri Tôn với địa hình khá đa dạng, vừa có đồng bằng vừa có đồi núi, có nhiều thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn. Đồng thời, là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất của tỉnh An Giang, đến nay có 45.829 nhân khẩu, chiếm 34.02% dân số toàn huyện. Đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer với nhiều giá trị văn hóa rất đặc sắc và đa dạng có khả năng khai thác thành sản phẩm du lịch. Các hoạt động cộng đồng, nhiều nếp sinh hoạt trong Phum, Sóc, phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer chứa đựng nhiều nét văn hóa độc đáo, cho đến nay vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa tín ngưỡng và lễ hội, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch khi họ đến với Tri Tôn.

 

Cảnh đẹp chùa Tà Pạ

Giá trị văn hóa truyền thống của Đồng bào dân tộc Khmer ở Tri Tôn nói riêng và An giang nói chung rất phong phú, đa dạng, đây là tiềm năng có thể khai thác để phát triển về du lịch như: kiến trúc chùa, nhà ở, lễ hội, các loại hình nghệ thuật, ẩm thực, nghề truyền thống...

Chùa và lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer luôn gắn liền với nhau. Như chúng ta biết, văn hóa của người Khmer luôn gắn liền với tôn giáo Phật giáo Nam Tông. Phật giáo Nam Tông có ảnh hưởng rất lớn và chi phối sâu sắc đời sống tinh thần của người Khmer và mọi sinh hoạt chính của đồng bào dân tộc Khmer đều gắn liền với ngôi chùa. Chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng người Khmer. Đồng thời, đây là những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, hài hòa từ hình thức trang trí bên trong đến kết cấu bên ngoài. Người Khmer quan niệm, ngôi nhà mình ở có thể không đẹp, không cần sang trọng nhưng ngôi chùa thì phải đẹp và lộng lẫy, ngôi chùa to đẹp chính là đại diện cho bộ mặt của Phum, Sóc nên ngay từ xa xưa, bên cạnh việc cúng chùa, lễ phật, kính trọng các sư sãi thì người Khmer còn dành nhiều công sức, trí tuệ để xây nên những ngôi chùa uy nghi, tinh xảo, mỗi đường nét, hoa văn từ cổng đến chánh điện đều khắc họa khát vọng về tấm lòng sùng kính đức Phật, là một bức phù điêu đặc sắc, đầy đủ về đời sống của đồng bào Khmer.

Trên địa bàn huyện Tri Tôn hiện nay, có 37 ngôi chùa Khmer. Chùa Khmer mang vẻ đẹp rất độc đáo, giá trị nghệ thuật cao, chứa đựng nhiều tiềm năng có thể khai thác thành sản phẩm du lịch tiêu biểu như chùa PreyVen, XvayTon, Tà Pạ, Krăng Krốc, Tà Miệt, Sò So...        

Ngay trung tâm thị trấn Tri Tôn có chùa XvayTon, là ngôi chùa cổ lâu đời, được xây dựng cách đây khoảng 300 năm và được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Với nét kiến trúc độc đáo, đặt trong một không gian rộng lớn, có vườn hoa, ao nước, những bóng cây cổ thụ tạo nên một không gian thiêng liêng, trầm lắng, mát mẻ quanh năm. Chùa có một quần thể tháp độc đáo, tuy cái cao cái thấp khác nhau, nhưng vẫn là những chóp tháp mảnh mai, thanh tú. Có tháp còn được chạm đầu thần Bayon bốn mặt. Chính điện nổi bật với kiểu kiến trúc nóc nhọn và hai mái dốc đứng cong gộp lại, có đắp đuôi rắn vút cong ở cuối đầu đao gợi hình ảnh rắn thần Naga (tượng trưng cho sự bất diệt và dũng mãnh). Mái chùa có nhiều lớp mái được cấu trúc hình tam cấp ngói đỏ, xanh, vàng, trong ánh nắng, lớp mái ngói này hừng lên một sắc màu đẹp mắt. Bên trong chính điện lại càng có nhiều nét độc đáo hơn. Những bức bích họa được vẽ kín các mặt tường gian chánh điện, có hoa văn sắc sảo và vẻ đẹp lộng lẫy của những bức phù điêu; ở trung tâm chính điện chỉ thờ duy nhất tượng Thích Ca Mâu Ni Phật, được đúc, chạm khắc rất đẹp, màu sắc rực rỡ ở nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi. Điều này đã tạo cho ngôi chùa Khmer một nét đặc trưng riêng, làm nên giá trị văn hóa đặc sắc, thiêng liêng, trầm lắng.

