07:55 20/02/2020
Với thành công trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh thể hiện là một nhà lý luận vô song về cách mạng giải phóng dân tộc, và đã có những đóng góp to lớn vào việc phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin bằng những luận điểm mới rất quan trọng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Đồng chí Lê Duẩn đã viết trong Điếu văn đưa tiễn Người (1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác… Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta. Trong Diễn văn Kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh của Người, Đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết, Hồ Chí Minh bao giờ cũng khái quát lý luận từ trong thực tiễn. Do đó, Người không chỉ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin một cách thiết thực.
Trong Đại hội VII (1991), Đảng ta đã khẳng định:"Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta"; Văn kiện Đại hội IX (2001) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta...".
Hồ Chí Minh tiếp thu lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, không những không rập khuôn, mà còn bổ sung, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trong đó, Người phát triển lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lênin với những nhận thức mới đầy sáng tạo và độc đáo so với lý luận của các nhà kinh điển đã đề cập trong thời đại chủ nghĩa đế quốc trở thành hệ thống thế giới.
Khi C.Mác và Ph.Ăngghen viết Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1848) và kể cả một số tác phẩm sau này, thì cơ bản xã hội Tây Âu vẫn trong thời kỳ của chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh và đến giữa thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản mới chuyển sang chủ nghĩa đế quốc. Khi chủ nghĩa tư bản phát triển cao, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản trở nên kịch liệt, Mác và Ăngghen cho rằng chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức. Hoặc một dân tộc đi áp bức dân tộc khác, dân tộc đó không có tự do. Khi giai cấp vô sản ở chính quốc giành được chính quyền thì đương nhiên các dân tộc thuộc địa sẽ được giải phóng. Như vậy, thời đại C.Mác và Ph.Ăngghen, cơ bản nghiên cứu và giải quyết vấn đề cách mạng ở các nước tư bản phát triển, vấn đề thuộc địa và đấu tranh giành độc lập ở thuộc địa chưa trở thành vấn đề lớn của thế giới, chưa thu hút sự quan tâm của nhân loại. Trung tâm cách mạng thế giới được coi là ở châu Âu. Và vận mệnh loài người vẫn được coi là phụ thuộc vào cách mạng vô sản châu Âu. Mặt khác, Mác và Ăngghen đang thiếu những cơ sở lịch sử thuộc địa và phương Đông. Vì thế, khi Mác và Ăngghen xây dựng lý luận cách mạng chủ yếu giải quyết đối kháng giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, chứ không phải là vấn đề dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thuộc địa.
Bước sang thế kỷ XX, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ và Lênin đã có những tác phẩm lớn viết về chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, về quyền dân tộc tự quyết và mối quan hệ chặt chẽ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản. Lênin, đánh giá cao vai trò của cách mạng thuộc địa, coi nó là một bộ phận của cách mạng vô sản.
Song, cả Mác, Ăngghen và Lênin đều đứng trên lập trường quan điểm của những người cộng sản sống ở chính quốc để tìm và lý giải về vấn đề thuộc địa, chưa có điều kiện đi sâu vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Vì thế, Mác, Ăngghen, Lênin và Quốc tế Cộng sản vẫn xem thắng lợi của cách mạng thuộc địa phải phụ thuộc vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở Châu Âu.
Hồ Chí Minh đã bổ sung cho lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, bằng cái nhìn từ phía dân tộc bị áp bức, từ thực tiễn Việt Nam luận giải và đưa ra những tư tưởng mới có giá trị phương pháp luận trong việc giải quyết mối quan hệ giữa Cách mạng vô sản chính quốc và cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Hồ Chí Minh, đã phát hiện và phơi bày bản chất của chủ nghĩa đế quốc như "con đĩa hai vòi", một vòi ở chính quốc và một vòi ở thuộc địa. Người chỉ rõ sự quan trọng của cách mạng thuộc địa trong việc chặt đứt một cái vòi của nó, làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc, có lợi cho cách mạng vô sản ở chính quốc. Hồ Chí Minh còn khẳng định, tất cả sinh lực của chủ nghĩa đế quốc đều lấy ở các nước thuộc địa;sức sống và nọc độc của chủ nghĩa đế quốc tập trung ở các nước thuộc địa hơn là ở chính quốc. Sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, ách áp bức dân tộc tạo nên mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc; khâu yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc thể hiện rõ ở các thuộc địa. Do nhận thức được thuộc địa là một khâu yếu trong hệ thống của chủ nghĩa đế quốc trong khi tiềm năng cách mạng của thuộc địa lại rất to lớn, từ đó Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà khi có thời cơ, có thể chủ động giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc, đồng thời có khả năng giúp đỡ cách mạng chính quốc trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn. Người khẳng định, cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản ở "chính quốc" như "hai cánh của một con chim". Luận điểm này trái ngược với quan điểm của nhiều người cộng sản đương thời cho rằng các dân tộc thuộc địa chỉ có thể giành được thắng lợi sau khi cách mạng vô sản ở chính quốc thắng lợi, rằng cách mạng thuộc địa hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản.
Sự sáng tạo đặc sắc của Hồ Chí Minh là đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trước. Bởi vì, thực tiễn Việt Nam lúc bấy giờ mâu thuẫn dân tộc bao trùm các mâu thuẫn khác. Gương cao ngọn cờ dân tộc, thực hiện giải phóng dân tộc trước hết, trong đó bao hàm một phần giải phóng giai cấp. Nếu dân tộc không được giải phóng thì giai cấp, con người cũng không được giải phóng. Thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc không riêng cho một giai cấp, tầng lớp nào mà là cho toàn dân tộc. Vì thế, trong Hội nghị Trung ương (08/5/1941) dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh, Người chỉ ra rất rõ, trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Tuy nhiên, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, chống đế quốc dân tộc giải phóng trước hết để giành độc lập dân tộc không có nghĩa bỏ mất nhiệm vụ chống phong kiến chia ruộng đất cho dân cày, mà chỉ "bước một bước ngắn hơn để có sức mà bước một bước dài hơn". Trong giai đoạn lịch sử "nước sôi lửa bỏng" lúc bấy giờ, nhận thức nêu trên của Hồ Chí Minh là một sáng tạo độc đáo, thể hiện sự can đảm, bản lĩnh vững vàng. Đó là cội nguồn sâu xa dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945) là minh chứng hùng hồn cho trí tuệ sáng suốt, kiên định, bản lĩnh vững vàng và tính đúng đắn của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển sáng tạo lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Đồng thời, đã góp phần vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Hồ Chí Minh, là người đem chủ nghĩa Mác - Lênin đến với dân tộc Việt Nam, nhưng không bê nguyên si mà sự độc đáo và sáng tạo của Hồ Chí Minh là biết chuyển hóa chủ nghĩa Mác - Lênin thành tiếng nói của dân tộc Việt Nam./.
Tài liệu tham khảo
1. Một số vấn đề về công tác lý luận tư tưởng và văn hóa, GS. Nguyễn Đức Bình, Nxb CTQG, HN, 2001
2. Bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh, PGS,TS Bùi Đình Phong, Nxb LLCT, HN, 2014
3. Sự tương đồng và khác biệt về quan điểm cách mạng Việt Nam giữa Hồ Chí Minh với Quốc Tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Đông Dương những năm 1930 - 1941, PGS,TS Nguyễn Khánh Bật, Nxb CTQG, HN, 2010
Nguyễn Thị Hồng - Khoa Lý luận cơ sở