09:32 25/02/2022
Việc nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ đảng viên là một trong những nội dung không thể thiếu trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Việc đó phải được đề cao thực hiện ngay từ nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị của Đảng ở cơ sở - tổ chức cơ sở Đảng- chi bộ, đảng bộ cơ sở.
ThS. Đỗ Thanh Nhàn
Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật
Từ khi đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo Nhân dân ta đoàn kết đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn thử thách, xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, ổn định về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội mang lại hạnh phúc ấm no cho Nhân dân và khẳng định uy tín, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Song, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Còn chủ nghĩa đế quốc, còn giai cấp bóc lột là còn bọn phá hoại” nên trong thực tế cách mạng nước ta các thế lực thù địch luôn không ngừng tìm cách chống phá sự lãnh đạo của Đảng với nhiều âm mưu, phương thức, thủ đoạn ngày càng nham hiểm nhằm cản trở sự phát triển vững mạnh của Đảng, làm suy yếu Đảng để xóa bỏ, tiêu diệt Đảng. Lê nin từng viết: “Đảng không thể tồn tại, nếu nó không bảo vệ sự tồn tại của nó, nếu nó không kiên quyết đấu tranh chống những kẻ thủ tiêu nó, hủy bỏ nó, không thừa nhận nó, từ bỏ nó”. Tuy nhiên, nếu chỉ kiên quyết đấu tranh thôi chưa đủ mà còn đòi hỏi phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi khi nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng sẽ giúp chúng ta chủ động trang bị đủ vũ khí lý luận và thực tiễn, kịp thời, chủ động trong nhận thức và hành động nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và kiên quyết đấu tranh với những luận điệu, những âm mưu, thủ đoạn xấu độc của các thế lực thù địch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Địch không phải tài tình gì đâu. Nó phá hoại được vì ta sơ hở, chủ quan”. Cùng với thực tiễn đã xảy ra việc mất cảnh giác cách mạng dẫn đến sự tan rã, mất vai trò lãnh đạo của các đảng cộng sản cầm quyền ở Liên Xô và các nước Đông Âu cho chúng ta bài học kinh nghiệm xương máu đòi hỏi phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trong công tác bảo vệ Đảng. Tinh thần cảnh giác cách mạng là sự chú ý thường xuyên để kịp thời phát hiện những âm mưu và hành động của các thế lực thù địch.
Các thế lực thù địch luôn tìm cách tìm ra và khai thác triệt để mọi sự chủ quan, sơ hở, thiếu cảnh giác cách mạng của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên để thực hiện âm mưu của chúng. Cùng với "diễn biến hòa bình" của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta, các nguy cơ được Đảng ta chỉ ra từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) đến nay vẫn tồn tại. Đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, diễn biến phức tạp…, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, làm giảm sút lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Các nguy cơ này không chỉ ngăn cản sự phát triển của Đảng, mà còn là các yếu tố mà địch ra sức lợi dụng để phá hoại Đảng từ bên trong.
Rất nhiều nghị quyết, quy định của Đảng được ban hành vừa thể hiện tinh thần cảnh giác cách mạng cao của Đảng vừa khẳng định vai trò quan trọng của việc nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trong công tác tư tưởng, công tác xây dựng và bảo vệ Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (ban hành ngày 22/10/2018) đã khẳng định việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, trong đó có tổ chức cơ sở đảng.
Tổ chức cơ sở Đảng là nơi trực tiếp đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được hiện thực hóa cũng là nơi trực tiếp đối mặt với mọi diễn biến phức tạp của cuộc sống. Tổ chức cơ sở Đảng là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, một mắt xích quan trọng duy trì và nâng cao sự gắn kết chặt chẽ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, tổ chức cho Nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân với Đảng. Tổ chức cơ sở Đảng trực tiếp lãnh đạo và xử lý những vấn đề nảy sinh tại cơ sở. Thêm vào đó, sự hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đang ngày càng hướng sâu vào cơ sở. Nhất là trong điều kiện công nghệ thông tin bùng nổ và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các thế lực thù địch tận dụng các phương tiện thông tin hiện đại bằng cách lập những trang mạng xã hội, có bộ máy chuyên nghiệp rỉ rả tuyên truyền xuyên tạc, chống phá ta dưới nhiều hình thức suốt đêm ngày để lừa bịp nhân dân theo phương châm “nói nhiều rồi sẽ tin”, “mưa dầm thấm lâu”. Trong đó, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, dân quyền, nghèo đói... được các thế lực thù địch lợi dụng triệt để nhằm gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước...