Chùa Tà Pạ nằm trên đồi Tà Pạ, thuộc xã Núi Tô. Kiến trúc chùa thật tuyệt đẹp, du khách đứng ở trên chùa có thể nhìn xuống ngắm toàn cảnh thị trấn Tri Tôn như một bức tranh đẹp và lạ mắt. Nằm bên cạnh ngôi chùa có hồ Tà Pạ, màu nước trong xanh như ngọc, đẹp trứ danh.

Chùa Tà Miệt, ở xã Lương Phi. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc gồm văn hóa dân gian, đạo Bà-la-môn và Phật giáo tạo nên vẻ đẹp rất độc đáo. Trước đây chùa là nơi diễn ra lễ hội đua bò truyền thống hàng năm của huyện Tri Tôn. Vì chùa có một thửa ruộng, lúc đầu thửa ruộng này Sư trụ trì làm sân đua bò vào các dịp tết, lễ hội. Về sau, môn giải trí này trở thành phong trào của địa phương.

 Chùa Krăng Krốch, xã Châu Lăng là ngôi chùa duy nhất trong tỉnh có hàng cây còng cổ thụ nối dài từ cổng vào nên người dân còn gọi là chùa hàng Còng. Cảnh đẹp của hàng còng đã thu hút đông đảo du khách tìm đến chụp ảnh, tham quan.

Du khách vào chùa tham quan, chiêm ngưỡng, thưởng thức, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, kết cấu bày trí trong không gian văn hóa các ngôi chùa Khmer, mang lại cho du khách những trải nghiệm sâu sắc về các triết lý của Phật giáo Nam Tông. Mỗi hình tượng nghệ thuật, đường nét, hoa văn trong chùa đều khắc họa khát vọng về tấm lòng sùng kính đức Phật và về đời sống của đồng bào Khmer. Qua đó, du khách hiểu được giá trị văn hóa được gửi gắm qua từng tác phẩm điêu khắc.

Tại các chùa Khmer còn lưu giữ các bộ kinh lá buông di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là loại thư tịch cổ quý hiếm khắc chữ Khmer cổ hay tiếng Pali trên lá buông từ thế kỷ 19. Kinh viết trên lá buông thể hiện những giá trị về kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật cao của nghệ nhân Khmer, từ việc chọn lá, cách phơi lá, cách chế biến và sử dụng bột đen làm nổi bật các con chữ. Đây là những giá trị văn hóa phi vật thể, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào Khmer. Hiện nay, loại kinh này còn được lưu giữ tại  các chùa Khmer ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, với trên 100 bộ Kinh Phật và năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa XvayTon là ngôi chùa lưu giữ nhiều nhất về sách kinh viết trên lá buông có tại Việt Nam.

Chùa Khmer là nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo và các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc như nhạc ngũ âm, múa hát dì kê, múa lâm vong, lâm thôl... là các bộ môn nghệ thuật dân gian độc đáo không thể thiếu của đồng bào và tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng của người Khmer; đây là các loại nghệ thuật có rất nhiều tiềm năng để phát triển thành những điểm đến hấp dẫn cao đối với du khách. Đây chính là những điều kiện rất thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng.

