Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Suy nghĩ về giảng dạy và học tập trực tuyến ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

08:38 02/12/2021

ThS. Lê Thị Thu Hồng

Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

Thực hiện công văn số 494-CV/HVCTQG ngày 13/5/2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về “Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các trường chính trị cấp tỉnh”. Đồng thời, để thực hiện“mục tiêu kép” đảm bảo chương trình, kế hoạch đào tạo đã đề ra và chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, ngày 08/6/2021 được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy An Giang về việc tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo trực tuyến, Ban giám hiệu và tập thể giảng viên của nhà trường đã tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để hoạt động giảng dạy trực tuyến được chính thức triển khai. Ban Giám hiệu đã chỉ đạo phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học xây dựng kế hoạch và ban hành Quy định, quy chế về giảng dạy – học tập; phòng Tổ chức, Hành chính, Thông tin, Tư liệu rà soát, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cấp hệ thống đường truyền có chất lượng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho giảng viên tham gia giảng dạy, học tập trực tuyến; đối với các khoa chuyên môn yêu cầu giảng viên rà soát, bổ sung hoàn thiện giáo án điện tử đảm bảo yêu cầu cho các giờ lên lớp theo hình thức trực tuyến.

Qua hơn ba tháng thực hiện hình thức trực tuyến đối với các hệ lớp do trường tổ chức, bản thân nhận thấy có rất nhiều ưu điểm đối với quá trình giảng dạy của giảng viên và học tập của học viên:

Thứ nhất, quá trình giảng dạy của giảng viên sẽ không bị hạn chế về thời gian và địa điểm, giảng viên có thể truyền thụ kiến thức tới các học viên mọi lúc mọi nơi, tại nhiều thời gian khác nhau và nhiều địa điểm khác nhau.

Thứ hai, tạo điều kiện để học viên có thể tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với giảng viên về các vấn đề xung quanh nội dung chuyên đề mà giảng viên giảng dạy. Điều này cũng phần nào khắc phục được tâm lý ngại trao đổi trực tiếp trên lớp, trước nhiều học viên khác ở trong lớp.

Thứ ba, tạo điều kiện để các học viên có thể trao đổi tài liệu, thảo luận ý kiến dễ hơn, nhanh hơn, trực tiếp hơn với các học viên khác trong lớp học. Việc tìm các tài liệu các thông tin phục vụ cho quá trình nghiên cứu, học tập của các học viên cũng dễ dàng và thuận tiện hơn.

Thứ tư, giảm thiểu chi phí đi lại, tiết kiệm được thời gian và không gian học tập, đảm bảo an toàn về sức khỏe cho giảng viên và học viên trong giãn cách xã hội và công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thứ năm, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường vẫn được duy trì, không ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã được phê duyệt. Đặc biệt, học viên không phải gián đoạn việc học, không kéo dài thời gian khóa học so với quy định. Nhà trường vẫn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong thời gian giãn cách xã hội.

Một buổi học của học viên lớp TCLLCT – HC B158

Bên cạnh những điểm tích cực đó, việc đào tạo trực tuyến trong quá trình giảng dạy của các hệ đào tạo tại trường chính trị Tôn Đức Thắng cũng có những vấn đề cần phải giải quyết như sau:

- Khó khăn từ cơ sở vật chất. Việc đào tạo trực tuyến đòi hỏi phải có hạ tầng công nghệ thông tin đủ mạnh, có đường truyền cáp quang, xây dựng Website nhà trường, nếu không tận dụng hết khả năng của Web sẽ gây ra nhiều lãng phí.

- Đối với giảng viên, để soạn bài giảng trực tuyến có chất lượng đòi hỏi tốn rất nhiều công sức của giảng viên không chỉ về mặt chuyên môn mà còn cả khả năng sử dụng công nghệ thông tin. Nhiều giảng viên giỏi về chuyên môn và năng lực sư phạm, song việc sử dụng phần công nghệ (ghi hình, thu âm, phần mềm) còn hạn chế nên chưa phát huy được mặt tích cực của hình thức đào tạo này. Đó là còn chưa kể đến việc đánh giá, kiểm tra nội dung bài giảng trực tuyến sẽ rất khác với quy trình đánh giá các bài giảng truyền thống. Việc xây dựng một hệ thống quy trình đánh giá, xem xét, kiểm duyệt các bài giảng trực tuyến sẽ là một vấn đề rất phức tạp và khó khăn của nhà trường.

