Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của thế hệ trẻ

02:11 09/09/2019

 Không chỉ là lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thầy vĩ đại, một nhân cách lớn. Từ ngôi trường nhỏ Dục Thanh (Phan Thiết) đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nghề giáo một cách hết sức tự nhiên, đào luyện ra những bậc khai quốc công thần, suốt đời tận tuỵ, phấn đấu hi sinh cho dân cho nước. Tư tưởng của Người vẫn rọi sáng soi đường cho sự nghiệp giáo dục nước nhà hôm nay và mãi mãi mai sau. Tinh thần tự học, tự rèn luyện là phẩm chất sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng của người. Người tự học trong thực tế đời sống, học khắp năm châu, bốn biển, học từ thực tiễn đấu tranh cách mạng. Tất cả những điều đó hội tụ, kết tinh làm nên Hồ Chí Minh để rồi chính Người làm rạng rỡ cho nhân dân ta, cho đất nước ta và toả sáng nhân loại.

Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay ra đời và lớn lên trong một đất nước giàu truyền thống cách mạng và được sống trong khung cảnh hòa bình. Chúng ta sung sướng và tự hào được hưởng hạnh phúc to lớn mà trong hàng nghìn năm lịch sử ông cha ta không có được, đó là: Độc lập - tự do và xây dựng đất nước quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chính Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu là người mang lại cho chúng ta nguồn hạnh phúc ấy. Bác đã đem hết tâm sức dìu dắt dân tộc ta đấu tranh giành quyền sống, quyền tự do cho mình. Đặc biệt Người luôn quan tâm sâu sắc đến việc giáo dục lứa tuổi thanh niên. Trong lớp thanh niên chúng ta không ai không thấm sâu hình ảnh Bác Hồ, không ghi lòng tạc dạ những lời dạy bảo ân cần của Người. Hình ảnh Người đã trở thành ngọn đuốc soi sáng con đường của thanh niên: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” không chỉ là khẩu hiệu mà còn là phương châm sống, hành động của chúng ta, đó là tâm niệm sâu sắc của thanh niên hiện nay.

Tuổi trẻ của Bác đã chứng kiến các phong trào yêu nước những năm đầu thế kỷ XX phát triển mạnh mẽ như: phong trào Đông Du, phong trào Đông Kinh nghĩa thục, Duy Tân, phong trào chống thuế ở Trung kỳ… qua những phong trào đó, Bác đã nhận thấy rõ sức mạnh to lớn về mọi mặt của thế hệ thanh niên trong quá trình đấu tranh giành độc lập. Đặc biệt, vào những năm 1920 trên diễn đàn Hội nghị Tua (Pháp), Bác đã lên tiếng phản đối chế độ thực dân gây ra những tội ác tày trời đối với nhân dân và thanh niên ta thông qua bức thư Gửi Thanh niên Việt Nam (1925), các tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) hay Đường cách mệnh (1927)…, Bác căm phẫn lên án chế độ thực dân đầu độc, nô dịch, bóc lột dân bản xứ trong đó có thanh niên. Người khẳng định, muốn thức tỉnh dân tộc phải thức tỉnh thanh niên, vì thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc.

Nhận định thanh niên là một trong những lực lượng nòng cốt, nên ngay từ những năm đầu về nước hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (tháng 6/1925), chuẩn bị những hạt giống đỏ, ươm mầm cho sự trưởng thành, lớn mạnh của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong cuộc 2 cuộc kháng chiến Bác luôn luôn theo dõi chặt chẽ và chỉ dẫn thanh niên tham gia phong trào kháng chiến. Đặt niềm tin vào sức mạnh của thanh niên, Bác coi thanh niên là người thân trong gia đình mình, sự mất mát của thanh niên cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc là nỗi đau trong cơ thể Bác. Tháng 1 năm 1947, khi nhận được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng (Giám đốc y tế Bắc Bộ) đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, Bác đã gửi thư chia buồn, trong thư Bác viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột… Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn sống với non sông Việt Nam”.

Coi sự lớn mạnh của tuổi trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, là sự trường tồn phát triển của xã hội. Bác luôn dày công chăm lo giáo dục thanh niên trở thành những con người mới của xã hội, chuẩn bị những tiền đề vững vàng để thanh niên sẵn sàng đón nhận sứ mệnh làm chủ nước nhà. Ngày 13-9-1958, nói chuyện tại lớp Chính trị do Bộ Giáo dục tổ chức Người đã nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Bác không chỉ dạy thanh niên lao động sao cho giỏi, mà còn dạy thanh niên học tập sao cho đúng. Người là một tấm gương say mê học hỏi không mệt mỏi. Đối với người, sự hiểu biết không dừng ở mức độ nào cả. Cho nên khi hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người đã chăm chỉ học ngoại ngữ, đã nói, viết thành thạo nhiều thứ tiếng. Nhà trường của Bác ở khắp mọi nơi: Trong lớp học, trong phòng làm việc, trên đường đi công tác, có khi ở cả trong bếp. Đối với Người, học ở trong sách chưa đủ, mà còn phải học ở bạn bè, học từ Nhân dân... học có phương pháp, có hiệu quả. Có thể nói Người là một tấm gương sáng thể hiện tinh thần của Lênin “Học, học nữa, học mãi”. Qua việc học tập của Bác, chúng ta rút ra một điều rằng: Không chỉ có vào đại học mới có điều kiện học tập, trái lại ở bất kỳ nơi đâu chúng ta vẫn có thể học tập tốt, sáng tạo trong học tập và quan trọng hơn là quyết tâm trong học tập. Tấm gương của Người nhắc chúng ta, lớp lớp thanh niên không được thỏa mãn với thành tích mình đạt được, phải coi vốn kiến thức của mình chỉ là một phần nhỏ bé vô cùng so với kiến thức của loài người. Do đó, càng phải hăng say học tập hơn nữa: “Sống, chiến đấu, lao động, học tập” là bốn mặt của cuộc sống liên quan mật thiết với nhau, không thể thiếu một mặt nào.                                   

Lớp lớp thanh niên chúng ta tự hào về đất nước có những thiên tài văn học như: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương; thiên tài chính trị, quân sự như: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ; những thiên tài khoa học như: Lê Quý Đôn, Hải thượng Lãn ông - Lê Hữu Trác. Chúng ta càng tự hào trong thời đại ngày nay có Bác Hồ kính yêu, để chúng ta có cơ hội được “sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”. Càng tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của Bác dường như chúng ta, nhất là thế hệ thanh niên như tìm thấy được vốn quý nhất của cuộc sống, lý tưởng cách mạng, tinh thần lao động, học tập, lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, và Bác chính là người thầy vĩ đại nhất của thanh niên chúng ta ngày nay./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Hồ Chí minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

(2) Hồ Chí minh: Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

(3) Hồ Chí minh: Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

(4) Hồ Chí minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

             (5) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

Trần Kim Hoàng - Khoa Nhà nước và Pháp luật

các tin khác