Bên cạnh các ngôi chùa Phật giáo Nam tông, những lễ hội cũng được xem là những nét văn hóa đặc trưng của người Khmer có thể khai thác vào hoạt động du lịch. Lễ hội truyền thống và tôn giáo của người Khmer rất phong phú như: lễ Chol ChnamThmay, lễ Sene Dolta, lễ Ok Om Bok... Nhìn chung, lễ hội của người Khmer có nhiều nét văn hóa đặc sắc, là tiềm năng to lớn để khai thác du lịch cộng đồng. Đây có thể xem là những điểm nhấn quan trọng cho các tour du lịch văn hóa ở An Giang. Trong đó nổi bật nhất về tiềm năng du lịch là lễ Hội Đua bò Bảy Núi được tổ chức vào dịp lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer (từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch hàng năm) được tổ chức luân phiên tại chùa Tà Miệt (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) và chùa Thom Mít (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên). Hiện nay, huyện Tri Tôn đã đầu tư xây dựng để tổ chức lễ hội ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn. Đây là lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nó trở thành một sản phẩm du lịch lễ hội, thể thao “độc nhất vô nhị” của địa phương, thu hút hàng vạn du khách đến theo dõi và cổ vũ.

Tri Tôn là một trong những địa phương có nhiều món ăn đặc sắc và hấp dẫn của người dân tộc Khmer thu hút nhiều du khách từ các nơi trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh tham quan chùa, du khách có thể thưởng thức các món ẩm thực của đồng bào Khmer như cháo bò (vắt trái chúc), gà hấp lá chúc, gà đốt, bò xiên nướng, ếch xiên nướng, đu đủ đâm... những món ăn này có hương vị đậm đà, đặc trưng riêng, tạo nên hương vị độc đáo, hấp dẫn nhiều du khách và góp phần không nhỏ vào việc thu hút khách du lịch đến với Tri Tôn.

Bên cạnh đó, Tri Tôn còn có 11 di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 07 di tích được công nhận là di tích lịch sử (Đồi Tức Dụp, Ô Tà Sóc ...) và có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, có nhiều hồ nước trong xanh, mát lạnh như hồ Xoài So (Suối Vàng), hồ Tà Pạ, hồ Xoài Chés, hồ Ô Thum, ... kết hợp với văn hóa tôn giáo tâm linh tạo nên một bức tranh huyền bí. Đây được xem là một trong những lợi thế, điểm nhấn quan trọng giúp Tri Tôn khai thác và phát triển du lịch. Vì vậy, trong thời gian tới với những tiềm năng, lợi thế của mình, Tri Tôn cần đẩy mạnh đầu tư khai thác và phát triển các hoạt động du lịch trên địa bàn với những giải pháp cụ thể như:

Trước hết, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer về tiềm năng lợi thế về du lịch của địa phương và nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân với việc phát triển du lịch của huyện. Từ đó, có những hành động thiết thực từ việc giữ gìn vệ sinh môi trường tạo cảnh quan xanh sạch đẹp và hình thành văn hóa ứng xử thân thiện, cởi mở...

Thứ hai, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer như lễ hội Đua bò bảy núi, các ngày lễ tết truyền thống…

Thứ ba, xây dựng các sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương như kiến trúc chùa, lễ hội, văn hóa ẩm thực của đồng bào Khmer. Có thể đầu tư các món ăn đặc sản thành sản phẩm thương hiệu đặc thù riêng có của Tri Tôn, để tạo được sức hút du khách đến với Tri Tôn. Nhưng phải đảm bảo cung cấp dịch vụ trải nghiệm ẩm thực trong điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sạch sẽ và đúng quy trình chế biến truyền thống. Kiến trúc chùa để thu hút du khách, phải đầu tư, tôn tạo một số hạng mục thiết yếu đảm bảo an toàn cho du khách như an ninh, điện nước, nhà vệ sinh ...

Thứ tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí với qui mô lớn, hiện đại để tăng cường liên kết, phát triển các tuyến điểm du lịch, tiến tới đẩy mạnh hợp tác, liên kết với một số địa phương khác như Châu Đốc, Tịnh Biên, Hà Tiên, Rạch Giá của Kiên Giang, đặc biệt có tour sang Campuchia...để hình thành hệ thống tour du lịch hấp dẫn thu hút du khách./.

 

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo: tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của UBND thị trấn Tri Tôn

2. Huyện ủy và UBND huyện Tri Tôn, Hội thảo khoa học "Vùng đất Tri Tôn 180 năm hình thành và phát triển (1839 -2019)", Hội KHLS tỉnh An Giang, 2019

Nguyễn Thị Hồng - Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

các tin khác