- Đối với học viên, học tập theo hình thức đào tạo trực tuyến đòi hỏi người học phải có tinh thần tự học, và tự nghiên cứu rất cao. Song, hiện nay đối tượng học viên của Trường đa số thuộc hệ đào tạo vừa làm vừa học (lớp B), kể cả các lớp hệ tập trung (lớp A) vẫn phải giải quyết công việc trong quá trình học tập (theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị của họ). Vậy nên, học viên rất dễ bị ảnh hưởng bởi các công việc mà họ đang phải thực hiện. Hơn nữa, muốn tham gia vào hình thức này, cũng cần có sự đầu tư rất lớn về điều kiện cơ sở vật chất cả về phần mềm và phần cứng của hệ thống công nghệ thông tin. Trong khi đó, không phải học viên nào cũng thông thạo việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin.

- Tương tác trực tiếp. Đối với hình thức đào tạo trực tiếp hiện nay của nhà trường, giảng viên và học viên có thể tương tác trực tiếp với nhau. Giảng viên có thể nắm bắt được tâm lý của học viên, để từ đó có thể có những điều chỉnh trong quá trình giảng dạy. Điều này là rất quan trọng đối với việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực. Tuy nhiên, trong hình thức đào tạo trực tuyến việc nắm bắt được tâm lý của học viên là rất khó. Điều này cũng sẽ gây ra nhiều vấn đề khó khăn cho giảng viên khi muốn thay đổi không khí lớp học, hoặc tạo bầu không khí gần gũi, thân thiện trong quá trình giảng dạy.

- Các vấn đề về sở hữu trí tuệ và an ninh mạng.

Khi áp dụng đào tạo trực tuyến, nhà trường sẽ cần có một hệ thống nguồn tài nguyên rất lớn để giảng viên giảng dạy và học viên học tập. Hệ thống tài nguyên này bao gồm hệ thống các bài giảng trực tuyến, hệ thống tài liệu học tập, hệ thống đề thi, hệ thống dữ liệu học viên… các nguồn tài nguyên này rất cần sự đảm bảo về mặt sở hữu trí tuệ và cần một hệ thống an ninh mạng đủ mạnh để tránh bị đánh cắp hoặc sử dụng sai mục đích. Song trên thực tế, để đảm bảo các vấn đề về sở hữu trí tuệ và an ninh mạng đối với hệ thống tài nguyên đào tạo trực tuyến nhà trường lại phải phụ thuộc rất nhiều vào các cơ quan, đơn vị liên quan khác.

Có thể nói, trong tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp như hiện nay, vừa đảm bảo tiến độ đào tạo của Trường vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, thì trực tuyến được xem là hình thức đào tạo phù hợp nhất. Tuy nhiên,  trong tương lai, để hình thức này có thể phát huy tối đa hiệu quả của nó, nhà trường cần quan tâm thực hiện các giải pháp cụ thể như: tăng cường tập huấn về phương pháp, kỹ năng, sử dụng xây dựng bài giảng trực tuyến; hướng dẫn phương pháp tự học, học tập và trao đổi qua mạng cho học viên; xây dựng quy trình đánh giá và kiểm soát bài giảng trực tuyến; thực hiện việc đăng ký bản quyền đối với hệ thống tài liệu học tập và giảng dạy trực tuyến; xây dựng hệ thống an ninh mạng để ngăn chặn sự xâm nhập trái phép đối với nguồn dữ liệu đào tạo trực tuyến của nhà trường…

Như vậy, việc đào tạo với hình thức trực tuyến trong giảng dạy các hệ đào tạo tại trường chính trị Tôn Đức Thắng tuy có nhiều ưu điểm, song cũng có nhiều hạn chế. Và như đã nói ở trên, đào tạo trực tuyến cũng không phải là một giải pháp hoàn hảo và cũng không thể thay thế hoàn toàn phương pháp học truyền thống hiện nay mà nó chỉ nên được xem là một hình thức đào tạo để kết hợp với các hình thức đào tạo hiện nay của nhà trường. Việc nghiên cứu và thực hiện các giải pháp như trên sẽ góp phần vào việc nâng cao hiệu quả đào tạo tại trường trong thời gian tới./.

Tài liệu tham khảo

1. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, công văn số 494-CV/HVCTQG ngày 13/5/2021 về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các trường chính trị cấp tỉnh.

2. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, công văn số 1000-CV/HVCTQG ngày 8/9/2021 về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đào tạo trung cấp lý luận chính trị theo hình thức trực tuyến.

3. Thủ tướng Chính phủ (2021), Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.

các tin khác