Giải quyết, xử lý những vấn đề này không ai khác chính là tổ chức cơ sở Đảng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp. Cuộc đấu tranh với sự chống phá của các thế lực thù địch là quá trình liên tục và lâu dài, để chi bộ, đảng bộ cơ sở thực sự thực sự vững mạng, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong cuộc đấu tranh đó đòi hỏi mỗi một cán bộ, đảng viên đều phải là những chiến sỹ cách mạng tiên phong với tinh thần cảnh giác cách mạng cao.
Tổ chức cơ sở Đảng có vai trò là cấp tổ chức sâu rộng nhất, là nền tảng của Đảng đồng thời là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở đảm bảo mọi hoạt động đúng định hướng của Đảng. Trong thực hiện công tác tư tưởng nói chung và nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở chi bộ, đảng bộ cơ sở hiện nay cần đảm bảo các yêu cầu sau:
Thứ nhất, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, thường xuyên và thực hiện nghiêm các quy định, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy đảng các cấp đối với mọi hoạt động của chi bộ, đảng bộ cơ sở. Xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” trong sinh hoạt Đảng. Tiến hành công tác tư tưởng và nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ đảng viên và Nhân dân thông qua các cuộc sinh hoạt đảng, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, cổ động để Nhân dân hiểu rõ và thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Phát huy vài trò làm chủ và quyền giám sát của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở cơ sở.
Thứ ba, nâng cao chất lượng và hiệu quả các cuộc sinh hoạt đảng theo quy định. Thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả Chỉ thị 05 về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết 04 khóa XI, XII của Ban Chấp hành trung ương về xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực các nhiệm vụ chính trị của người cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng trong sinh hoạt nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình để kịp thời uốn nắn những lệch lạc, những sai lầm trong đạo đức, lối sống, trong thực hiện nhiệm vụ... của người cán bộ, đảng viên... Đặc biệt trú trọng chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chi bộ khóm, thôn, bản, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, thường xuyên của Đảng ở cơ sở. Bảo đảm thực chất trong công tác đánh giá, xếp loại đảng viên. Tích cực phát hiện, bồi dưỡng phát triển đảng, phát huy vai trò những đảng viên ưu tú đi đôi với sàng lọc, loại bỏ những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, cơ hội, tham nhũng, "lợi ích nhóm", quan liêu, yếu về năng lực, trình độ, suy giảm uy tín trong Nhân dân.
Thứ tư, nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, thực hiện nói đi đôi với làm, nói và làm đúng đường lối, chính sách, pháp luật. Mỗi cán bộ đảng viên phải tự hoàn thiện rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao hơn nữa về lý luận Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối chính sách của Đảng và tinh thần cảnh giác cách mạng. Từ đó là cảnh giác trước mọi cám dỗ, tỉnh táo trước những thủ đoạn của các thế lực thù địch, làm chủ trước sự phát triển của thực tiễn cách mạng và chủ động, kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ Đảng.
Thứ năm, cấp ủy, cán bộ, đảng viên ở cơ sở cần khai thác và sử dụng hiệu quả các kênh, phương tiện thông tin để giáo dục tư tưởng, chính trị, định hướng thông tin, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Mỗi cán bộ đảng viên phải luôn là nhân tố tích cực, phát huy vai trò tiền phong giữ gìn kỷ luật phát ngôn, mọi ý kiến đều phải trên cơ sở giải quyết hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, thẳng thắn đấu tranh với các ý kiến, quan điểm sai trái, các thông tin xấu độc, các hành vi phi đạo đức, phản đạo đức... khi tham gia các mạng xã hội… góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.259
3. V.I.Lê nin: toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 2980, t.23, tr.84.
4. Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tr.260.